Nhân vật vua trong truyện thơ Nôm!

05:08 08/11/2024

Thế giới truyện Nôm là thế giới của sự xung đột thiện ác, tốt xấu để bật ra bài học đạo lý làm người. Đây là một trong những lý do chính để nhân dân ta ưa thích, lấy đó làm phương thức, phương tiện giáo dục lưu truyền đã hàng ngàn năm.

Thời xưa, người nông dân khốn khổ bị đè nén, áp bức bởi ba thế lực, cường quyền (vua quan, cường hào, địa chủ); tục quyền (hủ tục, tập quán tiêu cực); thần quyền (thần linh, ma quỷ). Trong đó cường quyền là kẻ trực tiếp gây ra những bất hạnh, khổ sở cho con người, nên bị ghét nhất, mà vua là tiêu biểu. Nhưng bên cạnh những tên vua xấu, ác độc, bất nghĩa, bất nhân đáng cười, đáng lên án vẫn có những ông vua tốt mà ý nghĩa của nó vượt ra khỏi hình tượng để vươn tới một tầm cao nhân văn khác.

Nhân vật vua và Tấm trong truyện “Cái Tấm, cái Cám”.

Với dân gian, tiếng cười luôn không bao giờ biết sợ, nó nhằm vào mọi thứ và mọi người. Nhà vua là kẻ trên ngai vàng cao nhất cũng bị hạ xuống để suồng sã, cười cợt. Một ông vua Trang vương (“Phạm Tải - Ngọc Hoa”) có hàng trăm cung tần mỹ nữ mà vẫn “đắm đuối” nhan sắc Ngọc Hoa, tìm mọi thủ đoạn để có người đẹp. Trước sự cứng rắn khôn khéo, kiên quyết của nàng: “Ba trăm mỹ nữ hiếm gì/ Mà lại bắt ép nữ nhi có chồng/ Lấy uy mà ở hiếp lòng/ Thời tôi tự vẫn cam lòng bội phu”, vẫn không từ bỏ ý định, độc ác hơn, hắn giết Phạm Tải để ép Ngọc Hoa “chung chăn gối”…

Sau này khi bị Diêm vương vạch tội đưa đến vạc dầu xử tội chết, Trang vương “biện luận”: “Sắc tuy chẳng có phong ba/ Làm sao mà đuối người ta bây giờ”. Đây lại là niềm tự hào của người nông dân: chúng tôi tuy phận nghèo, thấp cổ bé họng nhưng cũng có những “tuyệt sắc giai nhân” để vua quan các người thèm khát!

Một tên vua độc ác trong truyện “Hoàng Trừu” giết chồng người hãm hiếp vợ người: “Vua nay mắt phượng mày ngài/ Hiếp người con gái có chồng làm chi?/ Giết chồng hãm vợ ra gì/ Làm vua bất chính hết bề trị dân!”. Đây không chỉ là lời của dân gian nói về một tên vua cụ thể mà nói chung với tất cả lũ vua quan gian ác rằng: kẻ bất chính thì không thể trị dân. Vì dân luôn chính nghĩa. Đây không hề là triết lý hay khẩu hiệu mà là sự thật từ trong bản chất. Ở trong văn cảnh này càng rõ, vua được miêu tả trong thế đối lập giữa hình thức (mắt phượng mày ngài) của những gì tốt đẹp, sang trọng, quý phái với nội dung (giết chồng hãm vợ) độc ác, tàn bạo. Tác giả dân gian đã bình luận hành động này là “ra gì”, tức những chuyện chẳng ra gì, xấu xa. Mà như thế thì làm sao “trị dân”!

Không chỉ một vua độc ác mà có nhiều vua ở nhiều nước. Chàng Phạm Công (Phạm Công - Cúc Hoa) tài năng đỗ trạng liền bị vua ép gả công chúa. Chàng không chịu, vua tức giận đày sang nước Hung Nô. Ở đây chàng cũng đỗ trạng và lại bị vua ép lấy công chúa. Phải chăng dân gian muốn nói rằng trên đời này có nhiều kẻ ác lắm, ở đâu có vua là ở đấy có kẻ ác, mà có khi chính vua là kẻ ác nhất. Những kẻ đó hoàn toàn xa lạ với tình người ấm áp của dân gian.

Phạm Công từ chối làm phò mã vì chàng muốn thủy chung với vợ nhưng vua bỏ qua tình nghĩa vợ chồng thường tình của con người để đạt mục đích cá nhân riêng. Ngoại hình và tính cách của tên bạo chúa không có tính người, tình người hiện lên thật thống nhất: “Đức vua đỏ mặt hồng hồng/ Tháng ngày ép buộc đèo bòng thất gia”.

Ép không xong, ông ta hiện thân là một con quỷ: “Vua bèn nổi giận quát ngay/ Mắng rằng: Ta chịu thằng này hay chăng?/ Vội vàng thét mắng đùng đùng/ Truyền quân trị tội Phạm Công chớ chày/ Quân vâng hiệu lệnh chặt tay/ Khoét hai con mắt, rút mày, xé tai…”. Dưới cái nhìn dân gian có những kẻ ngồi trên ngai vàng nhưng lòng dạ lại là quỷ sứ. Nhưng có những người xuất thân hèn mọn, vất vưởng phận ăn mày lại có một tâm hồn vàng ròng của lòng trung nghĩa, tín nghĩa. Đấy chẳng phải là quan niệm rạch ròi, khinh ghét cái ác cái xấu; tự hào, yêu quý cái tốt, cái nghĩa, cái tình của những người bình dân đó sao?

Trong “Nhị Độ Mai” có lời bình luận mỉa mai đích đáng về nhân vật vua: “Thương thay trọng nghĩa mấy người/ Kẻ thì oan thác người nơi ngục hình/ Trách vua Đường ở bất minh/ Dung bên gian đảng mà khinh hiền tài”. Ở đây không chỉ nói đến một “vua Đường” mà là cả bọn, cả lũ “mấy người”, từ đời này sang đời khác, từ nơi này đến nơi khác đều “bất minh” cả.

Càng thấy tính chiến đấu trong truyện Nôm thật mạnh mẽ. Đó cũng là sức sống mãnh liệt của dân gian không chịu cầm tù bởi một ý thức hệ phong kiến lạc hậu, phản động nào đó. Một nét thi pháp miêu tả nhân vật phản diện trong truyện Nôm là hành động nhanh gọn, dứt khoát, luôn trong hoàn cảnh “vội vàng”. Để làm bật ra tính vô cảm, thiếu tính người, nhân vật vua Hung Nô trong “Phạm Công - Cúc Hoa” có hành động mang tính cơ giới: “Vua bèn nổi giận quát ngay” rồi “vội vàng thét mắng đùng đùng”…

Những ông vua tốt là những ai? Đó là một vua Thủy Tề tử tế, ân nghĩa. Truyện kể, Thạch Sanh giết chết đại bàng rồi đi mãi vào lòng hang, bắt gặp cái lồng nhốt một người. Chàng phá lồng cứu, được biết người đó là Thái tử con vua Thủy Tề. Thạch Sanh theo Thái tử xuống Thủy cung.

Đền ơn chàng, vua Thủy Tề biếu chàng vô số ngọc ngà châu báu nhưng Thạch Sanh chỉ xin một cây đàn thần. Nhà vua vui lòng ban tặng. Chi tiết này nói được hai ý nghĩa về vị vua đáng kính: biết ơn và trả ơn. Đồng ý tặng cây đàn thần tức nhà vua không chỉ rộng rãi, hào phóng mà còn là người hiểu nghệ thuật và trân trọng giá trị của nghệ thuật.

Hình minh họa vua Thủy Tề tặng đàn cho Thạch Sanh.

Là người chủ cây đàn thần, vua Thủy Tề tất nhiên hiểu sức mạnh, vai trò của nó nhưng vẫn tặng cho Thạch Sanh. Ngoài sự trân trọng, niềm tin vào Thạch Sanh, còn là một mong muốn dùng nghệ thuật chân chính để nhân lên bao điều tốt lành cho cuộc sống. Như vậy, vua Thủy Tề trở thành một biểu tượng cho khát vọng về một mỹ học nghệ thuật vì lẽ phải, giúp người tốt. Thì ra người yêu, hiểu nghệ thuật, dù trong môi trường nào cũng không thể là người xấu!?

Một ông vua tốt nữa, trên dương thế, cũng trong truyện “Thạch Sanh”. Truyện kể tiếp, nghe được tiếng đàn “tích tịch tình tang…” của Thạch Sanh, công chúa bỗng nói được. Tất nhiên nàng tâu sự tình với vua cha. Nhà vua truyền gọi cho Thạch Sanh đến. Rõ mọi chuyện, vua ra lệnh bắt giam mẹ con Lý Thông, cho chàng kết hôn cùng công chúa. Chi tiết này chỉ có trong cổ tích và ông vua này cũng “tốt” một cách “cổ tích”, tức là “không tưởng”.

Ở chỗ “ông” đã vượt qua mọi luật lệ nghiêm khắc của triều đình, vượt qua những tín điều, quan niệm hôn nhân “môn đăng hộ đối”… để gả con gái cành vàng lá ngọc cho một tiều phu “tứ cố vô thân”… Chỉ có một khát vọng “ở hiền gặp lành” mãnh liệt cùng khát vọng cháy bỏng về một chế độ xã hội bình đẳng, công bằng, dân gian mới sáng tạo ra được chi tiết ấy. Chưa đủ, còn là một khát vọng vĩnh viễn hạnh phúc: Về sau, do vua không có con trai, Thạch Sanh được phong làm vua và sống hạnh phúc mãi mãi cùng hoàng hậu!

Phải chăng truyện còn một ẩn ý này: để có một Thạch Sanh rạng rỡ, viên mãn vĩnh cửu bên công chúa thì phải có những ông vua như vậy. Thế là, dù có bị bóc lột, dân gian vẫn có tư tưởng, có thể còn “yếm thế”, “cải lương”, là mong muốn một sự cai trị công bằng, dân chủ (!?). Giả sử ông vua này “móc ngoặc”, lại lấy Lý Thông làm “sân sau”… thì Thạch Sanh “hết cửa”…!!!

Với “Cái Tấm, cái Cám” - một mô hình dân chủ lý tưởng nên nhân vật là sự bình đẳng triệt để: ai cũng như ai. Vua như dân, nên kén vợ từ dân chúng mà không cần quan tâm nguồn gốc, thân thế. Là vua nhưng đi nhặt cả chiếc hài rơi… Là vua nhưng để cho hoàng hậu trèo cau hái quả, tức chẳng giúp vợ tí tẹo nào… Dân lại như vua. Mẹ con Cám lại có thể giết hoàng hậu dễ dàng như chính chúng là “vua” vậy. Truyện có nhiều tiếng nói. Riêng vua, hầu như không nói. Có thể truyện muốn nêu ra cái ý nghĩa: muốn có dân chủ phải tạo ra một “môi trường dân chủ”, “vua” chỉ cần nghe, không nói. Còn là dân, thì ai cũng có thể nói, nhân vật Tấm nói nhiều nhất… Truyện đã kiến tạo một “môi trường dân chủ” thật sự bình đẳng, nhân văn.

Một thời chúng ta chỉ chú ý tới nhân vật ông vua xấu biểu trưng cho chế độ phong kiến tàn ác… Trong khi đó vẫn có những ông vua tốt đại diện cho khát vọng công lý, lẽ phải… Tức là sa vào phiến diện, xã hội học, nên đã bỏ qua những ý nghĩa cần được đào sâu, tìm hiểu. Như một viên ngọc được thời gian mài rũa, truyện Nôm ngày càng phát sáng…

Nguyễn Thanh Tú

Chiếc xe BMW X3 đời 2016 được đưa ra đấu giá cách đây hơn 3 năm với giá bèo nhưng chỉ có 2 hồ sơ tham gia. Người trúng đấu giá là một người thân quen của ông chủ công ty được lựa chọn đấu giá. Đến nay, chủ sở hữu chính thức của chiếc xe sang này không ai khác chính là chủ nhân của công ty đã tổ chức đấu giá.

Chiều 13/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với Huỳnh Nhật Phương (SN 1982, ngụ quận Bình Thạnh) về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Các quyết định và lệnh trên đã được Viện KSND thành phố phê chuẩn.

Mỹ sẽ chính thức mở một căn cứ phòng không mới ở miền Bắc Ba Lan, khi Warsaw muốn trấn an người dân rằng NATO đảm bảo an ninh cho họ trong bối cảnh lo lắng sau chiến thắng bầu cử Tổng thống của ông Donald Trump.

Giá vàng thế giới tiếp tục giảm đã kéo giá vàng trong nước giảm sâu, vàng nhẫn chính thức rơi xuống dưới 80 triệu đồng/lượng.

Trong vài năm gần đây, Việt Nam xuất hiện một trào lưu đặc biệt: mua bán và sưu tầm thiên thạch. Nhiều người cho rằng loại đá này mang lại may mắn, phong thủy tốt và thậm chí là sức khỏe. Tuy nhiên, thực hư về giá trị của những mẩu đá này lại là một vấn đề phức tạp, đặt ra nhiều dấu hỏi về tính xác thực và cả những vụ lừa đảo lên đến hàng trăm tỷ đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文