NSND Lê Huy Quang: Khi mùa thu khuất nơi cuối trời
NSND Lê Huy Quang mất vào đêm mùa thu tháng 8, (nhằm ngày 6 tháng 7 âm lịch ) hưởng thọ 77 tuổi. Trong tiết tháng ngâu, ai nấy đều bận rộn với lễ vu lan báo hiếu, nhận tin buồn về một người nghệ sĩ gạo cội ra đi, Thu như buồn thêm, lòng người như yếu đuối hơn. Vẫn biết, li biệt, hợp tan là quy luật của đất trời tạo hóa mà sao lòng nhói đau. Có lẽ, những gì thân thương và yêu mến khi mất đi khiến cho người ta cảm giác xót xa, nuối tiếc.
NSND Lê Huy Quang có ngoại hình đặc trưng là mái tóc dài bồng bềnh, khuôn mặt phúc hậu, ánh mắt hiền từ và nụ cười nhẹ nhõm. Ông là một nghệ sĩ đa tài. Nhiều người vẫn nói đùa rằng ông là một “đại gia” có tầm cỡ khi sở hữu ''nhiều nhà''. Nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà mỹ thuật. Nhà nào Lê Huy Quang cũng tròn vai, cũng sắc sảo, cũng đậm nét cá tính và tài năng.
Những năm cuối đời, ông là Thư ký Toà soạn Tạp chí Âm nhạc Việt Nam (Hội Nhạc sĩ Việt Nam), Phó Giám đốc nghệ thuật của Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam), Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Ứng dụng (Hội Mỹ thuật Việt Nam), Uỷ viên Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Hà Nội. Ông là Hội viên Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ Việt Nam, Hội Nhà văn, Hội Nhà báo Việt Nam.
Ông tốt nghiệp lớp Trung cấp và Cao đẳng Mỹ thuật Trường Nghệ thuật Hà Nội khoá 1966-1973; tốt nghiệp lớp Mỹ thuật Sân khấu Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh năm 1982. Sau ngày đất nước thống nhất năm 1976, ông về công tác tại Tạp chí Sân khấu và thiết kế mỹ thuật Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Hơn 50 năm hoạt động trong nghệ thuật, ông cống hiến cho đời ở nhiều lĩnh vực từ mỹ thuật sân khấu, điện ảnh. Trong thời kì đỉnh cao rực rỡ của nền sân khấu Việt Nam có sự đóng góp của ông trong những tác phẩm sân khấu kinh điển. Cuộc đời làm nghề mỹ thuật sân khấu ông đã trực tiếp thiết kế hơn 300 vở diễn, và hàng chục Huy chương Vàng, Bạc các loại ở các kì hội diễn liên hoan.
Không chỉ có sở trường về mỹ thuật mà người hoạ sĩ đa tài này lại còn làm thơ, viết báo… Nhưng, có lẽ, ấn tượng sâu đậm với mọi người hơn cả là một Lê Huy Quang rất Đời và rất Tình. Phải những ai tiếp xúc với ông mới thấy ở ông toát ra khí chất lành hiền nhưng cũng “chất lừ” của người nghệ sĩ đích thực. Cái hay của ông là ông giản dị ở mức tối đa nhưng thần thái vẫn nghệ sĩ ngút ngàn. Tại sao lại có một con người kì lạ như thế ở trên đời. Số là hai cụ thân sinh ra ông là nghệ nhân tuồng cổ, lớn lên trong cái nôi câu hò ví dặm ở vùng quê Thạch Hà (Hà Tĩnh). Mẹ ông, người con gái ở vùng Đô Lương (Nghệ An). Cuộc nên duyên bén rễ nảy mầm những hạt giống gieo trồng trên khung trời mơ mộng, trăng sao, những ngày lang thang cùng gánh hát, đêm xem cha mẹ diễn khiến 3 anh em trai “bị” dẫn dụ để sau này trưởng thành đều đi theo con đường nghệ thuật.
Thời gian là những dòng trôi không giới hạn, và mỗi khoảnh khắc đi qua lại là một kỉ niệm của quá khứ. Cách đây vừa tròn 20 năm, tôi về công tác tại Tạp chí Sân khấu (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam), trong căn phòng làm việc nho nhỏ xinh xinh đấy đủ kê 5 bàn làm việc. Bàn của ông đặt ngay cạnh bàn tôi, quay mặt ra phía cửa. Trên bàn làm việc đầy đủ các sách và thơ, cùng với nhiều tờ Báo Văn nghệ. Ông lúc đấy phụ trách vài ba trang trên Văn nghệ nên thường đi đi về về giữa hai tờ báo và tạp chí.
Gu thời trang của ông với hai màu đặc sắc đối lập như bảng màu sân khấu, điều này phải chăng bắt nguồn từ tính cách rõ ràng như kẻ chỉ, ngô ra ngô, khoai ra khoai, không có bất kì sự mập mờ, nhì nhằng nào. Ông mặc sơ mi tay gập lên đến khuỷu, màu đỏ mận, hoặc màu đen, hiếm khi tôi thấy ông chuyển sang màu khác. Mái tóc dài xoã tung lúc đấy còn đen nhánh mặc dù ông đã ngoài tuổi 50. Chân đi đôi guốc mộc độc đáo có một không hai. Ông phụ trách thư kí toà soạn cho tờ tạp chí. Bàn làm việc của ông lúc nào cũng ngăn nắp và sạch sẽ một cách rất chỉn chu. Có lẽ, lối làm việc khoa học khiến cho ông không chịu nổi sự bừa bộn, vô tổ chức. Mặc dù, theo nhiều người ông là một người “ngang tàng”, “sương gió” , “bụi phủi” nhưng chúng tôi những đứa sinh viên mới ra trường lại thấy ông rất hiền, không chỉ ở khuôn mặt nhiều thiện cảm mà ngay cả giọng nói trầm ấm của âm vực, đặc biệt là cách ông hành xử với phóng viên trẻ mới ra trường lúc nào cũng âu yếm đầy tình thương mến.
Thỉnh thoảng, chúng tôi lại thấy ông sang phòng của nhà thơ Ngô Thế Oanh (lúc này đang là Phó Tổng Biên tập của Tạp chí Sân khấu), trong căn phòng ăm ắp sách của nhà thơ Ngô Thế Oanh, nhìn ra cửa sổ ngoài đó có một màu xanh ngắt của mây trời và cây sấu già xù xì cũng rất nhiều năm tuổi. Hai ông NSND Lê Huy Quang và nhà thơ Ngô Thế Oanh nói chuyện về tình hình sân khấu và đàm luận chuyện thi ca.
Lúc đó, căn phòng làm việc của Tạp chí sân khấu ở tầng 2 của khu 51 Trần Hưng Đạo, một vị trí rất đắc địa của Thủ đô, nơi trung tâm của các Hội nghệ thuật. Thuở đấy, vẫn còn những gương mặt thân quen, khả kính đến gửi bài. Cái bàn gỗ hình bầu dục để ở phòng khách là nơi mà NSND Lê Huy Quang tiếp những cộng tác viên thân thuộc của mình. Trong những người hay lui tới tạp chí có GS Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức, nhà thơ Nhật Hoa Khanh, nhà báo Vũ Hà… Thuở đó, cố NSND Trọng Khôi với cương vị là Tổng thư kí của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam rất yêu quý NSND Lê Huy Quang, chính NSND Trọng Khôi là người mời NSND Lê Huy Quang về Tạp chí Sân khấu.
Những trái tim nhạy cảm, mong manh của người nghệ sĩ thường đồng điệu, NSND Lê Huy Quang có nhiều bạn nghề, từ lĩnh vực hội hoạ, thi ca, âm nhạc, sân khấu. Với tính cách chân thành, tâm tính tốt nên ông được nhiều người yêu quý, và đương nhiên cả cánh phóng viên trẻ ngồi cùng trong căn phòng làm việc nhỏ trên căn gác hai của sân 51 Trần Hưng Đạo cũng rất quý trọng ông.
Tính ông lại vô cùng hào phóng với đồng nghiệp, cấp dưới. Phụ trách một số chuyên trang của hai tờ, nên ông thường hay tạo điều kiện cho bọn nhóc phóng viên mới ra trường in bài một cách vui vẻ và vô tư nhất. Có đề tài gì hay, ông lại gợi ý để đi làm, nhiều khi ông kết nối liên lạc, hẹn lịch đặt giờ chúng tôi chỉ đến để gặp nhân vật. Chúng tôi vẫn gọi ông bằng hai từ thân thiết: “Chú Quang”.
Hàng tháng đến kì lĩnh lương, đồng lương trả công ông làm thư kí toà soạn, nhưng ông bảo bọn sinh viên mới ra trường lương ba cọc ba đồng, ở dưới quê lên còn tiền thuê nhà ở, tiền sinh hoạt chi phí nên ông hiểu và nhiều khi ông lại chia tiền cho bọn trẻ đến đồng cuối cùng. Chúng tôi thường nói với nhau, “Chú Quang là người giàu nhất toà soạn”.
“Người giàu nhất toà soạn” ngoài công việc tổ chức bài vở còn thiết kế, trang trí mỹ thuật sân khấu và làm thơ trong những giây phút thăng hoa của cảm xúc và câu chữ tuôn trào: “Thấm khô cát sau đêm mưa/ bất ngờ lên xanh những miền quả chín/ gió Lào gai gai nóng…”. Cùng cảnh hoạ sĩ, đồng cảm với số phận của người hoạ sĩ tài hoa Bùi Xuân Phái, người vẽ nên những ngôi nhà phố cổ bằng bảng màu trầm mặc rất riêng, năm 1988 ông có bài thơ: “Những bức tranh phố/ nằm nghiêng/ cùng tôi/ người hoạ sĩ Phố-Phái/ cùng tôi/ đi/ và cùng tôi/ có- cả-đường-công tua đen- bức tranh-phố-xám”. Bài thơ được đăng trên Báo Văn nghệ và người ta biết đến ông thêm một Lê Huy Quang rất thơ. Những tập thơ của NSND Lê Huy Quang ra đời như “trò chơi” của cảm xúc ông với những tầng lớp ý nghĩa của thi ca khiến nhiều người yêu thích.
Trong cơn mưa sùi sụt của những ngày vào mùa vu lan tháng 7 âm lịch này, chúng ta lại tiễn biệt một người con tài hoa của nghệ thuật giã từ cuộc đời để về miền xa xôi nơi đất mẹ - Nghĩa trang Lạc Hồng Viên, tỉnh Hoà Bình. Ông nằm đó giữa 4 bề yên tĩnh, người nghệ sĩ sau khi đã làm xong nghĩa vụ của cuộc đời, rời đi thanh thản với một nụ cười dịu dàng, trìu mến ở trên môi, để lại bao tiếc nuối nhớ thương của bạn bè, người thân.