Chuyển đổi số quốc gia - Tăng tốc trong đại dịch COVID-19

Bài cuối: Biến “nguy” thành “cơ”

06:30 27/12/2021

Người xưa thường nói, “trong nguy có cơ” và trước những diễn biến bất thường của đại dịch COVID-19, điều này hoàn toàn đúng. Hiện nay, những con số tăng trưởng chóng mặt trong lĩnh vực: Thanh toán không dùng tiền mặt; học tập trực tuyến; làm việc trực tuyến; dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử… cho thấy, người dân, doanh nghiệp đã linh hoạt thích ứng với môi trường số.

Chỉ một năm sau khi ra Quyết định Phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (6/2020), Chính phủ “Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” (6/2021), điều này càng thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu đã đặt ra trong chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Tận dụng cơ hội

Trao đổi với phóng viên về tác động của đại dịch COVID-19 đến chương trình Chuyển đổi số quốc gia, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn truyền thông Le (LeGroup) cho rằng: Đại dịch COVID-19 không chỉ là cơ hội mà còn là “cưỡng bức” nhiều hoạt động chuyển đổi số. Như trong lĩnh vực y tế, chúng ta nhìn thấy rõ là nhiều dự án chuyển đổi số buộc phải ra đời, như Sổ sức khỏe điện tử là ví dụ.

Hải quan sân bay Nội Bài soi chiếu hàng hóa qua hệ thống.

Trước đây, Viettel đã có kế hoạch đưa giải pháp này, nhưng vì COVID -19 nên buộc phải triển khai nhanh hơn. Hay các giải pháp như: Khám bệnh từ xa, các hệ thống chăm sóc khám bệnh từ xa thời gian gần đây cũng phát triển khá nhanh để thích ứng với cuộc sống trong mùa dịch. Trong lĩnh vực truyền thông những giải pháp làm việc kết nối từ xa đồng loạt được triển khai. Hay như trong lĩnh vực giáo dục, cũng “cưỡng bức” chuyển đổi số rất nhanh. Nhưng ở đây chúng ta hiểu, chuyển đổi số không chỉ tạo ra các công cụ mà tạo ra thói quen, hệ thống sử dụng các nền tảng số để phục vụ các hoạt động xã hội, kinh doanh, kinh tế…

Chuyển đổi số đầy đủ không phải chỉ là ứng dụng công nghệ mà với các hoạt động trên nền tảng số, việc chấp nhận tạo ra từ các hoạt động trên nền tảng số thật sự quan trọng. Tôi đánh giá rằng, COVID-19 vừa là cơ hội, vừa là thách thức trong chuyển đổi số.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong đại dịch COVID-19 được nhìn thấy rõ qua nhiều hoạt động xã hội, kinh tế. Mùa vải thiều năm 2021 cũng chính là lúc dịch bệnh bùng phát ở Bắc Giang, làm gia tăng nỗi lo tiêu thụ. Nhưng với sự tham gia của các sàn thương mại điện tử (TMĐT): Sendo, Voso (Viettel), Cuccu, Tiki, Shopee, Postmart (VnPost)…, cùng sự hưởng ứng của người nông dân (livestream tại chính vườn vải đang chín đỏ là ví dụ) đã khiến việc tiêu thụ tốt hơn. Để có sự bắt tay nhanh chóng của người sản xuất – phân phối – người tiêu dùng trong mùa vải vừa qua, ngoài sự vào cuộc của Bộ, ngành, chính quyền địa phương, các sàn TMĐT còn có sự thúc bách do dịch COVID - 19. Bởi chính dịch bệnh đã “cưỡng bức” việc đưa quả vải phủ sóng các sàn TMĐT.

Trên thực tế, TMĐT hiện đang trở thành một giải pháp kinh doanh hữu hiệu và thể hiện rõ rệt trong mùa dịch. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, TMĐT Việt Nam đã có những bước tăng trưởng phát triển mạnh, khởi nghiệp lĩnh vực TMĐT trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trẻ. Đây là một xu hướng kinh doanh đang phát triển mạnh ở trên thế giới và đặc biệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực TMĐT phát triển sẽ góp phần thúc đẩy trao đổi, mua bán hàng hoá trực tuyến.

Đối với giáo dục, dịch bệnh COVID – 19 đã thúc đẩy chuyển đổi số nhanh chóng khi: 79,7% học sinh phổ thông được học trực tuyến; trên 5.000 bài giảng e-learning; trên 2.000 bài giảng dạy trên truyền hình; 200 đầu sách giáo khoa phổ thông; 200 thí nghiệm ảo và hơn 35.000 câu hỏi trắc nghiệm. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đã số hóa, gắn mã định danh hầu hết các đối tượng cần quản lý của ngành Giáo dục (53.000 trường học mầm non, phổ thông; Gần 24 triệu học sinh (số hóa các thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, thể chất...), hơn 1,4 triệu giáo viên (hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn, lương...); Số hóa thông tin về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trường học, tài chính, báo cáo chuyên sâu về dạy -học ngoại ngữ…

Dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, trong đó có nhiều lĩnh vực nổi bật. Tuy nhiên, theo TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, “COVID-19 tạo ra cú huých mạnh, nhưng chỉ là cộng hưởng chứ không phải vấn đề nền tảng. Rồi COVID-19 sẽ qua đi, nếu trông chờ COVID-19 để chuyển đổi số thì cái giá chúng ta phải trả đắt quá”. Thế nên, ngoài tận dụng cơ hội, chúng ta cũng nhìn nhận rõ những thách thức để việc chuyển đổi số thực chất hơn, bền vững hơn.

Vượt qua thách thức

Ông Đỗ Cao Bảo, Thành viên HĐQT FPT cho biết, quan sát từ thực tế diễn ra trong đại dịch COVID-19 thì cho rằng, nhiều thói quen, cách làm, ngành kinh tế đã thay đổi. Việc chuyển đổi nghề nghiệp là xu thế tất yếu không thể cưỡng. Ông cũng chỉ ra rằng, cần thay đổi cơ cấu kinh tế, trong đó cần đẩy mạnh kinh tế số, đưa tỷ trọng kinh tế số chiếm 25% GDP. Bởi kinh tế số không biên giới, dễ dàng tiến ra toàn cầu (Go Global) để  tiếp cận một thị trường khổng lồ, không bị giới hạn, bị ảnh hưởng bởi đại dịch, có năng suất lao động cao, tốc độ tăng trưởng 4-5 lần tốc độ tăng trưởng GDP quốc gia.

Tại Quyết định Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về công nghệ thông tin sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghiệp 4.0, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế”.

Đề cập đến đẩy mạnh kinh tế số, công nghệ số, ông Đỗ Cao Bảo nêu ý kiến: Cần nhanh chóng chuyển toàn bộ các dịch vụ công của Chính phủ cũng như doanh nghiệp để phục vụ người dân và doanh nghiệp sang dịch vụ trực tuyến (áp dụng công nghệ số). Các ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính và doanh nghiệp tài chính cần cung cấp dịch vụ trực tuyến cho người dân, tất cả các giao dịch thanh toán, chuyển tiền, cho vay, bảo hiểm, đầu tư, thư tín đều có thể thực hiện tại nhà.

Các dịch vụ công của chính phủ, chính quyền các cấp phải 100% cấp độ 4, nghĩa là người dân có thể làm thủ tục trực tuyến tại nhà cũng như nộp hồ sơ và nhận kết quả tại nhà. Tiếp tục đẩy mạnh TMĐT vốn đã phát triển trong đại dịch. Công nghệ số đã tạo ra rất nhiều ngành nghề mới như tạo ra nội dung trên Youtube, Tiktok, làm phim hoạt hình, làm truyện tranh, làm quảng cáo trên Youtube, Tiktok, Facebook, thiết kế đồ họa, thiết kế kiến trúc…

Các ngành nghề này không giới hạn phạm vi địa lý, có thể ngồi ở Việt Nam làm việc cho công ty bên Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Đây là những ngành nghề tạo ra công ăn việc làm, thu nhập cao cho nhiều người. Cần thay đổi thói quen của toàn bộ xã hội, nên tổ chức trực tuyến tối đa các hoạt động họp hành, hội thảo, đại hội cổ đông, đào tạo nhân viên, bán hàng, trình bày giải pháp. Kinh tế số không chỉ đóng góp vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm mà còn góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường, giảm sự lây lan dịch bệnh.

Đề cập đến  giải pháp để tiếp tục phát huy kết quả chuyển đổi số đã đạt được trong gần 3 năm qua, ông Lê Quốc Vinh cho rằng: Từ trước đến nay, các hoạt động chuyển đổi số đã khởi động từ trước, Nhà nước, doanh nghiệp đã định hướng chuyển đổi số nhưng có nhiều lý do chưa quyết liệt, nhưng do COVID-19 đã chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp đã quen với chuyển đổi số rồi thì nên tận dụng các cơ hội ở đây để thúc đẩy cho hoàn thiện các hệ thống nền tảng, thói quen sửa dụng, nên thừa nhận các thói quen giao dịch qua hệ thống số.

Sự thừa nhận này rất quan trọng, vì trên thực tế, các tổ chức, nhất là cơ quan hành chính Nhà nước lâu này chuyển đổi số nhưng chưa rốt ráo, chưa thừa nhận các giao dịch trên nền tảng số. Ở trên hệ thống lõi, thấy quá trình chuyển đổi đang bộc lộ hiện trạng, nút thắt, nên cần nhìn nhận để hoàn thiện. Ví dụ như trong hệ thống y tế, chúng ta thấy quá trình số hóa chưa đồng bộ. Khó khăn trong chuyển đổi hiện nay theo ông Vinh vẫn là yếu tố con người. Còn công nghệ thì chúng ta không thua kém thế giới, mà có những lĩnh vực chúng ta chưa mạnh thì có thể mua, chuyển giao công nghệ…

Đề cập đến khó khăn trong chuyển đổi số hiện nay, ông Bảo nêu ý kiến rằng: Bản chất của chuyển đổi số là chuyển đổi quy trình hoạt động, quy trình ra quyết định của tổ chức khi đã áp dụng công nghệ số, đã có đầy đủ dữ liệu được số hoá, nghĩa là chuyển đổi là việc của lãnh đạo, quản lý chứ không phải việc của công nghệ thông tin. Người lãnh đạo, người quản lý phải hiểu rõ tổ chức mình cần những dữ liệu gì, cái gì đã số hoá, cái gì cần tập hợp bổ sung và cuối cùng là phải thay đổi qui trình hoạt động, qui trình ra quyết định, thay đổi chức năng của các bộ phận cho phù hợp với qui trình mới. Còn nếu chức năng của tổ chức không thay đổi, qui trình ra quyết định, qui trình hoạt động vẫn như cũ thì không thể gọi là chuyển đổi số.

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy Chương trình Chuyển đổi số quốc gia tăng tốc, việc tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được cũng như nhìn nhận những khiếm khuyết để khắc phục sẽ khiến cho quá trình này phá triển bền vững hơn. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu với một số chỉ tiêu cơ bản đã đề ra sẽ về đích.

Năm 2021, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã: Cung cấp thêm 872 DVCTT mức độ 3, 4; có trên 845 nghìn tài khoản đăng ký; trên 184,1 triệu lượt truy cập; trên 59,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 1,73 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; trên 396 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến; hơn 3,1 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích.

Tính đến nay, Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp trên 3.240 dịch vụ, trong đó có nhiều dịch vụ thiết thực, hiệu quả như: Hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, các thủ tục có đối tượng lớn, liên thông nhiều cơ quan; hơn 1,2 triệu tài khoản, phục vụ hơn 248 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, thực hiện dịch vụ công, hơn 83 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và hơn 4 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích trên Cổng, hơn 2,3 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; xử lý hơn 432 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền lên tới trên 510 tỷ đồng; tiếp nhận, xử lý hơn 31,7 nghìn PAKN và hơn 125,8 nghìn cuộc gọi tới Tổng đài.

Theo Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ ngày 15/6/2021, mục tiêu đến năm 2025 là:

* 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

* 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ.

* 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

* Tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

* Tối thiểu 20% thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước được cắt giảm so với hiện nay.

Nhóm PV KTPL

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文