Bổ sung quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ để phù hợp với Hiến pháp
Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Dự án Luật xây dựng trên cơ sở kế thừa những quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy và bổ sung quy định về hoạt động CNCH cho phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 và thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Thực tiễn cho thấy, hoạt động CNCH của lực lượng PCCC có tác động trực tiếp, làm hạn chế quyền con người, quyền công dân như thực hiện các biện pháp y tế tác động đến người bị nạn; phá dỡ nhà, công trình, phương tiện, chướng ngại vật để mở lối tiếp cận, lối thoát nạn, bố trí phương tiện, dụng cụ, lực lượng CNCH; ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố nguy hiểm đe dọa an toàn phương tiện, tài sản, sức khỏe, tính mạng lực lượng CNCH và thực hiện các biện pháp khác trong quá trình CNCH... và theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”.
Tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ có hoạt động PCCC được quy định trong Luật Phòng cháy và chữa cháy, còn đối với hoạt động CNCH đối với những tai nạn, sự cố thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày mà lực lượng PCCC đang thực hiện lại chưa được quy định cụ thể trong văn bản luật là chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và không phù hợp với Hiến pháp năm 2013, không bảo đảm cơ sở pháp lý đúng quy định để lực lượng PCCC thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, thực tiễn hiện nay cũng cho thấy, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH vẫn đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới quản lý nhà nước về CNCH và là lực lượng giữ vai trò nòng cốt, thường trực trong công tác CNCH hàng ngày, có đầy đủ các điều kiện, khả năng để thực hiện nhiệm vụ và thực tiễn hoạt động đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Cùng với đó, qua tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Đức, Pháp, Thái Lan, Singapore, Malaysia... đều giao nhiệm vụ CNCH cho lực lượng PCCC chuyên trách làm nòng cốt đảm nhiệm và tham gia phối hợp còn có các lực lượng khác ở cơ sở đã đem lại hiệu quả cao trong công tác CNCH khi xảy ra sự cố, tai nạn.
Do đó, việc bổ sung quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ trong dự án Luật PCCC và CNCH cho phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 và thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân nhằm tạo điều kiện để lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.