Cả hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần đều có những băn khoăn

07:05 29/10/2023

Quốc hội đang chuẩn bị đưa ra xem xét, thảo luận lần đầu về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Thời gian qua vì kinh tế khó khăn, mà nhiều người lao động muốn rút BHXH một lần để giải quyết một số vấn đề trước mắt. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật BHXH lần này đã đưa ra 2 phương án liên quan đến việc cho phép người lao động được rút BHXH một lần nhưng gặp phải không ít ý kiến trái chiều.

Nhiều ý kiến cho rằng phương án tốt nhất, lâu dài phải là đảm bảo đời sống người lao động để người lao động không phải đi đến quyết định cực chẳng đã phải rút BHXH một lần. Xung quanh các ý kiến về 2 phương án được đề xuất rút BHXH một lần, PV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

PV: Chắc chắn ông cũng nắm bắt được tinh thần về việc dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang chuẩn bị đưa ra lấy ý kiến Quốc hội có 2 phương án về việc rút BHXH một lần. Ông đánh giá thế nào về 2 phương án này?

Ông Lê Đình Quảng: Trước hết chúng ta cùng nhìn lại con số người rút BHXH một lần thời gian qua. Có thể nói, tốc độ người rút BHXH một lần đã tăng rất nhanh thời gian qua. Theo con số của Ban Thực hiện chính sách (BHXH Việt Nam), tốc độ tăng trung bình của lượng người hưởng BHXH một lần của năm sau luôn cao hơn năm trước khoảng 10%. Tỷ lệ rút BHXH một lần ngày càng tăng và tăng nhanh hơn so với tỷ lệ người tham gia BHXH.

Tính đến hết tháng 8/2023, số người tham gia BHXH một lần khoảng 17,5 triệu người (tăng 526 nghìn người, tương đương 3,1% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó số người tham gia BHXH bắt buộc khoảng hơn 16 triệu người, số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,5 triệu người. Giai đoạn 2016 - 2022, cả nước có hơn 4,9 triệu lượt người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần.

Số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 10%/năm. Trong đó, nữ giới rút BHXH một lần nhiều hơn nam giới (chiếm 55%) và 80% người rút BHXH một lần có độ tuổi từ 20 - 40 tuổi và tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 58% tổng số người hưởng).

Riêng trong năm 2022, số trường hợp được giải quyết chế độ hưởng BHXH một lần là gần 1 triệu người, tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ tính riêng tháng 8 năm nay, ngành BHXH đã giải quyết cho hơn 114 nghìn người hưởng trợ cấp một lần, trong đó có 97.767 người nghỉ việc hưởng BHXH một lần. Có thể thấy, đây là những con số rất đáng suy nghĩ.

Trong khi đó, dự thảo luật lần này đưa ra 2 phương án gồm: Phương án 1: dành cho hai nhóm người lao động khác nhau: Nhóm 1: những người đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Nhóm 2: người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi thì không được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Chỉ giải quyết trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu, ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định.

Phương án 2: sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH và đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà có nhu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH. Cả hai phương án đều có mặt tích cực đáp ứng theo Nghị quyết 28 của Trung ương Đảng liên quan đến BHXH. Tuy nhiên, tôi cho rằng cả hai phương án này cũng còn có những “vết gợn” hay có thể nói là những bất cập.

PV: Ông có thể nói kỹ hơn về những “vết gợn” này hay không?

Ông Lê Đình Quảng: Bản chất của người lao động phải rút BHXH một lần là để giải quyết những trường hợp cấp bách khi mất việc làm. Đầu tiên phải nhắc, khi người lao động nhận BHXH một lần thì cuộc sống chắc chắn sẽ rất khó khăn. Tôi nói ở đây là cả cuộc sống trước mắt cũng như trong tương lai ngắn. Bởi vì anh biết, số tiền nhận BHXH một lần không nhiều, nếu họ không giữ được thì tiêu vào việc khác. Ví dụ có người rút về rồi đóng tiền học cho con, mua một vài vật dụng trong gia đình thế là hết. Trước mắt có thể là dư dả nhưng lại đánh đổi cả quãng đường dài sau khi không còn khả năng lao động.

Nhận BHXH một lần đúng là mất mát nhiều lắm. Mất lương hưu, mất bảo hiểm y tế, mất đi “của để dành” để đối diện với một tương lai đầy bất trắc, trở thành gánh nặng. Có chút tích lũy cho cuộc sống sau này khi không còn khả năng lao động thì lại rút ra một lần tiêu hết rồi thì cuộc sống lúc về già của họ ai cũng có thể đoán được. Một số lượng lớn người trong tình cảnh như thế sẽ tạo áp lực không nhỏ đến an sinh xã hội. Đó cũng là nỗi khổ của công nhân lao động chúng ta.

Tuy vậy ở góc độ khác chúng ta cũng có thể hiểu, tham gia BHXH như một khoản tiết kiệm không phải rút ra để làm những việc lớn. Tất nhiên khi người lao động mất việc làm, họ phải giải quyết khó khăn thì phải rút nhưng nếu như dùng để làm việc lớn thì mục đích của BHXH không phải thế. Tất nhiên người lao động mong muốn vậy. Với phương án 1 như đề xuất sẽ tạo ra sự bất bình đẳng. Bất bình đẳng ở đây thể hiện ở chỗ người tham gia BHXH trước và sau khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực quyền lợi lại khác nhau.

Phương án này nếu được thực hiện thì chắc chắn sẽ giảm tình trạng người lao động rút BHXH một lần, nhưng trước khi Luật có hiệu lực người ta sẽ ồ ạt rút ra. Việc này vừa bất bình đẳng và có lẽ sẽ khiến người lao động mất niềm tin vào chính sách bởi chẳng hạn người lao động cùng một nhà máy, doanh nghiệp nhưng người vào trước khi Luật BHXH sửa đối có hiệu lực dự kiến là 1/7/2025 thì được rút BHXH một lần, còn những người vào sau khi luật có hiệu lực lại không được rút nữa. Đây là vấn đề chúng ta phải tính toán.

Nói chung quy định liên quan đến việc rút BHXH một lần là vấn đề phức tạp. Chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đến tâm lý người lao động bởi trong bối cảnh hiện nay họ sẽ tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và có nhiều băn khoăn. Còn đến thời điểm hiện tại dự thảo luật đã được Quốc hội đưa ra thảo luận, xem xét, thì cả hai phương án đều có những ưu, nhược điểm cả.

Người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng rất nhanh thời gian qua.

PV: Tôi đã nghe được những ý kiến từ người lao động rằng, tiền đóng BHXH có thể coi như là tiền tích luỹ của người lao động, BHXH có thể coi là cơ quan quản lý hay “giữ hộ”, thế nhưng lại chỉ cho rút tối đa 50% là vô lý. Bên cạnh đó, rút 50% thì chưa giải quyết được những khó khăn người lao động cần trước mắt, nếu không có điều kiện tham gia BHXH nữa thì 50% còn lại cũng chẳng đủ để sau này được hưởng chế độ. Đây là vấn đề có lẽ cần phải làm rõ, ông nghĩ thế nào?

Ông Lê Đình Quảng: Người lao động lâu nay đều nghĩ rằng, BHXH là “của để dành”, và hầu hết đều nghĩ rằng đó là tiền của mình. Họ cũng có lý khi nghĩ như thế, tuy nhiên theo tôi chúng ta nên suy nghĩ ở góc độ rộng hơn. BHXH hưởng theo nguyên tắc đóng – hưởng, người lao động hiện nay chỉ đóng 8%, còn 14% là do người sử dụng lao động đóng. Do đó không hẳn đó là tiền của người lao động, mà ở đây là có trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động, của doanh nghiệp nữa. Tiếp nữa, ý nghĩa nhân văn của BHXH là thế hệ này đóng để thế hệ sau hưởng. Các thế hệ đi trước đóng góp để chúng ta có hệ thống an sinh xã hội mạnh, sau này lo lắng cho những người đi sau, những người yếu thế. Người lao động có thể lập luận rằng đó là tiền của tôi, tôi đóng vào thì tôi có quyền, tuy nhiên với những người làm chính sách thì phải có sự tính toán hợp lý cho chính sách trước mắt mà còn cả câu chuyện an sinh lâu dài.

PV:  Thực tế hiện nay, chúng ta phải thừa nhận với nhau một chuyện là do quá khó khăn, không có nguồn thu nhập nào khác nên người lao động mới phải rút bảo hiểm xã hội một lần. Do đó, câu chuyện giữ chân người lao động ở lại hệ thống BHXH phải là làm sao để người lao động thấy được lợi ích, giá trị khi ở lại. Do đó, BHXH phải linh hoạt hướng về người lao động, chứ không phải là máy móc áp đặt các quy định cứng. Ông nghĩ thế nào?

Ông Lê Đình Quảng: Ý của anh đưa ra là hoàn toàn đúng. Tôi cho rằng bản chất của câu chuyện làm sao hạn chế được người lao động rút BHXH một lần là phải tạo được thị trường việc làm ổn định, tạo thêm được việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Người ta có việc làm, có thu nhập thì chắc chắn chẳng ai nghĩ đến việc rút BHXH một lần cả. Cùng với đó, theo tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương Đảng là xây dựng hệ thống BHXH tạo ra quyền lợi hấp dẫn, linh hoạt với nguyên tắc nếu người lao động ở lại hệ thống BHXH càng lâu dài người ta sẽ càng được lợi.

Và như ý anh vừa nói đó mới là giải pháp bền vững, chứ nếu chỉ áp dụng các quy định cứng nhắc mà tạo ra những sự bất bình đẳng hay không tạo ra được những quyền lợi cho người lao động thì các giải pháp đó sẽ không bền vững. Phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chúng tôi cũng thống nhất quan điểm là phải xây dựng được các chính sách tạo ra được các quyền lợi cho người lao động và hướng tới mục tiêu bền vững, lâu dài. Các chính sách BHXH phải linh hoạt để làm sao thu hút hơn người lao động tham gia vào hệ thống, và đặc biệt là chính sách phải tạo được niềm tin cho người lao động, khuyến khích người lao động càng ở lâu thì càng lợi. 

PV: Trên rất nhiều diễn đàn hiện nay, rất nhiều ý kiến đều cho rằng cần phải lắng nghe thêm ý kiến của người lao động hay tổ chức công đoàn là cơ quan đại diện cho tiếng nói của người lao động để đưa ra được phương án tốt nhất. Ông có cho là vậy?

Ông Lê Đình Quảng: Đến thời điểm này, Quốc hội đã xem xét và thảo luận thì rõ ràng các đại biểu Quốc hội cũng đã nghe ý kiến của các cử tri. Tuy nhiên việc cần nghe thêm ý kiến của người lao động, các cơ quan đại diện cho tiếng nói của người lao động tôi cho rằng cũng là các kênh cần thiết để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật BHXH. Như tôi đã nói, cả phương án này đều có mặt được mặt chưa được, do đó việc lắng nghe thêm ý kiến trực tiếp từ người lao động cũng là cần thiết.

Với phương án 1, nếu hỏi ý kiến người lao động chắc chắn họ sẽ đồng ý bởi vì gần như nó giữ nguyên các quy định như hiện nay. Gần như đây là phương án tốt nhất để người lao động có thể linh hoạt xử lý. Ở đây chỉ có tính toán đến trường hợp người lao động sau ngày 1/7/2025 thì phải xử lý những băn khoăn của họ như thế nào. Việc lấy thêm ý kiến của người lao động trong trường hợp này tôi nghĩ rằng rất quan trọng để các nhà làm luật có thể tính toán, xem xét và đưa ra được phương án tối ưu.

Phan Hoạt (thực hiện)

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Một cây cầu nối hai tiểu bang ở phía Bắc và Đông Bắc Brazil đã bị sập ngày 22/12 (giờ địa phương) khi các phương tiện đang băng qua, khiến ít nhất một người tử vong và làm đổ axit sunfuric vào sông Tocantins.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Với khoảng 1,2 triệu lao động từ các tỉnh, thành khác đến Bình Dương sinh sống và làm việc đã góp phần rất lớn để phát triển kinh tế của vùng đất công nghiệp Bình Dương. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kéo theo không ít đối tượng "đầu trộm đuôi cướp", "đá cá lăn dưa" và những thành phần bất hảo, côn đồ tìm đến ẩn náu và gây án…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文