Cần nhận thức và ứng xử “quyền biến” với COVID-19
Sau hơn 2 năm hoành hành, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu sắc tới cả thế giới, làm hàng triệu người tử vong và nhiều mặt kinh tế đình đốn, đời sống xã hội bị đảo lộn. Hết biến thể này tới biến thể khác của SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện, biến hóa không ngừng khiến cuộc chiến chống COVID-19 tưởng như rơi vào thụ động, thậm chí bế tắc.
Có thể nói, COVID-19 là một thảm họa an ninh phi truyền thống thời hiện đại, song những chính sách chống dịch của thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng cũng cực kì linh hoạt, “quyền biến”, từng bước thích nghi, chống dịch và “chung sống” hiệu quả với dịch.
Tại Việt Nam, trong 2 năm COVID-19 đã xuất hiện 4 đợt dịch; đặc biệt đợt dịch thứ tư kéo dài đã gần tròn 1 năm, để lại nhiều thiệt hại về người và của, nhất là tại TP Hồ Chí Minh. Trong 3 đợt dịch trước, chúng ta nhất quán thực hiện chính sách “zero” COVID-19 và cơ bản đạt được các mục tiêu, yêu cầu. Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, trong đó có các Chỉ thị 15, 16 để các địa phương căn cứ tình hình thực tế vận dụng, thực hiện; đã từng thực hiện cách ly toàn xã hội trong phạm vi cả nước, hoặc một tỉnh, thành phố trong nhiều ngày, nhiều tháng.
Trong đó, Chỉ thị 16 (ngày 31/3/2020) rất cương quyết: “Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1 tháng 4 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng”...
Thời điểm đó, chỉ thị này là phù hợp, khi mà SARS-CoV-2 mới xâm nhập Việt Nam và chúng ta chưa có nhiều hiểu biết về cấu tạo, cơ chế lây lan và đương nhiên chưa có ai được tiêm phòng vaccine.
Tuy nhiên, đến đợt dịch thứ 4 bùng phát (từ tháng 5/2021), dịch bệnh diễn biến cực kì phức tạp, nhất là tại TP Hồ Chí Minh. Việc áp dụng cứng nhắc biện pháp chống dịch, thậm chí “lệ làng” còn vượt “phép vua” đã khiến một số tỉnh, thành phố rơi vào cảnh “không một bóng người”. Toàn bộ người dân bị yêu cầu ở yên trong nhà, quyết liệt thực hiện người cách ly với người, nhà cách ly với nhà… đã dẫn tới sự lo lắng, hoảng loạn trong một bộ phận dân chúng…
Tưởng như các biện pháp quyết liệt nêu trên sẽ đem lại hiệu quả, sẽ ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nhưng thực tế dịch càng lan nhanh, lan rộng. Đến tháng 7/2021, sau gần 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội ở một số điểm nóng dịch, người dân đã cạn kiệt tài chính. Đa phần họ là những người yếu thế, sống trong những khu nhà trọ chật chội, ẩm thấp, ít ánh sáng và không khí lưu thông, là môi trường lí tưởng cho dịch bệnh lây lan.
Người dân càng lúc càng hoảng loạn, thiếu thuốc, thiếu lương thực, thực phẩm khiến sức khỏe bị suy giảm và bị dịch bệnh tấn công, xâm nhập. Việc cách ly tập trung đến một lúc nào đó trở nên phản tác dụng phòng dịch vì người nhiễm bệnh và người bình thường đều ở trong cùng một môi trường… Chính vì vậy, đã dẫn tới những hậu quả đau lòng, như TP Hồ Chí Minh ngày cao điểm có tới hơn 300 người tử vong vì COVID-19.
Sau hơn 4 tháng thực hiện Nghị quyết 128, công tác phòng, chống dịch và phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế đã đạt được kết quả rõ rệt. Nhiều mặt đời sống ở các điểm nóng dịch đã hoàn toàn trở lại bình thường, như TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam. Dù số ca nhiễm COVID-19 ở một số địa phương vẫn tăng cao, song số ca nặng phải nhập viện, số ca tử vong ở mức thấp hơn nhiều so với trước.
Quá trình thực hiện Nghị quyết 128, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sát sao chỉ đạo, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh một số địa phương vì quá sợ hãi với dịch nên đã áp dụng những biện pháp cực đoan trong phòng, chống dịch, làm ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống xã hội và phục hồi sản xuất.
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, nhiều tỉnh, thành đã dỡ bỏ các biện pháp chống dịch không còn phù hợp, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Hoạt động du lịch cũng sẽ trở lại bình thường từ ngày 15/3. Hà Nội dù số ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày vẫn cao, song nhiều hoạt động cũng đã trở lại bình thường, trong đó cấp trung học, đại học đã “mở cửa” trở lại dạy học trực tiếp.
Tuy nhiên, thực tế vẫn có một số địa phương áp dụng cứng nhắc các biện pháp chống dịch, tiến hành xét nghiệm ồ ạt, khai báo y tế phức tạp khiến giao thông ùn tắc, vận chuyển, lưu thông hàng hóa bị ngưng trệ… Những bất cập nêu trên đã được báo chí phản ánh, người dân bức xúc; thậm chí Thủ tướng Phạm Minh Chính từng không dưới một lần phải lên tiếng, nghiêm khắc chấn chỉnh: Các địa phương không được tự ý đặt ra những quy định chống dịch trái với chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế!
Đặc biệt, một số địa phương vừa “mở” thì lại “đóng” vì lo lắng số ca bệnh vẫn ở mức cao. Học sinh vừa hồ hởi học trực tiếp vài hôm thì đã không ít trường “tái đóng cửa” chỉ vì một vài ca bệnh. Một số địa phương vẫn thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch đã không còn phù hợp, thậm chí trái với hướng dẫn, quy định của cơ quan chuyên môn về phòng, chống dịch… Thực trạng đó cho thấy có sự sợ hãi, ám thị, thậm chí bấn loạn sợ dịch.
Hiện nay, tỉ lệ tiêm vaccine mũi cơ bản ngừa COVID-19 của Việt Nam đạt mức cao so với thế giới; chúng ta cũng đã có nhiều hiểu biết về cơ chế lây lan, phác đồ điều trị… Vì vậy, sự sợ hãi quá mức là điều không cần thiết. Bên cạnh đó, Tổ chức y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo: Dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài, cần xác định thích nghi, “chung sống” với dịch.
Đến thời điểm này (nửa cuối tháng 2/2022), nhiều nước trên thế giới cũng đã điều chỉnh chiến lược và biện pháp chống dịch. Có không ít quốc gia ở châu Âu, châu Á đã tuyên bố coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, tiến tới coi là một dạng cúm; đồng thời quyết định dỡ bỏ hầu hết hoặc toàn bộ các biện pháp hạn chế phòng dịch như Thụy Sỹ, Đức, Đan Mạch, Áo… nhằm đưa cuộc sống trở lại hoàn toàn bình thường.
COVID-19 sẽ còn kéo dài với nhiều biến thể mới, hết Omicron sẽ tới Omicron1, 2... Vì vậy, cần xác định ứng xử phù hợp, chung sống với dịch, chớ nên coi nó là "ngáo ộp" để bị ám thị, co mình lại khiến cuộc sống, xã hội bị tê liệt, đình đốn.
Thay vì sợ hãi, hãy dũng cảm thích nghi, ứng xử linh hoạt với dịch; vừa phát triển sản xuất, vừa phục hồi kinh tế, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân. Có như vậy thì chống dịch mới thêm hiệu quả.