Chặn nguồn phát tán tin nhắn, cuộc gọi “rác”
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa có báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 75/2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông. Trong đó, Bộ TT&TT đặc biệt nhấn mạnh các giải pháp nhằm hạn chế tối đa tình trạng tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác” quấy nhiễu, gây bức xúc cho người dùng.
Ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật
Báo cáo cho biết, Bộ TT&TT đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn thường xuyên rà quét, phát hiện và xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn thông tin vi phạm pháp luật, chủ yếu là các vi phạm về tin giả, thông tin xấu độc tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, nói xấu, bôi nhọ uy tín, danh dự, nhân phẩm các tổ chức, cá nhân, quảng cáo vi phạm pháp luật.
Cùng với đó, Bộ TT&TT đã đấu tranh, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới, điển hình là Facebook, Google, TikTok, Apple, Netflix phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo sai, phản cảm; gỡ bỏ các hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em; gỡ bỏ các tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; ngăn chặn các kênh Youtube phản động.
Bộ TT&TT cũng đã thực hiện vận hành Cổng tingia.gov.vn tiếp nhận hàng nghìn phản ánh và thực hiện công bố kịp thời nhiều tin giả, tin sai sự thật, kịp thời ngăn chặn sự phát tán của tin giả, tin sai sự thật; chỉ đạo xây dựng kế hoạch kiểm tra toàn diện hoạt động của Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam, dự kiến bắt đầu vào giữa tháng 5. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng sẽ chú trọng việc thực hiện phối hợp rà quét, xử lý các nghệ sĩ vi phạm pháp luật sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật.
Bộ TT&TT cũng cho biết đang khẩn trương hoàn thiện pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tên miền, nội dung giải trí trên không gian mạng; triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý hiệu quả các nền tảng xuyên biên giới, nhất là mạng xã hội.
Tích cực phối hợp thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quảng cáo cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam; có chính sách đẩy mạnh phát triển mạng xã hội trong nước, xây dựng văn hóa mạng lành mạnh, định danh người sử dụng. Rà soát, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động hậu kiểm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đăng tải tin giả, thông tin xấu độc trên mạng. Trong năm 2023, Bộ TT&TT sẽ tập trung giải quyết cơ bản và chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp.
Sẽ xử lý triệt để SIM không chính chủ
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác, Bộ TT&TT đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, doanh nghiệp viễn thông di động triển khai cơ sở dữ liệu (CSDL) tập trung thuê bao của doanh nghiệp viễn thông với CSDL quốc gia về dân cư để xác thực dữ liệu người dùng. Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai các biện pháp rà soát, chuẩn hóa lại thông tin thuê bao đối với các thuê bao có thông tin không trùng khớp sau đối soát với CSDL quốc gia về dân cư, có thông tin không đúng quy định.
Bộ TT&TT cũng chỉ đạo đơn vị chuyên môn tổ chức giám sát, tiếp nhận các phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác để từ đó có những cảnh báo kịp thời tới người dùng các phương thức, thủ đoạn của những kẻ phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác thông qua Cổng thông tin điện tử chongthurac.vn. Đặc biệt, Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ Công an hỗ trợ một số doanh nghiệp viễn thông triển khai kết nối theo quy định. Hiện tại, các doanh nghiệp viễn thông di động đang chủ động phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an để triển khai hoàn thiện việc kết nối, đối soát.
Bộ trưởng TT&TT khẳng định, sẽ xử lý triệt để SIM không chính chủ; tiếp tục chủ động có các giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế tối đa tình trạng tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác”; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về các rủi ro khi sử dụng SIM “rác”, phát tán tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác. Với các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, các đơn vị của Bộ sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng của Bộ Công an để xử lý.
Thông tin thêm về vấn đề này tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TT&TT, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, đến ngày 15/4 có 1,15 triệu thuê bao di động bị khóa 2 chiều do không thực hiện chuẩn hóa lại và đến nay còn gần 1 triệu thuê bao đang bị khoá 2 chiều. Nếu không chuẩn hóa lại thông tin, đến ngày 15/5, các thuê bao này sẽ bị thu hồi theo quy định.
Cũng theo Cục trưởng Cục Viễn thông, trong thời gian tới, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác” quấy nhiễu người dùng. Cục Viễn thông sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý tình trạng SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định hay còn gọi là SIM “rác”; ngăn chặn và xử lý vi phạm liên quan đến cuộc gọi quảng cáo vào số điện thoại thuộc danh sách không quảng cáo.
Trong tháng 5 và 6, Bộ TT&TT sẽ tổ chức thanh tra diện rộng với sự tham gia của Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước nhằm xử lý nghiêm tình trạng vi phạm về quản lý thông tin thuê bao. Sau khi chuẩn hóa thông tin thuê bao với CSDL quốc gia về dân cư, ở bước tiếp theo, Bộ TT&TT sẽ tiến tới xử lý các chủ thuê bao sở hữu từ 10 SIM trở lên.