Chiến thắng Điện Biên Phủ: Minh chứng sinh động về chiến tranh nhân dân
Gần 70 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là nguồn cổ vũ lớn lao cho nhân dân ta và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ đến nay vẫn khiến nhiều bạn bè và các học giả quốc tế ngưỡng mộ.
Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales (Australia) cho rằng, chiến dịch Điện Biên Phủ là minh chứng hiệu quả của chiến tranh nhân dân, Việt Nam đã giành thắng lợi nhờ huy động toàn dân tham gia kháng chiến. Trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ Điện Biên ngày 11/3/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, nhiệm vụ chống thực dân Pháp rất khó khăn nhưng ông tin rằng, họ sẽ phát huy ý chí, sức mạnh, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới, Giáo sư Carl Thayer nhắc lại.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng chục ngàn người đã tham gia làm đường và vận chuyển lương thực, vận chuyển pháo binh ra tiền tuyến. Giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng, sự hỗ trợ quân sự từ các nước anh em cũng là một nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đề cập tới đường lối ngoại giao cây tre mà Việt Nam nhắc tới khá nhiều gần đây, Giáo sư Thayer cho rằng, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vận dụng chiến lược này trong trận đánh Điện Biên Phủ giúp cho quân đội “nông dân” đánh bại thực dân xâm lược. Bảy mươi năm đã trôi qua, từ đau thương, mất mát, Việt Nam giờ đây đang từng bước phát huy nội lực, tranh thủ thời cơ, nhằm tạo ra những “Chiến thắng Điên Biên Phủ” mới trong thời đại hội nhập và phát triển.
Cùng quan điểm, Giáo sư Piere Aselin từ Đại học Hawaii Pacific (Mỹ) chia sẻ rằng, chiến dịch Điện Biên Phủ là minh chứng về vai trò quan trọng của tinh thần đoàn kết, cùng chiến đấu giành độc lập. Trên cương vị là một nhà sử học, ông cho rằng, nhân tố quyết định cho chiến thắng này là tài lãnh đạo và công tác tổ chức. Đảng và lực lượng vũ trang của Việt Nam đã luôn duy trì mức độ kỷ luật rất cao. Ông nhấn mạnh, không dễ dàng có thể tập hợp nam phụ lão ấu, đồng bào dân tộc thiểu số, người Công giáo và Phật tử cùng hợp sức trên một chiến tuyến, thế nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm được điều đó.
Nhận định Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự, Giáo sư Piere Aselin nêu rõ: “Chiến thuật và chiến lược quân sự tài tình của ông đã giúp Việt Nam chiến thắng quân xâm lược, khi mà nguồn lực của phía quân Pháp rõ ràng lớn hơn nhiều so với lực lượng quân đội của ông Giáp”. Thực tế đã chứng minh, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trải qua nhiều ngày đêm bám sát chiến trường, cân nhắc mọi mặt, trên cơ sở phân tích so sánh tương quan lực lượng, đánh giá khả năng của ta và địch tại Điện Biên Phủ, ngày 26/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi đến quyết định đột ngột thay đổi cách đánh, chuyển phương châm từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” và ra lệnh toàn mặt trận hoãn cuộc tiến công, các đơn vị lui về địa điểm tập kết, kéo pháo ra, chuẩn bị lại theo phương châm tác chiến mới.
Trong khi đó, nhà sử học người Pháp Alain Ruscio nhận định, Điện Biên Phủ là một khoảnh khắc quan trọng của lịch sử nhân dân Việt Nam. Chiến thắng này là kết quả của một cuộc chiến khó khăn, bắt đầu từ sự đơn độc, bởi ngay từ đầu, những người lính của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bị cô lập. Sau đó, diễn biến cuộc chiến đã thay đổi với khái niệm “chiến tranh nhân dân”, đây không còn là một cuộc chiến với những binh sĩ chuyên nghiệp mà có sự đồng lòng, hy sinh và quyết tâm của cả một dân tộc.
Ông khẳng định, Chiến thắng Điện Biên Phủ là đòn quyết định dẫn đến việc Pháp phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán để ký vào Hiệp định Genève mang lại hòa bình cho Việt Nam. Đó kết quả của sự kết hợp thành công sức mạnh của lòng yêu nước và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Còn ông Gilles Moindrot - Bí thư Chi bộ Đảng Cộng sản Pháp TP Saint Pierre des Corps thì cho rằng, cuộc chiến tranh phi nghĩa này đã khiến hàng nghìn người hai bên phải thiệt mạng, từ nhân dân cho đến người lính Việt Nam cũng như binh lính Pháp. Ông nhấn mạnh, chiến thắng này càng ý nghĩa đặc biệt hơn vì nó không chỉ khiến cho quân đội và Chính phủ Pháp thất bại mà họ còn không thể tiếp tục duy trì ách thống trị ở Đông Dương và nhiều thuộc địa khác trên thế giới.
Về phần mình, nhà sử học người Anh John Callow - cựu Giám đốc Trung tâm lưu trữ, Bảo tàng Thư viện Marx tại London - khẳng định, những hy sinh to lớn làm nên chiến thắng quyết định ở Điện Biên Phủ năm 1954 là sản phẩm của thực tiễn chính trị và quân sự độc đáo, xuất phát trực tiếp từ những phẩm chất cá nhân và trí tuệ xuất chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được vận dụng và phát triển trong tập thể Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo nên con đường bền vững đi đến tự do, duy trì và nâng cao cách mạng XHCN ở Việt Nam. Ông nhấn mạnh, Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển đổi một mạng lưới ban đầu là các nhóm du kích không chính quy thành một quân đội tiêu biểu có khả năng đánh bại các lực lượng phương Tây dày dạn kinh nghiệm, được trang bị kỹ càng và được huấn luyện bài bản trong một trận chiến được bài binh bố trận.
Theo ông, Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả của sự kết hợp sáng tạo giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lãnh tụ có tầm nhìn xa, và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một nhà lý luận quân sự, giúp tôi luyện Đảng Cộng sản Việt Nam và xây dựng một đội quân cách mạng có khả năng giải phóng đất nước, bảo vệ độc lập, thoát khỏi ách thống trị của các thế lực chính quyền và kinh tế nước ngoài.
Về phía giới truyền thông, trong những ngày qua, hàng loạt hãng thông tấn, báo, tạp chí nổi tiếng, trang tin điện tử… quốc tế đã liên tục đã đăng tải các bài viết cùng nhiều hình ảnh tư liệu minh họa về việc Việt Nam kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nêu bật ý nghĩa của chiến thắng này đối với Việt Nam cũng như với các nước trên thế giới. Các bài báo đánh giá cao sự vững bước trên con đường phát triển thịnh vượng, với nhiều thành tựu to lớn sau gần 40 năm Đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong bài viết dưới tiêu đề “Bài học của Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại trong cuộc chiến chống thực dân”, tờ Resumen Latinoamericano của Argentina, tờ báo rất có uy tín trong lực lượng cánh tả Mỹ Latinh và Tây Ban Nha, nhấn mạnh, chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam bởi ý nghĩa và tầm vóc to lớn, đi vào lịch sử nhân loại trong cuộc đấu tranh chống thực dân, cổ vũ mạnh mẽ phong trào độc lập của các dân tộc thuộc địa trên thế giới.
Chiến thắng vẻ vang “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” này cũng tạo tiền đề và nền móng để dân tộc Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975. Resumen Latinoamericano cũng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong việc tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần yêu nước của cả dân tộc, cùng chiến đấu dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, vì sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Resumen Latinoamericano dẫn lời nhà báo Sergio Rodríguez Gelfenstein khẳng định, Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng của lòng quả cảm vô song và là ngôi sao sáng của phong trào giải phóng dân tộc, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên thế giới. 70 năm đã qua, những giá trị và ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị thời đại.
Còn theo truyền thông Ai Cập, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trực tiếp dẫn đến việc ký kết Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; tạo cơ sở, điều kiện để nhân dân Việt Nam tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975. Ngày nay, đất nước và nhân dân Việt Nam đang vững bước trên con đường phát triển thịnh vượng.
Công cuộc Đổi mới của Việt Nam trong gần 40 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo và kém phát triển, quy mô nền kinh tế Việt Nam ngày nay không ngừng mở rộng, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 đạt 430 tỷ USD. Xét về quy mô, nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 trên toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu trong việc đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (LHQ).
Về đối ngoại, từ một nước bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hoặc Đối tác chiến lược với cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, đồng thời mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này cho thấy vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao, đồng thời cũng thể hiện quan điểm “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.