Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” và những bài học trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay

08:52 19/12/2022

Cách đây tròn 50 năm, tháng 12/1972, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, đánh bại cuộc tập kích chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ.

Bám sát tình hình chiến trường, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm đưa ra dự báo, chủ trương đúng đắn, kịp thời; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống chiến tranh. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhanh chóng điều chỉnh, bố trí lực lượng thế trận phòng không miền Bắc.

Nhân dân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc tăng cường các đội “tay búa tay súng”, “tay cày tay súng”. Dân quân gấp rút sữa chữa các sân bay bị hư hỏng nặng do địch đánh phá ngày đêm. Tự vệ cầu đường thu dọn chướng ngại vật... Trong chiến thắng oanh liệt đó, lực lượng CAND phát huy vai trò nòng cốt, xung kích trên lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự, phối hợp cùng toàn quân, toàn dân tạo nên thắng lợi của cuộc chiến tranh nhân dân, khẳng định sức mạnh ý chí, tinh thần của toàn dân tộc Việt Nam.

Trung tướng Phạm Kiệt, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy CAND vũ trang (người đội mũ, đứng giữa) giới thiệu chiến công bắn rơi máy bay F105D biệt danh Thần Sấm của không quân Mỹ bằng súng bộ binh. (Ảnh: Tư liệu)

Trước dự báo đế quốc Mỹ ném bom trở lại miền Bắc, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 26 (năm 1971) đã xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ cho toàn lực lượng Công an năm 1972 là: Tiếp tục giữ vững an ninh chính trị và bảo đảm trật tự xã hội với yêu cầu cao hơn và khẩn trương hơn; xác định các địa bàn trọng điểm phải tập trung chỉ đạo là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Thực hiện chủ trương của Bộ Công an, các lượng CAND các đơn vị địa phương ở miền Bắc chủ động tăng cường công tác phòng không, sơ tán; tiến hành kiểm tra, đôn đốc các cơ quan xí nghiệp khẩn trương sơ tán kho tàng, tài sản, hàng hóa ra khỏi thành phố; vận động đưa người dân cùng các cơ quan xí nghiệp khỏi khu vực nội thành về sơ tán an toàn ở các địa phương; vận động nhân dân thực hiện tốt công tác củng cố hầm hào cũ, làm thêm hầm hào mới nhằm đảm bảo tốt việc phòng tránh khi máy bay địch đánh phá và phục vụ sản xuất và chiến đấu. Tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác bảo vệ những địa bàn trọng điểm, bảo vệ các tuyến đường giao thông vận tải và tổ chức các đội cứu hỏa. Triển khai các phương án đánh địch, đặc biệt đối với gián điệp biệt kích nhảy dù vào địa bàn, tuần tra, cảnh giới, bảo vệ các mục tiêu trọng điểm.

Đồng thời, lực lượng CAND vũ trang phối hợp với Quân đội nhân dân (QĐND) thường xuyên hiệp đồng trong việc bảo vệ an toàn mục tiêu đánh địch, triển khai hệ thống phòng không nhân dân, triển khai an toàn lực lượng phòng không ba thứ quân để đánh địch, bảo vệ mục tiêu, bảo vệ nhân dân, bảo vệ giao thông vận tải chi viện cho chiến trường.

Trong chiến dịch 12 ngày đêm, lực lượng Công an Thủ đô Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bảo vệ, Công an xã, dân phòng, dân quân tự vệ và nhân dân bám sát vị trí chiến đấu bảo đảm giao thông vận tải, hướng dẫn quần chúng xuống hầm trú ẩn, tuần tra bảo vệ, tham gia cứu thương, cứu người bị thương, bị sập hầm, phòng cháy chữa cháy.

“Công an Hà Nội cùng sở giao thông vận tải và hội đồng phòng không thành phố vận động, tổ chức đưa 547.895 người ra khỏi nội thành và các khu vực trọng điểm ở ngoại thành đến nơi sơ tán nhanh gọn, trật tự an toàn”. (Ban chỉ đạo tổng kết lịch sử Bộ Công an, Tổng kết lịch sử Công an nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Nxb CAND, HN.2017, tr.123).

Các lực lượng phòng cháy, chữa cháy Hà Nội, Hải Phòng đã chiến đấu dũng cảm, dập tắt nhiều đám cháy do máy bay Mỹ gây ra, bảo vệ kho tàng, tàu thuyền, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Đội Cảnh sát bảo vệ cầu phà thuộc Phòng CSGT thành phố ngày đêm bám trụ, đứng vững trên vị trí chỉ huy giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trong mọi tình huống.

Giữa mưa bom, bão đạn của quân thù, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đã phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng dũng cảm chiến đấu, lập công xuất sắc. Đó là đồng chí Nguyễn Văn Uân, Cảnh sát khu vực thuộc Đồn Công an số 23, khu Hai Bà Trưng; đồng chí Tô Đình Tường, Cảnh sát khu vực của khu Đống Đa đã xông pha trong bom đạn quên mình cứu dân bị nạn. Đồng chí Phan Văn Biên dũng cảm nhảy lên toa xe lửa đang cháy giật chốt cho toa xe tách khỏi đoàn tàu để bảo vệ tài sản nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân.

Công tác chuẩn bị, thực tiễn chiến đấu và hi sinh của lực lượng Công an nhân dân đã góp phần xây dựng nên thế trận toàn dân đánh thắng giặc Mỹ trong trận đánh chiến lược năm 1972. Từ những đóng góp của lực lượng Công an nhân dân trong chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy, có thể rút ra một số kinh nghiệm có giá trị vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với công tác Công an. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng CAND đã phát huy vai trò, nòng cốt xung kích, huy động sức mạnh tổng hợp tham gia bảo vệ vững chắc an ninh trật tự ở miền Bắc, “giữ vững bên trong” để sẵn sàng đấu tranh chống chiến tranh phá hoại của kẻ thù; đồng thời tích cực, chủ động phối hợp hiệp đồng với Quân đội nhân dân và các lực lượng khác. Sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do tác động của tình hình thế giới và trong nước tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Chính vì vậy, yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng CAND là tất yếu khách quan trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Hai là, tăng cường công tác dự báo nắm tình hình, tham mưu với Đảng, Nhà nước những vấn đề chiến lược trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Trong chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, với tư duy chiến lược và khả năng dự báo từ xa từ sớm của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta. Các lực lượng vũ trang đã chủ động chuẩn bị lực lượng, phương án và sẵn sàng đương đầu với sức mạnh quân sự khổng lồ của kẻ thù và giành thắng lợi. Ngày nay, lực lượng CAND với vai trò nòng cốt trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ bên trong, chủ động nắm tình hình, thường xuyên tổng kết thực tiễn bảo vệ Tổ quốc để tham mưu cho Đảng hoạch định đường lối trong từng giai đoạn cách mạng, phòng ngừa từ sớm, từ xa, triệt tiêu các nhân tố, nhất là nhân tố bên trong có thể dẫn đến bất lợi đối với an ninh quốc gia, đây là chức năng, nhiệm vụ mang tầm chiến lược của lực lượng Công an nhân dân.

Ba là, phối hợp với QĐND nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, hiệp đồng tác chiến giữa CAND và QĐND là yêu cầu khách quan, nhân tố đảm bảo thắng lợi của công cuộc bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Quân đội và Công an ngày càng được củng cố, tăng cường, hai lực lượng đã sát cánh cùng nhau đấu tranh trên địa bàn miền Bắc, tập trung phòng, chống địch đột nhập; chống chiến tranh phá hoại, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự.

Hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch ra sức kích động chia rẽ Quân đội với Công an, chính vì vậy đặt ra yêu cầu cấp bách  phải đặc biệt chăm lo, củng cố đoàn kết, mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa QĐND và CAND trong thực hiện nhiệm vụ chung bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy (Giám đốc Học viện Chính trị CAND)

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文