Chính phủ đề xuất triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội

08:55 13/03/2023

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo đó, Nghị quyết đưa ra mục tiêu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường bất động sản, trong đó: Tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật và trình tự, thủ tục cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án bất động sản, nhất là liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, đấu giá… Tập trung cao độ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai để sớm hoàn thành, tạo nguồn cung cho thị trường. Tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư… khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường…

Một dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Quỳnh Trần.

Nghị quyết nhấn mạnh giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ tổng thể, đồng bộ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong phát triển nhà ở nói chung, phát triển nhà ở xã hội nói riêng, Chính phủ xây dựng, trình đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội" để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể nhằm tạo động lực phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới; trong đó đặc biệt quan tâm đến những nội dung vướng mắc lớn trong thời gian qua, như: Về giao đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội; Về quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; Về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; Về quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư; Về xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; Về đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội...

Khẩn trương hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể trong phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu, khả năng của người có thu nhập thấp có nhu cầu cao về nhà ở có thể tiếp cận.

Cần những dự án nhà ở thu hút được người mua để kích cầu thị trường. Ảnh minh họa.

Xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của các địa phương.

Để hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030) để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường trong từng thời kỳ và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với từng gói tín dụng cụ thể.

Chính phủ giao Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ hợp thứ 5 tháng 5/2023, thông qua tại kỳ hợp thứ 6 tháng 10/2023 đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, nhằm hoàn thiện, bổ sung hành lang pháp lý cho giao dịch chuyển nhượng bất động sản hình thành trong tương lai, bất động sản du lịch; mua bán chuyển quyền từ nhà đầu tư năng lực kém sang nhà đầu tư có năng lực để tăng cường thanh khoản, phát triển của thị trường.

Khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét, ban hành "Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng"; "Nghị định quy định về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị". Tích cực, chủ động chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp tập trung nghiên cứu xây dựng báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội" vào kỳ họp tháng 5/2023. Tích cực, chủ động chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" sau khi được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được Chính phủ giao chủ trì triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng;  chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiềm năng của từng dự án và loại hình phân khúc bất động sản như bất động sản nhà ở phù hợp thu nhập người dân, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; bất động sản công nghiệp, du lịch, văn phòng... để xem xét điều chỉnh các điều kiện cho vay mà không đánh đồng chính sách với các dự án có những rủi ro.

Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Giá (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5 tháng 5/2023; Rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong đó có nhóm doanh nghiệp bất động sản, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2023.

Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền giám sát, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản và hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.

Gỡ vướng có trọng tâm, trọng điểm để kích cầu thị trường bất động sản

Cùng với Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, TP Hồ Chí Minh cũng quyết liệt vào cuộc gỡ vướng cho các dự án nhà ở nhằm góp phần gỡ khó cho nhà đầu tư, khơi thông lại thị trường bất động sản (BĐS). TP Hồ Chí Minh đã xác định có đến 70% vướng mắc của dự án về thủ tục pháp lý.

Liên quan 156 dự án của 121 doanh nghiệp đã được đại diện các doanh nghiệp BĐS kiến nghị gỡ vướng từ năm ngoái, đến nay TP Hồ Chí Minh đã phân nhóm vướng mắc và giao các sở, ngành liên quan chủ trì việc gỡ vướng. Trong đó Sở Xây dựng sẽ chịu trách nhiệm xem xét 8 dự án với 6 nhóm vướng mắc; Sở Quy hoạch - Kiến trúc xem xét 10 dự án với 1 nhóm vướng mắc là điều chỉnh quy hoạch; Sở Tài nguyên - Môi trường xem xét 24 dự án với 15 nhóm vướng mắc; Sở Kế hoạch - Đầu tư xem xét 11 dự án với 4 nhóm vướng mắc. Đối với nhóm dự án do Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì việc gỡ vướng, đại diện Hiệp hội BĐS thành phố đã chỉ ra với 2 quy định là "Đánh giá sự phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu" và "Giấy tờ chứng minh đất đã được giải phóng mặt bằng". Sở Kế hoạch - Đầu tư đã phải phát hành đến 10 bộ hồ sơ để yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền góp ý. Do đó, thủ tục này dù được thực hiện theo cơ chế một cửa nhưng đã mất nhiều thời gian của doanh nghiệp BĐS. Trước đây khi thực hiện theo quy chế cũ, doanh nghiệp trực tiếp làm việc đồng thời với từng sở, ngành, quận, huyện để được thẩm định nên kết quả vẫn nhanh hơn hiện nay.

Đối với dự án do Sở Xây dựng chịu trách nhiệm trong việc gỡ vướng, chỉ với thủ tục cấp thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, nhưng Gotec Land đã phải gửi đơn cầu cứu Thủ tướng, các bộ và UBND TP Hồ Chí Minh để kiến nghị chỉ đạo giải quyết. Theo đại diện doanh nghiệp này, Sở Xây dựng đã không duyệt thủ tục cấp thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai để doanh nghiệp mở bán dự án Shizen Home ở quận 7. Trong khi chủ đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng và đã thi công và hoàn thành phần móng, hầm theo biên bản nghiệm thu từ tháng 6/2022. Nhưng sau hơn nửa năm nộp hồ sơ để xin cấp thông báo đủ điều kiện mở bán, dự án vẫn bị đưa vào diện chờ rà soát. Phải đến khi Hiệp hội BĐS có văn bản kiến nghị, đại diện của Gotec Land được làm việc với lãnh đạo thành phố vào cuối tháng 2 vừa qua, yêu cầu này của doanh nghiệp mới được xem xét, giải quyết. Ngoài ra, theo Hiệp hội BĐS thành phố, trên địa bàn đang có đến 64 dự án vướng mắc pháp lý đất đai có nguồn gốc đất công, chưa hoàn thành các thủ tục cần phải rà soát lại. Nhưng trong đề xuất phân nhóm vướng mắc đối với dự án BĐS của Sở Xây dựng, nhóm vướng mắc này chưa được đề cập đến. Thực trạng trên cho thấy, dự án không chỉ bị ách tắc do pháp lý về đất đai, mà còn ách tắc do chính các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những thủ tục tưởng chừng đơn giản khác.

Khó khăn của chủ đầu tư dự án BĐS không chỉ khiến các trái chủ lao đao, mà nhiều doanh nghiệp xây dựng, cá nhân cung ứng vật tư, thiết bị cũng bị vạ lây do bị dự án nợ tiền. Ông Hữu Tuấn, đại điện Công ty xây dựng Đ.H đề nghị, cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường giám sát chi phí hàng năm của doanh nghiệp BĐS như các khoản chi trả nhà thầu xây dựng, nhà cung cấp vật liệu, thiết bị, tiền thuế, thậm chí cả chi trả lương cho người lao động… việc này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng chủ dự án BĐS đẩy khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân khác dẫn đến ảnh hưởng dây chuyền.

Khó khăn của thị trường BĐS đã kéo dài, nhưng hy vọng giá nhà giảm mạnh vẫn khá mờ mịt khi nhiều chủ đầu tư dự án vẫn không chịu làm nhà ở có giá vừa phải để có thể nhanh chóng bán được sản phẩm. Từ đầu năm đến nay vẫn có một loạt dự án căn hộ mới mở bán ở TP Thủ Đức vẫn cứ chào bán với giá rất cao cấp. Lý giải về tình trạng này, ông Quốc Khang, Giám đốc hệ thống sàn giao dịch BĐS T.R cho rằng, thời gian triển khai dự án đã kéo dài vài năm, trong khi nhiều chủ đầu tư không đủ thực lực nên đã phải huy động vốn vay từ ngân hàng hoặc trái phiếu doanh nghiệp.

Các dự án BĐS do nhà đầu tư nước ngoài triển khai cũng không nằm ngoài tình trạng này, chi phí để có được dự án với pháp lý đầy đủ trong tay đã khá cao khiến nhà đầu tư đều phải tính đến chuyện làm dự án cao cấp. Do đó, để kéo giảm giá nhà ở, ngoài việc rút ngắn thời gian làm thủ tục pháp lý đối với dự án, thì việc đánh giá thực lực của chủ đầu tư cũng cần được xem xét khi cấp giấy chấp thuận chủ trương đầu tư.  

Từ ngày 5/3, khi Nghị định số 08/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp được đàm phán với người sở hữu trái phiếu đến hạn thanh toán để trả bằng tài sản khác. Trong tình hình hiện nay, các trái chủ của doanh nghiệp BĐS rất dễ phải “ôm” căn hộ cao cấp với giá rất cao để thu hồi tài sản nếu không muốn tiếp tục phải chờ đợi. Cho rằng các sở, ngành cần giám sát chặt chẽ về điều kiện bảo lãnh của ngân hàng đối với các dự án đủ điều kiện mở bán nhà ở hình thành trong tương lai để tránh thiệt hại cho người mua nhà, ông Quốc Khang đề nghị: “Với thực trạng tín dụng cho vay BĐS vẫn khó khăn như hiện nay, cần ưu tiên gỡ vướng cho các dự án nhà ở có mức giá bán trung bình, phục vụ nhu cầu thực của người dân để có thể tạo lực phục hồi thị trường BĐS.”

Bảo Sơn

Thư Kỳ

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文