Để “chuồng cọp” không còn là mối nguy : Kiến trúc bất đắc dĩ (bài 1)

09:26 21/10/2023

Tại các thành phố lớn có nhiều khu nhà chung cư cũ như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, hầu như đến bất kỳ chung cư cũ nào cũng đều thấy cảnh “chuồng cọp” nhấp nhô, vừa gây mất mỹ quan, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ an toàn về PCCC....

“Chuồng cọp”, cách gọi của những khối khung sắt mà người dân dùng để cơi nới, mở rộng thêm diện tích căn hộ, đặc biệt là tại các khu tập thể cũ đã không còn mới. Tại các thành phố lớn có nhiều khu nhà chung cư cũ như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, hầu như đến bất kỳ chung cư cũ nào cũng đều thấy cảnh “chuồng cọp” nhấp nhô, vừa gây mất mỹ quan, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ an toàn về PCCC. Liên tục các vụ cháy xảy ra thời gian qua, tiếng chuông cảnh báo về an toàn PCCC liên quan đến câu chuyện “chuồng cọp” lại được gióng lên lần nữa.

Nhấp nhô “chuồng cọp”

Hình ảnh những khu nhà tập thể cũ phải gồng mình gánh thêm những “chuồng cọp”, hay những chiếc “ba lô” thò ra, thụt vào dường như đã quá quen với người dân Hà Nội. Tại các khu vực nhiều khu nhà chung cư cũ như: Thanh Xuân Bắc, Trung Tự, Kim Liên, Nghĩa Tân, Thành Công… các dãy nhà đan xen, nối tiếp nhau, tại những khu vực này không khó để thấy những “chuồng cọp” mọc ra nhấp nhô với các hình dáng, chất liệu và kích cỡ khác nhau. Với những người ít ra vào, có thể nói không khác gì lạc vào ma trận “chuồng cọp”.

“Chuồng cọp” là hình ảnh đặc trưng của các khu tập thể cũ hiện nay. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định, “chuồng cọp” là sản phẩm kiến trúc bất đắc dĩ và đáp ứng được nhu cầu thực tế cuộc sống của đại đa số người dân sinh sống tại các khu nhà tập thể cũ. Nhu cầu sinh hoạt ngày càng tăng, diện tích nhà tập thể không thể đáp ứng được hết nên số lượng “chuồng cọp” ngày càng nhiều. Hầu hết các hộ dân sống tại khu tập thể đều làm “chuồng cọp” để tăng diện tích sử dụng.

“Chuồng cọp” dày đặc tại khu nhà tái định cư cao tầng ở KĐT Đền Lừ 2, Hoàng Mai, Hà Nội.

Khu tập thể Thành Công là một trong những khu có nhiều nhà tập thể cũ ở Hà Nội. Trên lưng các khu nhà cũ xuống cấp được xây dựng từ nửa sau của thế kỷ trước đang phải cõng cơ man là những chiếc “ba lô” to nhỏ, hình thù khác nhau. Các “chuồng cọp” được các hộ dân xây dựng tự phát bằng việc khoan tường, dựng các dầm thép và dùng các tấm gỗ làm sàn rồi dùng tôn để quây hoặc rào kín bằng các lồng sắt kiên cố.

Căn hộ có diện tích thực tế sử dụng khoảng 45m2, đang là chỗ ở của 5 người gia đình ông Đoàn Văn Mão tại khu tập thể Thành Công. Mua về ở đây từ năm 1992, căn hộ chỉ có diện tích sổ đỏ 30m2. Sau khi con cái lớn lên, không gian sống quá chật chội nên gia đình ông đã phải làm thêm khung sắt để mở rộng không gian sống. “Nhà tập thể cũ ở đây hầu hết đều có diện tích khoảng 30m2, chật chội nên nhà ai cũng phải cơi nới, làm thêm “chuồng cọp” để có thêm diện tích sử dụng. Nhà thì mở rộng để làm thêm phòng ở, nhà thì làm bếp, khu vực phơi phóng… Việc phải thiết kế thêm các “chuồng cọp” cũng là bất đắc dĩ”, ông Mão cho hay.

Nói đến “chuồng cọp”, người ta thường nghĩ ngay đến các khu nhà tập thể cũ, thế nhưng có một thực tế hiện nay là tại một số khu nhà tái định cư cao tầng cũng xuất hiện “chuồng cọp” treo lơ lửng giữa không gian. Điển hình như tại một số toà nhà tái định cư tại Khu đô thị Đền Lừ 2 (Hoàng Mai, Hà Nội). Các toà nhà này cao 15, 17 tầng nhưng ngước mắt nhìn lên, trên các tầng cao vẫn đầy rẫy những “ba lô”, “chuồng cọp”. Các hộ dân ở đây cũng cơi nới thêm diện tích từ lô gia, sau đó rào kín bằng các lồng sắt.

Phòng trộm nhưng quên phòng cháy

Các “chuồng cọp” đều được người dân cơi nới, mở rộng từ ban công hay cửa sổ của ngôi nhà. Tuy nhiên, đây chính là ẩn hoạ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu chẳng may xảy ra hoả hoạn. Khi các lối thoát như ban công, cửa sổ lại bị bịt kín bởi những song sắt kiên cố của “chuồng cọp”, căn nhà chỉ còn một lối thoát duy nhất là cửa chính. Tất nhiên người dân cũng có cái lý của mình khi cho rằng phải rào kín bởi tâm lý “ăn chắc mặc bền” lo ngại về việc bị trộm cắp tài sản hay lo lắng về an toàn của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều vụ hoả hoạn diễn ra để lại hậu quả nghiêm trọng cho thấy phòng trộm nhưng vẫn phải phòng cháy. Việc mở lối thoát hiểm thứ 2 là một yêu cầu cấp thiết, đặc biệt tại các khu nhà tập trung đông người sinh sống. 

Thực tế, tâm lý phòng trộm mà quên phòng cháy vẫn tồn tại dù không ít tiếng chông cảnh báo đã vang lên. Trên địa bàn phường Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội) có đến 48 khu nhà tập thể cũ và hầu hết khu nhà nào cũng nhấp nhô “chuồng cọp”. Những ngày qua, dù các địa bàn Hà Nội đã tuyên truyền, đẩy mạnh vận động các hộ dân phòng cháy với với hàng loạt khẩu hiệu như “Nhà tôi có lối thoát hiểm thứ hai”, nhưng vòng quanh các khu nhà tập thể cũ ở khu vực phường Trung Tự, bằng mắt thường cũng có thể thấy số lượng mở lối thoát hiểm thứ 2 ở các khung sắt, “chuồng cọp” vẫn còn hạn chế. Điều này cũng được chính lãnh đạo UBND phường Trung Tự thừa nhận. Dẫn chứng là các khu nhà như D8 với 60 hộ dân hay C5 với gần 100 hộ dân nằm ngay cạnh UBND phường Trung Tự đến nay cũng mới chỉ vận động được khoảng 50% hộ dân mở lối thoát hiểm thứ 2.

“Vấn đề lớn nhất ở đây là ý thức của người dân. Thời gian qua, cả hệ thống chính quyền đã cùng vào cuộc để tuyên truyền, vận động về phòng chống cháy nổ về việc mở lối thoát hiểm thứ 2, thế nhưng thực tế kết quả đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Cái khó ở đây là chỉ có thể tuyên truyền vận động vì không có chế tài, quy định nào bắt buộc người dân phải mở cả”, ông Hà Phú Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự bày tỏ.

Theo ông Bình, để phòng cháy, trên hết vẫn là ý thức của người dân. Thời gian qua, UBND phường Trung Tự đã tổ chức cả chục cuộc tuyên truyền, hướng dẫn người dân về phòng cháy chữa cháy nhưng nhiều người dân vẫn chưa thực sự quan tâm. “Để hướng dẫn, tuyên truyền cho bà con về phòng cháy chữa cháy, chúng tôi đã tổ chức xuống từng khu dân cư. Để tạo thuận lợi cho người dân tham gia, phường đã phải sắp xếp bố trí thời gian vào các buổi tối. Thế nhưng hầu hết các buổi tuyên truyền, hướng dẫn này chỉ có số ít người già, trẻ em tham gia. Phường phải bỏ kinh phí để mua bình ga, bình chữa cháy, các công cụ hỗ trợ, còn nhân lực như Công an, cán bộ thì coi như đi hỗ trợ người dân ngoài giờ. Đứng ở góc độ người tổ chức mà người dân không nhiệt tình hưởng ứng thế, nhiều lúc chúng tôi cũng thấy buồn”, ông Bình giãi bày.

Phan Hoạt  

Lễ hội vật cầu nước (hay vật cầu bùn) được tổ chức 4 năm 1 lần tại làng Vân (Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) từ ngày 12-15/4 Âm lịch. Bộ Văn hoá Thể thao &Du lịch đã trao bằng công nhận lễ hội này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2022.

Vụ cháy xảy ra tại nhà cho thuê trọ cao 9 tầng, địa chỉ số 269 phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khu vực xảy ra cháy ở trong trục kỹ thuật điện thông tầng từ tầng 5 đến tầng 9 của công trình, nên đã phát sinh nhiều khói, khí độc hại.

Vào dịp nghỉ cuối tuần, dòng người đổ về TP Hải Phòng đông nườm nượp, du khách hào hứng vừa trải nghiệm “foodtour Hải Phòng”, vừa chụp ảnh “check in”, đặc biệt dưới sắc màu rực cháy của hoa phượng đỏ tháng 5.

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, thời gian qua, một số chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án không đúng tên đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định để thực hiện quảng cáo, rao bán bất động sản không đảm bảo quy định pháp luật.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo luật có nhiều thay đổi, trong đó có nội dung về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Trong chuyến công tác thu thập tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng truyền thống của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, tôi có dịp về thăm đồng chí Ngô Văn Núi – nguyên chiến sĩ Trung đoàn 600 – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, một trong số những cán bộ chiến sĩ vinh dự được bảo vệ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc giai đoạn kháng chiến chống Pháp cho đến khi Người qua đời. Ở tuổi 94, mặc dù sức khỏe không được tốt, đi lại khó khăn, nhưng người lính cận vệ năm xưa vẫn minh mẫn lạ thường khi kể về những kỷ niệm của ông với Bác Hồ trong suốt 15 năm được may mắn, vinh dự bảo vệ Người.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Trịnh Xuân An cho biết, thực chất, khoản 8, Điều 8 Luật hiện hành (Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đã cấm tuyệt đối: "cấm điều khiển ô tô, xe máy chuyên dùng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Việc này vừa có cơ sở pháp lý, vừa có cơ sở lý luận, khoa học.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文