Đột phá theo Nghị quyết 57: Tạo vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu

06:00 24/03/2025

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị (Nghị quyết 57) về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đang từng bước được hiện thực hóa bằng nhiều quyết sách, từ đó mở ra nhiều cơ hội phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Từ hoàn thiện thể chế…

Trong 7 nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 57, nhiệm vụ, giải pháp thứ 2 nêu rõ: “Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện tại, thể chế vẫn đang là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", nhưng với các cải cách mạnh mẽ, thể chế có thể trở thành một lợi thế cạnh tranh quan trọng. Bộ trưởng đề xuất, việc cải cách thể chế là yêu cầu cấp thiết, từ việc đơn giản hóa thủ tục hành chính đến việc tạo ra cơ chế tài chính linh hoạt để khuyến khích các nghiên cứu, sáng kiến công nghệ.

Bên cạnh đầu tư phát triển hạ tầng số, Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng và phát triển các công nghệ số. Ảnh minh họa 

Hiện nay, nhiều chính sách pháp luật giúp tháo gỡ “điểm nghẽn”, tạo động lực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đã và đang được triển khai mạnh mẽ. Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo đang được Bộ Khoa học và Công nghệ tích cực nghiên cứu, soạn thảo, từng bước khắc phục những bất cập của Luật Khoa học Công nghệ năm 2013, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết số 57. Dự thảo Luật gồm 14 chương và 83 điều. trong đó một số nội dung đã được sửa đổi, bổ sung mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Bộ đã thiết kế dự thảo Luật theo hướng phân cấp, phân quyền đến tất cả bộ, ngành, địa phương và tổ chức chủ trì. Các quỹ của các bộ, ngành cũng như cơ chế quỹ cũng được chủ động hơn.

Tuy nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng xây dựng cơ chế tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức. Theo đó, các tổ chức chủ trì, các quỹ, bộ, ngành, địa phương phải thực hiện trách nhiệm kiểm tra giải ngân, không gây thất thoát. Về hậu kiểm, dự thảo Luật đưa thêm hành lang đánh giá hiệu quả đầu tư; trên cơ sở đó, cấp ngân sách cho các chương trình, nhiệm vụ cũng như các tổ chức khoa học công nghệ. Điều này sẽ tạo thay đổi lớn về tư duy. Bên cạnh đó, dự án Luật được thiết kế theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị là sẽ chuyển đổi số toàn diện toàn bộ hệ thống hoạt động khoa học công nghệ theo hướng tất cả các hoạt động sử dụng Ngân sách Nhà nước đều phải triển khai trên nền tảng số dùng chung toàn quốc.

“Chúng tôi hướng đến trong tương lai sẽ có robot, trí tuệ nhân tạo tự động kiểm tra vấn đề chi tiêu của các cơ quan, tổ chức có hợp lý không… Ngoài ra, dự án Luật cũng có đột phá, thay đổi quan điểm về đầu tư cho khoa học công nghệ và thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.

Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số cũng đang được xây dựng, dự kiến trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 nhằm giải quyết những tồn tại, bất cập của Luật Công nghệ thông tin; tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số thành ngành công nghiệp nền tảng. Trí tuệ nhân tạo (AI) là một lĩnh vực trọng yếu khác mà dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số quan tâm điều chỉnh; trong đó, cần xây dựng nguyên tắc thúc đẩy, quản lý nhằm hạn chế rủi ro, đồng thời tận dụng tốt những lợi ích mà AI mang lại là yêu cầu bắt buộc.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn, dự thảo Luật phải xác định rõ đối tượng thúc đẩy phát triển AI là xây dựng hệ thống dữ liệu và hạ tầng cơ sở thông tin; đồng thời cần quản lý theo các cấp độ. Cùng với đó, xem xét thúc đẩy ở mức độ rủi ro thấp nhất như trong các hoạt động gia đình. Rủi ro càng cao phải quản lý càng chặt, nhất là vấn đề liên quan đến sức khỏe, con người, quốc phòng an ninh.

… Đến tạo vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, việc ban hành Nghị quyết 57 giúp Việt Nam định vị lại vai trò, vị thế trên bản đồ khoa học công nghệ toàn cầu. Mục tiêu của Việt Nam không chỉ là phát triển công nghệ mà còn làm chủ và ứng dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới trong các lĩnh vực chiến lược. Điều này sẽ giúp tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và cạnh tranh trong tương lai.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặc biệt nhấn mạnh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phải gắn kết chặt chẽ và tạo ra một hệ sinh thái phát triển đồng bộ, giúp Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế thông qua xuất khẩu công nghệ, đổi mới sáng tạo và sản phẩm khoa học. Việc phát triển các ngành công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và năng lượng tái tạo không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam mà còn là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ khoa học và công nghệ toàn cầu. Điều này không chỉ tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế mà còn giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình và hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm 3 Đông Nam Á, top 50 thế giới về chuyển đổi số; công nghệ AI và một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ số thuộc nhóm 3 Đông Nam Á; có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Cùng với đó, hoàn thành việc xây dựng đô thị thông minh thuộc các thành phố trực thuộc Trung ương; thu hút thêm 3 Big Tech đặt trụ sở, đầu tư, nghiên cứu phát triển tại nước ta.

Để hiện thực hoá Nghị quyết số 57-NQ/TW, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, bao gồm nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, và quyết tâm chính trị mạnh mẽ. “Người đứng đầu trực tiếp phụ trách khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cần coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức. Kết quả phát triển trong các lĩnh vực này sẽ là tiêu chí đánh giá cán bộ, đồng thời cần bố trí phù hợp số lượng cán bộ chuyên môn về khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số trong cấp ủy”, Bộ trưởng đánh giá.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần thí điểm cái mới để nhân rộng; đồng thời chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm, độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, sand box; quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số, thì cơ chế là chấp nhận "có cái được, có cái mất". Cùng với đó, cần tiếp tục thu hút có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ngân sách cho nghiên cứu khoa học, công nghệ thực hiện theo cơ chế Quỹ, bảo đảm chi tiêu tập trung, có trọng tâm, trọng điểm…

“Tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW là quản lý theo mục tiêu, không quản lý theo cách làm, là trao quyền tự chủ và trách nhiệm cho người làm, chấp nhận rủi ro và đánh giá dựa trên hiệu quả tổng thể, là người làm được hưởng lợi từ thành quả lao động và sáng tạo", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Để đạt được những mục tiêu này, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cần tập trung vào 5 nguyên tắc chính: Lượng hóa nhiệm vụ thành mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể; giao nhiệm vụ cho người đứng đầu trực tiếp chỉ đạo; phân bổ nguồn lực hợp lý để triển khai các nhiệm vụ; xây dựng công cụ đo lường kết quả thực hiện trực tuyến theo quý/năm và định kỳ đánh giá, công khai kết quả; kết quả thực hiện sẽ là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là đối với người đứng đầu. Bộ trưởng khẳng định, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phải nhằm vào mục tiêu cuối cùng là tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Thu Phương

Ngày 12/4, Mỹ và Iran bắt đầu các cuộc trao đổi cấp cao tại Oman nhằm thúc đẩy đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran, trong bối cảnh Mỹ đe dọa sẽ có hành động quân sự nếu không có thỏa thuận.

Chiều 12/4, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, sau khi nắm thông tin về vụ việc 2 cháu nhỏ bị bạo hành tại Nhóm trẻ C.C, trong sáng cùng ngày đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện phối hợp UBND xã Quế Mỹ đến thăm, động viên gia đình và nắm tình hình sức khỏe của 2 cháu; đồng thời chỉ đạo UBND xã Quế Mỹ ra thông báo tạm dừng hoạt động của nhóm trẻ này.

Liên quan đến hiện tượng bùn nước từ lòng đất phun trào trên bề mặt tại một thửa đất ở Phú Yên như Báo CAND đã thông tin, ngày 12/4, Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&TN) tỉnh Phú Yên cho biết, vừa nhận được văn bản báo cáo kết quả khảo sát của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra (QH&ĐT) Tài nguyên nước miền Trung thuộc Trung tâm QH&ĐT Tài nguyên nước quốc gia.

Xem người yêu như món đồ vật thuộc sở hữu riêng của mình nên khi chia tay, hắn không chịu buông tha cho cô gái, mà liên tục tìm cách gặp mặt để không cho bất cứ người đàn ông nào khác có thể tiếp cận. 

Đòn thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến thị trường tài chính toàn cầu rung chuyển: vàng tăng vọt, dầu thô phục hồi mạnh, USD suy yếu. Trong khi hơn 75 quốc gia được tạm hoãn áp thuế 90 ngày, Trung Quốc bị áp mức thuế kỷ lục 125% và lập tức đáp trả bằng thuế 84%, báo hiệu một vòng xoáy căng thẳng thương mại chưa có hồi kết.

Nằm sâu trong cánh rừng già tại xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, Di tích Căn cứ Sở Nhỏ – Ban An ninh Bình Phước là một địa chỉ đỏ của vùng đất Đông Nam Bộ. Đây từng là một trong những căn cứ trọng yếu của Công an tỉnh Bình Phước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gắn liền với biết bao chiến công oanh liệt, thể hiện tinh thần bất khuất, kiên cường và sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ ngành Công an.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文