Đừng nhìn hiện tượng rồi quy kết truyền thống "tôn sư trọng đạo" bị nhạt phai!
Trong bối cảnh hiện nay, giáo viên phải đối mặt với nhiều áp lực và đòi hỏi của xã hội với đội ngũ nhà giáo ngày càng cao. Để trở thành những nhà giáo giỏi, ngoài năng lực, trình độ chuyên môn tốt, người thầy còn phải có động cơ đúng đắn để dẫn dắt người học trong việc tiếp nhận và tạo ra tri thức. Tuy vậy, chế độ đãi ngộ đối với người thầy hiện nay vẫn còn khiêm tốn, chưa đủ tạo động lực để thầy cô yên tâm gắn bó với nghề. Cần những chính sách gì để tăng động lực và giảm bớt những áp lực không cần thiết cho nhà giáo, giúp thầy cô toàn tâm cống hiến? Làm thế nào để truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc không bị phai nhạt trong thời đại mới? PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục về vấn đề này.
PV: Thưa PGS.TS Đặng Quốc Bảo, ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, quan hệ thầy trò, truyền thống “tôn sư trọng đạo”, vốn là nét đẹp của dân tộc đang dần bị nhạt phai? Đạo đức, văn hóa ứng xử trong nhà trường hiện nay đang xuống cấp và vị thế của người thầy đang bị giảm sút?
PGS.TS Đặng Quốc Bảo: Nhà trường, quan hệ thầy trò đang bị tác động bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường. Đã có một số hiện tượng đáng buồn, đáng xót xa xảy ra nhưng cũng đừng nên chỉ nhìn vào đó rồi quá hốt hoảng, quá bi quan. Cá nhân tôi vẫn tin vào mạch ngầm văn hóa truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc trong mỗi gia đình, dòng họ hiện nay. Chúng ta không nên chỉ nhìn thấy hiện tượng rồi vội vã quy kết là truyền thống “tôn sư trọng đạo” bị mai một hay băng hoại, vị thế của người thầy bị giảm sút.
Ngày xưa, 5% dân cư đi học nên đa phần người học là thành phần tinh túy. Nay, 100% dân cư đi học nên thành phần cũng rất đa dạng. Nói cách khác, bây giờ xã hội như thế nào thì nhà trường cũng theo thế ấy, nhà trường là xã hội thu nhỏ. Nhìn tại một điểm cục bộ nào đó, một số vụ việc đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua, đúng là có biểu hiện bất thường của văn hóa ứng xử trong nhà trường khi “thầy chưa ra thầy, trò chưa ra trò, trường chưa ra trường” nhưng tôi cho rằng đó vẫn chỉ là số ít, là cá biệt, là rủi ro trong nhà trường thời hiện đại mà thôi.
Chúng ta phải biết xót xa, phải cố gắng vượt qua những điều chưa chuẩn, chưa hay trong nhà trường hiện nay nhưng cũng đừng vội đưa ra những báo động giả, khiến xã hội lo lắng và cũng đừng đổ hết trách nhiệm cho các nhà trường.
PV: Theo ông, khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” có còn phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện nay? Việc giáo dục đạo đức, văn hoá trong nhà trường cần thay đổi theo hướng nào?
PGS.TS Đặng Quốc Bảo: “Tiên học lễ hậu học văn” trong nhà trường hiện nay vẫn đúng và còn vẹn nguyên giá trị bởi nếu không chú trọng giáo dục đạo đức, văn hóa ứng xử cho học sinh, mọi thứ sẽ dễ trở nên bát nháo. Đáng tiếc là giáo dục đạo đức, ứng xử trong nhà trường thời gian qua còn có phần nặng về hướng ngoại mà thiếu chiều sâu hướng nội.
Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần xác định hệ giá trị cốt lõi trong ứng xử văn hóa của cả cộng đồng, dân tộc. Như danh nhân Lê Quý Đôn nói có 3 việc mỗi người cần biết: Cần biết sợ, biết xấu hổ, cần chịu khó chịu khổ. Nếu mỗi cá nhân đều xây dựng được hệ giá trị sống của bản thân thì đến một lúc đó, những giá trị ấy sẽ trở thành chuẩn mực ứng xử cho cả cộng đồng.
PV: Thực tế cho thấy, yêu cầu của xã hội đối với người giáo viên ngày càng cao. Vậy công tác đào tạo người giáo viên tương lai tại các trường sư phạm hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu chưa, thưa ông?
PGS.TS Đặng Quốc Bảo: Thực tế cho thấy, muốn trở thành giáo viên, trước hết phải yêu nghề. Nhưng hiện nay, có một bộ phận học sinh vào sư phạm không phải hoàn toàn xuất phát từ lòng yêu nghề, rất nhiều em chọn sư phạm vì không có khả năng thi vào các trường có đầu vào cao hơn; vào sư phạm vì được miễn học phí, phù hợp với điều kiện gia đình. Bên cạnh đó, chương trình, nội dung đào tạo và đào tạo lại dù đã được cải tiến nhiều song vẫn còn nặng về phần kiến thức, nhẹ về phần kỹ năng. Sự cộng hưởng của hai yếu tố này đã và đang khiến cho chất lượng đào tạo người thầy chưa thật sự đáp ứng được như kỳ vọng.
PV: Ông có cho rằng, sự đãi ngộ của Nhà nước đối với người thầy chưa cao trong khi áp lực đối với người thầy ngày càng lớn đang là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người giỏi chưa thật sự mặn mà vào sư phạm?
PGS Đặng Quốc Bảo: Đúng là lương của giáo viên hiện nay vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Nhiều giáo viên chưa thể an tâm sống bằng nghề. Mặc dù ngành Giáo dục đã nỗ lực đề xuất tăng lương cho đội ngũ giáo viên nhưng đáng tiếc là đề xuất nhân văn này chưa nhận được sự đồng thuận của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ, với lý do ngân sách Nhà nước quá hạn hẹp, khó có thể đáp ứng. Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục nên kiên trì với đề xuất tăng lương, tăng chế độ phụ cấp cho giáo viên để nhà giáo yên tâm làm việc và cống hiến.
Thực tế cho thấy, cùng với chương trình tiên tiến, đội ngũ nhà giáo chính là nhân tố quan trọng quyết định sự thành bại của đổi mới giáo dục. Tất nhiên, để thu hút được người giỏi vào sư phạm, đãi ngộ chỉ là một vấn đề, cần rất nhiều chính sách đồng bộ khác từ tuyển chọn, đào tạo, tuyển dụng đến đãi ngộ.
Theo tôi biết, những năm gần đây, chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm của Nhà nước đã bước đầu thu hút được nhiều học sinh có điểm thi tốt nghiệp cao, có học lực giỏi vào sư phạm. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, mấu chốt của vấn đề vẫn là cam kết đầu ra cho sinh viên có học lực giỏi và đạo đức tốt thông qua một cơ chế tuyển dụng trong sáng, minh bạch, công bằng. Nếu làm được như thế thì đất nước chúng ta sẽ có được một đội ngũ người thầy ưu tú.
PV: Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, chỉ trong vòng 10 tháng của năm 2022, đã có hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc? Con số này gợi cho ông suy nghĩ gì?
PGS.TS Đặng Quốc Bảo: Đây là hiện tượng không bình thường và điều này càng trở nên đáng lo ngại trong bối cảnh toàn ngành Giáo dục đang triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, cần rất nhiều giáo viên. Ngoài nguyên nhân có một số lượng giáo viên không đạt chuẩn, không chịu được áp lực nên nghỉ việc, chuyển nghề thì lý do chủ yếu khiến giáo viên nghỉ việc, bỏ việc vẫn là do đồng lương, thu nhập của đội ngũ nhà giáo hiện nay quá thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Để giải quyết vấn đề này, mỗi ngành Giáo dục không làm được mà cần sự phối hợp của 3 Bộ gồm Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ trong việc xây dựng chế độ tiền lương, phụ cấp phù hợp với người thầy, tạo cơ chế, động lực để khích lệ giáo viên yên tâm gắn bó với nghề.
PV: Bên cạnh việc xây dựng chế độ tiền lương, đãi ngộ phù hợp, ngành Giáo dục và xã hội cần phải làm gì để giảm bớt áp lực không cần thiết cho nhà giáo?
PGS.TS Đặng Quốc Bảo: Hiện nay, giáo viên chịu khá nhiều áp lực. Trong đó, ngoài các áp lực mang tính chuyên môn, từ phía nhà trường như chất lượng bộ môn, học sinh giỏi, các hội thi dạy giỏi, xử lý học sinh cá biệt, hồ sơ sổ sách, áp lực chứng chỉ thì giáo viên còn phải chịu áp lực đến từ xã hội, đặc biệt là từ phụ huynh học sinh. Để giảm tải áp lực cho giáo viên, trước hết cơ quan quản lý giáo dục, các nhà trường cần loại bỏ dần những việc, những nội dung hình thức, không thực sự cần thiết để giáo viên có thời gian, tâm sức tập trung vào công tác chuyên môn.
Về phía xã hội, phụ huynh học sinh thay vì săm soi, hãy hướng tới sự hợp tác, cộng tác chân thành với người thầy, luôn ý thức vai trò kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bồi đắp kiến thức, nhân cách cho học sinh trên tinh thần chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau.
PV: Theo ông, trong bối cảnh dạy học đã và đang thay đổi mạnh mẽ như hiện nay, người thầy đóng vai trò thế nào trong vấn đề kiến tạo nhà trường, tổ chức lớp học không biên giới và xây dựng nền giáo dục kiến tạo?
PGS.TS Đặng Quốc Bảo: Trong dân gian ta có câu: “Không thầy đố mày làm nên”. Trong thời đại ngày nay, người thầy đừng tự cho mình có quyền uy tuyệt đối với học trò. Sứ mệnh của người thầy là phải tìm đến trò. Quan hệ thầy trò như thanh nam châm, thầy quý trò và trò phải kính thầy. Người thầy có ba trách nhiệm lớn, đó là truyền đạo (truyền dạy hệ giá trị của đất nước, thời đại); là người thụ nghiệp (tạo cho học sinh có nghề) và là người giải hoặc (hóa giải các nghi hoặc, suy nghĩ chưa chuẩn cho học trò).
Ngoài những phẩm chất có tính bất biến như trên, người thầy trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phải đóng được cả 4 vai: Người chỉ huy, thiết kế, dẫn dắt, cố vấn giúp học trò khám phá sáng tạo. Người thầy phải xác định rõ nhiệm vụ thực hiện tinh thần dạy học kiến tạo, biết từ bỏ sư phạm quyền uy để hướng tới sư phạm dân chủ; biết hợp tác, trang bị cho người học sự phát triển toàn diện năng lực phẩm chất, lại phải “đón đầu” với các tiến bộ của công nghệ dạy học, kỹ thuật dạy học qua “E - learning”, “trường học kết nối”, “STEM”, “MOOC”. Nói cách khác, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi người thầy phải “tận tâm hơn” song lại phải “tốc độ nhiều hơn”, “kết nối nhiều hơn” và “thông minh hơn”.
Xin cảm ơn PGS về cuộc trò chuyện này!