Giữa tuần, nghĩ chuyện 3 ông...

09:56 08/06/2022

3 ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc. Cả 3 người đều lên xe cảnh sát tới trại tạm giam cùng trong một ngày, một ngày Hà Nội nắng nhẹ, không mưa nhưng không khí nóng bỏng bao trùm…  

Từ ngày “lò lửa” của cuộc chiến chống tham nhũng rực lên, đã bao bận “củi tươi, củi khô” phải vào lò, mỗi lần như vậy người người lại bàn tán xôn xao. Người đương chức như 3 ông bị cách chức để cho “vào lò” được hiểu đó là “củi tươi”. Lần này, thêm 3 “củi tươi cũng cháy”!

Nhưng lần này có những điều khác trước.

Thứ nhất, một quy trình xử lý cán bộ rất bài bản nhưng thực mau lẹ.

Ngày 4/6, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự Đảng Bộ Khoa học và công nghệ nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các ông Chu Ngọc Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ; ông Nguyễn Thanh Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Phạm Công Tạc - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ.

Ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh 

Chỉ 2 ngày sau, ông Tạc bị cách chức thứ trưởng. Chiều cùng ngày, Bộ Chính trị triệu tập cuộc họp Trung ương bất thường để xem xét việc thi hành kỷ luật Uỷ viên Trung ương Đảng. Quy định 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng nêu rõ: Ban Bí thư, Bộ Chính trị quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý; khiển trách, cảnh cáo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (kể cả Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên. Trường hợp cách chức, khai trừ thì Ban Bí thư, Bộ Chính trị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.

Và cuộc họp bất thường chiều 6/6, Trung ương đã thực hiện theo Quy định 22, tiến hành bỏ phiếu khai trừ đảng đối với 2 uỷ viên Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh. Tại cuộc họp này, Trung ương cũng yêu cầu các cơ quan chức năng “khẩn trương xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính theo đúng quy định đối với cá nhân đã bị kỷ luật đảng”.

Và chỉ một ngày sau, Quốc hội điều chỉnh lịch, họp bỏ phiếu thông qua nghị quyết bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long. Với ông Chu Ngọc Anh, cuộc họp bất thường của HĐND TP Hà Nội chiều cùng ngày, 100% đại biểu có mặt đã nhất trí biểu quyết thông qua việc bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội với ông Chu Ngọc Anh. Cũng trong chiều 7/6, cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 3 ông.

Ông Phạm Công Tạc

Như vậy, chỉ trong 2 ngày, các khâu từ kỷ luật đảng, kỷ luật chính quyền đến các quyết định tố tụng hình sự đều đã được thực hiện, dù thời gian rất ngắn nhưng quy trình vẫn đảm bảo bài bản, đúng quy định. Đây là điều từ trước tới nay chưa xảy ra. Trước đây, khi xử lý kỷ luật, xử lý hình sự với uỷ viên Trung ương vi phạm thì phải đợi đến hội nghị Trung ương (thường mỗi năm họp 2 lần) và với đại biểu Quốc hội cũng phải chờ đến kỳ họp Quốc hội. Như trường hợp ông Đinh La Thăng, phải tới ngày 9/5/2018, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) mới xem xét và quyết định kỷ luật khai trừ khỏi Đảng (thời điểm đó, ông Thăng đã hai lần ra toà lĩnh án, trước đó bị đình chỉ sinh hoạt đảng).

Việc thực hiện mau lẹ, nhanh chóng, bài bản các quy trình xử lý uỷ viên Trung ương, đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật cho thấy một tinh thần mới, luồng gió mới theo Quy định số 22 của BCH Trung ương.

Thứ hai, xét về lòng người, tâm thế dư luận, có sự đan xen giữa sự phấn chấn và suy nghĩ trở trăn.

Trước đây, mỗi khi có “củi khô, củi tươi” cháy, người dân thực sự phấn chấn trước sự uy nghiêm của pháp luật. Nay, lòng tin đó càng được củng cố, càng được bồi đắp bởi quan điểm “không vùng cấm” của Đảng, Nhà nước thể hiện bằng những hành động, biện pháp quyết liệt. Nhưng trở trăn chính là nghĩ về hành vi của những người vi phạm, những người được nhân dân giao phó trọng trách hết sức đặc biệt: “tư lệnh” lĩnh vực chữa bệnh cứu người. Vốn quý nhất cuộc sống chính là sức khoẻ, điều không mua được, bởi thế mà những khẩu hiệu về y đức trưng nhan nhản ở các bệnh viện, phòng khám, các trụ sở cơ quan y tế. Trong đại dịch cướp đi hàng vạn nhân mạng, đất nước trải qua những tháng ngày vô cùng cam go, hàng triệu gia đình co mình trong những khu nhà, phòng trọ chật hẹp để đối phó đại dịch. Nhân nghĩa đồng bào, tình đồng chí trong thử thách khốc liệt càng lan toả, làm sao cầm được nước mắt khi chứng kiến những chiến sĩ công an, quân đội, y, bác sĩ đẩy xe chở cơm hộp, thuốc men, lách vào những khu phố ngoằn ngoèo, cứu đói, chữa bệnh cho đồng bào bị bão COVID-19 quét tới. Vậy mà trên vị trí “tư lệnh” ngành y, “tư lệnh” ngành khoa học, những ông như Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc lại có hành vi sai trái. Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, ông Nguyễn Thanh Long không chỉ thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát mà còn can thiệp, tác động, hỗ trợ Công ty Việt Á, dẫn đến việc ban hành các thông báo giá, các sinh phẩm, trang thiết bị y tế chẩn đoán COVID-19 trái quy định.

Bởi thế, trăn trở ở đây là trăn trở cái tình người, tình đồng bào, đồng chí. Trăn trở về trách nhiệm mà những người được nhân dân giao phó trên ghế quyền lực đó phải làm, phải thực hiện để cứu dân. Trong đại nạn, tơ hào một đồng bất chính cũng đã là điều kỵ, huống gì câu kết để tạo thành một hệ thống sai phạm như Việt Á.

Trăn trở về cái tình con người, lẽ ra phải thế này, mà sao anh nỡ, mà sao?

Mà sao?

Thứ ba, nghĩ về cuộc chiến chống tham nhũng trong sự vận động của cơ chế thị trường ngày nay.

Hơn 70 năm trước, trong điều kiện chiến tranh kham khó, vụ án Trần Dụ Châu cảnh báo bản chất ăn chơi sa đoạ của cán bộ nếu không được tu dưỡng. Trước sự thật đau lòng này, Bác Hồ dứt khoát nói: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”. Ngày làm việc với đồng chí Trần Đăng Ninh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cung cấp, xét lá đơn của tử tù, Bác chỉ cho đồng chí thấy một cây xoan đang héo lá, úa ngọn và hỏi lý do tại sao cây xoan sắp chết?

- Dạ, thưa Bác vì thân cây đã bị sâu đục một lỗ rất to, chảy hết nhựa...

- Thế theo chú muốn cứu cây ta phải làm gì?

- Dạ, thưa Bác phải bắt, giết hết những con sâu đó đi.

Bác gật đầu, nói: “Chú nói đúng, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”. Hồ Chủ tịch đã bác đơn xin tha tội chết của Trần Dụ Châu.

Vụ án Trần Dụ Châu cho thấy rằng, thói hư tật xấu của con người nếu không được rèn giũa, không được giáo dục, chỉnh đốn thì có thể nảy sinh, phát triển bất cứ lúc nào. Trong điều kiện chiến tranh gian khổ mà còn nảy sinh những kẻ sâu mọt, trác táng như vậy thì trong điều kiện đời sống vật chất, tinh thần đổi khác, con người có điều kiện sống hưởng thụ như ngày nay lại càng là môi trường để sinh sôi. Sau này, trong tài liệu có những dòng chữ Bác Hồ (biên bản họp Hội đồng Chính phủ tháng 11-1950) nói về vụ Trần Dụ Châu rằng: “Chúng ta sinh ra trong một xã hội phong kiến và thực dân, một xã hội ham danh ham lợi. Danh lợi dễ làm hư người. Danh lợi là tập quán. Bây giờ chúng ta dùng cán bộ để cải tạo xã hội mà không có chính sách, biện pháp cải tạo cán bộ đấy là khuyết điểm”.

 “Danh lợi dễ làm hư người”, giờ đây, nghĩ đến “củi lửa”, nghĩ đến những ghế quyền lực và những tảng băng ngầm trăm tỉ, nghìn tỉ, thật xót xa…

Nhưng danh lợi lại là tập quán! Sau ông Long, ông Tạc, ông Anh, sẽ còn ai nữa? Đừng nghĩ chuyện người ta, đừng nghĩ việc xử lý là chỉ với 3 ông đó, còn mình vẫn “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”, vẫn chủ nghĩa cá nhân, vẫn danh lợi, có cơ hội là vơ vét! Điều cốt yếu mà Nghị quyết Trung ương 4 gửi đến với mỗi cán bộ, đảng viên chính là sự răn đe, cảnh tỉnh “xử một người, cứu muôn người”.

Hãy nghĩ đó là bài học cho mỗi người để làm gì cũng phải theo lằn ranh luật pháp, nghĩ đến đồng bào còn lắm kham khó “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”…

Đăng Trường

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文