Hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

07:34 03/05/2023

Trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin nói chung và môi trường mạng nói riêng, việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong bối cảnh mới đặt ra nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có môi trường mạng an toàn, lành mạnh.

Đặc biệt, có khung pháp lý và chính sách, chương trình phù hợp trong nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực và duy trì tính tích cực mạng lưới bảo vệ trẻ em ở các cấp.

Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ an toàn trên môi trường mạng.

Khó lường trước các hình thức xâm hại trẻ em trên mạng

Việc tiếp xúc, sử dụng không gian mạng từ sớm giúp trẻ em tìm hiểu những kiến thức phục vụ học tập, mở rộng và nâng cao kiến thức, nhưng đồng thời cũng gây nên nhiều hệ lụy khôn lường. Điều đáng nói là nhiều đối tượng đã lợi dụng và sử dụng không gian mạng để lừa gạt, dụ dỗ trẻ em; xâm phạm đến tính mạng của trẻ.

Hiện nay, trẻ em đã trở thành đối tượng để những tội phạm hoạt động trên môi trường mạng lợi dụng, gây ra những hành vi xâm phạm và chiếm đoạt, lừa đảo về mặt kinh tế. Gần đây nhất, báo chí liên tục thông tin về những vụ việc liên quan đến sử dụng, khai thác các thông tin bí mật riêng tư của trẻ để nhắn tin, gọi điện gây áp lực rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cha mẹ, người thân. Ví dụ gọi điện đến thông báo con đi cấp cứu, con mua hàng online nợ tiền… đã xảy ra ở những thành phố lớn và chắc chắn còn lan tỏa đến những vùng kinh tế - xã hội khó khăn.

Trẻ em tiếp xúc với môi trường mạng còn có nguy cơ tiếp xúc với các thông tin độc hại (khiêu dâm, bạo lực, ma túy, các hành vi tiêu cực…); bị phát tán thông tin riêng tư. Có những loại tội phạm đi săn lùng trẻ em, chỉ chờ sơ hở thông tin để dụ dỗ, thậm chí có những hành vi bên ngoài như bắt cóc, hiếp dâm.

Tiếp xúc với môi trường mạng với thời gian lâu, trẻ dễ trở nên nghiện mạng xã hội, nghiện game dẫn đến rơi vào cuộc sống không thực tế, bị ám ảnh bởi những hình ảnh trong game, gây ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần và rất khó để cai nghiện. Nguy cơ đáng báo động hiện nay là chuyện bắt nạt trực tuyến, đánh nhau rồi quay clip đẩy lên mạng. Nguy hiểm hơn là việc dụ dỗ, lôi kéo trẻ vào các hành vi như quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, đóng tiền hoặc thậm chí ép tham gia những hành động phi pháp…

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại, trong đó có nguyên nhân trẻ chưa đủ kiến thức để nhận thức hết mối nguy hại khi tham gia trên môi trường mạng, từ đó chưa có cách để phòng, tránh, dễ bị lôi kéo để thực hiện các hành vi trái đạo đức, trái pháp luật. Trẻ chưa có sự quan tâm sát sao của gia đình, nhà trường trong việc trang bị những kiến thức khi tham gia môi trường mạng. Trong khi đó, các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ở nước ta hiện còn thiếu và chưa đồng bộ dẫn đến thiếu các cách thức nhận dạng, cảnh báo cho trẻ em về những rủi ro, hệ lụy, hệ quả khi tham gia mạng xã hội, gây khó khăn trong quản lý đối tượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng; chưa có cơ chế thu thập, giám sát dữ liệu, báo cáo và chuyển tuyến về trẻ em bị xâm hại tình dục.

Bên cạnh đó, quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các ngành, các cấp trong công tác phòng ngừa, tiếp nhận thông tin, can thiệp sớm, bảo vệ khẩn cấp, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em bị xâm hại, bóc lột, bị mua bán... trên môi trường mạng còn chưa cụ thể, rõ ràng.

Hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em được quan tâm

Trong thời gian qua, hệ thống pháp luật về chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng rất được quan tâm xây dựng và thường xuyên cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Có thể thấy rằng, hệ thống pháp lý liên quan đến vấn đề này đã được bao quát tương đối đầy đủ các nội dung ở các cấp độ khác nhau.

Ở mức độ cao nhất là các văn bản được ban hành bởi Quốc hội, có một hệ thống các luật liên quan đến lĩnh vực bảo vệ trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng như: Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng và Luật Tiếp cận thông tin; Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em...

Chính phủ cũng đã ban hành rất nhiều văn bản pháp lý, trong đó có các nghị định liên quan đến quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin mạng; các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các văn bản luật, xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến việc cung cấp thông tin trên mạng internet. Các hoạt động báo chí, xuất bản, bảo đảm an ninh mạng… đều có những quy định liên quan đến vấn đề bảo vệ trẻ em. Các bộ, ngành liên quan cũng đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng do Bộ thông tin và Truyền thông đang xây dựng thì trẻ em là một căn cứ lớn cho việc đưa các nội dung quản lý liên quan bảo vệ trên môi trường mạng vào Dự thảo.

Dự thảo cũng đưa ra khái niệm về hành vi xâm hại trẻ em, thông tin độc hại đối với trẻ em trên môi trường mạng; đồng thời nhấn mạnh việc bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên trên môi trường mạng là một trong những biện pháp quản lý quan trọng để thúc đẩy sự phát triển cũng như quản lý internet hiệu quả.

Dự thảo quy định các mạng xã hội, kênh thông tin có lượng người dùng lớn (khoảng 10.000 người theo dõi trở lên) cần cung cấp thông tin xác thực; thực hiện việc đăng ký độ tuổi; có tính năng thông báo, cảnh báo, chặn lọc, gỡ bỏ các nội dung gây hại, không phù hợp với trẻ em và phải có bộ phận chuyên trách xử lý các yêu cầu để cơ quan quản lý có thể sẵn sàng phối hợp khi cần. Cùng đó, phải có biện pháp để xác thực định danh trẻ em và giới hạn thời gian sử dụng cho trẻ. Trong trường hợp trẻ em có đăng ký tài khoản sử dụng thì phải có biện pháp giúp cha mẹ, người chăm sóc trẻ giám sát các hoạt động của trẻ em…

Việt Nam đã có những nỗ lực không ngừng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và chính sách để tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Tuy nhiên sự phát triển nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung, công nghệ thông tin và môi trường mạng nói riêng cũng gây áp lực cho những người hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật. Điều này đòi hỏi các nội dung, văn bản cần phải liên tục được điều chỉnh, chỉnh lý để cập nhật những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn, từ đó đáp ứng được nhu cầu bảo vệ trẻ em trên không gian mạng hiện nay.

Tích cực hoàn thiện khung pháp lý

Theo Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam, quá trình không ngừng hoàn thiện pháp luật và chính sách để tạo cho trẻ em môi trường an toàn và khuyến khích sự sáng tạo, đẩy mạnh tương tác trên môi trường mạng là một yêu cầu bức thiết, lâu dài.

Ông Nam cho rằng, trong quá trình hoàn thiện pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cần chú ý các quan điểm và cách tiếp cận sau: Có chế tài ngăn chặn, xử lý các hành vi, hậu quả của vi phạm quyền trẻ em nói chung, xâm hại trẻ em nói riêng trên môi trường mạng tương ứng với những hành vi ở trong đời thực; chú ý việc đánh giá hậu quả của nó tác động đến trẻ em trước mắt và lâu dài, đặc biệt là liên quan đến vấn đề tâm lý, tình cảm, đạo đức…; tăng cường trách nhiệm bảo vệ trẻ em của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, nhà trường ở trong đời thực tương ứng ở trên môi trường mạng; tăng nặng, dùng những chế tài và xử lý đủ răn đe đối với hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em.

Ông Nam nêu ví dụ, gần đây có những nghệ sĩ, người nổi tiếng, youtuber, blogger, facebooker có lượng tương tác và người theo dõi rất lớn trên môi trường mạng, nhưng những hành vi của họ nêu gương xấu, thậm chí là lợi dụng sự nổi tiếng để thu lợi bất chính, xâm hại những người hoạt động trên môi trường mạng nói chung và trẻ em nói riêng. Tuy nhiên, chúng ta thiếu căn cứ pháp lý để xử lý và đánh giá hậu quả.

Cục trưởng Cục Trẻ em cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ và thu lợi từ môi trường mạng trong chặn, lọc, gỡ những thông tin, hành vi gây hại cho trẻ trên môi trường mạng... Tại một số hội thảo quốc tế được tổ chức nhiều năm trước, khi trên môi trường mạng mới chỉ có những website, trang thông tin mạng hoạt động và chưa có mạng xã hội như bây giờ, rất nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định, nếu không ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động và thu lợi từ môi trường mạng, công nghệ thông tin thì rất khó để bảo vệ người dân và bảo vệ trẻ em. Đến thời điểm này, chúng ta đang bộc lộ những khe hở về mặt pháp luật trong việc quản lý, xử lý các doanh nghiệp hoạt động đặt máy chủ ở nước ngoài.

Còn theo bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cần phải nhận diện một cách đầy đủ những hành vi nào là xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, những hành vi nào là có nguy cơ để quy định đầy đủ ở trong các văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, cần phải quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan; các mức độ, biện pháp xử lý cụ thể cho mỗi hành vi vi phạm có đủ sức răn đe để áp dụng trên thực tế, cảnh báo cho hành vi vi phạm tiếp theo.

Có một thực tế là trẻ em, thanh thiếu niên khi tiếp xúc với những nội dung độc hại trên môi trường mạng thường lựa chọn việc im lặng và cho qua thay vì lên tiếng, báo cáo và tìm kiếm sự hỗ trợ, e ngại tìm đến những kênh tiếp nhận và trợ giúp. Do đó, bên cạnh việc điều chỉnh, chỉnh lý các văn bản, nghị định pháp luật về bảo vệ trẻ em thì việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để các em biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng là rất cần thiết.

M.H

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文