Hơn 830 cán bộ, công chức và 93 trụ sở dôi dư được Hà Nội sắp xếp như thế nào sau sáp nhập?

07:32 24/11/2024

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, từ ngày 1/1/2025, Thủ đô Hà Nội sẽ chính thức vận hành bộ máy mới sau khi sắp xếp 109 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, hình thành 56 ĐVHC cấp xã mới (33 xã, 23 phường), giảm 53 đơn vị hành chính cấp xã (38 xã, 15 phường) so với hiện nay. Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội liên quan đến câu chuyện về công tác tổ chức cán bộ, giải quyết số trụ sở dôi dư cũng như hỗ trợ người dân tại các ĐVHC sắp xếp để tránh xáo trộn cuộc sống sau sáp nhập.

PV: Xin ông cho biết phương án sắp xếp cụ thể các ĐVHC cấp huyện, xã của Hà Nội giai đoạn 2023-2025 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và áp dụng từ ngày 1/1/2025 tới đây?

Ông Trần Đình Cảnh: Ngày 14/11/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và thông qua Nghị quyết về phương án sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2025 của TP Hà Nội. Hà Nội thực hiện sắp xếp 109 ĐVHC cấp xã (67 đơn vị thuộc diện sắp xếp; 34 đơn vị liền kề, 8 đơn vị khuyến khích) để hình thành 56 ĐVHC cấp xã mới (33 xã, 23 phường), giảm 53 đơn vị hành chính cấp xã (38 xã, 15 phường).

Sau khi sắp xếp các ĐVHC cấp xã, TP Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã; 526 ĐVHC cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn. Các quận, huyện có ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025, gồm: Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Long Biên, Thanh Xuân, Ba Đình, Ba Vì, Chương Mỹ, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Gia Lâm và thị xã Sơn Tây.

Việc sắp xếp ĐVHC góp phần cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, góp phần sàng lọc đội ngũ, nâng cao chất lượng và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đồng thời góp phần mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của Thủ đô để phát triển bền vững.

Đồng chí Trần Đình Cảnh.

PV: Phương án sắp xếp các ĐVHC cấp xã của Hà Nội lần này được xây dựng như thế nào để vừa đảm bảo các tiêu chí chung lại phù hợp với tính đặc thù của Thủ đô Hà Nội, thưa ông?

Ông Trần Đình Cảnh: Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước... Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã ở Thủ đô không đơn thuần chỉ là các tiêu chí diện tích tự nhiên, dân số. Do đó, khi xây dựng phương án, TP đã triển khai, tổ chức thực hiện rất khoa học, chặt chẽ, thận trọng. Ngoài những tiêu chí được quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, căn cứ tình hình thực tiễn của Thủ đô, TP đã xây dựng một số tiêu chí đặc thù riêng của Hà Nội để báo cáo Bộ Nội vụ, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Đặc biệt, Thủ đô Hà Nội được Quốc hội thông qua và đang hoàn thiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô giai đoạn mới với nhiều phương án điều chỉnh đáp ứng xu thế phát triển; cùng với đó thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về xây dựng 3 TP trực thuộc Thủ đô và các công trình, dự án đô thị, hạ tầng giao thông lớn; khi hoàn thiện sẽ chia cắt, phân giới nhiều địa giới hành chính. Do đó trong giai đoạn này, những địa phương đã và sẽ ổn định thì tiến hành sắp xếp. Những địa phương có biến động do các yếu tố trên, TP sẽ thực hiện sắp xếp, bố trí trong giai đoạn 2026-2030 để đảm bảo ổn định, phát triển bền vững, lâu dài.

PV: Được biết, sau sắp xếp ĐVHC cấp xã, Hà Nội sẽ dôi dư hơn 830 cán bộ, công chức. Hà Nội sẽ "giải bài toán" cán bộ, công chức dôi dư như thế nào?

Ông Trần Đình Cảnh: Sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố, dự kiến số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư 831 người (451 cán bộ, 326 công chức, 54 người hoạt động không chuyên trách). UBND TP Hà Nội đã xây dựng phương án chi tiết để đến năm 2029 (sau 5 năm) giải quyết dứt điểm 831 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư, cụ thể như sau: Năm 2024: 448 người; năm 2025: 207 người; năm 2026: 110 người; năm 2027: 36 người; năm 2028: 21 người; năm 2029: 9 người).

TP đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, có phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức thận trọng, khoa học, khách quan, có tính nhân văn; vừa đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức vừa phù hợp với năng lực, sở trường, vị trí công việc của từng cán bộ, công chức, với một số chỉ đạo cụ thể:

Dựa trên năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của các cơ quan, tổ chức do sắp xếp ĐVHC cấp xã để xem xét tuyển dụng, điều động hoặc luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của cấp xã, cấp huyện và ở các địa phương khác trong TP theo yêu cầu nhiệm vụ.Việc bố trí, sắp xếp cán bộ cấp xã sau khi sắp xếp ĐVHC tiến hành đồng bộ, liên thông giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị. Ưu tiên bố trí, sắp xếp cán bộ cấp xã có đủ phẩm chất, năng lực, tiêu chuẩn, điều kiện vào các chức danh tương đương hoặc ưu tiên giới thiệu bầu chức danh cán bộ ở ĐVHC khi có nhu cầu hoặc ưu tiên tuyển dụng làm công chức, viên chức theo quy định.

Cán bộ, công chức đủ tuổi nghỉ hưu, gần đến tuổi nghỉ hưu, nếu có nguyện vọng TP sẽ tạo điều kiện cho nghỉ chế độ theo quy định pháp luật; cán bộ có nguyện vọng chuyển công tác cũng được giải quyết kịp thời. Đồng thời, TP sắp xếp, điều động cán bộ đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn từ nơi thừa sang nơi thiếu trong cùng địa giới hành chính cấp huyện.

Đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội ở phường thì được áp dụng theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP, ngày 9/3/2015 của Chính phủ; Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW, ngày 20/12/2019 của Ban Tổ chức Trung ương. Trường hợp thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thì thực hiện theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ và các Nghị quyết của HĐND thành phố. Ngoài các cơ chế, chính sách chung của Trung ương, đối với cán bộ dôi dư, TP đã ban hành Nghị quyết của HĐND TP quy định chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư nghỉ công tác khi sắp xếp ĐVHC.

PV: Đối với các vị trí "cấp trưởng", "cấp phó" ở các đơn vị sáp nhập, ông cho biết TP sẽ bố trí ra sao để vừa đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ lại đảm bảo yêu cầu về công tác tổ chức cán bộ trên thực tiễn, tránh tình trạng "chạy ghế"?

Ông Trần Đình Cảnh: Đối với công tác cán bộ do sắp xếp ĐVHC cấp xã, Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 đã nêu rõ, khi nhập hai bộ máy, ngoài những cán bộ công chức chuyển công tác hoặc xin nghỉ hưu theo nguyện vọng cá nhân thì cần sắp xếp, còn lại sẽ nhập nguyên trạng số lượng cán bộ công chức của hai bên và sẽ giải quyết từng bước theo lộ trình sau 5 năm từ khi quyết định hợp nhất có hiệu lực như đã nêu ở trên.

Trong đó, với những vị trí cán bộ chuyên trách của các đơn vị cấp xã phải sắp xếp ĐVHC (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch UB MTTQ, trưởng các đoàn thể…), TP sẽ có phương án và chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tiến hành sắp xếp bảo đảm phù hợp. Với các chức danh cấp phó của 2 đơn vị sáp nhập thì được giữ nguyên nên những vị trí công việc mà họ đang đảm nhiệm sẽ vẫn được tiếp tục.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính góp phần sàng lọc, nâng cao chất lượng và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức. Ảnh minh họa.

PV: Cùng với vấn đề dôi dư cán bộ, giải quyết dôi dư trụ sở để tránh tình trạng thất thoát, lãng phí là vấn đề dư luận rất quan tâm khi sắp xếp lại ĐVHC, thưa ông?

Ông Trần Đình Cảnh: Sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn TP dự kiến sẽ dôi dư 93 trụ sở (45 trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND; 17 trụ sở Công an; 6 Trạm y tế; 23 trường học; 1 trụ sở Ban Chỉ huy Quân sự). Về việc sắp xếp trụ sở, tài sản công sau sắp xếp ĐVHC, UBND TP đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã thực hiện theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Chính quyền địa phương các cấp lập danh sách và đánh giá hiện trạng, tình hình sử dụng các trụ sở công ở các ĐVHC. Đồng thời, việc quản lý - sử dụng tài sản nhà đất công của các ĐVHC sau khi sắp xếp cần phải thực hiện một cách công khai, minh bạch, đúng luật, để không xảy ra thất thoát, lãng phí. Đối với các công trình đã có phương án bàn giao cho các cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội ở địa phương quản lý, sử dụng thì nhanh chóng thực hiện các thủ tục bàn giao và đưa vào sử dụng.

Đối với các công trình được hình thành từ tiền hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và đóng góp nhân dân được xử lý theo hình thức: "bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất" hoặc "thu hồi", phải được sự đồng thuận, thống nhất của nhân dân thôn, xóm, tổ dân phố có công trình dôi dư và phải thực hiện trình tự, thủ tục xác lập sở hữu toàn dân về tài sản theo quy định của pháp luật; quá trình thực hiện phải đảm bảo chặt chẽ để tránh các vấn đề khiếu kiện liên quan. Chủ trương chung là các công trình, thiết chế văn hóa cơ sở dôi dư phải được để lại để phục vụ cộng đồng dân cư ở thôn, tổ dân phố.

 Đối với các công trình trụ sở làm việc cấp xã, tài sản công dôi dư khác: Thành phố đã hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng công trình tài sản công dôi dư khác cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được phê duyệt, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đúng quy định; đồng thời, cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của ĐVHC hình thành sau sắp xếp, đảm bảo phù hợp với quy hoạch và điều kiện. Đối với các công trình dôi dư chưa xây dựng được phương án xử lý, các địa phương nghiên cứu giao cho các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể cấp xã quản lý; yêu cầu bố trí nhân lực trông coi, bảo vệ các công trình dôi dư hiện không sử dụng, thường xuyên thực hiện công tác vệ sinh môi trường bên trong và bên ngoài công trình, không để các công trình bị xuống cấp, hoang phế, gây lãng phí tài sản của Nhà nước.

PV: Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, Hà Nội sẽ vận hành theo bộ máy mới sau sắp xếp ĐVHC cấp xã. Hà Nội đã có những chỉ đạo như thế nào trong công tác hỗ trợ người dân về giấy tờ, thủ tục để tránh xáo trộn cuộc sống?

Ông Trần Đình Cảnh: UBND cấp thành phố đã chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp ĐVHC chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới ĐVHC.

Đồng thời, chỉ đạo Công an TP, Sở Tư pháp và các sở, ngành có liên quan của TP đã xây dựng phương án hỗ trợ tổ chức, công dân trong việc chuyển đổi hồ sơ, giấy tờ do sắp xếp ĐVHC. Cụ thể, TP đã chỉ đạo sau khi thực hiện sắp xếp xong ĐVHC, các cơ quan có liên quan sẽ thực hiện làm thủ tục, hồ sơ cho tổ chức và cá nhân ngay tại thôn, tổ dân phố ở xã, phường, thị trấn và không thu lệ phí của tổ chức, cá nhân. Các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hương (thực hiện)

Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an xác định, đây là vụ án tham nhũng, chức vụ liên quan lĩnh vực cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý Nhà nước, được dư luận xã hội quan tâm. Quá trình điều tra, xác định số tiền nhận hối lộ hơn 43 tỷ đồng để làm dịch vụ giải quyết hơn 55 nghìn hồ sơ cấp phiếu LLTP.

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, giai đoạn 2012 đến 2020, thành phố có 4 kết luận của Thanh tra Chính phủ (gồm Kết luận 2852/KL-TTCP ngày 02/11/2012; Kết luận 34/KL-TTCP ngày 08/1/2019; Kết luận 269/KL-TTCP ngày 16/9/2019 và Kết luận 1202/KL-TTCP ngày 20/7/2020) và 3 bản án hình sự phúc thẩm...

Ngày 29/3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đang tạm giữ hình sự 5 đối tượng gồm Nguyễn Ngọc Trà Mi (SN 1996), Nguyễn Thanh Thảo My (SN 2023), Phạm Giang Bắc (SN 1987), Nguyễn Xuân Trường (SN 1994) cả 4 đều ngụ TP. Biên Hòa và Nguyễn Minh Sang (SN 2000) ngụ huyện Định Quán để điều tra làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Diễn đàn quốc tế Bắc Cực là nền tảng quan trọng để thảo luận các vấn đề hiện tại liên quan đến sự phát triển toàn diện các vùng lãnh thổ Bắc Cực, thiết lập cơ chế hiệu quả cho việc sử dụng chung và khai thác các nguồn tài nguyên phong phú của khu vực này ở nhiều cấp độ khác nhau.

Để quản lý đầu tư công đối với hàng trăm dự án phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội, UBND TP Hồ Chí Minh đã thành lập ra đến 3 Ban quản lý dự án (BQLDA). Hàng năm, mỗi BQLDA này làm đại diện chủ đầu tư ít nhất cũng vài chục dự án phát triển hạ tầng, trong đó có nhiều dự án trọng điểm với số vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ, thậm chí là cả chục nghìn tỷ đồng nên đều được xem là các “siêu” BQLDA thuộc UBND thành phố...

Với thủ đoạn giả danh công an, nhóm đối tượng đe dọa nạn nhân nghi vấn liên quan đến số tiền bất minh để chiếm đoạt hơn 2 triệu USD ở huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Sau khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra đã xác lập chuyên án đấu tranh. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa Công an tỉnh Tây Ninh cùng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và công an nhiều tỉnh, thành phố khác đã nhanh chóng bắt giữ các đối tượng gây án, thu hồi toàn bộ tài sản.

Quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an xác định Lê Thị Mai đã lợi dụng việc tố cáo, phản ánh, kiến nghị không đúng sự thật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Dòng sông Dâu cổ xưa đoạn chảy qua tỉnh Bắc Ninh đã bị bồi lắng trở thành ruộng đồng từ hàng trăm năm qua. Cuối năm 2024, trong lúc nạo vét cải tạo một ao cá (thuộc khu phố Công Hà, phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành), người dân đã phát hiện hai chiếc thuyền cổ nằm song song với nhau, được đấu nối thành thuyền song thân.

Cuộc xung đột ở Ukraine dần đi đến hồi kết, mở ra hi vọng cho Kiev nhận được hàng tỷ USD hỗ trợ từ các nước phương Tây để tái thiết đất nước. Tuy vậy, để hiện thực hóa tiến trình đó, ngoài chi phí khổng lồ và một chính sách phát triển hợp lý, Ukraine còn cần nguồn nhân lực mạnh mẽ. Bài toán của Ukraine lúc này là làm sao thuyết phục hàng triệu người đã rời bỏ đất nước trở về.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文