Khắc phục tình trạng sách giáo khoa thiếu tính khoa học, nhiều "sạn"

11:25 11/11/2021

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết sau khi nhận phản ánh từ dư luận về vấn đề sách giáo khoa (SGK), Hội đồng chuyên môn, Bộ GD&ĐT đã trao đổi với các tác giả, điều chỉnh kịp thời nội dung trước khi sách được in và chuyển đến tay học sinh.

Sáng 11/11, sau phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ( LĐ-TB và XH) Đào Ngọc Dung, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Kim Sơn đăng đàn, giải trình, làm rõ các nội dung về: Bảo đảm chất lượng dạy - học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch COVID-19. Công tác dạy - học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền.

Việc giảm tải chương trình học cho học sinh… Ở nhóm vấn đề trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, LĐ-TB và XH, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Giáo dục và đào tạo chịu ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch

Báo cáo Quốc hội trước phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GĐ& ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn và tàn phá tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên không được tới trường trong một thời gian rất dài.

Trên 7 vạn sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực. Việc học tập trực tuyến, học truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn rất rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đã gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. Học sinh căng thẳng, mệt mỏi, thầy cô cực nhọc và áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng. Những chuyện bi hài, những việc đau lòng đã diễn ra khó có thể kể siết...

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời đại biểu.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ ngừng tới lớp - không ngừng học tập, toàn ngành Giáo dục và đào tạo đã chủ động chuyển trạng thái sang dạy và học ứng phó với dịch bệnh, ra sức cố gắng để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.

Bộ GD&ĐT đã động viên toàn thể cán bộ, nhân viên, nhà giáo và các cán bộ quản lý toàn ngành khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề nghiệp và với học sinh để cùng nhau đoàn kết, hướng phó với dịch bệnh. Tất cả vì học sinh thân yêu!

Giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng đọc chép "văn mẫu"?

Tại phiên họp, các đại biểu: Nàng Xô Vi (Kon Tum), Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu), Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long)... chất vấn các nội dung: Giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng dạy và học theo hình thức đọc chép "văn mẫu" cho học sinh học thuộc; Giải pháp chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến trong mùa dịch; bảo đảm sức khỏe, tâm lý cho học sinh, giáo viên, chất lượng dạy và học do tác động của dịch bệnh...

Các đại biểu dự phiên họp.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng trong hình thành nhân cách, tâm hồn cho học sinh qua việc giảng dạy môn ngữ Văn. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc dạy môn ngữ Văn theo hình thức đọc chép "văn mẫu" cho học sinh học thuộc là "rất tai hại". Bộ đã có chương trình để chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng này.

Về dạy thêm trực tuyến, Bộ trưởng nêu rõ, việc dạy thêm học thêm trong trạng thái bình thường đã không được. Nhất là trong bối cảnh học sinh phải học trực tuyến đã rất căng thẳng. Bộ trưởng đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.

Bộ Giáo dục sẽ giám sát quá trình biên soạn sách giáo khoa

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) đề nghị Bộ trưởng đưa ra ý kiến, cũng như giải pháp khắc phục tình trạng sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt, Khoa học Tự nhiên của NXB Giáo dục Việt Nam có một số bài học thiếu tính khoa học, giáo dục. Đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) cũng cho rằng sách giáo khoa có quá nhiều sạn và đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết sau khi nhận phản ánh từ dư luận về vấn đề SGK, Hội đồng chuyên môn, Bộ GD&ĐT đã trao đổi với các tác giả, điều chỉnh kịp thời nội dung trước khi sách được in và chuyển đến tay học sinh. Về lâu dài, Bộ GD&ĐT đang tiến hành điều chỉnh các quy trình, điều kiện đảm bảo sách giáo khoa trong thời gian tới có chất lượng cao hơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Công Phàn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc nâng cao chất lượng cần nhiều yếu tố, trong đó, con người cực kỳ quan trọng, ngoài ra còn quá trình biên soạn, lấy ý kiến, tổ chức thực hiện. “Hiện chúng tôi đang làm rất ráo riết sửa đổi thông tư quy định về biên soạn và thẩm định SGK. Theo đó chủ trương là không đợi các tác giả, NXB mang tác phẩm đến thì Bộ thẩm định mà Bộ chủ trương giám sát, đồng hành ngay từ đầu” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đồng thời nhấn mạnh sẽ nâng cao yêu cầu đối với các nhà biên soạn sách; khi biên soạn sách phải đăng ký trước. Người biên soạn không tham gia thẩm định, Hội đồng thẩm định phải ghi tên vào SGK để cùng chịu trách nhiệm với tác giả. “Bộ phải theo sát, giám sát toàn bộ quá trình biên soạn sách chứ không phó thác cho NXB” – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Về ý kiến của Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) tranh luận cho rằng Bộ trưởng trả lời về sách giáo khoa bị sai sót chưa thoả đáng vì học sinh đã học, đề nghị làm rõ trách nhiệm của ban biên soạn sách và các cá nhân liên quan, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ ghi nhận và xử lý.

Giải pháp khắc phục bất cập do học trực tuyến

Đề cập vấn đề dạy thêm, học thêm trực tuyến, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) đặt vấn đề, dù bộ đã nghiêm cấm việc dạy thêm trong mùa dịch, thực tế gần đây xuất hiện tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến. Học sinh bị ép học thêm. Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) nêu vấn đề giáo dục kỹ năng cho học sinh bị xem nhẹ khi học trực tuyến. Trong khi đó, với yêu cầu đổi mới, ngành giáo dục cần chuyển biến mạnh mẽ trong việc rèn luyện kỹ năng, giao tiếp và xử lý tình huống.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) chấn vấn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời giáo viên không được dạy thêm, học thêm. Khi học trực tuyến, học sinh đã căng thẳng, việc này càng cần nghiêm cấm. Bộ đã có văn bản quy định việc dạy và học trực tuyến, trong đó quy định rõ số giờ dạy trực tuyến cho học sinh. Nếu nhà trường dạy quá giờ, các sở giáo dục, địa phương cần thanh tra, kiểm tra. Bộ GD&ĐT cũng sẽ thanh tra làm rõ vấn đề này.

Trả lời đại biểu Trần Văn Tuấn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, trong giáo dục phổ thông với yêu cầu đổi mới, các yêu cầu về năng lực và kỹ năng rất quan trọng, cần tăng cường. Bộ trưởng thừa nhận, thời gian qua, việc dạy và học trực tuyến ảnh hưởng các kỹ năng, đặc biệt là những kỹ năng hình thành qua tương tác trực quan. Việc này chưa thể cải thiện qua học trực tuyến. Thời gian tới, học sinh quay lại trường sẽ cần tăng cường, củng cố, trang bị kỹ năng. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thông tin, dịch bệnh kéo dài cần giải pháp tổng thể, bài giảng truyền hình sẽ đổi mới, đồng thời có thanh tra, kiểm tra.

Phương Thuỷ

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文