Khát vọng và niềm tin Việt Nam hùng cường

07:00 30/04/2023

Ngày 30/4/1975, khắp non sông đất nước rực rỡ cờ hoa và rộn rã những khúc ca khải hoàn “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Nối vòng tay lớn”, “Bài ca thống nhất”… Đó là niềm vui vỡ òa của một dân tộc, một đất nước từng bị chia cắt, hận thù và chiến tranh tàn phá không chỉ những đền đài, tông miếu, bao công trình quốc kế dân sinh, mà còn cả lòng người và nền văn hiến ngàn năm.

Những thế hệ cha anh sinh ra trong chiến tranh, loạn lạc ở thế kỷ XX từng thốt lên một khát vọng bình dị mà xa vời: “Ước một ngày không có tiếng súng”, “Ước một ngày được rong ruổi từ Bắc vô Nam, từ Nam ra Bắc chỉ với cây đàn guitar trên vai”… Chỉ có những ai sống qua những năm tháng đó mới thấu hiểu những khát vọng và nỗi khắc khoải của cả một dân tộc đang quằn mình trong chiến tranh.

Ảnh: Long An.

Trước khi vĩ tuyến 17 trở thành “giới tuyến tạm thời” phân chia dải đất hình chữ S thân thương vào năm 1954, đất nước ta từng bị chia cắt suốt thời Trịnh – Nguyễn phân tranh khoảng 150 năm; đến khi thực dân Pháp đông tiến, lần lượt 6 tỉnh Nam Kỳ bị triều đình nhà Nguyễn dâng cho Pháp để “cầu hòa”. Rồi Nam Kỳ trở thành xứ thuộc địa, Trung Kỳ và Bắc Kỳ thành xứ bảo hộ; đất nước bị chia cắt thành nhiều thực thể có quyền lợi và vị thế khác nhau nhưng đều ở trong cái “vòng kim cô” mang tên nô lệ, thuộc địa.

Thực trạng đau lòng và tuyệt vọng đó khiến chí sĩ Phan Bội Châu ở đầu thế kỷ XX phải thốt lên: “Thương ôi lục tỉnh Nam Kỳ/ Ngàn năm cơ nghiệp còn gì hay không?”. Song cũng chính những đau thương, xót xa ấy đã thổi bùng lên khát vọng và ý chí độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Những cuộc khởi nghĩa hưởng ứng Chiếu Cần Vương như Hương Khê, Yên Thế… đến các phong trào Đông Du, Duy Tân đã tạo nên nhiều đợt sóng dâng trào, dồn dập, góp phần tạo đà cho cao trào Cách mạng Tháng Tám do Việt Minh lãnh đạo.

Nhưng lịch sử tiếp tục thử thách Việt Nam qua 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và ngày 30/4/1975 đã khép lại giai đoạn đặc biệt của một dân tộc can trường đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước.

Để đi đến thắng lợi đó, cả dân tộc Việt Nam đã nuôi dưỡng khát vọng và niềm tin vào con đường phía trước; sẵn sàng phấn đấu, hi sinh để thực hiện những mục tiêu cao cả. Thời kì đầu kháng chiến chống Pháp, quân và dân ta chiến đấu trong trùng điệp vòng vây: chưa một quốc gia nào trên thế giới công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hầu như không có sự trợ giúp nào của quốc tế. Thế nhưng tin vào nội lực, tin vào sức dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lạc quan nhận định về thắng lợi của dân tộc ta trong cuộc chiến không cân sức với thực dân Pháp: “Tuy nay châu chấu đá voi/ Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra”. Và Điện Biên Phủ chính là sự “ứng nghiệm” những lời tiên tri của Bác Hồ.

Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, lúc cao điểm Mỹ từng đưa vào miền Nam Việt Nam hơn 530 ngàn binh lính Mỹ và gần 100 ngàn quân một số nước đồng minh trực tiếp tham chiến, chưa kể khoảng 1 triệu quân Sài Gòn. Tất cả các loại phương tiện, vũ khí chiến tranh hiện đại nhất của Mỹ, trừ bom nguyên tử, đều đã được thực chiến tại chiến trường Việt Nam. Vậy nhưng tháng 6 năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52, hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”…

Chính niềm tin và quyết tâm đó đã thôi thúc những đoàn quân nối nhau ra tiền tuyến để đi tới đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Gần 50 năm sau ngày non sông thu về một mối, nền kinh tế Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, cơ đồ và vị thế của đất nước được nâng cao trên trường quốc tế. Như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tuy nhiên, đồng chí Tổng Bí thư cũng nhiều lần nhấn mạnh: “Chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi. Bởi vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường…”.

Chúng ta thẳng thắn nhìn nhận: đất nước ta và mỗi người dân còn phải nỗ lực, phấn đấu rất nhiều để thực hiện khát vọng Việt Nam hùng cường. Hiện nay dân số Việt Nam khoảng 100 triệu, xếp thứ 15 thế giới nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đạt khoảng 409 tỷ USD, xếp thứ 37 thế giới; thu nhập bình quân đầu người còn ở mức thấp (khoảng 4.110 USD, số liệu năm 2022). So với “Sự thần kỳ Nhật Bản”, “Kỳ tích Hàn Quốc”… cũng từ tro tàn chiến tranh, họ chỉ mất khoảng 30-40 năm để trở thành một nước công nghiệp phát triển, cường quốc kinh tế khiến chúng ta không khỏi trăn trở. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, bởi bối cảnh lịch sử, kinh tế xã hội, thể chế các nước không giống nhau. Song trông người lại ngẫm đến ta, để chúng ta nhận thức rõ hơn nội lực và những khó khăn, thách thức cần phải khắc phục, vượt qua.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định các mục tiêu trong nửa đầu thế kỷ XXI: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm Quốc khánh: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, thực hiện bằng được khát vọng Việt Nam hùng cường trong thời gian sớm nhất có thể, hơn lúc nào hết, chúng ta phải phát huy cao độ niềm tin và lòng yêu nước của mỗi người Việt Nam trong hoàn cảnh cụ thể. So với bối cảnh lịch sử 2 cuộc kháng chiến trong thế kỷ XX, hiện nay nội lực, tiềm lực và vị thế của đất nước ta đã được nâng lên tầm cao mới. Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện với tất cả các nước lớn, nền kinh tế lớn và quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam cũng tích cực tham gia vào các hoạt động của Liên Hợp quốc, trở thành một quốc gia có trách nhiệm và có khả năng thực hiện các nhiệm vụ quốc tế, góp phần giữ gìn hòa bình và xóa đói, giảm nghèo theo các mục tiêu, yêu cầu của cộng đồng quốc tế…

Đó là cơ sở để chúng ta vững niềm tin, quyết tâm thực hiện thành công khát vọng Việt Nam hùng cường.

Trần Duy Hiển

Châu Âu đang đối mặt với những thách thức kinh tế và địa chính trị nghiêm trọng có thể làm xói mòn nền tảng thịnh vượng đã xây dựng suốt hàng thập niên qua. Sự trở lại của ông Donald Trump, cùng với căng thẳng thương mại gia tăng và sự suy thoái trong đổi mới, đang đẩy Liên minh châu Âu (EU) đối diện với bài toán sống còn.

Đội tuyển Việt Nam đang chuẩn bị cho trận bán kết lượt đi ASEAN Cup 2024. Lúc này cái tên Nguyễn Xuân Son được quan tâm nhiều hơn cả. Nhưng nên nhớ rằng, đội tuyển là một tập thể vẫn còn nhiều nhân tố quan trọng.

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Liên quan vụ truy bắt đối tượng trộm cắp xe ô tô ở Ninh Thuận, chiều 24/12 Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Thuận cho biết, vừa nhận được thư cảm ơn của ông Võ Tấn Long (SN 1976, trú ở 126 Hải Thượng Lãn Ông, phường Tấn Tài, TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận).

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Theo truyền thông địa phương, các lính cứu hỏa được cho là gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận khu vực hỏa hoạn tại tháp Eiffel. Cơ quan dịch vụ khẩn cấp Paris đã phải sơ tán hơn 1200 khách du lịch đang thăm quan công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Thủ đô nước Pháp. 

Chiều 24/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Trịnh Thành Đức (SN 1996, biệt danh là Lil Ken) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Lan (vợ cũ Đức, SN 1998, ngụ quận Bình Tân) cùng về hành vi trên.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文