Đề án 06 xây dựng xã hội văn minh, phòng ngừa “tham nhũng vặt:

Kỳ cuối: Tạo văn minh, công bằng xã hội

06:39 01/08/2023

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 triển khai Đề án 06 của Chính phủ và chuyển đổi số quốc gia mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định, Đề án 06, chuyển đổi số quốc gia không chỉ thúc đẩy mạnh mẽ, bền vững phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần phòng, chống hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”. Chỉ với 53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ, hàng năm sẽ góp phần tiết kiệm cho Nhà nước con số 2.505 tỷ đồng.

Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho Nhà nước

Báo cáo của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.409 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 7,77 triệu tài khoản (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ (tăng 1,76 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích (tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022); 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến (tăng 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền lên tới hơn 6,056 nghìn tỷ đồng (tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022) và hơn 315 nghìn cuộc gọi tới tổng đài.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết: Đối với 53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và theo Quyết định 422 của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan có liên quan tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công theo đề án và 10/28 dịch vụ công theo Quyết định 422 của Thủ tướng trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Với việc tích hợp và triển khai những dịch vụ công này, hàng năm đã tiết kiệm cho Nhà nước số tiền lên tới 2.505 tỷ đồng. Đặc biệt, còn góp phần tái sử dụng dữ liệu số hóa, tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết, hạn chế việc phải kiểm tra xác minh. Cùng với đó, những dịch vụ công trực tuyến này góp phần cắt giảm dần cán bộ tiếp dân, giảm thời gian người dân phải gặp gỡ trực tiếp cán bộ để làm thủ tục hành chính, qua đó loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”, tạo văn minh xã hội.

Nỗ lực của Công an các địa phương trong cấp CCCD, tài khoản định danh điện tử nhằm tạo ra công dân số góp phần quan trọng trong phòng, chống tham nhũng.

Một trong những thành tích lớn của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, được Chính phủ biểu dương, đó là tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng từ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2023.

Với phầm mềm quản lý thi tốt nghiệp, hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến năm 2023 đã đạt tỷ lệ lên tới gần 95%. Bộ Công an đã hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo khai thác, sử dụng thông tin về cư trú phục vụ kiểm tra, xác nhận về ưu tiên vùng cho 1,2 triệu thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2023.

Trước thời điểm tổ chức dự thi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn từng lo lắng: Trước kỳ thi, bài toán đặt ra đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo đó là “cộng điểm ưu tiên dựa trên lịch sử thường trú trong xét tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học, cao đẳng, cử tuyển và xét vào các khối trường THDT nội trú đầu cấp” không theo phương pháp truyền thống. Để giải bài toán cấp bách này phải có đủ dữ liệu và công cụ khai thác cũng như sẵn sàng triển khai ngay vào cuối tháng 4/2023 để có thể xác thực theo phương pháp trực tuyến. Đây là bài toán khó, phức tạp, quan trọng bởi liên quan đến quyền lợi, sự công bằng của các thí sinh, đã được Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp giải quyết hiệu quả, kịp thời.

Đề xuất giải pháp “không giấy xác nhận đối với ưu tiên liên quan đến lịch sử thường trú” đã được Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra thực hiện, đảm bảo yêu cầu tiến độ để cung cấp và chia sẻ dữ liệu, kịp thời phục vụ bài toán xét tuyển ưu tiên cho thí sinh thuộc diện ưu tiên liên quan đến lịch sử thường trú. Song song với quá trình thu thập dữ liệu lịch sử thường trú của Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực kết nối, khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào các hệ thống thông tin liên quan để kịp thời khai thác, sử dụng. Có hơn 750.000 trường hợp thí sinh đã được làm rõ lịch sử cư trú, tạo thuận lợi, chính xác cho thí sinh, xét ưu tiên liên quan đến thường trú, phục vụ kỳ thi, đã được người dân, cơ sở giáo dục và các địa phương đánh giá cao.

Hướng về người dân, doanh nghiệp để phục vụ

Ngay từ khi ban hành và triển khai Đề án 06, Chính phủ đã khẳng định, Đề án 06 ra đời lấy người dân, doanh nghiệp là động lực, mục tiêu để phục vụ. Tất cả những nhiệm vụ các bộ, ngành, địa phương triển khai trong Đề án 06 đều xoay quanh những “trục” mục đích này nhằm phát triển mạnh mẽ, bền vững kinh tế - xã hội của đất nước. Đánh giá của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho thấy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một trong những đơn vị đầu tiên hoàn thành kết nối 100% dịch vụ lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt mức độ 4. Tính đến hết tháng 6/2023, có 94,21% khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt với số tiền tương ứng trên 98,02% số thu tiền điện; qua đó đã giảm những chi phí đi lại cho khách hàng, đồng thời cũng tiết kiệm chi phí in ấn, bảo quản, lưu trữ tài liệu với gần 20 triệu hồ sơ/năm về những hợp đồng, dịch vụ mua bán điện; 760 triệu trang giấy/năm dùng cho việc in hóa đơn. Ước tính số tiền tiết kiệm được cho tập đoàn này khoảng trên 30 tỷ đồng/năm.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an cho biết, chỉ tính riêng dịch vụ công đăng ký tạm trú trong 6 tháng đầu năm 2023 có 727.147 hồ sơ trực tuyến/888.471 tổng hồ sơ tiếp nhận, đạt tỷ lệ gần 82%. Việc đăng ký trực tuyến giúp người dân tự động điền thông tin của công dân, khi đăng ký tạm trú vào chỗ ở hợp pháp đã được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý thì không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp, giảm thời gian, chi phí đi lại của công dân cũng như gặp gỡ cán bộ công chức ở các cơ quan chức năng để thực hiện thủ tục. Kết quả này không chỉ tiết kiệm hơn 309 tỷ đồng mà còn góp phần phòng chống “tham nhũng vặt”. Riêng dịch vụ công thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình đã tiết kiệm tới 479,09 tỷ đồng cho người dân từ việc không phải đi lại, giảm giấy tờ phải xuất trình cũng như loại bỏ những phiền hà nếu có.

Hiện nay, Bộ Công an đã và đang rất chủ động trong việc tạo ra công cụ, điều kiện là tiền đề để thực hiện phát triển công dân số với trên 48 triệu hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử. Công an 63 tỉnh, thành trên cả nước đang nỗ lực cấp thẻ CCCD, thu nhận, cấp tài khoản định danh điện tử. Nhiều Công an các tỉnh đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử phục vụ nhân dân. Cùng với đó, Bộ Công an đã hỗ trợ, phối hợp với Bộ Y tế thống nhất quy trình liên thông dữ liệu cơ bản về y tế; có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở y tế trên toàn quốc triển khai liên thông dữ liệu về bảo hiểm, từ đó liên thông sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ triển khai Sổ sức khỏe điện tử phục vụ người dân. Những tiện ích này được tích hợp trên ứng dụng VNeID và các nền tảng số y tế quốc gia không những giúp chăm sóc tốt hơn sức khỏe cho nhân dân mà qua đó còn góp phần phòng, chống hiệu quả tình trạng tạo lập bệnh án giả, hồ sơ giả để trục lợi bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…

Theo tìm hiểu của PV, Bộ Công an đã số hóa, tạo lập dữ liệu của ngành tư pháp, lao động thương binh và xã hội để cắt giảm thủ tục hành chính, giúp người dân không phải mang theo nhiều loại giấy tờ. Với ứng dụng VNeID người dân hoàn toàn có thể tự tạo lập dữ liệu và đẩy về các bộ chuyên ngành để xác thực, không cần đầu tư nhiều cho các bộ trong số hóa. Việc này cũng giúp giảm tối đa chi phí đầu tư công, phòng tránh tình trạng “xà xẻo” nguồn vốn trong đầu tư các dự án liên quan đến số hóa, công nghệ, không để xảy ra tham nhũng, đặc biệt là mất cán bộ, nhất là những cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ cao.

Hiện nay, việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt cũng đang được Chính phủ triển khai mạnh mẽ tới các bộ, ngành, địa phương và trong toàn xã hội. Từ CCCD và VNeID, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã xác thực, làm sạch, đảm bảo chính xác đối tượng được hưởng an sinh xã hội để thực hiện chi trả 141,7 tỷ đồng dưới hình thức không dùng tiền mặt. Khi người dân, doanh nghiệp giao dịch trên môi trường điện tử cũng góp phần phòng ngừa tình trạng “lót tay” hay “tham nhũng vặt”. Việc đẩy mạnh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, khởi tạo từ máy tính tiền đã giúp Chính phủ truy thu 485 tỷ đồng tiền thuế.

Đánh giá của Bộ Công thương về giải pháp ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác thực chủ thể tham gia giao kết hợp đồng điện tử cho thấy góp phần hướng tới mục tiêu để người dân được thụ hưởng những lợi ích của chuyển đổi số; để doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua ứng dụng công nghệ số. Ứng dụng CCCD gắn chip, VNeID trong ký kết hợp đồng điện tử phục vụ thương mại điện tử là một giải pháp tiện ích giúp người tham gia ký kết sau khi hoàn thiện các nội dung sẽ phải xác minh danh tính thông qua ứng dụng chip điện tử trên thẻ CCCD để đảm bảo xác tín thẻ thật, thông tin được lưu trữ trên CCCD.

Hoàng Phong

Gần đây, sau khi đánh giá tác động môi trường và các thủ tục pháp lý, một số doanh nghiệp đã được các bộ, ngành liên quan và tỉnh Quảng Bình cấp phép khai thác cát để thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số đối tượng lấy lý do doanh nghiệp khai thác cát sẽ làm sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân…

Nắm được nhu cầu nhiều công dân có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động, Trần Thị Hằng Nga đã đưa ra các thông tin tuyển dụng lao động nước ngoài, nhận hồ sơ và tiền, từ đó lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các nạn nhân. Đối tượng này vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An khởi tố.

Sáng 21/5, thông tin từ Sở GTVT tỉnh Quảng Trị cho biết đang phối hợp, chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan khẩn trương giải quyết vụ lật xe trên Quốc lộ 15D đi cửa khẩu quốc tế La Lay, đảm bảo thông tuyến trong thời gian sớm, hạn chế thiệt hại phát sinh do tuyến đường bị ùn tắc giao thông.  

Quán triệt chủ trương chính quy hóa lực lượng Công an xã, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, lực lượng Công an đã tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp với phương châm “trên dưới đồng lòng” triển khai bài bản, khoa học việc bố trí con người, trụ sở, điều kiện cơ sở vật chất, xây dựng cấp Công an thứ tư đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Qua đó, đã có rất nhiều sự đổi thay tích cực về an ninh trật tự, vun đắp nghĩa tình quân dân và sự trưởng thành từ chính những chiến sĩ Công an bám cơ sở.

Ngày 21/5, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thái Bình cho biết, vừa bắt giữ Trương Tất Hảo (SN 1971), là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự về các tội mua bán trái phép chất ma túy, đánh bạc và cố ý gây thương tích.

Hôm nay (21/5), Lễ bốc thăm ASEAN Mitsubishi Electric Cup (tiền thân là AFF Cup) năm 2024 sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Đội tuyển Việt Nam cũng sẽ khởi động cho chiến dịch này dưới thời huấn luyện viên Kim Sang Sik.

Quá trình thi công móng cột xảy ra sạt lở làm nhiều người thương vong, mở đường công vụ trái phép trên đất rừng phòng hộ, tự ý chặt hạ cây gỗ rừng tự nhiên và tại nhiều vị trí móng cột vẫn còn vướng mắc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB)... là những tồn tại, vướng mắc liên quan đến quá trình thi công dự án đường dây 500kV mạch 3 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文