Lấp “khoảng trống” pháp luật về bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông

06:36 11/05/2024

Quốc hội đang cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, dự kiến sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới đây.

Một trong những nội dung mới của hai dự thảo luật này, tiệm cận với quy định của các quốc gia tiên tiến, đó là yêu cầu xe ôtô phải có "hướng dẫn để lắp ghế ngồi, lắp dây đai an toàn dành cho trẻ em đối với ôtô chở người đến 9 chỗ" (Điều 49 dự thảo Luật Đường bộ) và "trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ôtô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ; trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em" (Điều 9 dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ).

Quản lý chặt xe hợp đồng đưa đón học sinh nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Ảnh tư liệu.

Thiếu quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em

Thực tế cho thấy, không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng có nguyên nhân từ việc trẻ em ngồi trên xe không thắt dây an toàn, không có thiết bị an toàn phù hợp dành cho trẻ. Ngày 24/2/2021, tại Lâm Đồng, một ôtô 7 chỗ khi xuống dốc đã va chạm trực diện vào lan can bê tông. Vụ tai nạn khiến 4 người trong gia đình trên xe bị thương nặng, được đưa đến Bệnh viện II Lâm Đồng cấp cứu. Tuy nhiên, do bị thương quá nặng, cháu L.T.H. (7 tuổi) đã tử vong trên đường tới bệnh viện cấp cứu.

Ngày 14/7/2023, một ôtô 4 chỗ di chuyển từ TP Nam Định về xã Hợp Hưng, đến khu vực ngã tư xã Đại An và xã Hợp Hưng (huyện Vụ Bản), đã va chạm với xe tải. Trên ôtô lúc này có 4 người (gồm 2 phụ nữ và 2 bé gái nhỏ). Cú va chạm mạnh khiến nữ tài xế và một cháu bé tử vong.

Đây là hai trường hợp điển hình cho thấy các rủi ro dẫn tới thương tích với trẻ em trên xe ôtô đang diễn biến phức tạp. Theo đánh giá của các chuyên gia an toàn giao thông, các thiệt hại trên có thể phòng tránh và giảm thiểu rất nhiều nếu trẻ em được bảo vệ bởi các thiết bị an toàn phù hợp với trẻ.

Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em và vị trí an toàn của trẻ em trên xe ôtô. Nhiều phụ huynh vẫn để trẻ em ngồi ghế trước hoặc đứng trong xe, vươn tay ra cửa sổ, thò đầu qua cửa sổ trời…

Một khảo sát năm 2022 cho thấy, tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông đường bộ có liên quan đến ôtô chiếm khoảng 30% tổng số các vụ tai nạn, trong khi lượng phương tiện này đang ngày một tăng nhanh, thị trường ôtô của Việt Nam mỗi năm tăng trưởng khoảng 500 nghìn xe mới và tốc độ giao thông ngày càng cao. Điều này đặt ra vấn đề về quy định liên quan đến an toàn cho trẻ em trên xe ôtô.

Dẫn kết quả nghiên cứu quan sát 1.102 xe ôtô cá nhân và 1.457 trẻ em từ 0 đến 10 tuổi tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, ông Dương Kim Tuấn (Đại học Y tế công cộng) cho hay, có tới hơn 42% phụ huynh cho con ngồi ở ghế phụ trước trong xe ôtô, trong đó có 19,2% được người lớn ôm, bế ở ghế phụ. Tỷ lệ sử dụng thiết bị an toàn rất thấp ở cả 3 thành phố, chỉ chiếm 1,3% và cao nhất ở Hà Nội là 2,6%. Tỉ lệ sử dụng thiết bị an toàn ở Đà Nẵng chỉ chiếm 0,4%.

Khi được hỏi về vị trí trên xe an toàn nhất cho trẻ, 36% người trả lời cho rằng ngồi ghế sau là an toàn nhất, 28% cho rằng ngồi ghế trước và 27,8% cho rằng ngồi trong thiết bị an toàn chuyên dụng là đáp án đúng nhất. Có tới 75,4% ủng hộ cần thiết có quy định bắt buộc về thiết bị an toàn trên xe.

"Trong xu hướng sử dụng ôtô tăng nhanh tại Việt Nam, đặc biệt là đối với các gia đình trẻ, quy định về thiết bị an toàn tại Việt Nam là vô cùng cần thiết để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông", ông Tuấn nói.

Dây an toàn không có tác dụng với trẻ em

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương, Đại học Y tế công cộng, dây an toàn trên xe ôtô có tác dụng giảm 70% chấn thương nghiêm trọng và giảm 40% khả năng tử vong với hành khách trên xe. Tuy nhiên, dây an toàn chỉ được thiết kế cho người trưởng thành.

Trong trường hợp trẻ em còn nhỏ, dây an toàn không giữ được cơ thể trẻ khi có va chạm, thậm chí trẻ em bị chấn thương bởi chính dây an toàn. Một nghiên cứu công phu của Klinich và các đồng nghiệp, sử dụng dữ liệu từ Hệ thống đăng ký các vụ va chạm giao thông của Hoa Kỳ (NASS) từ năm 1988 đến năm 1991, cho thấy kích thước tối thiểu để một đứa trẻ sử dụng dây an toàn của người lớn là: chiều cao đứng 148cm; chiều cao ngồi 74cm và cân nặng 37kg.

Klinich và các đồng nghiệp kết luận rằng, cân nặng ít quan trọng hơn chiều cao; và trẻ em ở mọi lứa tuổi cần đạt chiều cao 148cm để sử dụng dây an toàn tiêu chuẩn trên ôtô. Điều đó đồng nghĩa với việc dưới 148cm, trẻ cần sử dụng thiết bị an toàn phù hợp trên ôtô.

Thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ôtô bao gồm: Nôi trẻ em sơ sinh (cho trẻ dưới 2 tuổi), ghế trẻ em nhỏ (cho trẻ từ 2-6 tuổi) và các loại đệm nâng (cho trẻ từ 6-10 tuổi). Việc sử dụng nôi an toàn cho trẻ dưới 2 tuổi và ghế cho trẻ dưới 6 tuổi rất dễ dàng và thuận tiện, bảo đảm độ tiện lợi và thoải mái cho trẻ.

Khi trẻ lớn từ 6-10 tuổi và ghế trẻ em có thể trở nên chật chội, khuyến cáo của Cơ quan Quản lý An toàn giao thông đường bộ Hoa Kỳ là nhóm trẻ em này vẫn nên tiếp tục sử dụng ghế nâng hoặc đệm nâng cho đến khi cao ít nhất 145cm.

Các thử nghiệm đã chứng minh khi trẻ em sử dụng thiết bị an toàn phù hợp thì rủi ro bị chấn thương giảm xuống rất thấp. Báo cáo của Hiệp hội An toàn giao thông đường bộ toàn cầu (GRSP) cho thấy, thiết bị an toàn cho trẻ em có thể giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong (giảm từ 34 - 81%), giảm các chấn thương nghiêm trọng (35-72%) và các chấn thương khác của trẻ (25-58%) trong các vụ va chạm giao thông.

Với trẻ sơ sinh, dùng ghế nôi hướng về phía sau xe giảm rủi ro tử vong hoặc chấn thương nặng tới 90% (so với trẻ không có thiết bị an toàn). Việc đặt nôi hướng về sau xe cũng giảm rủi ro gặp chấn thương nặng/tử vong xuống 5 lần so với đặt hướng về phía trước.

Theo báo cáo chuyên sâu về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ôtô của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thiết bị an toàn cho trẻ em giảm rủi ro chấn thương nặng tới 80% so với trẻ chỉ dùng dây an toàn người lớn; ghế nâng cho lứa tuổi 6-10 tuổi giúp giảm 77% rủi ro chấn thương so với trẻ không sử dụng.

Lấp khoảng trống pháp luật

Tiến sỹ Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, Việt Nam hiện chưa quy định về việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ôtô. Đây là một khoảng trống về pháp luật. Trong các dự thảo văn bản pháp luật mới liên quan đến an toàn giao thông, thiết bị an toàn cho trẻ em đã được đặt ra và đang trong quá trình lấy ý kiến. Đây là xu hướng tích cực trong việc nỗ lực bảo vệ trẻ em tốt hơn khi tham gia giao thông.

Hiện có gần 100 quốc gia đã thể chế hóa quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn trẻ em trên ôtô cá nhân. Đơn cử như trong khu vực ASEAN, Singapore bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với trẻ em dưới 135cm, Malaysia bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với trẻ em dưới 136cm và dưới 12 tuổi, quy định của Philippines là dưới 12 tuổi hoặc dưới 150cm, Campuchia là dưới 4 tuổi. Khuyến cáo của WHO là ít nhất bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ôtô cá nhân với trẻ cao dưới 135cm và dưới 10 tuổi.

Theo đánh giá sơ bộ của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, có khoảng 1.800-2.000 vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em trong một năm, trong đó có khoảng 600-700 vụ liên quan tới ôtô có trẻ em. Nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em được áp dụng hiệu quả, có thể kéo giảm tới 400-500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em thiệt mạng trên ôtô một năm tại Việt Nam. Đề xuất sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em nhận được phản ứng rất tích cực của cộng đồng, mạng xã hội và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay, mặc dù chưa quy định nhưng rất nhiều người dân đã tự động áp dụng. Trong một số cuộc thăm dò dư luận rộng rãi trên toàn quốc, tỷ lệ ủng hộ đề xuất lên tới trên 84%.

Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định này chỉ nên áp dụng với xe con cá nhân, vì đây là loại xe có thể di chuyển ở tốc độ cao trên cao tốc, tần suất trẻ em sử dụng cao và bố mẹ người giám hộ luôn biết trước được nhu cầu này. Khuyến khích (nhưng không bắt buộc) với các loại xe vận tải công cộng vì vận tải công cộng có tốc độ thấp, hoạt động trong đô thị, tiêu chuẩn an toàn cao hơn và khó khăn trong đáp ứng nhu cầu ngẫu nhiên chở trẻ em. Có thể quy định xe chở học sinh mầm non và tiểu học cần có dây bảo hiểm chuyên dụng thiết kế phù hợp với lứa tuổi học sinh. Quy định trên sẽ ngày càng phát huy tác dụng tích cực trong bảo vệ trẻ em khi số lượng ôtô tại Việt Nam ngày một tăng.

Chu Thanh Vân

Liên quan đến vụ việc một nhóm thanh niên điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng gây tai nạn nghiêm trọng cho người tham gia giao thông tại Hà Nội, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có ý kiến chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý dứt điểm tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đua xe, lạng lách gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Chủ “phường”, “hụi” thường xây dựng hình ảnh về bản thân, gia đình có cuộc sống giàu sang, hàng tháng trả lãi cao, đúng hẹn, tạo vỏ bọc uy tín… Điều này đánh vào tâm lý tin tưởng trao gửi tài sản của những người tham gia, họ không mảy may nghi ngờ.

Ông Patrick Turner - người đứng đầu văn phòng đại diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Thủ đô Kiev, hôm 5/11 đã đến Ukraine để bắt đầu công việc và gặp Bộ trưởng Quốc phòng nước này Rustem Umerov.

Ngày 7/11, Công an huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ khoảng 2,5ha cây sầu riêng của gia đình bà Vũ Thị Phượng, thôn Ninh Hậu, xã Nam Ninh, bị kẻ gian cưa đổ.

Dù các hãng hàng không đã tăng cường khai thác, đưa ra biện pháp nhằm giảm áp lực giá vé trong dịp Tết năm 2025 nhưng giá vé máy bay vẫn tăng mạnh. Nhiều người dân thất vọng vì mua vé sớm cũng không tìm được giá rẻ.

Chiều 6/11, tại buổi họp cung cấp thông tin về Hội chợ Dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lấn thứ 2 năm 2024 do Bộ Y tế tổ chức, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền cho biết, hội chợ được tổ chức từ ngày 21- 23/11, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) số 799 Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP Hồ Chí Minh.

Sau trận bão lớn gây thiệt hại nặng nề, các làng trồng đào, quất ở Nhật Tân và Tứ Liên (Hà Nội) đang nỗ lực khôi phục vườn cây để kịp cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán. Dù thời gian gấp rút nhưng người nông dân vẫn ngày đêm chăm sóc, phục hồi những cây đào, quất bị ngập úng, gãy đổ; hy vọng mang đến một mùa Tết trọn vẹn.

Là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam nên TP Tam Kỳ tập trung mật độ dân cư và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông đúc. Lợi dụng đặc điểm này, một bộ phận thanh, thiếu niên thiếu hiểu biết, hoặc biết nhưng coi thường pháp luật, cố ý vi phạm pháp luật về giao thông, gây nguy hiểm chính bản thân mình và cho người khác khi tham gia giao thông.

Đến cuối tháng 10/2024, tỉnh Thanh Hóa đã giải ngân được hơn 9.300 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 65,9% kế hoạch vốn phân bổ, đứng thứ 4 cả nước. Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân 100% nguồn vốn này, từ nay đến cuối năm, các chủ đầu tư, đơn vị thi công đang “chạy nước rút”, nỗ lực tháo gỡ nhiều “nút thắt” quan trọng mới đạt mục tiêu đề ra.

Theo dự báo, Thủ đô Hà Nội hôm nay trời nắng đẹp, nhiệt độ nhịch tăng nhẹ. Khu vực từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận tiếp tục có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 20-40mm, cục bộ có nơi trên 100mm.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文