Liều thuốc đặc trị “Bệnh sợ trách nhiệm”
Một khi tính Đảng được đề cao thì lòng dân ắt sẽ thuận và đó chính là liều thuốc đặc hiệu để trị “Bệnh sợ trách nhiệm” – một căn bệnh đáng ngại hiện nay. Ngay từ thế kỷ XV, Nguyễn Trãi từng nhận định ra nguyên lý cốt lõi: “Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định. Vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn. Trái lại, vương triều nào đi ngược lại lòng dân thì sớm muộn sẽ bị thất bại”.
Từ một bài báo nửa thế kỷ trước
“Bệnh sợ trách nhiệm” không phải bây giờ mới nhắc, mới nói, mà nó đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi còn là Biên tập viên của Tạp chí Cộng sản đã nhắc tới trên Chuyên mục “Sinh hoạt tư tưởng” của Tạp chí Cộng sản vào tháng 11/1973 dưới bút danh “Người xây dựng”.
Người đứng đầu Đảng ta hiện nay trong bài viết kể trên đã nhìn nhận, trong cán bộ, đảng viên còn có những đồng chí sợ trách nhiệm. Người sợ trách nhiệm được chỉ rõ: Một là: Những người làm việc cầm chừng cho đủ bổn phận, cốt sao không phạm khuyết điểm; Hai là: Rụt rè, do dự khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn được giao; Ba là: Lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể, việc lớn việc nhỏ gì cũng đưa ra tập thể bàn, chờ ý kiến tập thể cho đỡ phiền; Bốn là: Ngại va chạm với đồng chí trong đơn vị, với cấp trên và cả cấp dưới, không thẳng thắn phê bình những người phạm khuyết điểm, không đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, những tư tưởng và việc làm trái với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đang trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, cần phải có những cán bộ với tinh thần “7 dám” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết tại Hội nghị lần thứ 6, Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 đó là: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung.
Tuy nhiên, có một thực tế không khỏi khiến dư luận, nhân dân cảm thấy bức xúc, còn nhiều người làm công tác tổ chức Đảng đau lòng. Đó là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XIII tới nay, đã có nhiều Ủy viên BCH Trung ương Đảng bị kỷ luật, như: Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam; cựu Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng; cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh; Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, nguyên Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong; nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Huỳnh Tấn Việt; nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang...
Điểm chung của những người này được xác định là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định trách nhiệm nêu gương. Trong đó, không thể không nói đến sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng chỉ đạo, quản lý. Chính những điều đó đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, làm thất thoát rất lớn tài sản Nhà nước. Gây dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ, Đảng viên và nhân dân; làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ, chính quyền, sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tổ chức.
Nguồn gốc sâu xa, nguyên nhân chính của “Bệnh sợ trách nhiệm” ở cả thời điểm năm tháng 11/1973 và hiện nay được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra chủ yếu là do chủ nghĩa cá nhân, tinh thần, trách nhiệm, ý thức phục vụ lợi ích chung, phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao.
Thành thử, những điều mà “Người xây dựng” chỉ ra trong bài “Bệnh sợ trách nhiệm” năm đó đến nay đã được nửa thế kỷ nhưng vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và ý nghĩa thực tiễn. Những nhìn nhận của Tổng Bí thư khi đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị, khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Liều thuốc đặc trị
Cách đây không lâu, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã thừa nhận có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức của TP Hồ Chí Minh sợ trách nhiệm, sợ sai, thiếu chủ động, sáng tạo trong thi hành công vụ. Và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ thẳng rằng: “Cán bộ, công chức TP Hồ Chí Minh có tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm. Trong năm 2022, TP Hồ Chí Minh có 584 văn bản hỏi và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trả lời 604 văn bản. Điều đáng nói, nội dung hỏi hầu hết thuộc thẩm quyền thành phố”.
Dư luận đánh giá cao người đứng đầu chính quyền địa phương được xem là “đầu tàu kinh tế” của cả nước đã mạnh dạn nhìn nhận sự tồn tại trong đội ngũ cán bộ công chức thuộc phạm vi quản lý của mình.
Các quyết định thi hành kỷ luật cán bộ mà Đảng thực hiện thời gian qua cũng nhận được sự đồng thuận cao không chỉ biểu thị ở số phiếu của các Đại biểu, mà được đông đảo giai tầng trong xã hội tán đồng.
Tổng Bí thư Nguyên Phú Trọng từng nói: “Một vấn đề hết sức quan trọng là phải kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hoá về phẩm chất, lối sống của cán bộ, Đảng viên. Nói quần chúng giảm sút lòng tin đối với Đảng không phải là giảm sút lòng tin đối với lý tưởng, sự nghiệp của Đảng, mà là đối với những cán bộ, Đảng viên đã thoái hóa, hư hỏng, đối với những tổ chức Đảng đã rệu rã, không còn sức chiến đấu”.
Bài học rút ra từ nhiều triều đại phong kiến, ngay từ thế kỷ XV Nguyễn Trãi đã đi đến những nhận định rất quan trọng: “Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định. Vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn. Trái lại, vương triều nào đi ngược lại lòng dân thì sớm muộn sẽ bị thất bại”.
Ví như, triều đại Hậu Trần suy vong là các vua quan Hậu Trần không thực hiện đúng chính sách “thân dân”, “làm kế sâu rễ bền gốc”, chỉ lo cuộc sống xa hoa, quyền lợi ích kỷ của mình, bỏ “mặc dân khốn khổ”, “muôn dân oán giận mà không biết, lòng người oán trách mà chẳng kinh”. Còn Hồ Quý Ly cơ đồ tan vỡ, nước mất vào tay giặc cũng chỉ vì chính quyền quá xa rời nhân dân, vì chính sự phiền hà, để đến nỗi lòng dân oán giận.
Thế nên, trở lại với vấn đề “Bệnh sợ trách nhiệm” và danh sách cán bộ xếp hàng bị kỷ luật, công luận đồng tình, hân hoan các quyết định sáng suốt của BCH Trung ương Đảng, mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được ví là “người đốt lò vĩ đại”. Bởi vì tính Đảng, kỷ luật Đảng cũng như pháp luật, phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, quan liêu dù người ấy ở bất kỳ địa vị nào. Cần phải làm mạnh, quyết liệt và không có vùng cấm trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu. Có vậy mới lấy được niềm tin của nhân dân, thuận lòng dân.
Nói cách khác, sức mạnh của Đảng là ở lòng tin của dân, lòng tin đó được xây đắp bền vững chính là ở chỗ Đảng quán triệt đường lối nhân dân, sự nghiệp cách mạng là của dân, do dân và vì dân. Chân lý thật giản đơn: “Có dân là có tất cả. Mất lòng tin của dân là mất hết”. Từ đó cho thấy, một khi tính Đảng được đề cao thì lòng dân ắt sẽ thuận và đó chính là liều thuốc đặc hiệu để trị “Bệnh sợ trách nhiệm”.
Thiết nghĩ, một cá nhân dù quyền năng đến đâu cũng không thể đứng trên luật pháp và các quy định của tổ chức mình tham gia. Và trách nhiệm của người Đảng viên chính là đầy tớ là phục vụ Nhân dân, đó cũng là thực hiện sứ mệnh cách mạng của Đảng. Nếu đầy tớ mà sợ trách nhiệm thì liệu có còn xứng đáng với niềm tin của “chủ”?