Lộ diện những thủ đoạn “thổi giá” trục lợi trong đầu tư thiết bị giáo dục

07:27 26/09/2022

Lợi dụng các chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho ngành giáo dục đối với vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, thông qua đấu thầu mua sắm trang thiết bị giáo dục, tại một số địa phương trong cả nước đã xảy ra tình trạng cấu kết để thổi giá, đánh tráo trang thiết bị để trục lợi, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Ngày 30/8/2021 Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 5998/VPCP[1]KGVX về việc rà soát, xử lý liên quan đầu tư mua sắm trang thiết bị giáo dục gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nội dung công văn cho biết, xét báo cáo của Bộ Công an tại văn bản số 909/BC-BCA-V01 ngày 16/8/2021 về một số vi phạm nổi lên trong đầu tư mua sắm trang thiết bị giáo dục và kiến nghị, đề xuất, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ GD&ĐT, KH&ĐT, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 (Đề án 1436) và Quyết định số 775/QĐ-TTg ngày 27/6/20218 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 (Chương trình 775) rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện đảm bảo hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện các gói thầu liên quan đến Đề án 1436 và Chương trình 775 thuộc phạm vi quản lý của địa phương; xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) theo quy định.

Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, nơi xảy ra nhiều sai phạm trong thực hiện Chương trình 775 và Đề án 1436 của Chính phủ.

Từ chính sách nhân văn của Chính phủ dành cho học sinh nghèo…

Theo đó, Chương trình 775, còn gọi là chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm mục tiêu hỗ trợ mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu và bàn ghế học sinh, trang thiết bị, đồ dùng nhà ăn, nhà bếp, khu ở nội trú; sửa chữa, cải tạo mở rộng nâng cấp cơ sở vật chất các trường, điểm trường tiểu học, trung học cơ sở công lập có học sinh bán trú tại các thôn đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các trường phổ thông dân tộc bán trú.

Cùng với đó, Đề án 1436 ra đời nhằm đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025. Mục tiêu đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và Chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Theo đó, Đề án phân thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2017-2020 và giai đoạn 2 từ năm 2021-2025. Chương trình 775 và Đề án 1436 đều nhằm mục tiêu hỗ trợ cơ sở vật chất thông qua việc đầu tư xây dựng trường lớp, bếp ăn, đồ dùng đảm bảo sinh hoạt bán trú và mua sắm trang thiết bị dạy và học. Tại tỉnh Hà Tĩnh, thời điểm triển khai Chương trình, toàn tỉnh có 6 xã biên giới đặc biệt khó khăn và 29 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang được thụ hưởng. Việc thực hiện Chương trình 775 và Đề án 1436 được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho Sở GD&ĐT chủ trì khảo sát, nắm tình hình, tham mưu thực hiện.

Thực hiện Công văn số 5998/VPCP[1]KGVX ngày 30/8/2021 của Văn phòng Chính phủ, ngày 20/12/2021 UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 4119/QĐ-UBND về việc thanh tra chấp hành các quy định pháp luật trong thực hiện Chương trình 775 và các gói thầu mua sắm, dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất do Sở GD&ĐT và các Trường THPT làm chủ đầu tư, thuộc Đề án 1436.

Ngày 25/8/2022, Đoàn Thanh tra đã ban hành Báo cáo kết quả thanh tra số 01/BC[1]ĐTT. Trên cơ sở này, trong các ngày 15/8và 22/8, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND cũng đã họp, thống nhất ý kiến liên quan đến kết quả thanh tra,  ngày 13/9/2022 Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Trọng Hải đã ký ban hành Kết luận số 320/KL-UBND về việc chấp hành các quy định pháp luật trong thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và các gói thầu mua sắm, dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất do Sở GD&ĐT và các trường THPT làm chủ đầu tư, thuộc Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.

…Đến hàng loạt sai phạm nghiêm trọng vì trục lợi chính sách!

Theo đó, giai đoạn 2017-2020, Hà Tĩnh đã đầu tư nhiều công trình xây dựng cơ bản, gói thầu mua sắm nhằm đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học, đảm bảo các tiêu chí nông thôn mới. Riêng đối với Chương trình 775 và các gói thầu mua sắm, dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất do Sở GD&ĐT và các Trường THPT làm chủ đầu tư thuộc Đề án 1436, kết quả thanh tra cho thấy, đối với Chương trình 775, Hà Tĩnh đã được bố trí kế hoạch vốn 17,505 tỷ. Trong số này, vốn có Quyết định giao của UBND tỉnh là 14,1 tỷ đồng, ngân sách Trung ương 8,784 tỷ đồng và ngân sách địa phương 5,316 tỷ đồng. Sở GD&ĐT làm chủ đầu tư, sửa chữa 4 bếp ăn, số vốn được bố trí là 1,556 tỷ đồng, số còn lại phân bổ cho các địa phương thực hiện. Chương trình đã triển khai sửa chữa, cải tạo 20 công trình bếp ăn bán trú và mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng nhà bếp cho 18 trường bán trú.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh còn làm chủ đầu tư để thực hiện xây dựng 4 công trình, đã được nghiệm thu bàn giao, đưa vào sử dụng trong tháng 11/2020. Tuy nhiên, đến nay chưa được quyết toán, dự toán hoàn thành. Xác minh 11 gói thầu, cải tạo nhà bếp và 4 gói thầu mua sắm đồ dùng nhà bếp được phân bổ nguồn vốn cho địa phương thực hiện, có 1 gói thầu tại Trường Tiểu học xã Sơn Quang (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn) thực hiện không đúng mục tiêu Chương trình. Bên cạnh đó, việc triển khai Chương trình còn chậm, nguồn vốn được phân bổ dàn trải cho nhiều đơn vị, địa phương. Công tác khảo sát nhu cầu vẫn tồn tại bất cập dẫn đến một số nhà bếp sau khi được đầu tư cải tạo, sửa chữa sử dụng được một thời gian ngắn thì đã tháo dỡ để xây dựng công trình khác, lãng phí vốn đầu tư.

Đối với Đề án 1436, giai đoạn 2017 - 2020, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh thực hiện 17 gói thầu mua sắm thiết bị dạy và học, tổng giá trị hợp đồng là hơn 250,5 tỷ đồng. Trong đó, mua sắm tập trung 15 gói thầu và Sở GD&ĐT tự mua sắm 2 gói thầu trị giá gần 9,8 tỷ đồng. Tổng số thiết bị máy chiếu và phụ kiện, máy tính xách tay, máy tính để bàn, âm ly đa năng, phần mềm, đồ chơi ngoài trời… đã mua sắm là 21.957 thiết bị. Một số nhà thầu liên tiếp trúng các gói thầu lớn, có thể kể đến là Công ty CP Công nghệ thông tin Lam Hồng trúng 6 gói thầu với tổng giá trị hợp đồng là 99,2 tỷ đồng; Công ty CP Thương mại Hồng Hà trúng 5 gói thầu mua sắm thiết bị với tổng giá trị hợp đồng hơn 77,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Thiết bị giáo dục và đồ chơi Phương Anh đã trúng 3 gói thầu thiết bị đồ chơi giá gần 66 tỷ đồng…

Điều đáng nói, quá trình thực hiện, các nhà thầu này đã có các hành vi vi phạm để trục lợi như đẩy giá thiết bị cao bất thường so với giá nhập khẩu và giá bán của nhà phân phối, gây thất thoát ngân sách Nhà nước; đưa vào hồ sơ mời thầu một số nội dung không phù hợp nhằm hạn chế các nhà thầu khác tham gia; có hiện tượng các thành viên liên danh đấu thầu, nhưng khi thực hiện thì chỉ có một nhà thầu hoặc các thành viên liên danh trúng thầu ký hợp đồng mua bán hàng hóa cho nhau qua một đơn vị trung gian nhằm đẩy giá thiết bị, hợp thức hóa giá trúng thầu, giá hợp đồng… Ngoài việc các nhà thầu vi phạm trong việc đấu thầu, cung cấp thiết bị, Sở GD&ĐT cũng được cho là đã mua nhiều thiết bị lạc hậu, không phù hợp với nhu cầu thực tế dẫn đến không phát huy được hiệu quả.

Trước những sai phạm nghiêm trọng trong việc thực hiện Chương trình 775 và Đề án 1436 của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Trọng Hải đã chỉ đạo xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm, báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 15/12/2022. Đồng thời, giao Đoàn Thanh tra phối hợp với Thanh tra tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chuyển hồ sơ các gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ tài liệu, vi phạm quy định đấu thầu, vi phạm quy định về thẩm định giá sang Công an tỉnh xác minh, điều tra làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.

Ngày 13/9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 7 đối tượng cùng về hành vi “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị can gồm: Lê Viết Cường, Giám đốc Trung tâm Tư vấn & Dịch vụ tài chính Hà Tĩnh; Đinh Quốc Tấn, Tổ trưởng tổ Đấu thầu; Nguyễn Thị Thanh Tâm, Giám đốc kinh doanh Công ty Hồng Hà; Phạm Viết Anh Vũ, Giám đốc chi nhánh Hà Tĩnh Công ty Hồng Hà; Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty Phương Anh; Nguyễn Hồng Hải, Phó Giám đốc Công ty Phương Anh; Nguyễn Xuân Thiện, Công ty P&T.

Bước đầu cơ quan điều tra xác định, các bị can nêu trên đã có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đảm bảo công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu mua sắm trang thiết bị giáo dục tại Trung tâm Tư vấn & Dịch vụ tài chính Hà Tĩnh gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước. Vụ án đang được điều tra mở rộng.

Thiên Thảo

Hà Nội dự kiến triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn đầu mối tổ chức bên trong của các sở và tương đương giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối, không bao gồm các tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lắp chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện phương án sáp nhập các sở.

Báo cáo số 3003/KQLĐBIII-QL,TCGTĐB ngày 16/12 của Khu Quản lý đường bộ III gửi Cục Đường bộ Việt Nam về khắc phục thiên tai gây hư hỏng trên các tuyến quốc lộ ở địa bàn miền Trung – Tây Nguyên, có đề cập thông tin chi tiết về sự cố sạt lở ở đèo Khánh Lê gây ách tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 27C như Báo CAND đã thông tin.

Ngày 16/12, Phòng Cảnh sát hình sự, Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Gia Lai) phối hợp với Viện KSND tỉnh và Công an huyện Kông Chro, Ia Pa tiến hành thực nghiệm hiện trường để điều tra Đinh Văn Ten (SN 1996), Đinh Toc (SN 2003, cùng trú ở làng Tkắt, xã Đăk Kơ Ning, huyện Kông Chro) về hành vi giết người.

Chiều 16/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) cho biết, vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Đoàn Đức Vinh (SN 1996, cư trú: xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) để điều tra về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文