Luật Giao thông đường bộ đang điều chỉnh 3 lĩnh vực khác nhau (bài 2)
Cùng với những thiếu hụt về chính sách an toàn giao thông, chính sách về đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hiện nay, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang điều chỉnh 3 lĩnh vực khác nhau.
Theo Bộ Công an, kinh nghiệm và nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều quốc gia, cho thấy nhiều quốc gia xây dựng luật riêng về các lĩnh vực an toàn giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng, vận hành đường bộ cao tốc, vận tải đường bộ gắn với dịch vụ logistic.
Không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung
Trước năm 2001, các quy định về trật tự, an toàn giao thông; đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là 3 lĩnh vực khác nhau được điều chỉnh riêng biệt ở các văn bản dưới luật. Năm 2001, Quốc hội thông qua Luật Giao thông đường bộ và năm 2008 thông qua Luật thay thế, tiếp tục điều chỉnh đồng thời 3 lĩnh vực khác nhau là an toàn giao thông; kết cấu hạ tầng giao thông; vận tải đường bộ.
Thực tiễn cho thấy an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là 3 lĩnh vực rất lớn, mục tiêu, đối tượng điều chỉnh khác nhau, nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc từng lĩnh vực, phải ban hành rất nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện. Trong đó, an toàn giao thông thuộc lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, liên quan đến đầu tư, quản lý tài sản công và tuân theo quy luật thị trường.
Theo đó, các quy định pháp luật, điều khoản, chương, mục của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hoặc chỉ phù hợp áp dụng cho lĩnh vực TTATGT đường bộ hoặc chỉ phù hợp áp dụng cho lĩnh vực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và đa số các điều khoản, chương, mục của luật chỉ có thể áp dụng cho một lĩnh vực, không thể đồng thời áp dụng được cho cả 3 lĩnh vực.
Cùng với đó, về nguyên tắc phân công, phân cấp giữa các bộ, ngành địa phương trong quản lý nhà nước phải rõ, cụ thể, xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính về lĩnh vực được giao mới có thể góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 lại không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật. Trong khi đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã xác định: Một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.
Phù hợp với xu thế lập pháp và kinh nghiệm quốc tế
Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay theo hướng chuyên sâu, điều chỉnh một lĩnh vực cụ thể để bảo đảm sự phân công rõ ràng chức năng, nhiệm vụ trong quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.
Trong quá trình xây dựng dự án Luật TTATGT đường bộ, cơ quan soạn thảo đã trao đổi kinh nghiệm và nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều quốc gia, cho thấy nhiều quốc gia xây dựng luật về an toàn giao thông (trật tự, an toàn giao thông), luật về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Nhiều quốc gia xây dựng luật riêng về xây dựng, vận hành đường bộ cao tốc, luật riêng về vận tải đường bộ gắn với dịch vụ logistic. Công ước Viên mà Việt Nam tham gia cũng chỉ điều chỉnh về an toàn giao thông.
Chính phủ cũng nghiên cứu ý kiến việc xây dựng Luật TTATGT đường bộ thì có xây dựng luật về các lĩnh vực đường thủy, đường sắt, đường không và đường hàng hải hay không và thấy rằng TNGT đường bộ phức tạp nhất, chiếm 97% các vụ so với các loại hình giao thông khác, tính chất điều khiển an toàn tham gia giao thông, mật độ giao thông khác nhau và liên quan trực tiếp, hằng ngày với từng người dân nên ưu tiên nghiên cứu xây dựng Luật TTATGT đường bộ trước. Chính phủ cũng nghiên cứu 5 trụ cột về an toàn giao thông của Liên hợp quốc gồm: Quản lý an toàn giao thông; đường an toàn và lưu thông an toàn; phương tiện giao thông an toàn; người tham gia giao thông an toàn; ứng phó sau tai nạn và thấy rằng 5 trụ cột là một thể thống nhất trong xây dựng hệ thống pháp luật, không phải trong cùng một luật mới là thể thống nhất.Nguyễn Hương
Vận tải đường bộ hiện phải đảm nhận tỷ trọng lớn (chiếm hơn 70% vận tải hành khách và hàng hóa trong tổng số các loại hình vận tải), không cân đối với các phương thức vận tải khác; chất lượng dịch vụ đã được nâng cao nhưng chưa đồng đều, còn có các đơn vị vận tải nhỏ lẻ, manh mún; hiệu quả kinh doanh chưa cao. Công tác quản lý lái xe còn bất cập; thiếu cơ sở dữ liệu quản lý chặt chẽ người lái xe kinh doanh vận tải. Các loại hình kinh doanh vận tải chưa được phân định rõ ràng, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Quy định về điều kiện kinh doanh trong đó có các thiết bị quan trọng như giám sát hành trình, camera hành trình chưa rõ ràng dẫn đến hiệu quả quản lý hạn chế. Kinh doanh vận tải là kinh doanh có điều kiện nhưng Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định chưa rõ, chưa đủ cơ chế, chính sách để phát triển tương xứng với nhu cầu xã hội.