Cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Nâng tầm cả 3 lĩnh vực TTATGT, phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải đường bộ (Bài cuối)

08:15 02/05/2023

Trước yêu cầu đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, Bộ Công an đã chủ trì xây dựng dự án Luật TTATGT đường bộ. Dự thảo Luật TTATGT đường bộ gồm 8 chương, 61 điều với mục tiêu xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông.

Dưới góc độ pháp lý, Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với luật sư Lê Thu Hằng, Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội xoay quanh những nội dung của dự thảo Luật.

Luật TTATGT đường bộ được ban hành sẽ góp phần xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại.

PV: Xin luật sư cho biết, vì sao cần thiết ban hành Luật TTATGT đường bộ?

Luật sư Lê Thu Hằng: Hoạt động lập pháp và hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ là sự cụ thể hóa Hiến pháp để giải quyết những vấn đề thực tiễn về trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới. Dự thảo Luật đã kế thừa Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang được nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện về những hạn chế không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay về giao thông đường bộ. Trong đó cũng đưa ra những vấn đề rất mới, đặc biệt là về công tác giải quyết TNGT; cùng với đó là những quy định, cụ thể hóa quy tắc giao thông theo hướng văn minh, hiện đại và có độ ổn định cao. Dự thảo Luật TTATGT đường bộ đã tiếp thu các ý kiến của Đại biểu Quốc hội về việc bổ sung các quan điểm có tính chất đóng góp cho dự thảo Luật. Dự thảo Luật gồm 8 chương, 61 điều quy định về quy tắc giao thông đường bộ; điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết TNGT đường bộ; tuần tra, kiểm soát về TTATGT đường bộ; quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ.

PV: So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, theo luật sư, dự thảo Luật TTATGT đường bộ có những nội dung gì mới nổi bật?

Luật sư Lê Thu Hằng: Dự thảo Luật đã có một số nội dung mới nổi bật.

Theo Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 16/3/2022, Chính phủ thống nhất chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Do đó, dự thảo Luật TTATGT đường bộ đã quy định Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật về TTATGT đường bộ trong quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

 Bên cạnh đó, tại các quy định về Quy tắc giao thông đường bộ đã được xây dựng trên cơ sở các quy định trong công ước quốc tế về giao thông đường bộ phù hợp với các điều kiện Việt Nam trên cơ sở kế thừa Luật Giao thông đường bộ 2008 và đã luật hoá để phù hợp với thực tiễn.

Về điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, dự thảo Luật đã bổ sung quy định chi tiết nhiều nội dung về đăng ký, cấp biển số xe cụ thể, rõ ràng hơn, bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, phục vụ người dân. Về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, dự thảo luật quy định nhiều điểm mới như: Người đủ 17 tuổi trở lên được đăng ký học lái xe; người học lái xe được lựa chọn cơ sở đào tạo lái xe, giáo viên dạy lái theo yêu cầu, được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ; người được cơ sở đào tạo xác nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo, được lựa chọn và đăng ký với cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để tham dự kỳ sát hạch; kết quả đào tạo, sát hạch lái xe phải thông tin công khai; sửa đổi một số hạng giấy phép lái xe.

Liên quan đến hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm TTATGT đường bộ  đã có điểm mới quy định để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử phạt vi phạm; thay đổi phương thức tuần tra, kiểm tra theo hướng hiện đại, khách quan như tại khoản 3 Điều 56 dự thảo Luật đã quy định “Khi kiểm tra, kiểm sát trên đường bộ người có thẩm quyền theo qui định tại khoản 3 Điều 54 Luật này phải sử dụng camera ghi âm, ghi hình quá trình thực hiện nhiệm vụ”.

Qua nhiều lần góp ý dự thảo về nội dung của các chương, điều, khoản, kết cấu của dự thảo luật; dự thảo đã chỉnh lý các nội dung như: Phạm vi điều chỉnh, các hành vi bị nghiêm cấm, quy tắc giao thông, điều kiện phương tiện tham gia giao thông và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tổ chức chỉ huy điều khiển giao thông, giải quyết tai nạn giao thông, tuần tra, kiểm soát, ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đồng thời đã chỉnh lý lại kết cấu các chương, điều cho hợp lý và khoa học hơn.

 So với dự thảo trước đây, dự thảo hiện tại không quy định về hình thức cấp biển số xe ôtô thông qua đấu giá, do liên quan đến các quy định về quyền sở hữu tài sản của người dân. Về trừ điểm của giấy phép lái xe, dự thảo luật xác định đây là một hình thức xử lý vi phạm hành chính, nên cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Vì vậy, dự thảo Luật hiện tại không quy định về nội dung này là phù hợp và không bị chồng chéo luật.

PV: Mục tiêu cơ bản và lớn nhất của dự thảo Luật là xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông, bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng xác định bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Luật sư đánh giá những nội dung của dự thảo Luật đã bám sát, làm rõ mục tiêu này chưa?

Luật sư Lê Thu Hằng: Theo tôi đánh giá, dự thảo Luật đã đi sát với các mục tiêu là xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông; phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do TNGT nhức nhối đã diễn ra trong các năm qua. Tuy nhiên để bảo vệ cho tính mạng và sức khoẻ của người dân cũng như đảm bảo hoạt động quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này cần bám sát đi vào hoạt động thực tế hơn như việc tuyệt đối tuân thủ các quy định giao thông đường bộ đối với người dân bằng các kiến thức hiểu biết luật và kỹ năng điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh. Các chế tài đã có nhưng việc tuyên truyền giáo dục pháp luật giao thông đường bộ cho người dân là rất quan trọng.

PV: Theo luật sư, dự thảo Luật đề cao tính giáo dục về văn hoá giao thông hay tính răn đe?

Luật sư Lê Thu Hằng: Việc xây dựng các hệ thống quy phạm pháp luật để điều chỉnh bao gồm cả một quy trình khép kín từ việc xây dựng văn bản đến việc ban hành và thực hiện các quy định nhưng quan trọng hơn cả là ý thức của người dân trong việc chấp hành và thực thi pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Khi các quy định và chế tài đã có thì công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cũng rất quan trọng để người dân hiểu rõ và thực hiện. Do đó, dự thảo Luật đã nêu rõ về văn hoá giao thông với các quy định dễ hiểu còn tính răn đe khi có các vi phạm pháp luật xảy ra sẽ được thực hiện với các chế tài khác nhau theo tính chất mức độ của hành vi vi phạm. Các chế tài này đã được quy định trong các luật xử phạt vi phạm hành chính, chế tài hình sự trong Bộ luật Hình sự hiện hành.

PV: Hiện nay, tình trạng coi thường pháp luật, vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông diễn biến hết sức phức tạp.  Việc xây dựng và ban hành Luật sẽ có tác động như thế nào đối với công tác đảm bảo TTATGT đường bộ, thưa luật sư?

Luật sư Lê Thu Hằng: Như trên đã trao đổi, do tính chất đặc thù của giao thông đường bộ nước ta hết sức phức tạp, do đó đòi hỏi việc hoàn thiện Luật TTATGT đường bộ là tất yếu để ngăn ngừa các vi phạm và hậu quả đáng tiếc xảy ra cho tính mạng và tài sản của người dân. Như vậy, việc xây dựng luật và ban hành luật là nhằm điều chỉnh hành vi, cách xử sự của con người hướng đến xây dựng một xã hội có trật tự, kỷ cương, ổn định là điều cấp thiết, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển. Đồng thời, góp phần phòng ngừa, kiềm chế, làm giảm TNGT; nâng tầm cả 3 lĩnh vực là trật tự, an toàn giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải đường bộ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.

PV: Trân trọng cảm ơn luật sư!

Luật TTATGT đường bộ quy định về quy tắc giao thông đường bộ; điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nguyễn Hương

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文