Ngăn chặn vi phạm bản quyền báo chí

06:00 28/09/2023

Tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí ngày càng phổ biến, tinh vi, đặc biệt là trên môi trường số với sự bùng nổ của mạng xã hội, trang tin tổng hợp… gây thất thu lớn về mặt kinh tế cho cơ quan báo chí.

Bảo vệ bản quyền báo chí giúp ngăn chặn hiện tượng ăn cắp các chất liệu báo chí, giả mạo báo chí để lan truyền các thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả mạo, thúc đẩy một nền báo chí với "hàng thật" và "hàng chất lượng cao". Đây trở thành vấn đề cấp bách với mọi nhà báo, mọi cơ quan báo chí.

Một trang thông tin trên mạng xã hội lợi dụng thương hiệu của VTV để quảng cáo thuốc đông y.

Vi phạm diễn ra ngày càng tràn lan

Chia sẻ tại hội thảo "Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số" vừa qua, Tổng Biên tập Báo Hà nội mới Nguyễn Minh Đức cho rằng, hiện nay có khoảng 2.000 trang thông tin tổng hợp sao chép với tốc độ rất nhanh nội dung thông tin của các cơ quan báo chí. Điều nguy hiểm là đa số trang tin này không có cơ quan quản lý, không có người chịu trách nhiệm, không có giấy phép hoạt động.

"Hiện nay, không ít trang tin, tờ báo và trang "3 không" do yêu cầu về số lượng lớn tin bài hằng ngày, áp lực về lượng "view" để có thể bán quảng cáo và "bán click" đã đi "vợt" lại nguyên bài hoặc một phần rồi "chế bản" từ các đơn vị báo chí có bản quyền dẫn tới hiện tượng những đơn vị không trực tiếp sáng tạo nội dung lại được nhận tiền quảng cáo, còn đơn vị trực tiếp sở hữu nội dung sản phẩm không nhận được giá trị tương xứng mà họ bỏ ra. Kênh thứ hai phức tạp, khó kiểm soát và tràn lan nhất là việc các tài khoản cá nhân, trong đó đặc biệt là các tài khoản ảo, tài khoản không xác thực trên các mạng xã hội Facebook và Youtube…", nhà báo Nguyễn Minh Đức trăn trở.

Ở lĩnh vực truyền hình, tình trạng vi phạm bản quyền cũng đang xảy ra tràn lan. Nhà báo Nguyễn Thanh Vân, Phó Trưởng ban Kiểm tra - Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) thông tin, gần đây ở VTV đã xảy ra tình trạng vi phạm bản quyền nghiêm trọng, như: Cắt sóng giải bóng đá Champions League và Europa League (5/2017); bản tin sóng sạch của VTV bị phát tại một số địa phương khu vực Nam bộ; tháng đầu tiên phát sóng 2 bộ phim "Người phán xử" và "Sống chung với mẹ chồng" có trên 400 trang Facebook và kênh Youtube vi phạm; trong dịp Worldcup 2022 đã lập danh sách và phối hợp đánh chặn IP đối với hơn 40 trang web thường xuyên vi phạm bản quyền thể thao…

Nhà báo Nguyễn Thanh Vân cho biết, theo số liệu xử lý vi phạm bằng cách phản hồi mail trên Youtube cho thấy luôn ở mức hàng nghìn trường hợp, cá biệt trong tháng 4/2022 ghi nhận được tổng cộng 25.009 vi phạm tiềm năng, đồng thời tiến hành báo cáo và gỡ bỏ 291 vi phạm trên các nền tảng trực tuyến.

"Các nội dung của VTV bị vi phạm bản quyền, đăng tải lậu bởi rất nhiều trang xem video hằng ngày, hằng giờ, thậm chí nhiều vi phạm với mục đích xấu, phát tán thông tin độc hại, ảnh hưởng đến uy tín của Đài. 2 công ty P.T và B.A đã phải bồi thường 500 triệu đồng vì tự ý khai thác phim "Bí thư tỉnh ủy", "Chạy án" của VTV. 2 nhà mạng lớn nhất Việt Nam và 1 cá nhân bị xử phạt 75 triệu đồng do phát "Sống chung với mẹ chồng" và "Người phán xử". Đầu năm 2020, Đài cũng xử lý một công ty truyền thông và đòi bồi thường thiệt hại gần 300 triệu đồng do tự ý khai thác 1 chương trình của VTV trên Youtube", nhà báo Nguyễn Thanh Vân chia sẻ.

Theo ghi nhận của Kantar Media Việt Nam, doanh thu quảng cáo trên các nền tảng như Facebook, Youtube và Tiktok trong năm 2022 (số liệu từ tháng 3/2022) là khoảng 2,5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với quảng cáo trên truyền hình. Năm 2023, dự kiến con số này là 3,4 tỷ USD, tương đương 80 nghìn tỷ đồng. Còn theo khảo sát của Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) với 158 cơ quan báo chí in và điện tử cho thấy, trong 2 năm đại dịch COVID-19, tổng doanh thu của những đơn vị này đều giảm. Trong đó, tổng doanh thu khối báo trong năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020 (năm 2020 là 2.855 tỷ đồng, năm 2021 là 1.952 tỷ đồng). Tổng doanh thu khối tạp chí từ 307 tỷ đồng năm 2019 giảm còn 259 tỷ đồng trong năm 2020 và năm 2021 tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 170 tỷ đồng. Doanh thu Đài phát thanh, truyền hình năm 2021 cũng giảm 10% so với năm 2020.

Rõ ràng, "miếng bánh" quảng cáo đã bị các doanh nghiệp Facebook, Youtube, TikTok,… chiếm phần lớn (khoảng 80.000 nghìn tỷ đồng), phần nhỏ dành cho các cơ quan báo chí (khoảng 3.000 tỷ đồng). Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng này là tình trạng vi phạm bản quyền báo chí đang trở thành vấn nạn nhức nhối.

Hợp lực để có chế tài mạnh hơn

Phát hiện vi phạm bản quyền không khó nhưng xử lý các hành vi này sao cho hiệu quả thì không đơn giản, đòi hỏi các giải pháp phải được thực hiện một cách tổng thể và đồng bộ. PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, để đảm bảo rằng các bản quyền nội dung số được bảo vệ hiệu quả, cần thiết lập và thực thi quy định pháp lý rõ ràng và mạnh mẽ, đặc biệt là việc xây dựng Trung tâm bảo vệ bản quyền báo chí truyền thông số quốc gia. Ngoài ra, cần có chiến lược thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, xây dựng tòa soạn số tích hợp công cụ số có khả năng rà quét phát hiện vi phạm bản quyền trước khi xuất bản, phát sóng tác phẩm báo chí.

Đứng trên góc độ luật pháp, nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần quy định rõ hơn về bản quyền trong Luật Báo chí 2016. Hiện Luật này chỉ có duy nhất một điều khoản là Điều 45 về quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí tuy nhiên, điều này lại quá ngắn gọn, chỉ khái quát chung. Do vậy, cần phải có các quy định chi tiết hơn về: Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian; quy định về hình thức, phạm vi hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp; quy định rõ ràng hơn các trường hợp sử dụng hợp lý trong báo chí…

Để cùng ngăn chặn việc tác phẩm của báo mình bị ăn cắp, hiện nay Báo Tuổi trẻ đã thành lập Liên minh với 5 cơ quan báo chí, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh đã thành lập Tổ bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí. Hơn nữa, một tín hiệu tích cực là tại tọa đàm "Chuyển đổi số báo chí - Cú hích bứt phá tương lai" vừa qua, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: "Hội Nhà báo Việt Nam sẽ hỗ trợ các cơ quan báo chí trong việc bảo vệ bản quyền, tăng nguồn thu từ khai thác dữ liệu người dùng. Chúng tôi sẽ bắt tay hợp tác với những doanh nghiệp có nền tảng công nghệ lớn để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí nhỏ không đủ tiềm lực cơ sở hạ tầng thực hiện chuyển đổi số. Bên cạnh đó, Hội cũng xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung thống nhất cho các cơ quan báo chí, từ nay đến cuối năm 2023 sẽ có ít nhất 30 cơ quan báo chí sử dụng hệ thống này".

Ngô Khiêm

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện cử tri, thực hiện những quyền hạn, nhiệm vụ về giám sát, bảo vệ lẽ phải, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Từ vụ án của ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân cho thấy, cần xem xét bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc giám sát ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và góp phần phòng ngừa vi phạm.

Thông tin trên được Tỉnh ủy Lâm Đồng công bố tại hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII diễn ra ngày 27/12.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan loại bỏ chức năng nhà ở thương mại đối với lô đất 94 Lò Đúc. Ngay trong nửa đầu năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành công tác đầu tư theo hướng xây dựng không gian hiện đại về thương mại - dịch vụ. 

Ngày 27/12, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đức Hòa (SN 1989, trú tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Võ Thành Đạt (SN 2000, trú tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai phóng viên đến mỏ cát trên địa bàn xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình và đe dọa sẽ viết bài liên quan đến các sai phạm của mỏ cát này và yêu cầu chủ mỏ cát phải chung chi 50 triệu đồng để bỏ qua.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文