Những lực cản khiến người dân vất vả khi bỏ sổ hộ khẩu giấy

14:09 24/02/2023

Thay vì khai thác thông tin cư dân có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Bộ Công an kết nối, chia sẻ tới 60/63 tỉnh thành, hiện phần lớn các đơn vị có thẩm quyền, cơ quan chức năng không thực hiện, vẫn yêu cầu công dân cung cấp giấy xác nhận cư trú, gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu công dân.

Rõ trách nhiệm thực hiện Luật Cư trú

Trao đổi với PV, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an cho biết: Thời gian vừa qua, Bộ Công an đã tổ chức kiểm tra, khảo sát trực tiếp và ghi nhận phản ánh của dư luận về việc thực hiện quy định của Nghị định 104 Chính phủ tại bộ phận một cửa tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của các địa phương.

Qua khảo sát kiểm tra thực tế cho thấy, phần lớn các đơn vị có thẩm quyền, chức năng dù có đủ điều kiện tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng không thực hiện, vẫn yêu cầu công dân cung cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú (CT07) khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch khác. Việc này gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu cho công dân, tạo nên bức xúc trong dư luận xã hội, đồng thời vi phạm quy định pháp luật. Nghiêm trọng hơn, những rào cản trên còn gây “mất niềm tin” của người dân đối với công cuộc cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.

Để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính công, Luật Cư trú năm 2020 trong đó có quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy từ ngày 1/1/2023, trước đó, Bộ Công an đã hoàn thiện hành lang pháp lý, cũng như các điều kiện kỹ thuật để các bộ, ngành, địa phương khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Công an đã chuẩn bị các điều kiện, giải pháp phục vụ quy định của Luật Cư trú về bỏ sổ hộ khẩu giấy và tạm trú giấy.

Lực lượng Công an các cấp tăng cường hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường số, liên thông trực tuyến.

“Có hai phần việc quan trọng và khó nhất đó là xây dựng hạ tầng dữ liệu và pháp lý thực hiện Luật Cư trú, bỏ sổ hộ khẩu giấy, tạm trú giấy thì Bộ Công an đã hoàn thành trước thời điểm 1/1/2023”- Đại tá Vũ Văn Tấn khẳng định.

Cụ thể, về mặt xây dựng hạ tầng dữ liệu, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã triển khai xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chính thức đưa vào sử dụng từ 1/7/2021. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin công dân (bao gồm 18 nhóm thông tin theo quy định của Luật Cư trú) đến 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phục vụ cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công theo quy định.

 Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Trong Nghị định 104 đã quy định cụ thể việc cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng phối hợp với Văn phòng Chính phủ ban hành hướng dẫn số 761/VPCP-KSTT ngày 29/1/2022, hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các địa phương kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

“Như vậy, Bộ Công an đã đảm bảo hoàn thiện hành lang pháp lý, cũng như các điều kiện kỹ thuật để các bộ, ngành, địa phương khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công”- Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH Bộ Công an khẳng định.

Cũng theo đại diện Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện quy định của Luật Cư trú về bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy được quy định rõ ràng.

Cụ thể, tại Điều 38 Luật Cư trú năm 2020, các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính.

Trong suốt thời gian qua, lực lượng Công an 4 cấp đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các đề án phục vụ Đề án 06 và chuyển đổi số, người dân, doanh nghiệp.

Để thực hiện quy định nêu trên, các bộ, ngành, địa phương cần phải thực hiện rà soát để sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú. Ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính có yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú theo quy định thuộc phạm vi chức năng quản lý của mình.

Hiện, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chỉ cung cấp 18 nhóm thông tin công dân theo quy định của Luật Cư trú để các cơ quan, đơn vị sử dụng khi giải quyết thủ tục hành chính. Trường hợp cần các nhóm thông tin khác thì bộ, ngành đó phải khai thác thông qua Cơ sở dữ liệu chuyên ngành hoặc qua công tác nghiệp vụ chuyên ngành. Một nhiệm vụ rất quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện, đó là hoàn thiện điều kiện hạ tầng kỹ thuật để kết nối khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

“Quy định đã nêu, hướng dẫn đã có, trách nhiệm cũng rất rõ ràng, song đến nay, nhiều bộ, ngành chưa ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính có yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú, do vậy các cơ quan, đơn vị thực hiện giải quyết thủ tục hành chính vẫn yêu cầu công dân cung cấp giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú. Bên cạnh đó, cũng chưa ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính có yêu cầu các thông tin không nằm trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dẫn đến triển khai thực hiện chưa thống nhất theo quy định của pháp luật”- Đại tá Vũ Văn Tấn cho biết.

Phải thay đổi tư duy để phục vụ nhân dân

Trách nhiệm trong việc thực hiện Luật Cư trú năm 2020, thực hiện bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy còn được quy đến tận cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Theo quy định tại Điều 21A, Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 6/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/ NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính phải “Thực hiện kiểm tra dữ liệu điện tử của các thành phần hồ sơ thủ tục hành chính.

Trường hợp thông tin, dữ liệu, hồ sơ, giấy tờ điện tử có giá trị pháp lý của tổ chức, cá nhân đã được kết nối, chia sẻ giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin, Cổng Dịch vụ công quốc gia với Hệ thống thông tin một cửa điện tử thì tổ chức, cá nhân không phải khai lại thông tin hoặc nộp lại hồ sơ, giấy tờ, tài liệu…”.

Các bộ, ngành, địa phương cần sớm hoàn thiện những thủ tục, quy định, hạ tầng phục vụ người dân trong bỏ sổ hộ khẩu giấy, Luật Cư trú năm 2020.

Thống kê của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an cho thấy, qua công tác vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến thời điểm hiện tại có 60/63 địa phương đã kết nối để phục vụ khai thác thông tin công dân phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Hiện chỉ còn 3 tỉnh chưa kết nối là Gia Lai, Phú Yên, Bắc Kạn. Một số địa phương có kết quả khai thác, xác thực thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cao như: Hà Nội là 202.512 lượt; TP Hồ Chí Minh là 91.964 lượt; Long An là 91.369 lượt; Yên Bái với 112.393 lượt; Điện Biên là 29.728 lượt và Tuyên Quang gồm 28.202 lượt.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều địa phương mặc dù đã kết nối, hoặc đủ điều kiện kết nối  nhưng vẫn hạn chế trong khai thác, sử dụng thông tin dân cư như: Sơn La 0 lượt; Bình Phước 10 lượt; Vĩnh Long 4 lượt; Hà Giang 22 lượt; Hòa Bình 16 lượt; Đắk Nông 24 lượt; Quảng Nam 27 lượt.

Phân tích sâu những nguyên nhân khiến các địa phương hạn chế trong khai thác, sử dụng thông tin dân cư xuất phát từ việc các bộ, ngành chưa cắt giảm thủ tục hành chính theo ngành dọc của mình, dẫn đến cán bộ tiếp nhận hồ sơ sợ sai sót, sợ bị kỷ luật nên không thực hiện khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua đó, vẫn yêu cầu công dân phải cung cấp giấy tờ xác nhận thông tin về cư trú. Cùng với đó, cán bộ công chức khi thực thi công vụ không thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn, gây khó khăn, phiền hà cho công dân, tạo dư luận xấu. Rõ ràng, những phần việc lớn của Bộ Công an cũng như việc hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Luật Cư trú năm 2020, bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy đã được Bộ Công an triển khai, hoàn thành khá sớm và đồng bộ.

Tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 06 được Chính phủ tổ chức ngày 25/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: Chuyển đổi số ở đây chính là chuyển đổi tư duy, chuyển đổi từ phương thức làm việc thủ công sang hiện đại, sang môi trường số, điện tử. Muốn chuyển đổi số thành công thì trước tiên tư duy của người lãnh đạo ở từng cấp trong đó có cả các cán bộ, công chức phải được chuyển đổi trước. Muốn thực hiện thành công Đề án 06 và chuyển đổi số quốc gia thì không chỉ riêng Bộ Công an chuyển đổi mà các bộ, ngành, địa phương cũng phải “chuyển mình” cả về tư duy nhận thức và phương thức hành động.

Để thực hiện tốt Luật Cư trú năm 2020, quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú. Ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính có yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú theo quy định thuộc phạm vi chức năng quản lý của mình. Đặc biệt, phải nhanh chóng hoàn thiện điều kiện hạ tầng kỹ thuật để kết nối khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

“Các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo tổ chức, cá nhân thuộc ngành dọc của mình thực hiện nghiêm túc quy định về việc sử dụng thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận thông tin cư trú. Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định nêu trên theo thẩm quyền”- lãnh đạo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH khẳng định.

Hoàng Phong

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài 2.063 km. Công trình trọng điểm quốc gia này hoàn thành không chỉ kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh....

Giá vàng thế giới đêm 25/11 đột ngột rơi thẳng đứng, khiến giá vàng trong nước sáng 26/11 cũng bị lao dốc theo, mất tới 2 triệu đồng/lượng.

Sáng 26/11, Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai tổ công tác phối hợp với Đội TTGT quận Hai Bà Trưng tuần tra lưu động địa bàn đơn vị quản lý. Trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý xe limousine, xe hợp đồng vi phạm giao thông, dừng đỗ đón trả khách sai quy định gây ảnh hưởng đến TTATGT tại Hà Nội.

Công tố viên đặc biệt Jack Smith - người từng đưa ra hai vụ án trọng tội chống lại ông Donald Trump với cáo buộc tìm cách lật ngược cuộc bầu cử năm 2020 và lưu giữ trái phép các tài liệu mật sau khi mãn nhiệm, đã xin bãi bỏ cả hai cáo buộc trên. 

Việc giảm quy mô xét tuyển sớm không những không gây khó khăn, mà còn tạo thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và cho thí sinh. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại trào lưu tuyển sinh sớm một cách hết sức khách quan, để có giải pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm những bất cập phát sinh từ đó.

Thời gian tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật (VPPL) liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” sẽ có nhiều diễn biến mới, tiềm ẩn phức tạp. Các đối tượng sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng xuất hiện nhiều loại hình, phương thức, thủ đoạn mới, ẩn danh, không phụ thuộc vào phạm vi địa lý, lãnh thổ. Do đó, không chỉ Cục Cảnh sát hình sự mà cần sự vào cuộc của các bộ, ngành địa phương không ngừng đấu tranh với tội phạm này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文