Vì sao cần xây dựng và ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân?

Phù hợp quy định của Hiến pháp, pháp luật, hài hòa với thông lệ quốc tế (bài cuối)

08:44 21/02/2023

Bên cạnh yêu cầu cấp bách từ thực trạng dữ liệu cá nhân đang bị thu thập, mua bán trái phép tràn lan, việc xây dựng dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân còn được thực hiện trên cơ sở nhằm cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013, thể chế chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công nhận, tôn trọng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời hài hòa với các quy định, thông lệ quốc tế.

Phù hợp quy định Hiến pháp

Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định quyền riêng tư của cá nhân là bất khả xâm phạm, đồng thời phát triển mở rộng phạm vi quyền riêng tư không chỉ là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở, thư tín mà còn bao gồm quyền bảo vệ bí mật cá nhân, trong đó có thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 21).

Các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân được xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Ảnh minh họa

Mặc dù, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành chưa sử dụng cụm từ “dữ liệu cá nhân”, chưa có định nghĩa về dữ liệu cá nhân cũng như bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhưng với các quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình cùng các quy định liên quan tới “thông tin cá nhân”, “thông tin riêng”, “thông tin số”; “thông tin cá nhân trên môi trường mạng”; “thông tin bí mật đời tư”... trong các văn bản hiện hành, dự thảo Nghị định được xây dựng tiếp cận theo hướng “dữ liệu cá nhân” và “bảo vệ dữ liệu cá nhân” là vấn đề có liên quan tới quyền riêng tư, được pháp luật bảo vệ, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp. Công dân Việt Nam có quyền bất khả xâm phạm, quyền giữ bí mật về dữ liệu cá nhân. Dữ liệu cá nhân được pháp luật Việt Nam bảo vệ, các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân được xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, chỉ có văn bản luật được quyền quy định các nội dung liên quan tới hạn chế quyền con người, quyền công dân. Việc tiết lộ, xử lý dữ liệu cá nhân khi chưa được sự đồng ý của chủ thể dữ liệu ảnh hưởng tới quyền con người, nhưng bắt buộc phải quy định trong dự thảo Nghị định để bảo đảm sự thực thi trên thực tiễn. Việc không quy định sẽ ngay lập tức ảnh hưởng tới các hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân đang triển khai. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công an đã báo cáo và ngày 1/1/2020, Chính phủ đã có báo cáo số 442/BC-CP trình Quốc hội về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước, đưa ra phương án giải quyết thực trạng trên là tiếp tục xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, về lâu dài cần nghiên cứu, xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật

Dữ liệu cá nhân là vấn đề liên quan chặt chẽ tới quyền con người, quyền công dân, an toàn, an ninh mạng, an ninh thông tin, an ninh dữ liệu, công nghệ thông tin và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số. Thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo vấn đề này. Bảo vệ dữ liệu cá nhân được tiến hành song song, đồng thời với sự phát triển kinh tế, xã hội, đi liền với tất cả các khâu, quá trình nhưng phải đảm bảo không hạn chế sự phát triển, đổi mới và sáng tạo.

Theo thống kê của Bộ Công an, có tổng số 68 văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam. Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành chưa sử dụng cụm từ “dữ liệu cá nhân”, do đó hiện chưa có định nghĩa về dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Cụm từ “thông tin cá nhân” xuất hiện ở hơn 300 văn bản quy phạm pháp luật, nhưng chỉ có 7 văn bản pháp luật có định nghĩa/diễn giải thế nào là thông tin cá nhân. Số văn bản pháp luật còn lại chỉ đề cập đến thông tin cá nhân trong nội dung các quy định, không đưa ra giải thích hay dẫn chiếu giải thích đến văn bản pháp luật khác.

Điều này đặt ra khó khăn lớn đối với công tác xây dựng dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với toàn bộ nội dung các văn bản pháp luật hiện có. Nguyên nhân là các văn bản này đang diễn giải việc bảo vệ thông tin cá nhân theo những cách khác nhau và không đồng bộ, tương thích. Phương án giải quyết là quy định các vấn đề mang tính nguyên tắc về bảo vệ dữ liệu cá nhân, bãi bỏ các quy định tại các văn bản nghị định, thông tư khác nếu không đồng nhất với nguyên tắc về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Việc áp dụng quy định tại điều, khoản bị bãi bỏ được dẫn chiếu tới Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Hài hòa với thông lệ, quy định quốc tế

Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề được các tổ chức và nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm và đi trước nước ta trong thời gian khá dài, có nhiều kinh nghiệm pháp lý và thực tiễn triển khai thi hành để tiếp thu.

Do hệ thống pháp luật, trình độ nhận thức, kinh tế, xã hội khác nhau nên việc tiếp thu cần bảo đảm yếu tố hài hòa, trên cơ sở phù hợp với thực tiễn của nước ta. Hầu hết các công ước, khuyến nghị và tiêu chuẩn khu vực về quyền riêng tư và bảo vệ thông tin và dữ liệu cá nhân đều tuân thủ Nguyên tắc bảo mật của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), bao gồm Công ước của Hội đồng châu Âu về bảo vệ cá nhân liên quan đến tự động xử lý thông tin và dữ liệu cá nhân (sau đây là Công ước 108), Hướng dẫn của Liên hợp quốc về các tệp thông tin và dữ liệu cá nhân được vi tính hóa, Khung bảo mật hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Các tiêu chuẩn quốc tế về quyền riêng tư và bảo vệ thông tin và dữ liệu cá nhân (Nghị quyết Madrid), Luật của Tổ chức các quốc gia Hoa Kỳ (OAS) về bảo vệ thông tin và dữ liệu cá nhân năm 2014, và gần đây là Quy định bảo vệ dữ liệu chung của EU (GDPR).

Hiện nay, đã có hơn 80 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhiều văn bản có quy định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam. Điều này đặt ra yêu cầu đối với dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm hài hòa với thông lệ quốc tế nhưng cũng phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thượng tôn pháp luật tại Việt Nam.

Theo Bộ Công an, việc chưa đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân bởi đây là vấn đề mới, quan trọng, tác động nhiều tới xã hội, cần có thời gian triển khai trong phạm vi phù hợp, từ đó đánh giá tác động thực tiễn. Các quốc gia trên thế giới hầu hết đều làm theo quy trình này. Liên minh châu Âu cần 6 năm thời gian để chính thức ban hành Quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân (GDPR) của mình.

Nguyễn Hương

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, dự kiến sẽ đồng loạt triển khai thu phí không dừng từ ngày 5/5 tại 5 sân bay lớn gồm Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.

Ngày 3/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Phú (SN 1996, trú xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn) để tiếp tục điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.

Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, sáng 3/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh phân công 3 tổ công tác đồng loạt thi hành lệnh khám xét tại 3 điểm sản xuất, mua bán phân bón liên quan đến Công ty TNHH Hasa Mặt Trời tại huyện Hàm Tân.

Chiều 3/5, Văn phòng cơ quan CSĐT Công an Tây Ninh đã tạm giữ hình sự Trần Lập Duy (SN 1994, ngụ ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành) để điều tra, làm rõ về hành vi giết người. Nạn nhân là con gái ruột của đối tượng và mới được 9 tháng tuổi.

Tối 2/5, trận mưa đá kéo dài chừng 30 phút tại một số địa bàn như Mai Sơn, TP Sơn La đã gây thiệt hại về tài sản và hoa màu của người dân.

Ngày 3/5/2024, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và ông Kim Sang-sik (quốc tịch Hàn Quốc) đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất đối với các nội dung liên quan đến vị trí HLV trưởng Đội tuyển Nam và Đội tuyển U23 Quốc gia Việt Nam, trong bản hợp đồng có thời hạn 2 năm (từ 1/5/2024 đến 31/3/2026). 

Hàng ngàn mét vuông đất công bị lấy chiếm, quán cà phê chòi, xưởng sản xuất, nhà hàng…cùng hàng trăm ngôi nhà mọc lên từ nhiều năm nay trong khuôn viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Phân hiệu tại TP Hồ Chí Minh (261 Hoàng Hữu Nam, phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) khiến nhiều người bức xúc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文