Sửa Luật Quảng cáo có chấn chỉnh được tình trạng quảng cáo lộn xộn trên môi trường số?
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội giúp quảng cáo dễ lan tỏa và tạo tác động lớn đến hành vi người dùng, nhất là những quảng cáo có sự tham gia của người nổi tiếng. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những “lãnh địa” bị than phiền nhiều nhất trong những năm qua, nhất là những quảng cáo sữa, thực phẩm chức năng như thần dược…
Những vấn đề này đang được kỳ vọng sẽ được giải quyết triệt để hơn khi mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi với nhiều điểm mới, trong đó có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn về trách nhiệm của người chuyển tải nội dung quảng cáo.
Người sử dụng mạng xã hội hiện nay vẫn gặp vô số các quảng cáo dưới hình thức chia sẻ trải nghiệm sử dụng sản phẩm được chuyển tải bởi những người nổi tiếng cho đến những người dễ tạo uy tín trong cộng đồng. Sản phẩm được quảng cáo cũng thiên hình vạn trạng, từ việc cho con theo học tiếng Anh, uống sữa tăng chiều cao đến sử dụng các loại mỹ phẩm… Các nội dung quảng cáo này rất dễ thuyết phục người tiêu dùng mặc dù khó xác định người chuyển tải chúng có thực sự sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà họ quảng cáo hay không.
Trong khi đó, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Luật Quảng cáo hiện hành không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ nên chưa có chế tài hoặc ràng buộc đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trong trường hợp nội dung quảng cáo là không đúng sự thật, hoặc yêu cầu người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải là người đã tìm hiểu, sử dụng sản phẩm đó và có trách nhiệm về các nội dung mình cung cấp.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo, ngành Quảng cáo được xác định là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa, mang lại doanh thu cao. Hiện nay, ngành Quảng cáo tận dụng được sự phát triển công nghệ để phát triển. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội giúp quảng cáo dễ lan tỏa và tạo tác động lớn đến hành vi người dùng.Ngoài doanh thu, quảng cáo là công cụ truyền tải thông điệp tích cực đến cộng đồng, góp phần đưa văn hóa Việt bước ra thế giới. Nhưng ở chiều ngược lại, quảng cáo sẽ tác động tiêu cực nếu nội dung quảng cáo sai sự thật. Những quảng cáo như thế này cần được ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, theo quy định hiện hành, hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng. Tùy theo mức độ vi phạm, người có hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, xử phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật hiện nay vẫn phải vận dụng theo các nghị định, tức là các văn bản dưới luật. Việc xây dựng các quy định rõ ràng hơn trong Luật Quảng cáo sẽ góp phần xử lý nghiêm, chấn chỉnh tình trạng quảng cáo sai sự thật tốt hơn. Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi xác định rõ hơn về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Cụ thể, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp thực hiện hợp đồng dịch vụ quảng cáo nhằm giới thiệu, thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên các phương tiện quảng cáo. Người tham gia đóng quảng cáo cũng sẽ buộc phải chịu trách nhiệm trực tiếp về nội dung quảng cáo liên quan đến tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, việc sử dụng uy tín, tên tuổi của người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ là xu hướng chung trên thế giới. Người nổi tiếng được quyền thực hiện quảng cáo theo hợp đồng dịch vụ quảng cáo. Tuy nhiên, khi tham gia hoạt động này, họ phải có trách nhiệm về độ xác thực của nội dung quảng cáo, yêu cầu đối tác cung cấp thông tin, các chứng nhận kèm theo. Nhưng vì thù lao quảng cáo, ít người thực hiện đầy đủ các khâu này. Với các quảng cáo theo kiểu chia sẻ trải nghiệm của bản thân cũng phải chính xác. Nếu là những chia sẻ về sử dụng dịch vụ hay sản phẩm thì phải chứng minh được họ từng sử dụng dịch vụ, sản phẩm đó từ thời gian nào, chứng minh được hiệu quả bằng thực tế, chứ không thể nói chung chung. “Nếu sử dụng thực phẩm chức năng nào đó để hỗ trợ chữa bệnh của bản thân, họ phải có hồ sơ bệnh án, có xác nhận của bác sĩ điều trị. Nếu nói tôi bị tiểu đường, bị thấp khớp, hết bệnh nhờ sử dụng sản phẩm này hay sản phẩm kia mà không chứng minh được là lừa dối người tiêu dùng”, ông Hậu chia sẻ.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng cho rằng, ngoài việc xây dựng các quy định chặt chẽ, rõ ràng, để chấn chỉnh tình trạng quảng cáo sai sự thật, cần có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của nhiều bộ, ngành. “Nếu liên quan đến dược phẩm, thực phẩm chức năng thì ngành y tế phải chủ động. Nếu quảng cáo trên môi trường mạng thì phải có Bộ Thông tin và Truyền thông. Tùy theo sản phẩm quảng cáo mà có sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Liên quan đến quảng cáo ngoài trời thì phải có UBND các cấp…”, luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.