Tạo đột phá về chuyển đổi số, quản lý dân cư

06:17 21/05/2023

Dự án Luật Căn cước do Bộ Công an chủ trì xây dựng sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 tới đây. Dự án Luật đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình rất lớn của dư luận, là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số, quản lý dân cư.

Báo CAND có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an liên quan đến những nội dung và tác động tích cực của dự án Luật.

PV: Thưa Thiếu tướng, xin đồng chí cho biết 4 nội dung cơ bản của dự thảo Luật Căn cước?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Trên cơ sở tiếp tục kế thừa các nội dung của Luật Căn cước công dân năm 2014 đang còn phù hợp với thực tiễn, dự thảo Luật Căn cước được Bộ Công an chủ trì xây dựng với 4 nhóm chính sách đã được Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, đó là: Quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu (CSDL) căn cước công dân vào thẻ căn cước; thẻ căn cước có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước. Bổ sung thông tin lưu trữ trong CSDL quốc gia về dân cư, CSDL căn cước. Bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên.

Hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư, CSDL căn cước công dân; tài khoản định danh điện tử (CCCD điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử; cấp, xác lập lại số định danh cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ căn cước và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.

PV: Trong dự thảo Luật Căn cước, thông tin trên thẻ căn cước sẽ có những thay đổi gì?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Theo quy định tại dự thảo Luật thì thông tin trên bề mặt thẻ căn cước sẽ có một số thay đổi. Theo đó, tại Điều 19 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng bỏ in vân tay trên mặt thẻ, dòng chữ "Căn cước công dân" trên mặt thẻ thay bằng "Thẻ Căn cước"; "Quê quán" thay bằng "Nơi đăng ký khai sinh"; "Nơi thường trú" thay bằng "Nơi cư trú"; "Chữ ký của người cấp thẻ" thành dòng chữ "Nơi cấp: Bộ Công an".

Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định những thay đổi đó sẽ không có bất cứ ảnh hưởng nào tới quá trình tham gia các thủ tục hành chính của người dân.

PV: Theo đồng chí, những thay đổi này có ý nghĩa như thế nào trong thực tiễn quản lý dân cư?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân. Các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chip điện tử trên thẻ căn cước. Đơn cử như việc chỉnh lý thông tin "nơi thường trú" thành "nơi cư trú" in trên thẻ căn cước là để phù hợp với thực tiễn vì nhiều người hiện nay chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hiện tại hoặc không có nơi thường trú, nơi tạm trú. Với quy định này thì với tất cả người dân Việt Nam đều sẽ đủ điều kiện để được cấp thẻ căn cước; đều được bảo đảm quyền lợi khi có được giấy tờ tuỳ thân để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự theo nhu cầu. Việc cấp đổi thẻ căn cước khi có thay đổi thông tin về nơi cư trú được thực hiện theo nhu cầu của người dân (không bắt buộc).

PV: Dự thảo luật đã quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe… Quy định này sẽ đem lại những lợi ích gì cho cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Đây là một trong bốn chính sách xây dựng Luật và với việc quy định về tích hợp một số thông tin ngoài thông tin trong CSDL căn cước vào thẻ căn cước là để cụ thể hoá nhiệm vụ tại Đề án số 06, nhằm phục vụ mục tiêu đơn giản hoá giấy tờ, thủ tục cho người dân, hướng tới mục tiêu xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, công dân số.

Việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước sẽ giúp cơ quan nhà nước giảm chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức khi sử dụng thẻ căn cước có gắn chip đã được tích hợp các thông tin có liên quan đến lĩnh vực mình quản lý; không phải chi cho hoạt động in, sản xuất các giấy tờ cấp cho người dân (nếu người dân không có nhu cầu hoặc chỉ cần bản điện tử của giấy tờ đó). Cơ quan có thẩm quyền khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân sẽ cập nhật, bổ sung kết quả giải quyết vào cơ sở dữ liệu do mình quản lý và trả kết quả điện tử cho người dân. Cơ quan quản lý căn cước sẽ khai thác thông tin người dân trong các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành để tích hợp thông tin người dân có trên các cơ sở dữ liệu này vào thẻ căn cước theo yêu cầu của cơ quan nhà nước hoặc đề nghị của người dân. Do vậy, cơ quan, tổ chức không phải tốn nhiều thời gian để kiểm tra, xác minh thông tin, giấy tờ do người dân cung cấp khi giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công; giảm nhân lực để giải quyết thủ tục hành chính và quản lý hệ thống hồ sơ giấy tờ của người dân; phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước.

Đối với tổ chức, doanh nghiệp và người dân, không phải tốn thời gian, công sức, chi phí để thực hiện việc trích lục, sao y, chứng thực, công chứng các loại giấy tờ của bản thân; giảm chi phí trong giải quyết các thủ tục hành chính, kê khai nhiều loại giấy tờ khác nhau...; không phải bảo quản, mang theo nhiều loại giấy tờ khác nhau khi cần sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự hay các hoạt động khác cần phải xuất trình giấy tờ cá nhân.

Trường hợp cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân không đầu tư thiết bị chuyên dụng để đọc thông tin tích hợp trong thẻ căn cước thì có thể lựa chọn các cách thức khác để khai thác thông tin của người dân (bao gồm cả thông tin tích hợp) qua kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin trong CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành, khai thác qua cổng dịch vụ công… (đây là cách phổ biến, tiết kiệm, sẽ phát triển, mở rộng trong thời gian tới).

PV: Còn về đề xuất cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi theo yêu cầu, đề xuất này cũng tiết kiệm rất lớn chi phí cho ngân sách nhà nước so với các quy định hiện hành, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Trong quá trình xây dựng luật, Bộ Công an đã rà soát, đánh giá và thấy rằng việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi nếu thực hiện được thì sẽ giảm được các chi phí cho người dân và mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội khác.

Ví dụ như chúng ta không tốn chi phí trong cấp sổ tiêm chủng (10.000đ/sổ), sổ khám chữa bệnh (10.000đ/sổ/1 cơ sở y tế; trung bình 1 trẻ khám từ 2-3 cơ sở y tế), thẻ bảo hiểm y tế (5.000đ/thẻ/1 năm), thẻ học sinh (5.000đ/thẻ/1 năm học/người), chi phí … (với số công dân dưới 14 tuổi là 19 triệu người thì ước tính số tiền mà nhà nước và xã hội phải chi là khoảng 2.000 tỷ chỉ với một số ít giấy tờ liệt kê nêu trên). Ngoài ra, người dân còn tiết kiệm chi phí sao y, chứng thực, công chứng giấy tờ (từ 2.000đ-10.000đ/trang).

Trong khi đó, chi phí sản xuất 1 thẻ CCCD là 48.000đ; chi phí sản xuất thẻ CCCD cho các công dân dưới 14 tuổi (trường hợp tất cả 19 triệu người dưới 14 tuổi đều có nhu cầu cấp) là khoảng hơn 900 tỷ đồng. Chí phí cấp đổi, cấp lại cho người dưới 14 tuổi nếu bị mất, đổi theo nhu cầu do công dân thanh toán, không tốn ngân sách nhà nước. Do vậy, hiệu quả về lợi ích kinh tế - xã hội đem lại khi thực hiện quy định này là rất lớn.

PV: Dự thảo luật đã đưa chính sách cấp căn cước cho người gốc Việt Nam, người không có quốc tịch đang sống trên đất nước Việt Nam. Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của chính sách này?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Chính sách này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước được chặt chẽ; giải quyết được các vấn đề còn tồn tại liên quan đến yếu tố lịch sử, chiến tranh để quản lý, giải quyết bất cập trong công tác quản lý dân cư; bảo đảm cơ chế để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu bảo đảm cuộc sống.

Mặt khác, việc cấp giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần bảo đảm quyền lợi của người gốc Việt Nam (trong đó bao gồm cả những trẻ em là con của người gốc Việt Nam), những người yếu thế trong xã hội (phần nhiều người gốc Việt Nam là người di cư, dân tộc thiểu số, người nghèo, người sinh sống trên địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa…). Từ đó, giúp quản lý được toàn bộ dân cư sinh sống tại địa phương; tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

PV: Theo đồng chí, luật được ban hành sẽ có những tác động như thế nào trong việc xây dựng chính phủ số, công dân số?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Khi Luật Căn cước được thông qua và có hiệu lực thi hành sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta và từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, nhất là trong thực hiện Đề án số 06, xây dựng Chính phủ số, công dân số. Theo đó, Luật sẽ đáp ứng được các yêu cầu trong giải quyết thủ tục hành chính hiện nay và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu để phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ bằng CSDL quốc gia về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Phục vụ việc nghiên cứu, triển khai việc ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên thẻ căn cước đối với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và một số lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội khác. Tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước… lên ứng dụng VNeID, mã QR của thẻ CCCD gắn chip điện tử. Phát triển, hoàn thiện và triển khai hiệu quả ứng dụng di động công dân số từ VNeID trên cơ sở mở rộng tích hợp các thông tin, dịch vụ như y tế, bảo hiểm, giấy phép lái xe, ngân hàng, thanh toán điện tử, ứng cứu khẩn cấp, phản ánh hiện trường, tố giác tội phạm…

Tạo điều kiện cho công dân xác thực các thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNeID hoặc qua thẻ căn cước như: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe… từng bước thay thế các giấy tờ của người dân trong một số giao dịch theo quy định pháp luật. Cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thương mại phục vụ tiện ích số của công dân trên ứng dụng VNeID như: Dịch vụ cư trú, CCCD, thương mại điện tử, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác.

Đảm bảo hiệu quả việc kết nối, chia sẻ giữa CSDL quốc gia về dân cư với các CSDL quốc gia khác, CSDL chuyên ngành đã có như: CSDL giáo dục, CSDL doanh nghiệp, CSDL thuế…, bảo đảm giải quyết các thủ tục phục vụ người dân chính xác và thuận lợi.

Với CSDL quốc gia về dân cư và các thông tin đã được tích hợp sẽ là cơ sở để tổng hợp, phân tích, dự báo các thông tin để phục vụ việc chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, hoạch định chính sách kinh tế, xã hội.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Hương (thực hiện)

Trong 11 tháng đầu năm 2024, số ca chết não hiến tạng ở Việt Nam tăng gấp đôi năm 2023. Kể từ ca hiến tạng từ người cho chết não đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam vào năm 2008, đây là năm đạt kỷ lục cao nhất về số người chết não hiến tạng.

Chiều 15/11, Công an huyện Thăng Bình (Quảng Nam) cho biết, đã chuyển hồ sơ cùng 2 đối tượng Hồ Xuân Tâm (SN 1998) và Bùi Vinh Quang (SN 1993, cùng trú xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình) đến Phòng ANĐT Công an tỉnh Quảng Nam để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi tàng trữ tiền giả.

Với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, ngày 15/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an và Cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.

Trong lúc nam thanh niên cầm lái xe máy chở người cha ruột ôm hai bình rượu rắn đi giao cho khách hàng thì bị phát hiện. Khám xét nơi ở của đối tượng, cơ quan điều tra thu giữ thêm nhiều tang vật có liên quan, nhưng phải 4 tháng sau đó, khi có kết luận giám định từ cơ quan chức năng mới khởi tố vụ án và bị can.

Ngày 14/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Vũ Đình Kiên - Giám đốc Công ty Cổ phần Thiên Nam về tội “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”

Ngày 15/11, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, quá trình đấu tranh mở rộng chuyên án “Tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng” liên quan đến đối tượng Shen Chia Chi (SN 1980, quốc tịch Đài Loan; tạm trú TP Hà Nội) mà Báo CAND đã đưa tin, đến nay cơ quan này đã khởi tố thêm 11 bị can.

Cựu Giám đốc và thuộc cấp Công ty 878 đã lập khống hồ sơ một công trình ở TP Hồ Chí Minh với số tiền gần 32 tỷ đồng và lập khống hồ sơ đối với công trình ở tỉnh Quảng Ngãi với số tiền hơn 2,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cựu Giám đốc Công ty 878 còn sử dụng 15 hóa đơn giá trị gia tăng không hợp pháp (hóa đơn khống) đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền thuế hơn 7,6 tỷ đồng…

Trước những vụ TNGT thương tâm mà các nạn nhân rơi vào “điểm mù” của xe tải, xe đầu kéo, các đội, trạm thuộc Phòng CSGT, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tuyên truyền vận động chủ doanh nghiệp vận tải, tài xế của các phương tiện lắp đặt camera quan sát để hạn chế những tai nạn đáng tiếc…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文