Tháo gỡ bất cập trong hỗ trợ hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật, báo chí
Chiều 18/3, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Hội nghị thi đua khen thưởng năm 2024.
Đến dự hội nghị có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, các Liên Chi hội và Chi hội Nhà báo trực thuộc Trung ương…
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, ngày 25/4/2016 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 650/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016-2020”.
Đề án đã hoàn thành trọn vẹn và đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đã tạo nên những tác phẩm có chiều sâu, phản ánh đậm nét mọi mặt của đời sống xã hội.
Tiếp nối thành công của Đề án này, ngày 8/4/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 558/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021-2025”.
Chương trình tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ báo chí với nguồn kinh phí lớn hơn, tập trung vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, định hướng tuyên truyền, khai thác các mảng đề tài quan trọng…
Báo cáo sơ kết do đồng chí Phan Toàn Thắng, Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam trình bày cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 558 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội Nhà báo trong cả nước được hỗ trợ kinh phí trong công tác nghiệp vụ, các nhà báo đã có thêm điều kiện thâm nhập thực tế, viết bài.
Nhiều tác phẩm báo chí được hỗ trợ đã đoạt giải cao ở các giải báo chí địa phương và giải báo chí các bộ, ngành, cao hơn nữa là Giải báo chí Quốc gia hằng năm. Hội viên nhà báo trong diện được hỗ trợ kinh phí không chạy theo thị hiếu, sự thương mại hóa tầm thường, thấp kém…
Các tác phẩm được hỗ trợ kinh phí có điều kiện đi sâu hơn vào những đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc và các lĩnh vực của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phản ánh về đời sống, về các điển hình tiên tiến, nhân tố mới ở mọi vùng đất nước, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…
Trong 3 năm (2021, 2022 và 2023), ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đối với Hội Nhà báo các địa phương trong cả nước là 27,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, cấp thẩm quyền một số địa phương đã không phân bổ kinh phí cho Hội Nhà báo tỉnh triển khai thực hiện Quyết định 558. Cụ thể: Sơn La (2021, 2022 và 2023): 400 triệu đồng; Tiền Giang (2021): 80 triệu đồng và Lai Châu (2023): 160 triệu đồng. Một số Hội Nhà báo được phân bổ kinh phí nhưng không giải ngân hết…
Kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao ở khối báo chí Trung ương là 11,4 tỷ đồng. Trong 3 năm có 18 Liên chi hội và 103 Chi hội Nhà báo đã thực hiện và quyết toán kinh phí với số tiền 10,17 tỷ đồng.
Theo đồng chí Phan Toàn Thắng, việc Chính phủ tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đã động viên, khích lệ lớn đối với hội viên, nhà báo. Một số cấp Hội Nhà báo khó khăn về tài chính đã có thêm kinh phí để đầu tư vào hoạt động sáng tạo tác phẩm chất lượng cao, đánh giá cao ý nghĩa của Chương trình.
Tuy nhiên, về cơ chế thực hiện Quyết định số 558 còn nhiều vướng mắc, dẫn tới có địa phương (như Sơn La, Lai Châu) không giao kinh phí cho Hội Nhà báo tỉnh triển khai công tác hỗ trợ. Nguồn hỗ trợ tuy đã được điều chỉnh tăng (khoảng 1,5-1,6 lần so với giai đoạn trước, tùy từng đơn vị) nhưng vẫn ở mức thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế đòi hỏi cần hỗ trợ của các đơn vị. Công tác hỗ trợ chưa được triển khai đồng bộ giữa Trung ương và địa phương, chưa có sự thống nhất trong cả nước.
Nếu tiếp tục tình trạng này sẽ là trở ngại lớn cho việc hoạch định kế hoạch trung hạn để có thể sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có quy mô, tầm cỡ, có giá trị xứng đáng với tầm vóc của cách mạng và của cuộc sống ở cả hai khía cạnh nội dung và hình thức thể hiện.
Theo báo cáo của Ban soạn thảo Đề án hỗ trợ báo chí chất lượng cao giai đoạn 2021-2025, số liệu hội viên chỉ là một trong các yếu tố quan trọng để Ban soạn thảo Đề án đề xuất cơ quan quản lý nhà nước xem xét cấp kinh phí hỗ trợ.
Nếu xét theo số lượng hội viên thì Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều có trên dưới 1.000 hội viên sẽ chiếm phần lớn số kinh phí hỗ trợ và có thể cao gấp gần 10 lần Hội Nhà báo các tỉnh chỉ có hơn 100 hội viên. Nhưng hiện nay, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ các Hội Nhà báo Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ở mức chung là 400 triệu đồng. Số lượng hội viên nhà báo ở 63 địa phương có chênh lệch rất lớn nhưng các bộ, ngành hữu quan chỉ thống nhất với Ban soạn thảo Đề án xây dựng 4 nhóm mức hỗ trợ là: 160 triệu đồng, 200 triệu đồng, 240 triệu đồng và cao nhất là 400 triệu đồng.
Trong thời gian tới, Ban soạn thảo Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao giai đoạn 2026-2030 sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng thêm các tiêu chí phân bổ kinh phí đảm bảo khoa học và công bằng hơn nữa; thuyết minh, giải trình chi tiết với các cơ quan quản lý nhà nước làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ báo chí chất lượng cao giai đoạn tới.
Nhân dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố Quyết định và trao tặng Bằng khen của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho 29 tập thể Hội, 51 cá nhân có thành tích xuất sắc về nghiệp vụ và xây dựng Hội năm 2023. Trong đó, tập thể Liên chi hội Nhà báo Bộ Công an và cá nhân là Thiếu tá Lò Thị Hiếu, Phó Trưởng Ban Thời sự - Chính trị Báo CAND được Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng Bằng khen.