Thí điểm khu thương mại tự do: Cơ hội và kỳ vọng lớn khi… “cá gặp nước”

11:30 14/05/2024

Hôm qua (13/5), Bộ Chính trị đã có Kết luận số 79-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nêu rõ: Trước mắt tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực để xây dựng thí điểm khu thương mại tự do (FTZ).

Trao đổi với PV Báo CAND sáng nay (14/5), một số chuyên gia kinh tế cho biết FTZ không còn xa lạ với nhiều nước phát triển trên thế giới, là chìa khóa thu hút đầu tư, công nghệ và phát triển dịch vụ logistics. Tuy nhiên, loại hình này vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam, cụ thể, đến thời điểm hiện nay Việt Nam chưa có FTZ nào được hình thành. Hệ thống pháp luật của của Việt Nam chưa có quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định thành lập, mô hình quản lý, cơ chế hoạt động, phân cấp quản lý trong FTZ.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã từng bước tiếp cận tới mô hình này thông qua việc phát triển những loại hình khu có quy mô nhỏ hơn như: khu chế xuất, khu phi thuế quan trong khu kinh tế, các kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế...

Theo KTS Vũ Quang Hùng, Trưởng BQL khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng (DHPIZA), FTZ được hình thành sớm ở những cảng biển quốc tế, rầm rộ nhất từ khi Logistics ra đời và thế giới đi vào xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế.

Có thể định nghĩa đó là khu vực liền kề với cảng, trong đó hàng hóa có thể lưu trữ trong thời gian dài mà không bị đánh các loại thuế hải quan, thuế tiêu thụ đặc biệt và luôn được bảo đảm thanh toán thuế đối với hàng tồn kho. FTZ không quy định giới hạn về thời gian lưu trữ, bán, triển lãm, tháo dỡ, đóng gói  lại, lắp ráp, phân phối, lựa chọn, phân loại, tẩy sạch, kết hợp với hàng hóa nước ngoài hoặc trong nước, tiêu hủy, dán nhãn và sản xuất ngay trong FTZ.

Một góc TP Đà Nẵng hôm nay. Ảnh minh họa.

Theo KTS Vũ Quang Hùng, những quốc gia công nghiệp phát triển gần như đều xây dựng FTZ sau các cảng biển của mình, nhiều ít tùy thuộc vào trình độ phát triển ngoại thương và du nhập Logistics của nước đó. Chẳng hạn như châu Âu có Trung tâm khu thương mại tự do Rotterdam (Hà Lan) và Bremen (Đức)…; Châu Mỹ có LosAngeles, Boston, châu Á – Thái Bình Dương có Thượng Hải, Singapore, Hong Kong… Những nơi đó chẳng những là đầu mối của khu vực mà còn là trung tâm phân phối hàng hóa thế giới.

“Có thể nhận thấy nếu cảng biển gắn liền với FTZ thì chẳng khác nào cá gặp nước”, ông Vũ Quang Hùng nhấn mạnh.

Về sự cần thiết thành lập FTZ gắn với cảng biển, KTS Vũ Quang Hùng cho biết, mặc dù mô hình FTZ có nhiều ưu điểm vượt trội như vậy nhưng tại Việt Nam, mô hình này vẫn chưa từng được thí điểm.

"Nguyên nhân đầu tiên là do hành lang pháp lý cho việc hình thành và phát triển các FTZ chưa được luật định. Việc xã hội chưa hiểu đúng và phân biệt rõ ràng các thuật ngữ như Khu phi thuế quan, Khu kinh tế, KCN, Khu chế xuất, Kho ngoại quan hay FTZ theo định nghĩa quốc tế cũng là một rào cản không nhỏ. Đây cũng là lý do dẫn đến việc FTZ chưa được nhìn nhận đầy đủ về các lợi ích đem lại từ các tác động của chúng dưới góc độ kinh tế - xã hội", KTS Vũ Quang Hùng phân tích.

Để phát triển FTZ trở thành một đột phá chiến lược phát triển cảng biển và kinh tế ở Đà Nẵng, các chuyên gia cho rằng cần xác định địa điểm, quy mô xây dựng FTZ trên địa bàn phù hợp với các quy hoạch liên quan, thực trạng và định hướng phát triển kết nối giao thông, dịch vụ ở quy mô vùng và liên vùng. Mặt khác, rà soát và kịp thời điều chỉnh, bổ sung các chính sách kinh tế - thương mại và các chính sách liên quan, như phát triển nguồn nhân lực, phát triển các tiện ích (tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, y tế,…), phục vụ hoạt động của doanh nghiệp trong FTZ…

“Với vị trí chiến lược của Đà Nẵng như hiện nay, vừa có cảng biển nước sâu, cảng hàng không Quốc tế, vừa có khu vực biên giới biển, biên giới đường bộ, đồng thời là điểm cuối của hành lang kinh tế Đông - Tây… chúng ta hoàn toàn thể thiết lập được FTZ. Tại đó, các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài có thể đem hàng hoá đến, tổ chức sản xuất, sơ chế, đóng gói, dán nhãn trước khi xuất khẩu đến nước khác hoặc sau đó mới đưa vào nội địa Việt Nam, đây là điều thuận lợi lớn. Để làm được điều này rất cần sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương để làm sao có thể quy hoạch và tạo ra được một FTZ trong thời gian sớm nhất”, KTS Vũ Quang Hùng chia sẻ quan điểm.

Theo “Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045” và “Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” thì FTZ Đà Nẵng có thể đặt ở khu vực Tây Bắc thành phố. Bởi khu vực này được gắn với cảng biển Liên Chiểu - là yếu tố thuận lợi hàng đầu cho một FTZ. Hơn thế nữa, khu vực này hiện nay có chủ yếu là các khu/cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, dân cư chưa nhiều nên việc quy hoạch thành FTZ tương đối dễ dàng. Khi đó toàn bộ khu vực Tây Bắc thành phố sẽ như một kho ngoại quan khổng lồ, hàng hóa đưa xuống các kho, bãi ở đây chưa phải đóng thuế, có thể tiếp tục chế biến, lắp ráp, chia tách để đưa tiếp đi nước khác hoặc sau đó mới đưa vào nội địa Việt Nam.

Về những tác động của FTZ Đà Nẵng đến địa phương, nhất là tác động về kinh tế, theo KTS Vũ Quang Hùng, FTZ Đà Nẵng là nơi các quốc gia, địa phương thử nghiệm các chính sách kinh tế mới, mang tính đột phá, dẫn đầu xu hướng, tạo ra các giá trị vượt trội; đặc biệt là các chính sách về kinh tế đối ngoại. Qua đó, giúp đẩy nhanh quá trình tích lũy vốn và công nghệ, góp phần tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại; đóng vai trò làm đầu tàu kéo theo sự phát triển của các vùng khác và cả nước.

FTZ Đà Nẵng sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng của ngành du lịch, thương mại của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Trong ảnh: Một góc khu công nghệ cao TP Đà Nẵng.

FTZ Đà Nẵng sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng của ngành du lịch, thương mại của Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, tạo ra chuỗi các sản phẩm dịch vụ cao cấp (du lịch, bán lẻ, vui chơi giải trí…), góp phần thu hút khách du lịch đến với Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên

“Với những tiềm năng và lợi thế đó,  FTZ Đà Nẵng cùng các khu chức năng ở vùng Tây Bắc thành phố có thể kết hợp để trở thành một trong những SEZ của Việt Nam trong tương lai. Khi FTZ Đà Nẵng được thành lập sẽ có tiềm năng thu hút các tập đoàn quốc tế xây dựng các trung tâm mua sắm tập trung gắn với các dịch vụ chất lượng cao làm đa dạng hoạt động thương mại, dịch vụ gắn với vai trò trung tâm của Đà Nẵng theo tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW và Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị”, lãnh đạo TP Đà Nẵng kỳ vọng,

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ghi “Phấn đấu thành lập khu thương mại tự do, khu phi thuế quan phục vụ sản xuất - xuất khẩu gắn với sân bay, cảng biển Liên Chiểu, các KCN, công nghệ cao tại TP Đà Nẵng; phát triển các loại hình kho hàng hóa, kho ngoại quan và trung tâm phân phối, logistic tại các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu và tại các địa bàn có nhiều thuận lợi;”

Theo lãnh đạo TP Đà Nẵng, việc thí điểm thành lập FTZ Đà Nẵng là một trong những nội dung quan trọng trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng đã được Chính Phủ trình lên Quốc Hội và Ủy ban Thường vụ Quốc Hội tại Tờ trình số 188/TTr-CP ngày 26/4/2024 vừa qua.

Thái Bình

Ngày 18/12, Đoàn công tác của Bộ Công an do Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc thông qua kết quả kiểm tra, đánh giá các mặt công tác Công an và kết quả thực hiện chỉ tiêu công tác năm 2024 của Công an tỉnh Ninh Bình. 

Sáng 18/12, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trọng tâm năm 2024 và chủ động khai thác, sử dụng bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của Tổ thường trực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Ngày 18/12, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Tiến Thành (SN 1985, trú thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Ngày 18/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, từ nay đến Tết, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định, đặc biệt là dịp lễ, Tết… để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Khi đến Km 74 +600 QL49A đoạn qua đèo A Co thuộc xã Phú Vinh, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), xe đầu kéo do tài xế Hảo điều khiển bất ngờ gặp tai nạn lao xuống vực đèo cách mặt đường khoảng 30m. Vụ tai nạn khiến tài xế Hảo tử vong, xe ô tô đầu kéo hư hỏng nặng.

Sáng ngày 18/12/2024, TAND tỉnh Kiên Giang đã mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Huy (SN 1997), cư trú xã Cửa Dương, TP Phú Quốc (Kiên Giang) tổng cộng 26 năm tù về 2 tội “Giết người” và  “Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi”. Nạn nhân trong vụ án này là Nguyễn Thị Ngọc T (SN 2006), ngụ xã Hàm Ninh (TP Phú Quốc). 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文