Tranh thủ từng giờ, từng phút để cứu giúp nạn nhân động đất
Ngày 14/2 (ngày làm việc thứ 4), Đoàn công tác CNCH quốc tế của Bộ Công an Việt Nam đã đến hiện trường mới, tiến hành khảo sát để triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn.
Địa điểm mới Đoàn được phân công là: Tòa C, Chung cu Cinar Sitesi (gồm 3 toà) Số 66 đường Kemalpasa, quận Cumhuriyet, TP Adiyaman, Thổ nhĩ Kỳ. Trong các toà nhà, theo thông tin của cơ quan chức năng uớc tính có hơn 100 nạn nhân.
Cứu được 1 người bị nạn và đưa 6 thi thể ra ngoài
Thông tin từ hiện trường, Thiếu tá Lại Tuấn Anh, cán bộ Phòng Công tác CNCH, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an Việt Nam cho biết kết quả bước đầu của Đoàn công tác CNCH quốc tế của Bộ Công an Việt Nam: “Bước đầu, Đoàn đã tổ chức tìm kiếm CNCH thành công. Chúng tôi đã phối hợp tìm kiếm cùng với lực lượng Quân đội của Pakistan cứu được 1 người bị nạn còn sống và trực tiếp tìm kiếm được 6 thi thể người bị nạn, bàn giao cho các lực lượng y tế của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Thiếu tá Lại Tuấn Anh nhớ lại: "Ngay sau khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi được Ban tổ chức công tác tìm kiếm cứu nạn khắc phục hậu quả động đất, phân công thực hiện công tác tìm kiếm CNCH tại tỉnh Adiyaman. Khi đến đây, đoàn công tác nhận thấy tỉnh Adiyaman chịu ảnh hưởng rất nặng nề của trận động đất. Đa số các tòa nhà tại tỉnh Adiyaman đều bị ảnh hưởng từ nứt tường, sập đổ một phần cho đến sập đổ hoàn toàn".
Chia sẻ những khó khăn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thiếu tá Lại Tuấn Anh cho hay: “Chúng tôi gặp nhiều khó khăn bởi hiện trường vụ sập đổ rất rộng lớn, phải sử dụng các thiết bị tìm kiếm cứu nạn bằng âm thanh, hình ảnh như máy cammera, máy dò tìm người bị nạn trong đống đổ nát và radar tìm kiếm người để cố gắng tìm kiếm những nạn nhân còn sống sót. Sau đó, sử dụng các phương pháp và biện pháp thủ công như cưa, cắt thủy lực, cắt bê tông…để dọn dẹp khối lượng đất đá khổng lồ một cách cẩn thận, tránh làm ảnh hưởng đến các nạn nhân và cũng như an toàn cho người và phương tiện tham gia công tác CNCH. Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe, 24 CBCS trong đoàn công tác phải chia ca thay nhau thực hiện công việc”.
Cũng theo Thiếu tá Lại Tuấn Anh, công tác CNCH bắt đầu từ 8h sáng cho đến 22h đêm (giờ địa phương), thậm chí có khi đến hơn 1h sáng ngày hôm sau. Tại hiện trường, có rất nhiều lực lượng cứu nạn của các nước khác, các lực lượng tình nguyện viên, lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Thổ Nhĩ Kỳ... Việc sử dụng đa ngôn ngữ khi giao tiếp và quyết định các phương pháp, biện pháp hoạt động tìm kiếm cứu nạn cũng gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đã nỗ lực, khắc phục khó khăn, chạy đua với thời gian để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.
“Đến thời điểm hiện tại, Đoàn công tác CNCH của Bộ Công an Việt Nam đã tổ chức công tác CNCH một cách nhanh chóng, an toàn, hiệu quả, được Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận với tình cảm rất lớn”. - Thiếu tá Lại Tuấn Anh chia sẻ.
Vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ
Trao đổi về việc sinh hoạt của đoàn công tác, theo Thiếu tá Lại Tuấn Anh, do ảnh hưởng nặng nề của trận động đất gây ra nên tại tỉnh Adiyaman, hệ thống nước sạch ở các nơi ăn nghỉ, sinh hoạt của đoàn công tác đều bị hạn chế. CBCS phải sử dụng tiết kiệm nước đóng chai để tắm rửa, nấu ăn và sinh hoạt hằng ngày. Các cửa hàng tiện lợi tại đây đều đóng cửa, người dân di tản nên việc mua thực phẩm và bổ sung các thực phẩm như rau, củ, quả của đoàn công tác phải nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi cách đoàn khoảng hơn 1.000 km để hỗ trợ và giúp đỡ.
Xác định được yếu tố trên, đoàn công tác đã chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng từ đồ ăn, nước uống, lều bạt. Đặc biệt, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất nỗ lực trong việc hỗ trợ đoàn công tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho công tác tìm kiếm CNCH.
“Vượt qua khó khăn về thời tiết khi nhiệt độ lạnh dao động từ -6 độ C cho đến 6 độ C, các CBCS khi gọi điện về nhà đã nhận được sự ủng hộ, động viên tinh thần rất lớn từ gia đình, đồng nghiệp ở Việt Nam. Chúng tôi tiếp tục cố gắng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao”. - Thiếu tá Lại Tuấn Anh nhấn mạnh.