Xây dựng văn hóa học đường phải bằng hành động cụ thể, để nuôi dưỡng khát vọng cho thế hệ trẻ
Tại Hội thảo “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” được tổ chức ngày 21/11, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, phát triển toàn diện con người Việt Nam, khơi dậy lòng tự hào, yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống và làm việc hiệu quả. Văn hóa học đường chính là nền tảng để rèn luyện, hoàn thiện những phẩm chất ấy cho thế hệ trẻ.
Ngày 21/11, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra Hội thảo Giáo dục Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”. Dự hội thảo có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo một số bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, văn hóa...
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định mục tiêu: Phát triển toàn diện con người Việt Nam, khơi dậy lòng tự hào, yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống và làm việc hiệu quả. Văn hóa học đường chính là nền tảng để rèn luyện, hoàn thiện những phẩm chất ấy cho thế hệ trẻ.
Thời gian qua, ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp nhằm xây dựng văn hóa học đường như Cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục"; phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", triển khai thực hiện “Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học”.
Tuy nhiên, chúng ta còn lo ngại khi đâu đó còn tình trạng thiếu trung thực trong dạy và học, trong kiểm tra đánh giá, hành vi thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử của một số ít học sinh và giáo viên, tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em trong một số cơ sở giáo dục, làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, gây tổn hại tới môi trường trong học đường.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền cần xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch, chỉ thị về tăng cường hoạt động xây dựng văn hóa học đường, hệ giá trị văn hóa trong trường học đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.
"Tinh thần của hội thảo cần được lan tỏa, được thảo luận rộng rãi trong các nhà trường, được cụ thể hóa thành các hành động cụ thể để văn hóa học đường ngày càng hoàn thiện, là nền tảng tư tưởng nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng của học sinh, sinh viên, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách, tạo lập được giá trị bản thân, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.
Trong phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, văn hóa học đường không chỉ đem lại bộ mặt văn hóa cho nhà trường, mà còn tạo nên nền tảng tinh thần của nhà trường, tạo niềm tin và động lực cho cộng đồng nhà trường gắn kết, cùng nhau thực hiện các mục tiêu đổi mới.
“Rất nhiều nhà giáo, nhà khoa học trong hội thảo này đã trăn trở với vấn đề xây dựng văn hóa học đường, nghiên cứu làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất các giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, làm thế nào để xây dựng được các chính sách và giải pháp tạo sự chuyển biến rõ nét là một thách thức rất lớn. Hội thảo năm nay sẽ cố gắng hướng tới những nhiệm vụ quan trọng này”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết.
Đại diện UNESCO cho rằng, đặc trưng của văn hóa học đường tích cực chính là môi trường trường học an toàn, phi bạo lực. Ở đó, học sinh phải được học tập ở môi trường an toàn, thúc đẩy phương pháp kỷ luật tích cực, lấy trẻ làm trung tâm, bảo vệ và cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Theo UNESCO, chúng ta phải đảm bảo triển khai và giám sát việc thực hiện các chính sách và cơ chế bảo vệ trong trường học, ví dụ có quy tắc ứng xử, có hướng dẫn an toàn cho trẻ trên không gian mạng. Chương trình giáo dục cần lồng ghép các nội dung về phòng chống bạo lực và thúc đẩy mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn bày tỏ, nhiều chuyên gia đã đưa ra những góc nhìn đa dạng, đa chiều, nhưng cùng hướng đến xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc. “Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, chúng tôi xin được tiếp thu những kinh nghiệm và ý kiến, kể cả ý kiến trái chiều. Chúng tôi sẽ suy nghĩ, cùng nhau bàn thảo, để xây dựng chính sách, chỉ đạo, thực thi. Tôi xin được ghi nhận ý kiến của đại diện UNESCO đã lưu ý về giá trị truyền thống, sự sáng tạo, sự phát triển đối với học sinh, những quan hệ bên trong và bên ngoài nhà trường, vấn đề an toàn trường học, an toàn mạng. Những ý kiến đó, chúng tôi sẽ xem xét sau hội thảo ngày hôm nay”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, những ý tưởng, đề xuất, kiến nghị của đại biểu sẽ được Ban nội dung của hội thảo tổng hợp, chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở cho xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách về giáo dục - đào tạo nói chung, văn hóa học đường nói riêng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục - đào tạo, góp phần phát triển đất nước trong trong giai đoạn mới.