“Năn nỉ” tiền bản quyền âm nhạc
Nhân dịp VCPMC tròn 5 tuổi, chúng tôi đã trao đổi với nhạc sĩ Lương Nguyên về vấn đề này.
- Liệu có quá không khi nói rằng hoạt động của VCPMC phụ thuộc nhiều vào trình độ “năn nỉ” và “thuyết phục”của các nhân viên của trung tâm thưa ông?
- Không hề nói quá! Tôi đã làm việc với 10 tỉnh, các tỉnh này đều đã nhận được công văn của Bộ VH-TT về việc phối hợp thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ. UBND 10 tỉnh cũng đã giao cho các Sở VH-TT triển khai tuyên truyền việc thực hiện luật.
Nhưng họ đều có chung câu hỏi: “Nếu các đối tượng sử dụng không chịu trả tác quyền thì sao?”. Câu trả lời là… “chờ chế tài”. Bởi thế, cho đến thời điểm này những đơn vị trả tác quyền cho chúng tôi là hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ ý thức tự giác thực hiện pháp luật của họ.
- Sau khi “năn nỉ”, trong năm qua VCPMC thu tác quyền được bao nhiêu?
- Nếu năm 2005 VCPMC chỉ thu được hơn 2,3 tỷ đồng tiền tác quyền âm nhạc thì năm 2006, nhờ các đối tác đã nhận thức được rõ hơn về vấn đề bản quyền tác giả nên trung tâm đã thu được hơn 4 tỷ đồng. Riêng tiền tác quyền của các tác phẩm âm nhạc nước ngoài do 16 nước trong vùng và lãnh thổ ủy thác cho VCPMC đã hơn 400 triệu đồng, chiếm khoảng 10% tổng số tiền TT đã thu được.
Bên cạnh các nguồn thu ổn định từ các đài truyền hình, các trung tâm biểu diễn, một trong những nguồn thu lớn của trung tâm hiện nay là từ 25 cơ sở kinh doanh nhạc chuông điện thoại mang lại. Dịch vụ này đang bùng nổ và tiếp tục phát triển. Từ năm 2007, Vietnam Airlines chịu trả tác quyền hơn 200 triệu đồng/năm; Đài Tiếng nói Việt Nam trả hơn 60 triệu đồng/năm và dẫn đầu danh sách vẫn là hợp đồng ký với VNPT trị giá lên tới gần 3 tỷ đồng.
- Ngoài các “đại gia” như VNPT, đài truyền hình…, VCPMC vẫn chậm triển khai thu tác quyền với các đối tác nhỏ hơn như nhà hàng karaoke, phòng trà…?
- Đây là một trong những mục tiêu lớn được trung tâm đặt ra song gặp khá nhiều khó khăn. Chúng tôi vẫn quyết tâm từng bước triển khai kế hoạch thu tác quyền âm nhạc trong các khách sạn, nhà hàng kinh doanh karaoke… ở Hà Nội. Tại đây đã có hơn 20 nhà hàng sử dụng âm nhạc trong kinh doanh, thực hiện việc trả tác quyền.
- Dường như các thỏa thuận về tác quyền âm nhạc vẫn diễn ra chủ yếu ở phía Bắc trong khi thị trường âm nhạc phía Nam, đặc biệt là TP HCM, vẫn đang được bỏ ngỏ?
- Thực tế này đã được VCPMC nhận thấy ngay từ khi thành lập chưa thể giải quyết ổn thỏa vì hai vướng mắc lớn. Thứ nhất là do trung tâm đặt ở Hà Nội, trong khi đó ở TP HCM mới có một văn phòng đại diện nhỏ nên thiếu nhân lực. Thứ hai là do tâm lý số đông. Phần lớn các hoạt động thu tác quyền ở Hà Nội thành công thì phía Nam mới có thể triển khai được vì họ chờ đợi xem thực hư thế nào mới quyết định.
Cho tới thời điểm này, VCPMC đã ký được nhiều hợp đồng thu tác quyền với 12 đài phát thanh truyền hình các tỉnh phía Nam, một số khách sạn lớn trên địa bàn TP HCM và toàn bộ hệ thống siêu thị Co.op Mart, Metro ở phía Nam.
- Năm 2007, liệu VCPMC có quá tự tin không khi đưa ra kế hoạch thu tác quyền 10 tỷ đồng?
- Con số tưởng lớn nhưng sẽ là hiện thực nếu có chế tài xử phạt thực sự mạnh với những đối tượng vi phạm tác quyền văn học, nghệ thuật.
- Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Ngày càng có nhiều hợp đồng hàng tỷ đồng bản quyền tác giả VH-NT Đây là một trong những kết quả được ghi nhận trong hội nghị tổng kết hoạt động của các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan do Cục Bản quyền tác giả VH-NT, Bộ VH-TT tổ chức ngày 8/ 5, tại Hà Nội. Hiện có 3 tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam. Nhiều hợp đồng về bản quyền tác giả được ký kết với giá trị lên tới hàng tỷ đồng. Riêng VCPMC đã nhận được sự ủy quyền của 1.070 nhạc sĩ, chủ sở hữu tác phẩm với trên 50.000 tác phẩm âm nhạc. Tính đến hết năm 2006, tổng số tiền bản quyền VCPMC tiến hành phân phối cho là 4,6 tỷ đồng, gấp hai lần so với năm 2005. V.X. |