ĐD Lê Hồng Chương, GĐ Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương:

Bắt mạch xã hội trước, mang hàng ra chợ sau...

17:25 13/04/2008
Ngày 11/4, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức giới thiệu hệ thống rạp chiếu phim, trường quay kỹ xảo mới và tọa đàm về những cơ hội hợp tác sản xuất Phim tài liệu - Khoa học và các loại hình truyền thông khác với tiêu đề: "DSF, đồng hành cùng cuộc sống".

Một cơ hội mở ra, dẫu muộn màng, nhưng là một cơ hội lớn để những người làm phim biết được nhu cầu của khán giả hôm nay, để tiếp cận và bắt mạch những vấn đề nóng của xã hội, mang đến cho công chúng những tác phẩm nghệ thuật đi cùng với cuộc sống.

Giám đốc Lê Hồng Chương, mở đầu cuộc trò chuyện với PV CAND Cuối tuần, bằng một khẳng định:

- Nói gì đi nữa, chúng tôi vẫn là cánh chim đầu đàn của ngành điện ảnh tài liệu. Và chúng tôi đã có nhiều phim đoạt giải thưởng quốc tế. Thế nhưng, chúng tôi được đầu tư không ít những phương tiện hiện đại, được đầu tư về nguồn lực. Chúng tôi muốn vận hành hết những phương tiện ấy, huy động được hết nguồn lực ấy. Mục đích là làm sao đưa phim đến được với khán giả nhiều hơn, hiệu quả xã hội cao hơn.

Cái quan trọng nhất là phải làm sao biết được khán giả đang cần gì. Muốn làm được vậy thì phải thông qua các kênh truyền thông khác nhau, từ đó nắm bắt được nhu cầu của xã hội rồi tạo ra nhiều sản phẩm hơn, kết hợp với những đơn vị khác để làm mọi thứ mà xã hội đang cần.

- Nghĩa là đến tận lúc này, anh và những người làm phim tài liệu của "cánh chim đầu đàn" mới chợt nhận ra rằng, dù phim tài liệu được Nhà nước rót tiền để sản xuất thì cũng cần phải có khán giả?

- Đừng coi thường chúng tôi như vậy. Nhiều năm qua, chúng tôi luôn có những cuộc gặp với các nhà báo, các đối tác qua đó gợi mở những đề tài cộng tác với họ. Điện ảnh tài liệu là 40% thông tin thời sự và 60% là các yếu tố của một tác phẩm nghệ thuật. Phim tài liệu cần phải bám sát đời sống. Không ai sâu sát đời sống bằng các nhà báo, họ chính là một chỗ dựa với anh em chúng tôi.

Chúng tôi cũng thường xuyên làm việc với các tổ chức quốc tế để làm những bộ phim tài liệu về những vấn đề xã hội. Chúng tôi chưa phải mang hàng ra chợ bán, hãng không phải là đơn vị phát hành mà chỉ là đơn vị sản xuất thôi, nhưng vẫn muốn làm ra những hàng bán được.

- Phim tài liệu đã có những bước chuyển, ít nhất là trong tư duy sản xuất, tôi nghĩ vậy. Nhưng thưa anh, tại sao chúng ta lại không mang hàng ra chợ bán? Phải chăng hàng của chúng ta có vấn đề? Hay chúng ta không biết cách bán hàng?

- Bởi vì bán hàng là một nghề nhiều nghệ thuật. Nó có nhiều thủ thuật riêng, chúng tôi chỉ là những người làm ra những bộ phim, không đủ giỏi bằng những người phát hành chuyên nghiệp. Tiếc là điện ảnh tài liệu ở Việt Nam chưa được chú trọng đúng mức. Năm nào chúng tôi cũng mời các nhà báo đến xem phim để viết bài giới thiệu điện ảnh tài liệu sản xuất trong một năm.

Tôi nghĩ báo chí góp phần quan trọng trong việc thành bại của một bộ phim trước công chúng. Báo chí không chỉ giới thiệu mà còn định hướng bạn đọc nữa. Một bộ phim hay phải đi kèm với việc phát hành, tiếp thị tốt mới mong thành công.

- Vâng, đồng ý là phim hay rồi, bài viết trên báo cũng tốt rồi, nhưng khi ấy khán giả họ sẽ chất vấn ngược anh rằng, vậy bây giờ chúng tôi sẽ xem bộ phim đó ở đâu, thì anh trả lời họ ra sao? Thực sự tôi không thấy nơi nào ở Việt Nam để đi xem phim tài liệu cả...

- Kênh phát hành chủ yếu của điện ảnh tài liệu trên thế giới vẫn là các kênh truyền hình. Có một số ít những bộ phim phát hành thương mại và gặt hái thành công, như trường hợp phim của Michael Moore. Nhưng con số đó là rất ít.

Tại Pháp cũng chỉ có 5 rạp chiếu phim tài liệu và khán giả của các rạp này rất ổn định, đó là một bộ phận trí thức. Còn chúng ta thì chưa, chúng tôi chỉ bán bản quyền cho các kênh truyền hình, họ phát miễn phí hoặc trả một chút phí bản quyền. Phát truyền hình cũng rất tốt, khán giả họ xem cũng nhiều, cũng là cách để khán giả đến gần với phim tài liệu hơn.

- Cứ cho là truyền hình cứu giúp điện ảnh tài liệu trong việc phát hành. Nhưng có một sự khác biệt khá lớn về các kênh truyền hình nước ngoài và ở Việt Nam. Dù là phim tài liệu, nhưng các kênh truyền hình nước ngoài biết rất rõ tỷ lệ rating người xem sau mỗi phim, đó là con số quan trọng giúp nhà sản xuất điều chỉnh hướng đi của mình. Còn chúng ta, chúng ta chỉ có niềm tin rằng, sản phẩm của mình tốt mà thôi. Như thế thì đâu hẳn đã là có khán giả?

- Truyền hình của chúng ta vẫn bao cấp, chúng tôi sản xuất cũng bao cấp. Làm thế nào khác được? Nhưng nói phim hay mà chiếu truyền hình không hút khán giả là không thiện chí thôi. Phim hay thì khán giả vẫn nhận ra chứ.

- Có hai ý kiến thế này. Một là, phim tài liệu là sự thật, không ai đem sự thật ra bán cả, cho nên đừng đòi hỏi phim tài liệu đông khán giả như phim thương mại. Ý kiến khác lại cho rằng, sự thật mới thực sự đáng bỏ đồng tiền, bằng chứng là phim tài liệu thế giới đang phát triển mạnh và được ủng hộ rầm rộ. Anh nghĩ sao về hai điều trên? Hay anh có một suy nghĩ khác?

- Tưởng mâu thuẫn nhưng hai ý kiến đó lại có sự thống nhất đấy. Muốn chú ý được, đó phải là bộ phim gây sốc, bắt mạch được xã hội, đưa ra cho khán giả một hiện thực mà họ muốn biết. Từ đó mà khán giả sẽ chú ý thôi. Như mấy phim của Michael Moore là thế. Tất nhiên, làm những phim gây sốc như thế ở Việt Nam không dễ.

Nhiều người nói rằng, chúng tôi không làm được những bộ phim đề tài nóng. Nó là một sự thật mà ai cũng biết nhưng chúng tôi cũng lực bất tòng tâm. Làm sao để có thể đặt máy quay ở động lắc hay vũ trường? Làm sao mang máy quay cồng kềnh theo Công an phá án?

Chúng tôi có cái khó của những người làm phim là như thế. Nhưng cũng có những bộ phim gây được xôn xao, như phim "Khoảng cách" của Trần Phi, làm về chống tham nhũng ở Hải Phòng chẳng hạn... Cũng có, nhưng không dễ có!

- Như anh vừa nói đến phim "Khoảng cách", tôi hiểu sở dĩ nó xôn xao là nó bắt mạch được một bệnh lớn của xã hội, đó là tham nhũng, và nhân vật điển hình là một đảng viên chống tham nhũng. Nhìn lại lịch sử điện ảnh tài liệu Việt Nam cũng vậy, như "Nước về Bắc Hưng Hải", là bắt nhịp được vào thời cuộc, trong đại công trường miền Bắc làm thủy lợi. Cái đó tưởng vô hình, nhưng rất rõ ràng. Nên mới đặt ra vấn đề rằng, chúng ta đang thiếu những bộ phim như thế và phim chúng ta hình ảnh quá nghèo mà lời bình thì dài dòng quá. Và nhiều bộ phim chỉ là cái ký sự nhân vật bằng hình ảnh mà thôi...

- Đừng nghĩ là lời bình dài thì phim kém hay, có những phim rất cần lời bình dài đấy. Nhưng quả thật, cách làm phim tài liệu của chúng ta cổ quá rồi, nên phải đổi thay. Và 5 năm trở lại đây ngôn ngữ tài liệu mới đã bắt đầu xuất hiện, chúng tôi chấp nhận nhiều phong cách tài liệu hơn và vì thế đa dạng hơn. Làm phim về thời cuộc khó lắm, làm hay còn khó hơn nhiều. Mỗi năm chúng tôi cũng chỉ sản xuất được vài ba phim trên tổng số gần 20 phim.

- Tôi vẫn muốn hỏi lại anh rằng, tại sao chúng ta tự hào là sản phẩm tốt mà lại không muốn đem ra chợ?

- Vì chúng ta không đủ lực. Chúng tôi cũng đang bắt tay với một đơn vị khác để xây dựng phòng chiếu phim ngay tại hãng. Nhưng không chỉ chiếu phim tài liệu mà có thể kết hợp làm nhiều việc khác. Và phải giao hẳn cho họ quản lý. Như đã nói, mỗi người giỏi một việc và hãy làm tốt phần việc của mình thôi. Cách đây mấy năm chúng tôi cũng đã kết hợp với Phương Nam phim, MFC để phát hành qua mạng lưới DVD. Nhưng chả ăn thua, phim nào bán được thì đĩa lậu nhiều lắm.

- Nhưng nếu chúng ta duy trì điều đó là duy trì một thói quen, hơi mất thời gian, nhưng sẽ tạo ra một thị trường cho phim tài liệu, như người ta đã từng bỏ qua đĩa lậu để đến với đĩa nhạc gốc có tem nhãn...

- Anh đã nói đến một môi trường lý tưởng và cần... trường sức, như trường hợp Megastar vào Việt Nam, họ bù lỗ và... chờ đợi. Giờ thì tôi chỉ thích đi xem ở cái rạp đó thôi, nó có không khí lắm, văn minh lắm, xem phim cũng thích hơn. Nhưng đâu phải ai cũng như chúng ta. Và đâu phải ai cũng... mê phim tài liệu...

- Xin cảm ơn anh!

Dương Bình Nguyên (thực hiện)

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

Sáng 7/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Pơloong Bưu (SN 1995, trú xã Axan, huyện Tây Giang) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Mặc dù cuối tháng 6 kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra nhưng ngay từ đầu năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Với ưu thế tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học mà không cần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sớm đang trở thành phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn.

Những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước có nhiều hoạt động hướng về Điện Biên Phủ, bộ phim tài liệu nghệ thuật "CAND trong khúc tráng ca Điện Biên Phủ" lần đầu tiên kết hợp giữa những thước phim tài liệu, đan xen thực cảnh - cách làm phim mới trong truyền thông hiện đại, với những cảnh quay ở Điện Biên Phủ, một số tỉnh, thành của Việt Nam và Pháp, đã ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng.

Ngày 7/5, lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chính thức diễn ra, bắt đầu chặng đường mới với không ít thách thức nhưng cũng nhiều hy vọng, nhất là khi tỉ lệ ủng hộ của người dân Nga đối với ông theo thời gian vẫn liên tục ở mức cao.

Theo dự báo, hôm nay thời tiết tại hầu khắp các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 50 mm. TP Điện Biên Phủ khả năng có mưa, nhiệt độ dao động từ 20-32 độ C.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文