Bế mạc Hội thảo Khoa học Quốc tế về Ngôn ngữ học: Nhiều đề xuất khoa học và thiết thực
Các báo cáo dự hội thảo được chia làm 5 tiểu ban: Lý luận ngôn ngữ, Ngôn ngữ và văn hóa, Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và chính sách ngôn ngữ, Giảng dạy tiếng Việt và ngoại ngữ, Việt ngữ học. Do hạn chế về thời gian nên không phải tất cả các báo cáo đều được trình bày, tuy nhiên mỗi báo cáo đưa ra đều nhận được nhiều ý kiến thảo luận từ các góc nhìn khác nhau, nên đã cung cấp cái nhìn đa chiều, và có chiều sâu hơn về những vấn đề thời sự của ngôn ngữ học Việt Nam.
Hội thảo tập trung nghiên cứu nhiều vấn đề có ý nghĩa thực tiễn đối với đời sống xã hội như, quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa; ngôn ngữ các dân tộc thiểu số; vấn đề giáo dục ngôn ngữ đối với sự phát triển và hội nhập. Tác động của quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam đối với tiếng Việt, ngôn ngữ dân tộc thiểu số và tiếng nước ngoài đang được sử dụng trong dạy và học ở Việt Nam, cũng như mối quan hệ giữa tiếng Việt, ngôn ngữ dân tộc và tiếng nước ngoài trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Nhiều báo cáo cụ thể, công phu, đề cập đến vấn đề ngôn ngữ báo chí, ngôn ngữ trên các phương tiện thông tin đại chúng: “Vấn đề chuẩn phát âm (chính âm) trên Đài Truyền hình Việt Nam (kết quả điều tra xã hội học)” của PGS.TS Vũ Kim Bảng; “Thực trạng cách đọc tên riêng nước ngoài trên bản tin thời sự hiện nay” của ThS. Vũ Thị Hải Hà; “Một số vấn đề ngôn ngữ trên sóng phát thanh” của PGS.TS Phạm Văn Tình…
Hội thảo thu hút sự quan tâm của 244 nhà khoa học trong và ngoài nước. |
Sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với sự có mặt của hàng trăm nhà khoa học trong và ngoài nước, hội thảo đã đưa ra những đề xuất mang tính khoa học và thiết thực. Chẳng hạn, đề xuất của Tiểu ban 1 về việc coi trọng mối quan hệ giữa văn hóa và ngôn ngữ; tránh tư tưởng bảo thủ, cực đoan, chống lại sự đổi mới nhưng cũng tránh việc hội nhập tràn lan, làm mất bản sắc văn hóa dân tộc của ngôn ngữ.
Đề xuất của Tiểu ban 4 về việc Viện Ngôn ngữ học nên nghiên cứu và đưa ra một bộ chuẩn đánh giá năng lực tiếng Việt đối với người học tiếng Việt như một người học ngoại ngữ; về việc cần phải có luật ngôn ngữ, trong đó quy định cụ thể về quy tắc chính tả, giao tiếp chuẩn trong công sở, nhà trường…
Đề xuất hướng nghiên cứu ứng dụng, những vấn đề liên quan đến ứng dụng ngôn ngữ, đặc biệt là trong vấn đề giáo dục ngôn ngữ, chuẩn hóa ngôn ngữ, ngôn ngữ dạy cho trẻ em dân tộc thiểu số… của Tiểu ban 5.
Là diễn đàn để tập hợp, nối kết các thế hệ nghiên cứu ngôn ngữ học trong nước và quốc tế, hội thảo còn mở đường cho những hợp tác nghiên cứu khoa học trong tương lai. Đặc biệt, việc hội thảo nhận được 14 báo cáo của các đại biểu quốc tế đến từ Anh, Mỹ, Canada, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào đã khẳng định vị thế của Viện Ngôn ngữ học trong lòng giới nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam và quốc tế.
GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ Việt Nam nhận định, sự tham gia đông đảo của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ trong nước và quốc tế cũng như kết quả đạt được của hội thảo, đã góp phần khẳng định tên tuổi và vị thế của Viện Ngôn ngữ học trong giới nghiên cứu khoa học nói chung và Khoa học xã hội và nhân văn nói riêng ở Việt Nam, góp phần tạo nên những động lực mới để Viện Ngôn ngữ học có thể hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao phó