Bộ Văn hoá không còn “bó tay” trước BTC thi người đẹp

16:48 02/01/2009
Theo quy chế mới, đối với các cuộc thi cấp toàn quốc là Hoa hậu, không chỉ Ban tổ chức mà Bộ VH, TT&DL cũng có quyền “tước danh hiệu của thí sinh đạt giải khi thí sinh vi phạm quy định của Quy chế này và các quy định của pháp luật khác có liên quan, gây hậu quả xấu”.

Sau 1 tháng đưa Dự thảo Quy chế tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi và Người đẹp để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi, ngày 30/12/2008, Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Hoàng Tuấn Anh đã ký ban hành Quy chế tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp số 87/2008/QĐ - BVH -TT&DL. Trong vòng 15 ngày kể từ khi được ký, Quy chế mới sẽ có hiệu lực. Đây sẽ là hành hành lang pháp lý cho việc tổ chức các cuộc thi cũng như khắc phục những vấn đề mà công luận thời gian qua lên tiếng.

BGK: không có đơn vị cấp phép, đơn vị tổ chức và nhà tài trợ

Quy chế tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp gồm 6 chương, 18 điều, quy định rõ các điều kiện, thủ tục cấp phép cũng như trách nhiệm của đơn vị tổ chức và thí sinh đoạt danh hiệu vv…

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Lê Ngọc Cường - Cục trưởng Cục Nghệ thuật  - Biểu diễn, Bộ VH, TT&DL cho biết: Về cơ bản, Qui chế sửa đổi về tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi và Người đẹp được giữ nguyên như Dự thảo.

Duy có qui định về việc tổ chức thi người đẹp ở các tỉnh, thành được sửa đổi thành 2 năm/lần, thay vì 1 năm/lần như Dự thảo. Mỗi năm, thi Hoa hậu toàn quốc không được tổ chức quá một lần. Qui định này nhằm tránh việc tổ chức các cuộc thi người đẹp tràn lan.

Cũng theo Qui chế mới, không phải thí sinh đạt giải trong tất cả các cuộc thi người đẹp đều được trao danh hiệu Hoa hậu, mà chỉ thí sinh đạt giải chính thức trong cuộc thi Hoa hậu toàn quốc mới được tặng danh hiệu Hoa hậu, Á hậu. Còn thí sinh đạt giải chính thức trong cuộc thi Hoa khôi, chỉ được trao tặng danh hiệu Hoa khôi, Á khôi và thí sinh đạt giải chính thức trong cuộc thi Người đẹp, chỉ được trao tặng danh hiệu Người đẹp thứ nhất, Người đẹp thứ hai.

Với các tiêu chí này, Bộ VH, TT&DL hy vọng sẽ khắc phục tình trạng lạm dụng danh hiệu Hoa hậu, khiến dư luận phải kêu ca là "loạn hoa hậu" thời gian qua.

Một điểm rất quan trọng của Qui chế mới là người của đơn vị cấp phép, đơn vị tổ chức và nhà tài trợ không được làm giám khảo và mỗi vòng thi phải có một BGK độc lập. Điều này sẽ hạn chế được các tiêu cực mà dư luận đã lên tiếng quá nhiều.  

Bộ VH, TT&DL cũng cấm thí sinh và đơn vị tổ chức đưa thí sinh dự thi quốc tế mà không được cấp phép. Qui định này có tác dụng ngăn chặn việc thí sinh tự ý đi thi và mang danh Việt Nam trong một số cuộc thi người đẹp quốc tế dù không đảm bảo các tiêu chuẩn như Qui định, đã từng diễn ra vài năm gần đây.

Qui chế mới tiếp tục duy trì điều kiện thí sinh dự thi phải “có trình độ văn hoá tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên” và bắt buộc trong hồ sơ thí sinh dự thi Hoa hậu phải có bằng tốt nghiệp hoặc giấy xác nhận của nhà trường đã tốt nghiệp trung học phổ thông (bản sao có công chứng)”.

Như vậy, ý kiến về việc thí sinh dự thi không cần phải tốt nghiệp THPT mà nhiều đại biểu đưa ra tại Hội thảo đánh giá 2 năm thực hiện Qui chế tổ chức thi Hoa hậu hồi tháng 4/2008 đã không được Bộ VH, TT&DL chấp nhận.

Cùng với việc nghiêm cấm tổ chức thi hoa khôi, người đẹp tại các trường phổ thông, qui chế mới cũng qui định công dân 18 tuổi trở lên mới được thi hoa hậu.

Mỗi cuộc thi, 2 đơn vị có quyền tước vương miện

Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008 vừa qua đã gây “lùm xùm” nhất trong lịch sử thi Hoa hậu Việt Nam, nhưng Bộ VH, TT&DL chỉ có quyền đề nghị đơn vị tổ chức cuộc thi xem xét danh hiệu Hoa hậu, chứ không có quyền tước vương miện, vì theo Qui chế cũ, chỉ đơn vị tổ chức cuộc thi mới có quyền đó, Qui chế mới đã mở rộng quyền tước vương miện thí sinh đoạt giải khi vi phạm: mỗi cuộc thi, ngoài đơn vị tổ chức, thì đơn vị cấp phép tổ chức cũng được quyền tước vương miện.

Theo ông Phạm Đình Thắng - Trưởng phòng Quản lý biểu diễn ca nhạc và băng đĩa sân khấu (Cục Nghệ thuật biểu diễn) thì khi thí sinh vi phạm Qui chế, quyền tước vương miện trước tiên thuộc về đơn vị tổ chức. Nhưng nếu vì lý do gì đó, đơn vị tổ chức không tước, thì đơn vị cấp phép sẽ có quyền tước.

Như vậy, với Qui chế mới, đơn vị tổ chức không còn được toàn quyền như trước. Đơn vị tổ chức được phép tước danh hiệu, nhưng chỉ khi đã xin ý kiến và được cơ quan cấp phép chấp thuận việc thí sinh đạt giải có hành vi vi phạm quy định của quy chế này và pháp luật có liên quan, gây hậu quả xấu, làm ảnh hưởng đến danh hiệu, đơn vị tổ chức.

Với cuộc thi cấp toàn quốc là Hoa hậu, Bộ VH, TT&DL cũng có quyền “Tước danh hiệu của thí sinh đạt giải khi thí sinh vi phạm quy định của Quy chế này và các quy định của pháp luật khác có liên quan, gây hậu quả xấu”, bên cạnh quyền đình chỉ, thu hồi quyết định cho phép tổ chức cuộc thi Hoa hậu khi đơn vị tổ chức vi phạm quy định của Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Tương tự, trong các cuộc thi Hoa khôi, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng không chỉ có quyền “đình chỉ, thu hồi quyết định cho phép tổ chức cuộc thi Hoa khôi khi đơn vị tổ chức vi phạm quy định của Quy chế này và các quy định và pháp luật khác có liên quan”, mà còn được quyền “Tước danh hiệu của thí sinh đạt giải Hoa khôi khi thí sinh vi phạm quy định của Quy chế này và các quy định pháp luật khác có liên quan, gây hậu quả xấu”.

Sở VH, TT&DL các tỉnh cũng có quyền “Tước danh hiệu của thí sinh đạt giải Người đẹp khi thí sinh vi phạm quy định của Quy chế này và các quy định pháp luật khác có liên quan, gây hậu quả xấu.”

Để chấm dứt tình trạng một số cuộc thi người đẹp được tổ chức xong, có danh hiệu rồi nhưng Ban Tổ chức không trả giải thưởng ngay cho các thí sinh đoạt giải, như cuộc thi Hoa hậu Du lịch, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận, song chưa có chế tài xử lý, Qui chế lần này cũng qui định rõ: “Đơn vị tổ chức phải có văn bản cam kết và chứng minh nguồn tài chính đảm bảo cho công tác tổ chức cuộc thi”, ngoài ra, nếu đơn vị tổ chức cuộc thi để xảy ra mất đoàn kết nội bộ, có đơn tố cáo của các thí sinh nhưng không giải quyết thoả đáng, tạo dư luận xấu trong xã hội, sẽ không được cấp phép trong lần tổ chức tiếp theo

Thanh Hằng

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文