Bóng đá không thể chết...
Chắc chắn nó không phải là bóng đá V.League ở trên sân Hàng Đẫy rồi. Nó là giải bóng đá phong trào Hà Nội, qui tụ những đội "phủi" mạnh nhất Thủ đô và một vài tỉnh thành lân cận, như: Nam Định, Nghệ An. Nói như những khán giả quen mặt trên các sân phủi thì giải đấu là sự qui tụ của những tinh hoa bóng đá “phủi” miền Bắc, trong số đó, có dân "phủi" thứ thiệt, có dân futsal giải nghệ, lại có cả những cầu thủ hoặc cựu cầu thủ chuyên nghiệp như Quốc Vượng, Huy Hoàng Xuân Thành, Văn Quyết, Thành Lương... Nhưng đấy dường như không phải điều quan trọng, điều quan trọng là tất cả các đội đều đến đây, chơi một cách trong sáng - thứ trong sáng mà người ta dường như không thể tìm thấy (hoặc ít nhất là không thể tin tưởng) khi xem các trận bóng chuyên nghiệp, đỉnh cao nước nhà.
Ngày khai mạc, cả ngàn khán giả đội nắng (mà là cái nắng vỡ đầu) để xem FC Văn Minh của Quốc Vượng đấu với FC Q9 - một trận đấu mà cầu thủ Văn Minh có rất nhiều pha biểu diễn kĩ thuật khiến khán giả trầm trồ, còn cầu thủ Q9 lại sắc sảo trông thấy với những miếng phản công và những quả dứt điểm chết người. Nếu không tới "hiện trường", không tận mắt chứng kiến những gì diễn ra thì không thể tin nổi là một giải "phủi" lại thu hút được sự quan tâm lớn lao của khán giả Thủ đô đến thế.
Khán giả chăm chú theo dõi các trận đấu "phủi" chẳng kém gì V.League. Ảnh: H.M. |
Khán giả đến sân đông và "quá tải" tới độ BTC giải phải lo lắng vấn đề an ninh, nên sau đó đã liên tục dùng loa tha thiết đề nghị khán giả... đứng ra ngoài hàng rào. Nhiều khán giả còn trèo lên nóc nhà, xem trận đấu từ trên cao - một cảnh tượng gợi lại hình ảnh sân Hàng Đẫy thời huy hoàng của những năm 89, 90 ở thế kỷ trước. Và thế là những nhà làm giải phải gào khản cổ: "Mong mọi người hãy xuống tầng 1 để các trận đấu có thể diễn ra an toàn".
18h, 18h30’, rồi 19h, khi ĐKVĐ Thành Đồng chuẩn bị ra sân, lượng khán giả tới sân tiếp tục lên cao. Có một hình ảnh đầy cảm xúc là khi BTC thông báo Thành Đồng đá sân 1 thì cả ngàn khán giả ồ ạt chạy sang sân 1, sau đó BTC lại thông báo Thành Đồng đá sân 2, và thế là người ta ồ ạt chạy về sân 2. Nhìn cảnh này, tôi trộm nghĩ: Có đội bóng chuyên nghiệp nào ở Hà Nội hiện nay được khán giả "tiền hô hậu ủng" như vậy hay không? (Dĩ nhiên là những khán giả trong sáng, chứ không phải kiểu khán giả được trả tiền để đi cổ vũ). Mạnh Duy, một thành viên của Thành Đông chia sẻ: "Tụi em theo đuổi bóng đá tấn công, và quán triệt rõ: phải đẹp từ chuyên môn đến ứng xử. Có lẽ vì thế mà tụi em được khán giả yêu". Duy còn bảo, các thành viên trong đội tụ lại chơi với nhau vì cùng đam mê, cùng sở thích, chứ không có lương, thưởng, dẫu chỉ là vài trăm ngàn tượng trưng như một vài đội khác.
Sát sạt giờ Thành Đồng thi đấu, ông trời đổ mưa dữ dội. Mưa to, gió giật tới độ hàng loạt chiếc ô ở quanh sân bay tứ tung. Thế mà cả ngàn khán giả vẫn đội mưa, vẫn chấp nhận cảnh "ướt như chuột lột" để chờ đợi hai đội ra sân. Đến khi cả hai đội ra sân thì những tiếng gào thét, những tiếng vỗ tay át cả tiếng mưa - tiếng ông trời. Và bất chấp cơn mưa, bất chấp sân trơn, bóng ướt, tầm nhìn hẹp, cầu thủ hai bên vẫn thi đấu ngùn ngụt lửa. Phải mãi đến khi mặt sân sũng nước, độ lăn của quả bóng bị thách thức nghiêm trọng thì trọng tài mới quyết định tạm dừng trận đấu. Thế là khán giả suýt xoa: "Tiếc quá!", "Đang hay mà mất giữa chừng...". Rồi chẳng ai bảo ai, người ta hẹn nhau: "Cuối tuần sau lại đến xem tiếp". Ai đó nói chêm vào: "bóng đá “phủi” hay hơn V.League...".
Riêng với tôi, một nhà báo chuyên theo dõi mảng bóng đá Việt Nam thì chuyện bóng đá “phủi” hay hơn V.League thật không còn phải hậu xét, nhưng có một điều chắc chắn: Ở thời điểm này, bóng đá “phủi” cho tôi nhiều cảm hứng, nhiều tin yêu hơn là V.League. Bởi bóng đá “phủi” còn nguyên sự trọng trẻo, tử tế, hoặc chí ít là niềm tin vào sự trong trẻo tử tế - cái điều mà ở V.League từ lâu đã trở nên xa xỉ.
Và với bóng đá “phủi”, chứ không phải với V.League, tôi chợt nhận ra: Tình yêu bóng đá của người Hà Nội không hề chết, cũng không hề phôi pha!