Bức tranh “Đám cưới chuột” và dòng tranh Đông Hồ hôm nay
Cái rét ngọt cuối năm không làm vơi đi niềm nao nức, cho chúng tôi tìm về làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) - vùng đất đã nổi tiếng suốt 5 thế kỷ qua với một dòng tranh dân gian được coi như di sản văn hóa không thể thiếu của người Việt.
Qua chợ Hồ, triền đê đầy gió đưa chúng tôi đến làng tranh nằm nép mình thơ mộng bên dòng sông Đuống - cái miền quê nhỏ bé đã trở thành cảm hứng của bao nhà thơ tên tuổi: Tú Xương, Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Ngô Văn Phú, Chế Lan Viên...
"Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp"
Giáp Tết nên không khí khắp làng nhộn nhịp lắm. Giấy màu phơi trên các bờ tường, góc sân rực rỡ cả làng. Nhưng không phải cả làng làm tranh như trước.
Giờ đây, Đông Hồ chỉ còn 3 người sống chết với nghề tranh là các ông Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Sam và Trần Văn Sở - những người đã được công nhận danh hiệu "Bàn tay vàng", trong đó, duy nhất ông Nguyễn Hữu Sam được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân làng nghề Việt Nam".
Các nghệ nhân sưu tầm, phục chế các bản khắc, tranh quý và cả phóng tác những bức nổi tiếng. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đã ngoài 80 tuổi, nhưng hàng ngày, ông vẫn thảo những nét vẽ tinh sắc cho cô con dâu vờn thủy mặc.
Bây giờ, đang mùa tranh Tết, trong nhà các nghệ nhân đầy ắp tranh. Tranh trên tường, trên giá, trên tủ, bàn, ghế… từng chồng, từng xấp. Khách đến mua tranh cũng rộn ràng. Nhiều người ở tận trong
Hầu như ai cũng chọn bức "Đám cưới chuột" vốn nổi danh từ hàng trăm năm: "Mà bao năm tháng trong tranh Tết/Tiếng trống vinh quy vẫn rộn ràng" ("Đám cưới chuột" -Ngô Văn Phú). Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam bảo, năm tới là Mậu Tý, nên khách đặt vẽ tranh "Đám cưới chuột" hay làm lịch rất nhiều.
Không ai biết đích xác thời điểm ra đời của bức tranh ấy, chỉ biết rằng, nó đã được truyền từ đời này qua đời khác đến tận bây giờ. Tùy theo chú thích mà bức tranh có thể hiểu là "Đám cưới chuột" hay "Trạng chuột vinh quy".
Nhưng cả 2 nội dung đều có không khí vui nhộn với kèn trống, cờ quạt, phù hợp với tâm thế mọi nhà trong dịp đầu năm nên luôn được ưa chuộng. Trên bức tranh còn có 2 hàng chữ đối nhau: "Thử bối đệ ngư: chí, chí, chí" (đàn chuột dâng cá kêu chí, chí, chí). "Miêu nhi thủ lễ: mưu, mưu, mưu" (chú mèo giữ lễ: meo, meo, meo).
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Sam, ngoài không khí tưng bừng, vui vẻ, bức tranh được truyền tụng qua nhiều đời chính bởi ý nghĩa sâu sắc của nó: nhìn vào đã thấy ngay cảnh cá lớn nuốt cá bé.
Đám rước tưng bừng với đầy đủ nghi thức, lễ vật, có chàng chuột cưỡi ngựa đi trước, theo sau là kiệu rước nàng chuột, nhưng giữa đường lại có một lão mèo già to béo trấn giữ, đe dọa. Vì thế, một nhóm chuột phải mang cá, chim đến để cống nạp, lại kèm cả nhạc lễ để bày tỏ vui mừng, nhằm dọn đường cho đám rước đầu xuôi đuôi lọt.
Nét độc đáo của tranh là tiếng cười hóm hỉnh, mỉa mai sâu cay của nhân dân lao động đối với bọn thống trị, cũng là thái độ phản ứng của nhân dân trước nạn tham ô, tham nhũng. Bức tranh như tái hiện cảnh người dân lành xưa thường phải chịu đựng sự áp bức của bọn quan tham. Đó chính là ý nghĩa xuyên thời đại của bức tranh mà vì thế, qua bao thế kỷ, "Đám cưới chuột" vẫn được người chơi tranh yêu thích.
Hơn nữa, bức tranh được tạo nên không chỉ bởi màu sắc, hình khối, mà còn là những rung cảm tinh tế cùng trí tuệ, tài hoa, những triết lý nhân sinh mà các nghệ nhân xưa gửi trong từng đường nét.
Ông Sam giải thích thêm: Nhiều người cho rằng, bức tranh còn chứa đựng tinh thần phản kháng của người dân Việt
Nơi níu giữ hồn dân tộc
Tồn tại qua nhiều thế kỷ, tranh Đông Hồ được thừa nhận như dòng tranh dân gian được biết đến nhiều nhất ở Việt
Theo ông Nguyễn Đăng Chế thì nghề làm tranh khắc gỗ dân gian ở Đông Hồ - còn có tên gọi làng Mái - xuất hiện từ thế kỷ XVI. Trước đây, cả làng gồm 17 dòng họ đều làm tranh nên có câu ca truyền khẩu: "Cô kia mà thắt lưng xanh/Có về làng Mái với anh thì về/Làng Mái có lịch có lề/Có sông tắm mát có nghề làm tranh".
Tranh Đông Hồ độc đáo ở chỗ được làm hoàn toàn thủ công, từ màu sắc pha chế, in tranh đến vờn thủy mặc. Tranh in trên giấy dó quét điệp bằng chổi lá thông. Mỗi màu là một bản khắc, một lần in. Màu sắc của tranh được chắt lọc từ thiên nhiên: sỏi son cho màu đỏ, hoa hòe, gỗ vang làm nên sắc vàng, ánh đen từ than tre và màu xanh lấy từ lá chàm...
Tranh Đông Hồ phản ánh cuộc sống hồn nhiên và ước mơ giản dị của người dân quê với hàng trăm mẫu tranh ở 5 loại chính: Tranh thờ, tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt và truyện tranh. Đi từ cuộc sống lao động, lại được những bàn tay nghệ nhân tinh tế phản ánh, tranh Đông Hồ sống động và rất có hồn.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam cho biết: Bố cục tranh Đông Hồ chặt chẽ đến mức, ông từng thử bỏ một vài chi tiết nhằm tạo sự mới mẻ cho tranh nhưng người xem vẫn yêu thích các bức nguyên bản hơn.
Hình như các nghệ nhân Đông Hồ đã rút ruột tằm, để trong mỗi bức tranh dân gian đều chứa đựng bao điều sâu thẳm về văn hóa, tình cảm và triết lý cuộc đời. Nét vẽ nhuần nhụy, mang theo rung cảm chân thành của các nghệ nhân Việt từng đưa tranh Đông Hồ lên vị trí đáng kể trong nhiều triển lãm nghệ thuật lớn trên thế giới.
Ấy nhưng, mọi điều giờ đây đã thay đổi. Ông Hoàng Bá Nhất - Phó trưởng thôn Đông Khê cho biết: Cả làng Đông Hồ gần 400 hộ giờ chỉ còn 3 nghệ nhân giữ nghề. Những nhà khác đều đã chuyển qua làm hàng mã. Bởi việc tiêu thụ tranh cũng khó, nhất là trong sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường với vô vàn tranh ảnh phong phú về mẫu mã, in ấn công nghệ cao.
Ông Nguyễn Như Điều - Phó Chủ tịch UBND xã Song Hồ tự hào: Người dân Đông Hồ năng động lắm. Làng tranh bị thu hẹp thì làng mã lại phát triển. Những người nhất quyết sinh tử với nghề tranh nay đã có thu nhập ổn định từ tranh. Các gia đình khác không tồn tại bằng tranh cũng nhanh chóng chuyển sang nghề gõ phỗng, làm mã vốn tồn tại song trùng với nghề tranh từ trước.
Nghề làm hàng mã không chỉ lúc nông nhàn mà có việc làm quanh năm, lại tận dụng được cả lao động trẻ con và người sức yếu. Tiếng là nghề phụ, nhưng lại cho thu nhập chính: 400-500.000đ/tháng/người. Mỗi gia đình ở đây sản xuất chuyên một mặt hàng chứ không phải làm từ A đến Z: có nhà chuyên làm mũ, có nhà chỉ làm mặt nạ, có nhà chuyên quần áo…
Từ tháng 7 âm lịch, cả làng đã sản xuất hàng mã phục vụ Tết Nguyên đán, Rằm tháng Giêng. Đến tháng 3, lại lao vào làm hàng mã phục vụ Rằm tháng Bảy. Quanh năm, chả lúc nào ngơi tay.
Cứ nhìn vào làng là biết sự sung túc của người dân Đông Hồ: 100% gia đình có nhà xây, điện lưới, xe máy, TV; đường làng 100% bê tông. Giữa làng, có những ngôi nhà cao to, đẹp đẽ như ở đô thị lớn. Có việc làm quanh năm nên Đông Hồ ít tệ nạn, là cơ sở để an ninh ở Đông Hồ duy trì ổn định.
Đại úy Lê Nho Phấn - cán bộ Công an tỉnh Bắc Ninh, phụ trách huyện Thuận Thành cho biết: Xã Song Hồ đã được phong Anh hùng LLVTND và 18 năm liên tục được nhận Cờ thi đua của Bộ Công an và UBND tỉnh về phong trào bảo vệ an ninh, dĩ nhiên trong đó, có sự góp phần không nhỏ của Đông Hồ.
Ông Nguyễn Như Điều băn khoăn: Xã cũng muốn khôi phục làng tranh, nhưng việc tìm đầu ra lại ngoài tầm tay của chính quyền. Hiện tranh Đông Hồ chủ yếu bán cho khách du lịch nước ngoài, chứ tiêu thụ trong nước còn hạn chế. Nếu không phát triển được, mai một của tranh Đông Hồ thật khó tránh khỏi.
Những nghệ nhân gắn bó với nghề bằng cả tình yêu máu thịt, bằng niềm tự hào của một dòng họ làm tranh, như ông Sam, ông Chế, giờ đều đã tuổi cao sức yếu.
Hơn nữa, không ít bức tranh Đông Hồ đã không còn nguyên chất truyền thống, khi nhiều màu sắc đã được sử dụng bằng màu công nghiệp thay cho nguyên liệu xưa cũ mà cha ông vẫn dùng. Một số bản khắc mới không còn nét tinh tế, có hồn như bản cổ. Sự sáng tạo lai căng làm mất đi nét văn hóa vốn có của giá trị truyền thống.
Vọng về từ ký ức
Đình Đông Hồ - di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, nằm ở cuối làng. Nhìn ngôi đình cửa đóng then cài, lá rơi phủ kín sân, bước chân chợt ngập ngừng trong niềm tiếc nuối trào dâng.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế bùi ngùi: Trước năm 1945, cứ tháng Chạp hàng năm, dân làng Đông Hồ thường ra đây bán tranh cho người tứ xứ treo Tết. Nhà nhà mua về dán trên tường và năm sau lại vứt bỏ, mua tranh mới, nên nghề làm tranh mới sống được.
Mỗi năm chỉ một tháng Chạp, như câu ca: "Dù ai buôn bán trăm nghề/Nhớ đến tháng chạp thì về buôn tranh..." mà trong tháng Chạp cũng chỉ có 5 phiên chợ tranh vào các ngày 6, 11, 16, 21 và 26. Người đến chợ tranh, không chỉ bán mua, mà còn để thưởng thức loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo chỉ có ở vùng Kinh Bắc nên thơ.
Bên sân đình, các cô gái Đông Hồ ngồi bán tranh, cho khách mang về chẳng riêng "Tranh Đông Hồ, gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" (Hoàng Cầm), mà còn cả nụ cười, ánh mắt, sự lịch lãm của những thôn nữ sinh ra ở mảnh đất hào hoa, nghệ thuật.
Nhưng rồi, năm đói 1945, rồi kháng chiến, thế là chợ mất, làng tranh cũng tan theo. Suốt từ đó, không còn phiên chợ tranh nào được mở nữa. Ngôi đình còn đó. Hồ bán nguyệt rực hồng hoa súng còn đây. Tất cả vẫn vẹn nguyên, mà sao chợ tranh Đông Hồ chỉ còn vọng về từ ký ức? Nét văn hóa độc đáo rất riêng có bao giờ trở lại, để sân đình thôi vắng vẻ giữa bâng khuâng?