Ca sĩ Phương Thảo: Luôn biết tìm niềm vui cho mình
- Vào đúng dịp 8-3 chị được Công ty nghe nhìn Thăng Long phát hành trọn gói DVD “Tình trong câu hát” gồm 9 ca khúc nhạc dân gian đương đại. Chị là người phát hành đĩa khá liên tục, vậy ở đĩa DVD này, chị “làm mới” mình như thế nào?
- Phần tài chính ở DVD này hoàn toàn do Công ty Thăng Long đầu tư, chính vì thế, tôi không nặng nề về tài chính cho đĩa này. Tuy nhiên, về phần biên tập và thu thanh hoàn toàn do tôi quyết định. Và tôi cũng làm tốt nhất có thể. Thực ra, đĩa “Tình trong câu hát” được chuẩn bị từ năm ngoái. Phần âm thanh, phần tiếng của một số bài lấy sẵn từ những bài đã thu và phát hành ở các CD trước. Có một số bài như “Con sông tuổi thơ tôi” của nhạc sĩ Tuấn Phương hoặc bài “Tình ca rừng và biển” của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, phổ thơ Hoàng Vũ Thuật, rất hay, được sáng tác từ lâu được ít ca sĩ biết đến và sử dụng. Trong album có 8 ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng có duy nhất bài hát “Gái Nghệ” của Phương Thảo sáng tác đã được phát hành CD nhưng bây giờ mới có cơ hội thực hiện MV trong DVD này.
- Thời gian gần đây những ca sĩ dòng dân gian bắt đầu đắt show, sản phẩm bán rất chạy, thường sản phẩm của dòng dân gian không bị sao chép như các sản phẩm nhạc thị trường khác. Chị thấy như thế nào về tín hiệu vui của dòng nhạc mình đang theo đuổi?
- Có lẽ là hầu hết các ca sĩ Việt Nam không ai chờ đợi vào hiệu quả của việc bán đĩa để sống cả, thậm chí là bị lỗ. Điều này với ca sĩ nhạc truyền thống hay nhạc thị trường, hay nhạc nhẹ đều như thế thôi. Nếu quan tâm có thể thấy ngoài hàng đĩa lậu bao giờ cũng chạy hơn đĩa gốc, dòng nhạc dân gian cũng bị một xu hướng chung như vậy. Hiện tại các cơ quan chức năng gần như cũng bó tay với điều này, thậm chí có vẻ như người ta không muốn làm thì phải. Chính vì thế với các nghệ sĩ trong đó có Thảo cũng đã lên tiếng một vài lần nhưng chẳng nhẽ suốt ngày lại chạy theo công việc này thì lại chẳng làm được việc gì nữa. Tuy nhiên trong khán giả kể cả khán giả mua đĩa lậu, họ cũng chờ đợi những sản phẩm của mình chính vì thế nên việc tôi ra sản phẩm là để đáp ứng được sự mong mỏi của công chúng, những người yêu mình cũng như giữ được niềm say mê, đam mê trong công việc của tôi.
Ca sĩ Phương Thảo. |
- Nhiều người nói rằng hình ảnh của chị trong DVD có phần rạng rỡ hơn đời thường. Thường thì người ta hay có câu là “người ăn hình thường hay khổ”, chị có thấy điều đó đúng với mình hay không?
- Khổ hay không là do mình. Cuộc sống của mình khổ hay sướng là do mình quyết định. Có những lúc trong cuộc sống tôi cũng thấy mình hơi vất vả thế nhưng để khổ thì chưa bao giờ Thảo thấy mình khổ cả. Điều quan trọng nhất tôi nghĩ là với mình hay mọi người đó là khó khăn hay những lúc mình không hài lòng với cuộc sống, mình phải tìm thấy niềm vui ngay trong nỗi buồn ấy thì mình với sống lạc quan được, còn lúc nào mình cũng ủ rũ buồn rầu thì tôi nghĩ đấy là sự tẻ nhạt trong cuộc sống của mỗi người. Việc đạo diễn và mọi người thấy hình ảnh của tôi trên sân khấu rạng rỡ hay ở đây rạng rỡ hơn ở ngoài thì tôi nghĩ rằng, là người nghệ sĩ nên có khoảng cách giữa đời thường và sân khấu. Nếu như ở ngoài đời Thảo cũng trang điểm, nói chuyện với chị mà cứ rạng rỡ thì có cần thiết?!
- Cho ca khúc của mình giới thiệu chung trong album như một cách tiếp cận với khán giả để người ta có thể biết đến âm nhạc của chị. Có tự tin khi đặt ca khúc của mình bên những nhạc sĩ gạo cội?
- Thực ra, ý tưởng ban đầu sáng tác cũng là để phục vụ cho công việc ca hát của mình. Tôi nghĩ mình phải làm mới mình chứ cũng không nghĩ là muốn khác mọi người. Nhưng cuối cùng viết 3 năm không được bài hát nào cả, đã có những lúc tôi muốn bỏ cuộc vì nghĩ mình không có năng lực. Đến năm 2010, bỗng dưng tôi có cảm hứng ngồi viết và trong hai tiếng rưỡi đã hoàn thành bài hát “Gái Nghệ”, viết xong rồi không tự tin lắm đâu khi đưa cho thầy An Thuyên nghe và thẩm định, động viên. Tôi nghĩ đấy là một sự khích lệ với mình. Về sau mang đi phối khí, phát hành lại được đồng nghiệp động viên, góp ý thì Thảo thấy đây là những tín hiệu tốt và mình phải làm tiếp và làm tốt hơn. Còn để đặt tên mình bên những gạo cội thì tôi không có tham vọng đó, chỉ sáng tác để muốn làm mới hình ảnh mình trong mắt công chúng cũng như muốn thể hiện khả năng trong một lĩnh vực khác nằm trong khuôn khổ nghệ thuật. Tôi cảm thấy làm được chứ không phải chơi cho vui hay làm để đấy, làm cho có thì đó không phải tính cách của tôi. Đến bây giờ thảo nghĩ nếu như mình để cho mạch cảm xúc của mình dẫn lối và tự tin vào năng lực của mình sẽ làm được nhiều hơn như thế nữa. Sáng tác cũng là một nhu cầu tự thân chứ tôi cũng không có tham vọng gì lớn lao cả.
- Cho đến nay, cái tên Phương Thảo đã bắt đầu định hình trong lòng người yêu nhạc. Với chị, thành công trong nhạc dân gian có phải là một sự may mắn?
- Cho đến bây giờ Thảo khẳng định mình là người may mắn trong công việc, trong cuộc sống Thảo thiếu một điều để thành công là sự tham vọng và bon chen, tuy nhiên tôi vẫn thấy may mắn vì đạt được nhiều thứ. Cách làm việc của tôi thường tùy thuộc vào cảm xúc chứ không giống như người khác là vạch ra cái này cái kia để bước lên. Cuộc đời mọi người đều có những được mất, câu nói tôi tâm huyết để sống lạc quan hơn là “sông có khúc, người có lúc” nên những lúc mình được mình phải hiểu tại sao mình được, cái được đó do công lao hay may mắn mà có được mặc dù vì lý do gì vẫn do một phần công sức của mình và mình biết trân trọng, giữ gìn nó. Thường tôi không nặng nề về những cái đã mất. Bởi vì nếu như trong cuộc sống của mình những lúc mình mất mát điều gì đó, mình tìm được cái được trong cái mất, đó là một cách sống lạc quan mang đến hạnh phúc cho mình, không nhất thiết phải phụ thuộc vào niềm vui từ người khác mang lại. Tôi nghĩ nên tự làm cho mình và người khác vui trước rồi hãy đòi hỏi người khác mang lại cho mình.
- Chị đã có những trục trặc trong chuyện tình cảm, nhưng hình như hiện nay, trái tim chị đã vui trở lại?
- Tôi không dám nói gì nhiều, chỉ xin tiết lộ là hiện nay tôi không sống một mình và cũng đã cân bằng được cuộc sống của mình.
- Xin cảm ơn Phương Thảo!