Các nhà văn Công an đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp văn học nước nhà
Dự thảo Báo cáo sửa đổi điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam tại Đại hội nhiệm kỳ 2015 -2020 do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đọc cho thấy, điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam đã có nhiều sửa đổi, bổ sung. Riêng điều khoản về hội viên mở rộng hơn: “những người không thuộc quốc tịch Việt Nam có thành tích trong sự phát triển văn học Việt Nam được Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam tôn vinh làm hội viên danh dự của Hội Nhà văn Việt Nam và được hưởng quyền lợi như các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trừ quyền bầu cử và ứng cử”. Phần nhiệm vụ và quyền hạn của hội viên, bổ sung “Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam không được tham gia các tổ chức bất hợp pháp”.
Các nhà văn đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam có thái độ trước việc một số nhà văn tuyên bố ra khỏi Hội vừa qua. Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam cần làm rõ ai đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì không được tham gia các hội đoàn bất hợp pháp. Trong cơ chế thị trường, hoạt động của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cũng phải có sự thay đổi để phù hợp.
Trung tướng, nhà văn Hữu Ước chỉ ra những khó khăn của chi hội cơ sở, đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam nên quan tâm để các chi hội trực thuộc có con dấu, tài khoản, nhằm có điều kiện hoạt động tốt nhất.
Chiều cùng ngày, Chi hội Nhà văn Công an đã tiến hành Đại hội nhiệm kỳ 5 và bầu Ban chấp hành mới. Trước khi bầu cử, thay mặt Ban chấp hành Chi hội Nhà văn Công an, nhà văn Ngôn Vĩnh đánh giá: Năm năm qua, hoạt động sáng tác của Chi hội Nhà văn Công an có sự phát triển mạnh mẽ, phong phú.
Ban Chấp hành Chi hội Nhà văn Công an nhiệm kỳ 2015-2020. |
Ở mảng tiểu thuyết, các nhà văn Công an đã ghi được nhiều dấu ấn: nhà văn Lương Sĩ Cầm đã 86 tuổi, cao tuổi nhất Chi hội, nhưng bút lực vẫn đầy sung mãn. Tác phẩm “Đèn kéo quân” vừa được giải A của Bộ Quốc phòng cho thấy điều đó.
Nhà văn Bùi Anh Tấn đã xuất bản nhiều tiểu thuyết, như "Một thế giới không có đàn bà”, viết về một đề tài nhạy cảm và đã thành công với giải A do Bộ Công an - Hội Nhà văn trao.
Cuốn "Ký ức ăn mày" của nhà văn Tôn Ái Nhân hàng ngàn trang vừa được xuất bản. Ông dành tới 10 năm để viết nên cuốn sách này một cách tự nhiên và lãng mạn.
Nhà văn Trần Hữu Tòng đã gắn bó với cuộc sống của các chiến sĩ biên phòng và vừa tiếp tục ra mắt cuốn “Kỳ tích chốn non xanh” và được Trung tâm Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế trao thưởng.
Với bút lực mạnh mẽ, nhà thơ Khổng Minh Dụ có tới 5 cuốn trong 5 năm; đã được nhận Giải thưởng VHNT Nguyễn Đình Chiểu.
Sau sự kiện “Mãi mãi tuổi 20”, Đặng Vương Hưng tiếp tục là “bà đỡ” cho nhiều cuốn nhật ký, hồi ký có tiếng vang với bạn đọc. “Không thể mồ côi”, “Những lá thư thời chiến” là 2 trong hàng chục cuốn sách như thế.
Nhà văn Nguyễn Như Phong cũng tiếp tục có nhiều kịch bản phim và tiểu thuyết viết về lực lượng CAND.
Trong lĩnh vực phê bình lý luận, nhà văn Đinh Quang Tốn sau khi nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam với cuốn “Tản mạn nghiệp văn”, đã tiếp tục xuất bản “Khát vọng nghệ thuật” được đánh giá cao.
Nhà thơ Phạm Khải đã in tới 7 cuốn trong 5 năm, trong đó có cuốn “Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo” đã được Giải thưởng VHNT Thủ đô, “Quyền phản biện không của riêng ai” được giải thưởng của Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương.
Các nhà văn, nhà thơ Công an khác như: Phan Đình Minh, Bình Nguyên Trang, Thế Hùng, Hồng Thanh Quang, Hà Văn Thể, Thu Trang, Hoàng Thị Minh Khanh v.v… đều tiếp tục khẳng định mình qua các tác phẩm mới.
Thời gian qua, các nhà văn đã tham gia tích cực cuộc thi sáng tác văn học đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống do Bộ Công an tổ chức. Ban tổ chức đã chọn được gần 30 tác phẩm của hơn 100 nhà văn để xuất bản. Chi hội Nhà văn Công an tổ chức được 4 trại sáng tác với 120 nhà văn trong và ngoài lực lượng tham dự với hơn 120 tác phẩm được hoàn thành.
Tại Đại hội, các đại biểu đã bầu Ban chấp hành Chi hội Nhà văn Công an nhiệm kỳ 2015-2020, gồm 5 nhà văn: Hữu Ước, Nguyễn Hồng Thái, Ngôn Vĩnh, Phạm Khải và Bùi Anh Tấn.
Trước đó, các đại biểu cũng đã bầu 18 nhà văn đi dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 tổ chức vào tháng 7/2015.