Cấm hát nhép: Chuyện khó có hồi kết

12:08 18/07/2011
Cấm hát nhép liệu có là "điệp vụ bất khả thi", vì còn được "bảo kê" ở nhiều phía, thậm chí cả các đài truyền hình, trong những chương trình phát sóng trực tiếp.

Nóng mặt với các xì căng đan hát nhép của một vài ca sỹ thị trường bị lật tẩy thời gian qua đã khiến Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đang xem xét để có thể đưa điều khoản cấm nghệ sỹ hành nghề nếu phát hiện hát nhép vào Dự thảo Nghị định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật để chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, cấm hát nhép liệu có là "điệp vụ bất khả thi", vì còn được "bảo kê" ở nhiều phía, thậm chí cả các đài truyền hình, trong những chương trình phát sóng trực tiếp.

Đã có chế tài, nhưng quá nhẹ

Sự kiện "cá sấu chúa" Quỳnh Nga giữa một "sô" diễn ở Hà Nội, do nhảy múa quá nhiệt tình, nên micro văng ra xa, nhưng tiếng hát vẫn tiếp tục vang lên lảnh lót đã thành trò cười râm ran mãi của dư luận. Một lần nữa, công chúng dấy lên làn sóng phản ứng với hiện tượng hát nhép, vốn từ lâu đã bị xem như hành vi lừa đảo người hâm mộ.

Không chỉ Quỳnh Nga, rất nhiều ca sỹ đã và đang hát nhép. Nghị định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật được ban hành các năm trước đều "nghiêm cấm dùng các phương tiện kỹ thuật để thay thế giọng hát thật" và đưa ra mức chế tài xử phạt bằng tiền (cao nhất 6 triệu đồng) nhưng chưa hề dẹp được vấn nạn này.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam thừa nhận: "Từ trước tới nay hát nhép chưa thể bị đẩy lùi triệt để vì hình thức xử phạt còn nhẹ, không đủ mạnh khiến các ca sỹ thoải mái mỗi khi có ý định đem đĩa ghi sẵn lên sân khấu. Quan trọng hơn, hát nhép lại được một vài bầu sô chương trình và đôi khi cả người hâm mộ châm chước, bỏ qua, mà không nghiêm khắc giảm cát sê hoặc cắt hợp đồng biểu diễn"...

Chính sự dễ dãi của nhà tổ chức và khán giả vô tình tạo thêm cơ hội, hùa theo sự thiếu nghiêm túc trong nghề của một số ca sỹ. Do nội lực yếu, giọng hát còn nhiều khiếm khuyết, do muốn giữ sức nên một số ca sỹ đã dùng đĩa thu âm sẵn để trình diễn trực tiếp trên sân khấu, tận dụng kỹ thuật phòng thu nhằm lấp bớt đi thiếu hụt trong giọng hát của mình.

Thí sinh chương trình "Sao mai điểm hẹn" của VTV, dù truyền hình trực tiếp cũng không được hát nhép.

Ngược lại, các nghệ sỹ đích thực, đủ tài năng đều cương quyết nói "không" với hát nhép.

Diva Mỹ Linh, sau tai nạn hát sai lời một ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn trong Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng đã công khai xin lỗi người hâm mộ. Khi được hỏi tại sao không hát nhép tại "sô" diễn giữa không gian quảng trường, lại truyền hình trực tiếp, Mỹ Linh đã khảng khái trả lời: "Tôi không quen hát nhép. Hầu như không bao giờ tôi hát nhép, trừ những trường hợp rất, rất hy hữu. Ngay cả khi truyền hình trực tiếp, đơn vị tổ chức thường đề nghị hát nhép nhằm tránh sai sót, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, tôi cũng từ chối".    

Truyền hình cũng "bảo kê" hát nhép

Hát nhép hay lip-synch, theo thạc sỹ âm nhạc Nguyễn Bách, thực chất là "một kỹ thuật làm cho chuyển động của môi khớp với âm thanh của giọng được phát ra từ một nguồn âm khác, thường được sử dụng trong các buổi trình diễn khi sản xuất phim, video và các chương trình truyền hình".

Tuy nhiên, khi biểu diễn "sống" (live), hát nhép lại bị coi là thiếu trung thực, mặc dù trên thế giới, cũng có nhiều nghệ sỹ đẳng cấp từng hát lip-synch trong  live show. Ở Việt Nam, trong các live show có truyền hình trực tiếp, nhất là ở sân khấu ngoài trời, các Đài Truyền hình với lý do phòng ngừa sự cố, tránh rủi ro kỹ thuật đã mặc nhiên chấp nhận ca sỹ hát nhép. 

Lần này, cho dù Cục Nghệ thuật biểu diễn có kiên quyết mạnh tay xử lý hát nhép bằng giải pháp triệt để nhất: cấm hành nghề, thì trong Thông tư hướng dẫn thi hành được ban kèm sau đó, chắc chắn phải có những điều khoản chi tiết, quy định cặn kẽ cho từng trường hợp.

Bởi nếu nói cấm là cấm, nhưng khi đi vào đời sống, không được chấp hành nghiêm thì chứng tỏ, Nghị định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật một lần nữa lại bị những người làm nghệ thuật thiếu tôn trọng. Còn nếu quá máy móc, sẽ làm khó cho nhiều chương trình biểu diễn lớn, nhất là các chương trình có tính chính trị mực thước, quy mô mỗi khi được phát sóng trực tiếp tới quảng đại quần chúng.

Điều cần kíp hơn, chính công chúng, những người hâm mộ nhiệt thành và vô tư của đời sống ca nhạc, nên tỏ thái độ rõ ràng hơn, kể cả tẩy chay các ca sỹ đã vô cớ hát nhép

Khánh Bằng

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文