Cần quảng bá văn học Việt Nam một cách định hướng và tổng thể
Những nét cơ bản và giàu bản sắc của văn học Việt Nam đã được giới thiệu qua nhiều gương mặt sáng tác ở nhiều thế hệ.
Các nhà văn quốc tế đã rất thú vị khi nhà văn Nguyễn Trí Huân giới thiệu một hiện tượng đặc biệt của văn học Việt Nam. Đó là tác giả trẻ nhất của văn học Việt Nam đương đại, cũng là đại biểu trẻ nhất của hội nghị lần này: Cháu Nguyễn Bình, 14 tuổi.
Năm 9 tuổi, Nguyễn Bình đã viết bộ tiểu thuyết viễn tưởng “Cuộc chiến với hành tinh Fantom” 8 tập và được xuất bản trước sự kinh ngạc của giới phê bình và bạn đọc.
Gần đây, bố cháu (nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa) vô cùng bất ngờ khi thấy cháu viết tiểu thuyết bằng tiếng Anh “Con rắn trong đám cỏ”. Bởi bố cháu không biết tiếng Anh và cũng không biết con trai tự học tiếng Anh khi nào.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã đưa “Con rắn trong đám cỏ” cho Kevin Bowen - nhà thơ, dịch giả văn học Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm William Joiner Đại học Massachusetts (Mỹ) đọc và đối thoại với cháu.
Kevin Bowen hết sức kinh ngạc vì trình độ tiếng Anh của Nguyễn Bình và nhận xét: Có một nhà văn già dặn trong thân xác của đứa trẻ.
“Kể câu chuyện trên, chúng tôi muốn nói với các bạn, chúng tôi có một tương lai văn học đầy tiềm năng và triển vọng ở phía trước. Một thế hệ các nhà văn hoàn toàn mới, đã xuất hiện trên đất nước Việt Nam”. - nhà văn Nguyễn Trí Huân bày tỏ.
Cuộc hội thảo có mặt của bạn bè quốc tế là cơ hội cho văn học Việt Nam. |
Bằng việc phân tích những vấn đề mà văn chương Việt Nam phản ánh, các nhà văn Việt Nam đã cho bạn bè quốc tế thấy nền văn học nước ta vô cùng phong phú, đa dạng và không hề né tránh bất kỳ một đề tài nào.
Bên những ý kiến quảng bá tinh hoa văn học Việt Nam, các nhà văn quốc tế cũng đưa ra những ý kiến khách quan, nhằm giúp đưa văn học Việt Nam bước sâu hơn ra thế giới.
Igor Britov, Trưởng Ban biên tập chương trình phát thanh khu vực châu Á, Hãng thông tấn Nước Nga ngày nay chỉ ra: Sau 20 năm gián đoạn, đến 2012 mới có cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” được dịch, nhưng lại không phải là tác phẩm văn học.
Đến nay, mới có 6 cuốn sách của tác giả Việt được đưa vào kế hoạch xuất bản bằng tiếng Nga, đương nhiên, chưa thể phục hồi sự quan tâm của độc giả đến văn học Việt.
Theo Igor Britov, vấn đề cơ bản hiện nay là thiếu sự xác lập trường phái dịch thuật Việt - Nga. Giờ đây, người Nga không biết nhiều về Việt Nam như trước. Vì thế, cần quảng bá văn hóa Việt Nam một cách định hướng và tổng thể.
Bên lề hội nghị, nhà thơ Nguyễn Bá Chung, đồng dịch giả tiểu thuyết “Thời xa vắng” (Lê Lựu), cùng nhiều tuyển tập thơ Việt Nam ở Mỹ, đã chia sẻ kinh nghiệm với PV Báo CAND: Độc giả Mỹ quan tâm đến văn học Việt Nam vì họ không hiểu tại sao Việt Nam lại thắng Mỹ, một nước có sức mạnh to lớn về quân sự. Vì thế, nhiều người muốn tìm hiểu và văn học Việt Nam đã cho họ biết thêm những giá trị khác về con người, bởi những tác phẩm đó mang tính chân thật nên có sức truyền cảm trực tiếp và mạnh mẽ.