Kỷ niệm 50 năm Ngày Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi hi sinh (15/10/1964 – 15/10/2014):

Chuyện ít biết về anh Trỗi và chị Quyên

09:00 12/10/2014
Thấm thoắt đã 50 năm kể từ ngày Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh (15/10/1964). Đúng 1 năm sau ngày anh Trỗi ra trường bắn, vinh dự cho ngôi trường của chúng tôi trở thành mái trường đầu tiên trên miền Bắc XHCN được được mang tên Nguyễn Văn Trỗi, chúng tôi thường được gọi thân mật là “Học sinh trường Trỗi”. Vì căn duyên đó mà nửa thế kỉ qua, thầy trò Trường Văn hóa quân đội – Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi luôn giữ mối thân tình với chị Phan Thị Quyên, vợ anh Trỗi…

Kỷ niệm thiêng liêng được gặp Bác Hồ

Sau ngày 15/10/1964, báo chí ở miền Bắc đưa tin: Cuộc thương lượng trao đổi chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Trỗi lấy con tin Micheal Smolen, trung tá không quân Mỹ, vừa bị du kích quân Caracat (Venezuela) bắt giữ, đã không thành. Chính quyền Sài Gòn đưa anh Trỗi ra pháp trường. Sự hi sinh của anh Trỗi đã gây xúc động mạnh không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, nhất là với những người yêu chuộng hòa bình, luôn ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Sang năm 1965, chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ra miền Bắc ngày càng ác liệt. Nhiều cơ quan, trường học ở thành phố lớn phải sơ tán về nông thôn. Cả miền Bắc bước vào thời kì chiến tranh, cha mẹ chúng tôi người ra chiến trường, người bám trụ tại nơi công tác. Vì thế việc chăm lo hậu phương các gia đình liệt sĩ, gia đình cán bộ, sĩ quan ra mặt trận cũng là nhiệm vụ quan trọng.

Chúng tôi được gọi lên Trường Văn hóa quân đội, đóng ở Hiệp Hòa, Hà Bắc. Mới đầu, doanh trại nằm dưới đường bay của giặc Mỹ tới bắn phá quốc lộ 1A, sân bay Kép, Nhà máy Phân đạm Hà Bắc… Nhà trường được lệnh bí mật hành quân lên xã An Mỹ (Đại Từ, Bắc Thái). Ngày 15/10/1965, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập trường mang tên Nguyễn Văn Trỗi. 

Trong lớp, tôi thân thiết với các bạn Tất Thắng và Toàn Thịnh (con bác Lê Toàn Thư, Phó trưởng Ban Thống nhất Trung ương) nên được nghe kể nhiều về anh Trỗi, chị Quyên. Chúng tôi được biết, mùa hè năm 1969, chị Phan Thị Quyên cùng chị Nguyễn Thị Châu (vợ tử tù Lê Hồng Tư) được tổ chức đón ra Bắc. Ngày 13/5/1969, chị Quyên cùng chị Châu, chị Tư Thảo, chị Mười Mẫn và cô Ba Thanh Loan được tổ chức đón từ R (Tây Ninh) sang Phnômpênh để bay ra Bắc. 

Sáng 19/5, chị Quyên và chị Châu được đưa đến nhà chú Lê Toàn Thư rồi xe đưa 2 chị vào Phủ Chủ tịch. Chú Vũ Kỳ, thư kí riêng của Bác, dặn: “Hôm nay là sinh nhật Bác. Biết các cháu mới từ trong Nam ra nên Bác mời vào thăm. Nhưng các cháu không được khóc khi gặp Bác. Nếu khóc sẽ làm Bác xúc động, không có lợi cho sức khỏe vì Bác dạo này yếu nhiều”…

Sau này, tôi được nghe chính chị Quyên kể lại: “Chị có may mắn 3 lần được gặp Bác Hồ. Lần đầu, ngồi ở một phòng khách nhỏ ven ao cá, tụi chị thấy Bác đi bộ từ phía nhà sàn. Định chạy ra đón Bác nhưng chú Vũ Kỳ nhắc phải chờ Bác đến phòng mới ra chào Bác… Được ngồi bên Bác, các chị có cảm giác thân thiết như cha con lâu ngày đi xa mới gặp lại. Bác hỏi thăm đi đường thế nào, ra Bắc nóng quá có ngủ được không; tình hình trong Nam, ở R có thiếu thốn không; cha mẹ, gia đình ra sao… Ở bên Bác thấy tràn trề  hạnh phúc, chị nhớ anh Trỗi có lần tâm sự với chị mơ ước có ngày ra Hà Nội thăm Bác… Vậy mà lần này chỉ có mình chị. Trò chuyện một lúc, Bác nói: “Đến bữa trưa rồi, 2 cháu ở lại ăn cơm với Bác”. Bữa cơm hôm đó có cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng và chú Vũ Kỳ. Hai chị được ưu tiên ngồi sát bên Bác. Bữa cơm có thịt gà kho, cà muối và rau muống luộc cùng bát nước rau đánh dấm sấu. Bữa cơm thanh đạm nhưng ngon miệng làm sao”.

Đám cưới anh Trỗi và chị Quyên ngày 10/3 âm lịch năm 1964. Đúng 6 tháng sau, 10/9 âm lịch, anh Trỗi bị Tòa án quân sự Sài Gòn hành quyết tại trường bắn Chí Hòa.

Nơi yên nghỉ của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi

Trò chuyện với chị Quyên, ai cũng nghĩ chị là người Nam vì giọng nói đặc sệt Nam Bộ. Nhưng quê nội chị ở thôn Văn Giáp (xã Bạch Đằng, huyện Thường Tín, Hà Đông cũ, nay thuộc Hà Nội). Từ năm 1917, dân Văn Giáp đã phiêu bạt tứ xứ, nhiều người vào Nam Bộ kiếm sống. Năm 1937, bố mẹ chị Quyên cũng vô Nam. Lúc đầu họ tá túc ở đồn điền Chúp (tỉnh Côngpôngchàm, Campuchia); cụ ông làm nghề cắt tóc, cụ bà bán hàng xén. Chị Quyên sinh năm 1944. Vì tham gia hoạt động yêu nước nên cụ ông bị lùng bắt, phải trốn về Sài Gòn năm 1956.

Từ năm 1951, có đến nửa thôn Văn Giáp vào mưu sinh ở Sài Gòn. Họ cùng nhau mua mảnh đất gần ngã tư Phú Nhuận, xây ngôi chùa lấy tên Pháp Vân - thờ 2 bà Pháp Vân, Pháp Lôi đều là dân làng Văn Giáp. Tới năm 1960, thấy cần có đất lo hậu sự, bà con lại góp tiền mua mảnh đất 10 công ở Giồng Ông Tố, xây dựng nghĩa trang mang tên Văn Giáp.

Về Sài Gòn, gia đình chị Quyên sống ở 104 Lê Quốc Hưng (nay thuộc phường 12, quận 4). Tròn tuổi 16, chị đi làm cho Hãng bông Bạch Tuyết. Tới năm 1963, gặp anh Trỗi, 2 người yêu nhau và đám cưới được tổ chức vào ngày 21/4/1964 (ngày 10 tháng 3 âm lịch). Sống với anh mà chị không hề biết anh là chiến sĩ biệt động. Đến khi anh bị bắt rồi chị bị giam cùng khám với các chị Trương Mỹ Hoa, Nguyễn Thị Châu thì chị mới hay: “Anh Trỗi đi làm cách mạng”. Đúng 6 tháng sau khi anh chị làm đám cưới, ngày 15/10/1964 (10/9 âm), anh Trỗi bị Tòa án quân sự Sài Gòn hành quyết.

Chị Quyên kể: “Sáng đó, chị vào thăm nuôi thì bị giám thị từ chối nhưng không cho biết chúng đã xử bắn anh ngay trường bắn Chí Hòa. Sau khi bắn anh, chúng đưa xác về nghĩa trang quân sự ở Gò Vấp. Nhưng vì anh là “Việt Cộng”, chúng lại đưa về Nghĩa trang Đô Thành (nay là Công viên Lê Thị Riêng)”. Cả ngày 15/10, chị chạy đôn đáo khắp nơi mà không tìm được nơi anh tạm an nghỉ. Hôm sau đọc báo mới hay anh được chôn ở Nghĩa trang Đô Thành. Đến nơi thấy có đến 3 ngôi mộ mới đắp. Sớm 17/10 mới tìm thấy mộ anh nhờ tục “mở cửa mả”; 2 ngôi mộ kia đã được “mở”. Gia đình đã chọn chùa Pháp Vân để cầu siêu cho anh. Sau đó chị phải đưa ba anh về quê ở miền Trung nên bà con, cô bác đồng hương Văn Giáp đã cầu siêu cho anh suốt 7 tuần chay. Đến năm 1967 thì gia đình di dời hài cốt anh về Nghĩa trang Văn Giáp”… 

Thầy và trò Trường Văn hóa quân đội – Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi trong một lần thăm mộ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi (Chị Phan Thị Quyên đứng thứ 2 hàng trước, bên trái sang; tác giả thứ 4 từ phải sang).

Sau ngày thống nhất đất nước, số phận đưa đẩy nhiều anh em “trường Trỗi” chúng tôi vào Nam, nhiều người công tác, sinh sống ở TP Hồ Chí Minh. Cứ đến ngày giỗ anh Trỗi hoặc kỉ niệm thành lập trường Nguyễn Văn Trỗi, chúng tôi thường cùng chị Quyên ra Nghĩa trang Văn Giáp thắp hương cho anh. 

Mới đây, chúng tôi được chị Quyên kể lại câu chuyện cảm động: “Vài năm, trước khi chú Sáu Dân (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) mất, chú có hỏi thăm chị về mộ phần anh Trỗi. Biết anh đang an nghỉ ở Nghĩa trang Văn Giáp, chú nói: “Hay là đưa Trỗi về phần đất của tổ chức dành cho chú ở Nghĩa trang thành phố?”. Chị cảm ơn và báo cáo: “Thành phố cũng đã dành cho ảnh chỗ trên Nghĩa trang liệt sĩ, phòng khi Nghĩa trang Văn Giáp phải di dời do quy hoạch đô thị”. Nghe chị nói thế, chú Sáu Dân mới yên tâm”

Trần Kiến Quốc

Thi công "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", phấn đấu thông xe vào dịp 30/4/2025 kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Đây là những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây để dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Những ngày này, trên công trường, các đơn vị thi công cũng đang chạy nước rút để dự án sớm hoàn thành. Hình hài một cao tốc huyết mạch "băng núi", "xuyên rừng" đang dần hiện rõ, mở ra không gian phát triển rộng lớn.

Canada hiện đang xem xét khả năng áp thuế trả đũa đối với một số mặt hàng nhất định từ Mỹ nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump thực hiện lời đe dọa áp thuế toàn diện đối với các sản phẩm của Canada.

Thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham những, kinh tế là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng trong điều tra, xử lý vụ án. Việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn góp phần chống lãng phí, tạo thêm những nguồn lực to lớn giúp đất nước vươn mình vào kỷ nguyên mới.

Ngày 27/11, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, qua công tác nghiệp vụ cơ bản, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng và trinh sát trên không gian mạng, Cục Cảnh sát hình sự và Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc bằng hình thức thầu số lô, đề, cá độ bóng đá quy mô rất lớn với số tiền 240 tỷ đồng (trung bình mỗi ngày khoảng gần 3 tỷ đồng) tại địa bàn TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố do đối tượng Cao Quốc Điều (SN 1989), trú tại huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh cầm đầu tổ chức.

Ngày 27/11, Đại hội Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) nhiệm kỳ II (2024 – 2029) đã thành công tốt đẹp. Các đại biểu đã thống nhất bầu Ban Chấp hành mới, trong đó Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Truyền thông CAND là Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành Hiệp hội. Nhân dịp này, Báo CAND đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong về vai trò mới này.

Liên quan đến vụ nghi ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, chiều 27/11, UBND TP Vũng Tàu cho biết, bước đầu đã xác định có hơn 100 trường hợp nhập viện điều trị tại Bệnh viện Vũng Tàu, Trung tâm Y tế Vietsovpetro. Ngoài ra, không loại trừ khả năng còn có một số trường hợp đến các phòng khám tư để điều trị, hoặc bị ảnh hưởng nhẹ tự theo dõi tại nhà không thống kê được.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文