Chuyện người họa sĩ mù nhìn thấy bằng não bộ
Các nhà phê bình nghệ thuật có những nhận xét khác nhau về tranh ông. Người thì cho rằng những bức vẽ của ông có nét đẹp và ngây thơ kiểu trẻ em. Kẻ khác lại nói tranh của ông là "ngôn ngữ mới trong nghệ thuật". Còn một vị giáo sư y học thì cho rằng, trong hàng nhiều trăm triệu người mới có một hiện tượng kiểu này.
1. Ngay từ khi lên sáu, Esref Armagan đã yêu thích môn vẽ. Với niềm đam mê và ý chí quyết vượt "đêm đen" ngự trị suốt đời mình, ông đã vẽ được những bức tranh về những vật mà ông không bao giờ nhìn thấy. Được bố mẹ động viên khích lệ, ông dần dà thực hiện được ý nguyện. Lúc đầu ông phải loay hoay tới 2 - 3 tháng mới vẽ được một bức tranh. Hiện nay thì ông hoàn thành việc đó chỉ 3 - 4 ngày, vì đã "tìm ra được phương pháp mới" - như ông thường cởi mở với mọi người.
Vinh quang đến với Esref Armagan khi chương trình "Discovery" của Truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ đã làm một bộ phim về ông. Rất nhiều nhà báo, nhà làm phim thường xuyên lui tới với ông. Còn các trường đại học nổi tiếng trên thế giới thì tranh nhau mời ông. Tất cả đều muốn "làm cho ra vấn đề" về nguyên nhân của phép mầu đó. Mấy năm trước đây, người họa sĩ mù này đã đồng ý cho các giáo sư của Trường Đại học Tổng hợp Harvard soi chiếu não bộ của ông để nghiên cứu. Kết luận của các nhà bác học thật rất bất ngờ.
Ông Esref Armagan giải thích: "Vấn đề là ở chỗ tại não bộ có một vùng đặc biệt. Ở những người nhìn thấy thì vùng này đóng vai trò thị giác. Còn nếu người bị mù thì não bộ bổ sung cho nó khi làm gia tăng nơron (tế bào) thần kinh. Hộp sọ của tôi đã được soi chiếu trong 7 giờ liền và họ giải thích: Cái vùng đó ở não bộ tôi phát triển rất mạnh, thậm chí là không bình thường. Nó như là đột biến. Chính vì thế mà tôi nhìn thấy những vật mà trong thực tế tôi đã không bao giờ thấy chúng. Não bộ của tôi như là đôi mắt của tôi. Tôi có thể sờ mó tốt bất kỳ một vật gì và hình dung ra nó trong đầu mình".
Họa sĩ mù Esref Armagan và những bức tranh của ông. |
Niềm tự hào đặc biệt của người họa sĩ mù này là đã vẽ được một chiếc máy bay lên thẳng. Một hôm, người ta đã tạo điều kiện giúp ông "sờ mó được toàn bộ chiếc máy bay" này tại sân bay. Ông về nhà hồi tưởng lại cho "hình ảnh đó ăn sâu vào đầu óc mình, trong trí nhớ của mình". Rồi sau hai ngày đêm thì tác phẩm của ông được hoàn thành.
2. Ông kể lại "chuyện đời lâu năm học vẽ" của mình với giới báo chí: "Tôi đã cố gắng học vẽ từ năm lên sáu. Nhưng bố mẹ tôi lúc đầu lại cho rằng đó là ý ngông của đứa trẻ bị mù bẩm sinh. Năm 12 tuổi, tôi đã vẽ được một con bướm khiến bố mẹ tôi rất ngạc nhiên. Họ hỏi rằng ai đã giải thích cho tôi về hình dạng con bướm này. Tôi thưa là không ai cả. Chỉ đơn giản là tôi "nhìn thấy" được nó như vậy. Rồi sau đó tôi còn vẽ được một chú mèo. Rồi một con bò nữa. Bố mẹ tôi không ngớt ngạc nhiên".
Thật lạ là não bộ của ông rất hiếm khi làm cho ông thấy được con người. Nhiều hơn cả là "thấy được" hoa, biển, rừng có tuyết và những con vật khác nhau. Thỉnh thoảng ông "nhìn thấy" những sinh vật hoang đường bí ẩn như con quái vật có hàm răng to nhọn mà cho là nó sống ở hồ Vane nào đó, hay con cá heo đang chơi... đàn vĩ cầm!
Giáo sư John Kennedy của Trường Đại học Toronto (Canada) cho rằng đây là một trường hợp độc nhất vô nhị. "Ông ấy - giáo sư nói - là một trường hợp rất đặc biệt trong nhiều trăm triệu người. Trong đời hành nghề của tôi cũng có gặp một vài trường hợp người bị mù từ tuổi 10 - 15 cũng có thể vẽ được. Tuy nhiên, con người trong suốt đời mình không nhìn thấy được vật mà lại vẽ được nó thì đó quả là một phép mầu". Một số nhà khoa học nhất trí khẳng định rằng não bộ của ông Esref Armagan có một khối u và hình như nó đã cho một kết quả thật là khác thường khi tác động bắt buộc lên các phần trán.
Có người hỏi Esref Armagan về các màu sắc nhốn nháo trong tranh ông. Ông cho rằng, bất kỳ màu nào với ông cũng là một "thanh âm" trống rỗng: Ông không biết phân biệt màu xanh lục với màu đỏ. Ông chỉ đơn giản hiểu được rằng biển màu xanh lam. Khi vẽ, ông nói với người giúp việc: "Đưa cho tôi thuốc vẽ xanh lam". Thật lạ là Esref Armagan vẽ biển lên vải toan trong khi không nhìn thấy biển cũng như cả vải toan. Cũng tương tự như vậy khi ông vẽ các con vật. Não bộ của ông đã cho phép ông không những nhận rõ được con mèo, mà còn đưa được hình ảnh xác thực của nó vào tranh.
Ông sờ vào hiện vật rồi vẽ ra nó vì đã "nhìn thấy" được nó trong đầu của mình. |
Nói chuyện với mọi người về khả năng đặc biệt hiếm có của mình, họa sĩ mù Esref Armagan thường khẳng định: "Tôi có thể sờ mó thế giới bằng bàn tay của mình".
- Thế ông có nhìn thấy được mặt người nếu ông đụng chạm tới họ?
Trả lời: "Không. Về việc này không hiểu vì sao đó mà tôi không làm được".
- Thế ông thấy thế giới như thế nào?
Trả lời: "Anh hãy nhắm mắt lại và hãy tưởng tượng ra cái mà anh đã không nhìn thấy. Ví như sinh vật từ Sao Hỏa chẳng hạn. Lúc đó thì anh sẽ không khó lắm để hiểu tôi nhận biết thế giới qua sự hình dung tưởng tượng của mình. Tôi chỉ đơn giản là một con người có thể đụng chạm tới những bí mật của tri giác..., sờ mó chúng bằng tay mình”.
Trước nhiều người tới hỏi chuyện, người họa sĩ mù Esref đã tự làm một "thao tác tay nghề" của mình cho họ chiêm ngưỡng. Trên bàn của họa sĩ có một vật kỉ niệm, đó là một bản sao nhỏ ngôi đền Xôphia linh thiêng mà năm 1453 Quốc vương Hồi giáo Mekhmed II đã xây dựng lại thành một thánh đường. Ông sờ vào mái vòm tròn của tòa nhà giây lát, rồi sau vài nét vẽ bằng bút chì trên tờ giấy đã hiện ra nóc của thánh đường Hồi giáo. Esref Armagan cho rằng, nếu dạy cho những người mù khi phát triển "vùng thấy được" của não bộ họ thì họ sẽ "nhìn thấy". Ông nói: "Mọi cái đều có thể làm được. Lúc đầu tôi mệt mỏi đến dễ sợ, khi vẽ một bức tranh, các ngón tay tôi rung lên. Nhưng nay thì tôi làm việc đó dễ dàng rồi".
3. Thật lạ ở chỗ là Armagan không cảm thấy xót xa vì sinh ra đã bị mù. Ông nói: "Nếu không bị mù thì tôi chỉ là người bình thường rồi. Bị mù thật đau đớn nặng nề nếu khi trước đó anh đã nhìn thấy được thế giới - và lúc đó anh sẽ biết cái gì đó để mất. Vợ tôi cũng bị mù, nhưng mù vào lúc 16 tuổi. Cô ấy bị nặng nề, xót xa hơn. Vì thế tôi không biết gì khác ngoài bóng tối và những hình rực sáng trong não bộ". Cuộc hôn nhân đầu tiên ông có hai người con trai mắt rất sáng nhưng không cuốn hút nghề vẽ.
Trước đây, Esref Armagan thật khổ tâm do bị người ta nghi ngờ là "mù bịp". Ông kể lại: "Người ta thậm chí đã không muốn xem xét có đúng như vậy không. Họ chỉ cho rằng "không thể như vậy được, mù thì sao lại vẽ được tranh?". Họ còn không đếm xỉa đến việc các giáo sư đầu ngành đã nghiên cứu về tôi và đã khẳng định là tôi bị mù; còn Trường Đại học Harvard thì đã xuất bản một cuốn sách về nghiên cứu hiện tượng đặc biệt của tôi. Nay thì đã khác, tôi không còn bị xúc phạm nữa. Người ta nói tôi là tên bịp? Đang có những cuộc tranh cãi? Thật tuyệt, vì đó chỉ là quảng cáo cho tranh của tôi thôi mà...".
Người ta hỏi đùa ông: "Thế ông có nhìn thấy những nắp cống trên mặt đường đi không?". Ông cười rồi trả lời: "Thật tiếc là không, do vậy mà tôi cần người dẫn đường". Hỏi: "Ông không thể sờ mó bằng tay cả một thành phố - như Istanbul chẳng hạn. Cái vùng "thấy được" ở não bộ của ông có hình dung ra được một thành phố hiện đại không?". Ông nói: "Nó bùng lên những sắc màu khi thì ảm đạm, khi thì tươi sáng. Nó say đắm, mê mẩn. Nó xối xả như thác nước, rồi lại biến thành bóng đen. Có lẽ thành phố nào cũng như thế. Có thể là một lúc nào đó tôi sẽ vẽ nó như tôi "nhìn thấy" nó. Đối với tôi, bức tranh là một vật thể sống, nó biết hít thở...".
Hiện nay, họa sĩ mù Esref Armagan vẫn đam mê, miệt mài nghề vẽ. Ông luôn hy vọng rằng cảm hứng của ông không bao giờ mất đi. "Có lúc tôi thức giấc với nỗi khiếp sợ rằng những giấc mơ của mình sẽ biến mất - Ông nói với những người tới thăm hỏi ông - Tôi sợ sẽ không "nhìn thấy" được những thế giới của mình, sẽ không còn có thể chấm được những ngón tay mình vào mực vẽ. Tôi sợ bị mù lần thứ hai, nhưng lại mù ở não bộ của mình. Tôi sẽ sống thế nào khi không có hoa, bướm, mèo và cá heo? Nhưng rồi tôi tỉnh lại. Tôi còn nhiều việc cần làm. Bạn hãy nhớ cho là tôi cần phải vẽ cả một thành phố cơ mà!...".
4. Cho tới nay, trên thế giới cũng có một số ít người bị mù trở thành họa sĩ. Nhưng đó là mù do bị tai nạn. Đáng kể nhất là nữ họa sĩ mù người Mỹ Lisa Fittipaldi. Năm 1993, do một căn bệnh hiểm nghèo, bà đã bị mất hầu như hoàn toàn thị lực từ đó. Không cam chịu số phận, hai năm sau, bà đã bắt đầu vẽ tranh về những cảnh vật mà bà đã ghi lại trong ký ức mình từ trước.
Tranh "Vũ điệu Flamenco" của nữ họa sĩ mù Lisa Fittipaldi. |
Trong đầu bà luôn tái hiện ra những sắc màu tươi tắn của người, chim muông và cảnh vật. Nét cọ của bà đã thể hiện được những sự vật đó rất sinh động và có hồn. Tranh của bà đã được trưng bày trong một số bảo tàng và phòng triển lãm trên thế giới. Những bức tranh đó thể hiện tâm hồn trong sáng và thánh thiện của một nghệ sĩ quyết sống có ích cho đời. Ngoài ra, bà còn viết sách rồi sáng lập một tổ chức từ thiện để trợ giúp người mù.
Tuy nhiên, hiện tượng Esref Armagan cho tới nay vẫn là "độc nhất vô nhị" trên đời này như các nhà hoa học đã khẳng định.
Trong một buổi tiếp khách, Esref Armagan đã thỏa mãn đề xuất của người đối thoại là sẽ vẽ một cái gì đó. Trên bàn ông có một vỏ sò biển. Ông cầm nó, dùng tay vân vê, xoa xoa nó rồi dùng bút chì vẽ nhanh nó ra giấy. Khá giống với vật thể đó trên bàn ông. Ông không dùng bút vẽ khi vẽ tranh phức tạp. Ông giải thích rằng, nếu dùng bút vẽ thì ông không cảm thấy được hình vẽ. Nhúng các ngón tay vào mực vẽ và chuyển dịch chúng theo tấm vải vẽ khi dùng cả hai tay vào việc đó. "Tôi với bức tranh như là một khối thống nhất, tôi cảm thấy nó như là một vật sống" - ông nói. |