Chuyện sau 10 năm xã hội hóa sân khấu

14:30 07/04/2008
Trong khi nhiều rạp sân khấu quốc doanh hoạt động không hiệu quả, đơn vị chủ quản phải cho thuê lấy doanh thu hoặc liên tục phàn nàn rạp xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu khán giả thì hàng loạt đơn vị sân khấu xã hội hóa làm ăn có lãi vẫn tiếp tục kêu không có đất để an cư lạc nghiệp, không dám đầu tư, nghệ sĩ thiếu cơ sở vật chất phục vụ sáng tạo nghệ thuật…

Nhiều ý kiến cho rằng nên có sự liên kết hợp tác đầu tư tìm hướng phát triển chung. Tuy nhiên, giải pháp này lại dường như ít được đơn vị nào đề cập.

Cái khó bó cái khôn?

Tâm sự quanh chuyện nghề, mới đây, đạo diễn trẻ Đức Thịnh cho rằng không thể nói sự nghèo nàn về cơ sở vật chất cho sân khấu hiện nay không hạn chế sự thăng hoa trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ.

Có khi muốn tạo hiệu quả nghệ thuật cho vở diễn, anh nảy ý tưởng để nhân vật trong bối cảnh của một chiếc xe buýt nhưng điều kiện sân khấu không cho phép. Thế nên, từ chiếc xe buýt, anh phải chuyển thành chiếc xe lăn…

Hay với ngay "Cánh đồng gió", vở diễn được đánh giá cao trong thời gian qua, nhiều khán giả phàn nàn rằng cảnh cuối vở diễn biểu đạt cảnh của cả một cánh đồng diều mà chỉ có ba cánh diều loe ngoe. Bản thân Đức Thịnh cũng muốn đưa cả 10 hay 15 con diều lên sân khấu cho ra dáng cánh đồng diều lắm chứ, nhưng điều kiện sân khấu chỉ có chừng ấy, làm sao đưa lên?

Không phải đạo diễn trẻ hôm nay thiếu ý tưởng sáng tạo mà là sợ sáng tạo rồi không thực hiện được. Cứ thế, một lần rồi nhiều lần, lâu ngày thành ra áp lực, cản trở sự ra đời những ý tưởng sáng tạo táo bạo… Người ta cứ bảo cái khó ló cái khôn nhưng không phải cái khôn của nghệ sĩ cứ ló mãi được.

Cũng nhân nói về cái sự khó của sân khấu nước ta hiện nay, nhiều nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh còn truyền tai nhau một giai thoại cười như mếu. Chuyện rằng đạo diễn Thành Lộc và Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, Lê Duy Hạnh được dịp sang Singapore tận mắt chứng kiến các đồng nghiệp nước ngoài biểu diễn trên sân khấu hoành tráng Sydney của Australia. Sau khi hết kinh ngạc đến thán phục, hai nghệ sĩ của nước ta lại ngậm ngùi: thế này thì về bỏ nghề đi thôi…

Có khá nhiều nghệ sĩ cũng từng tuyên bố thẳng thừng, nếu so về mặt tài năng thì nghệ sĩ sân khấu nước ta không thua nghệ sĩ nước ngoài, nhưng so về cơ sở vật chất thì đúng là một trời một vực…

Liên kết hợp tác, tại sao không?

Thiếu đất an cư để lạc nghiệp, bà bầu Hồng Vân của sân khấu kịch Phú Nhuận cũng than thở rằng không dám mạo hiểm đầu tư lớn cho các vở diễn khi ngay cả chỗ tập luyện cho diễn viên còn quá thiếu, đặc biệt kẹt vào mùa vụ Tết.

Sân khấu của Trung tâm văn hóa Phú Nhuận phải chia sẻ cho 5, 7 mối khác nhau, nào biểu diễn phục vụ tuyên truyền, câu lạc bộ guitare… lấy đâu ra địa điểm để tập luyện cho chu đáo. Thiếu đất dụng võ, chị thử ngó sang nhiều rạp ít sáng đèn mỗi đêm hoặc không hoạt động, chỉ để cho thuê song hỏi ra thì đều đã có chủ. Đó đều là các đơn vị sân khấu quốc doanh: rạp Kim Châu thuộc Đoàn Bông Sen… Hồng Vân cũng đề nghị, với những rạp quốc doanh chưa có hoạt động hoặc đang cho thuê ấy, tại sao Nhà nước không đầu tư xây dựng cho sân khấu tư nhân thuê hay bằng một phương thức nào đó để tổ chức hoạt động đôi bên cùng có lợi. Nhà nước có doanh thu mà sân khấu tư nhân cũng có cơ sở để mạnh dạn đầu tư cho nghệ thuật(?).

Về thực trạng "người ăn không hết, kẻ lần không ra" của sân khấu TP Hồ Chí Minh lâu nay, đồng chí Tăng Cẩm Vinh, Phó trưởng Ban Văn hóa xã hội, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận: Sau 2 năm thực hiện giám sát thực hiện xã hội hóa tại nhiều đơn vị của thành phố, đoàn giám sát cũng nhận thấy khá nhiều đơn vị hoạt động chưa hiệu quả, chỉ để mặt bằng cho thuê. Thậm chí có đơn vị còn ký hợp đồng cho thuê cả 20 năm…

Tất cả những vấn đề này, Đoàn giám sát sẽ có buổi làm việc trực tiếp với Sở Văn hóa - Thông tin thành phố. Tuy nhiên, các đơn vị sân khấu xã hội hóa cũng phải chủ động hơn, nắm rõ luật hơn, mở rộng quan hệ, tìm hiểu bên Sở Tài nguyên - Môi trường xem còn diện tích đất nào phù hợp để đầu tư hay không. Tại sao các đơn vị sân khấu không tự vận động, liên kết hợp tác cùng có lợi?

Đồng ý kiến với ông Tăng Cẩm Vinh nhưng vì ngại va chạm nên chỉ phát biểu theo kiểu rỉ tai sau lưng, không ít người trong giới nghệ thuật còn cho rằng, sở dĩ sân khấu nước nhà còn tình trạng này vì các đơn vị vẫn mạnh ai nấy làm, ai cũng đặt cái tôi của mình trên hết, ít chịu ngồi lại bàn bạc liên kết, chưa thực sự quyết tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, ít chịu tìm hiểu luật và đặc biệt là vẫn còn tâm lý trông chờ vào đầu tư của Nhà nước…

N.Hoa

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文