Con mắt cửa, điểm nhấn của những ngôi nhà cổ Hội An: "Linh thần" trong đô thị cổ

14:10 17/10/2007
Con mắt cửa Hội An được xem như là linh hồn của ngôi nhà cổ, 2 linh thần để giữ cửa và trừ tà; nó đã làm cho những ngôi nhà cổ nơi đây vừa huyền bí, ấn tượng lại vừa có cảm giác như gần gũi, quyến luyến lạ lùng... Chính những "đôi mắt cửa" linh thiêng và độc đáo này đã chứng kiến những đổi thay, thăng trầm của cuộc sống người dân phố Hội.

Không chỉ là một phần trong trang trí kiến trúc của những ngôi nhà cổ Hội An, mang một dấu ấn rất riêng, truyền tải ý niệm đời sống tâm linh và niềm tin của con người phố Hội, "đôi mắt cửa" còn là một biểu tượng văn hóa du lịch đặc sắc, tạo ấn tượng khó phai trong lòng du khách mỗi lần ghé thăm Hội An...

"Linh thần" phố Hội

Ông Võ Đăng Phong, kiến trúc sư, chuyên viên của Ban Quản lý và bảo tồn di tích Hội An cho biết: Có rất nhiều loại mắt cửa với các kiểu chạm khắc khác nhau, được trang trí bằng lụa đỏ (điều) treo rủ trên các ngôi nhà cổ ở Hội An. Con mắt cửa đường kính khoảng 20cm, dày 8 đến 10cm, được làm từ gỗ tròn, đặt trên các khung cửa chính thành từng cặp đối xứng ở hai bên phải trái. Đa số các mắt cửa đều được chạm khắc tinh xảo hình âm dương lưỡng cực của phương Đông (vạch bát quái biểu hiện triết lý âm dương). Họa tiết trang trí bên ngoài có thể đơn giản là một hình bát giác, cầu kỳ hơn là tám cánh hoa cúc.

Có những đôi mắt cửa được chạm hình vuông hay hình chữ Thọ, hoặc hình 5 con dơi tượng trưng cho "ngũ phúc lâm môn" (theo quan niệm Trung Hoa: Trong tiếng Hán, chữ "dơi" phát âm giống chữ "Phúc". Người Trung Hoa quan niệm hạnh phúc trọn vẹn phải là hạnh phúc được tạo thành từ "ngũ tứ" của loài dơi (Trường sinh thọ, Phong phú lộc, Kiện khang minh, Du bảo đức, Khảo chung mệnh).

Một số con mắt cửa được chạm khắc đẹp, cầu kỳ và rất ấn tượng như: Mắt cửa có hình đôi rồng chầu mặt trời và đôi giao long chầu mặt trăng tại Hội quán Phúc Kiến; Mắt cửa có hình mặt hổ phù tại miếu Quan Công...

Theo những bậc cao niên thì: "Con mắt cửa Hội An được xem như là linh hồn của ngôi nhà cổ, 2 linh thần để giữ cửa và trừ tà. Người phố cổ thường có tập tục thắp hương thờ cúng 2 linh thần này, đồng thời cứ đến dịp năm mới, chủ nhà sẽ hạ tấm vải điều của 2 mắt cửa xuống giặt hoặc thay mới để thay đổi thần sắc, sinh khí cho ngôi nhà. Còn đối với du khách trong và ngoài nước thì "con mắt cửa" đã làm cho những ngôi nhà cổ ở Hội An vừa huyền bí, ấn tượng lại vừa có cảm giác như gần gũi, quyến luyến lạ lùng...

Hỏi về nguồn gốc của những đôi mắt cửa này, kiến trúc sư Đăng Phong cho biết: "Cho đến nay, hầu như chưa có công trình khảo cứu nào khẳng định ý nghĩa của mắt cửa trong đời sống văn hoá phi vật thể của vùng đất này. Cũng như chưa một nhà khoa học nào am hiểu về kiến trúc các dân tộc Chăm, Hoa, Nhật, Việt vốn từng sinh sống, dựng phố, lập phường trên đất Hội An khẳng định đó là sản phẩm tiếp biến từ tập quán, kiến trúc của một trong những dân tộc này"...

Theo giải thích dân gian thì cho rằng: Hội An trước đây là một thương cảng, nơi tập trung các thuyền buôn, ngư dân, thương nhân sinh sống và buôn bán. Từ việc tin ở tác dụng của những đôi mắt thuyền đã dẫn lối đưa đường cho những con thuyền vượt qua phong ba, bão táp hiểm nguy để đến được những bến bờ an toàn cho nên họ cũng đã vẽ mắt cho những ngôi nhà của mình để bảo vệ ngôi nhà tránh những tai ương, rủi ro...

Cứ thế lâu dần nó đã trở thành tập quán ở đây, ấy là làm cửa nhà phải có mắt. Từ vẽ, họ biến thể làm bằng gỗ cho phù hợp với cánh cửa và cũng bền đẹp hơn với thời gian... Còn cư dân gốc Hoa sinh sống tại phố cổ thì bảo: đuôi mắt cửa có tác dụng như một cái bản lề, được kéo xuyên qua xà ngang giúp cho cánh cửa có thể đóng mở dễ dàng. Đây là biến thể từ tay nắm cửa của dân tộc Hoa xưa, được du nhập từ Trung Quốc khi các thương nhân của họ sang đây giao thương, buôn bán...

Cần bảo tồn nét văn hóa đặc sắc

Dẫu cho dù xuất phát nguồn từ đâu, những đôi mắt cửa hiển linh bao đời như linh hồn của phố Hội. Tồn tại theo thời gian cùng với sự sống của những ngôi nhà cổ là yếu tố góp phần tạo nên sự linh thiêng, một dấu ấn riêng truyền tải thần khí, cùng niềm tin của con người Hội An. Với hơn 1.100 di tích, 3 dãy phố cổ, 1.068 ngôi nhà cổ cùng với những đôi mắt cửa đã làm đô thị cổ Hội An trở thành một quần thể di tích sống.

Tuy nhiên, đáng lo ngại hiện nay là xu thế phát triển và nhịp sống hiện đại đã len vào từng góc phố, từng quan niệm của con người phố cổ. Bên cạnh những ngôi nhà được Ban QLBTDT Hội An hoặc chủ nhân giữ gìn kỹ lưỡng, thì đa số nhà cổ Hội An do tác động của thời gian đều đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp như: Cũ mục, xiêu vẹo, mái ngói dột nát, tường vôi tróc đổ từng mảng, khả năng sập đổ chỉ còn là thời gian sớm muộn.

Dẫu biết đó là di sản văn hóa quý báu cần phải giữ lại nhưng việc không thể chung sống với những ngôi nhà ẩm thấp, quá cũ, hoặc chủ nhân của những căn nhà cổ muốn phục hồi những phần đã bị hư hỏng trong nhà của mình, song vượt quá khả năng, bởi kinh phí phục chế lên đến hàng trăm triệu đồng. Vì thế, một số gia đình đã sẵn sàng phá dỡ ngôi nhà cổ không thương tiếc để làm cái nhà khác chắc chắn chống được mưa nắng, hoặc xây những ngôi nhà có kiểu dáng hiện đại, tiện nghi hơn.

Thêm vào đó, những năm gần đây, việc “chảy máu nhà cổ" do chuyện mua bán nhà cổ của giới giàu có đã trở thành trào lưu. Những chủ nhân của những căn nhà cổ cho biết: "Hằng ngày có rất nhiều đối tượng chuyên săn tìm nhà cổ đến gạ gẫm, mua với giá hàng trăm triệu đồng"... Chính vì vậy mà rất nhiều ngôi nhà cổ ở các vùng ven phố cổ Hội An đang dần mất đi.

Tồn tại nhà cổ, tức là những "Linh thần" của ngôi nhà vẫn sống. Chính những "đôi mắt cửa" linh thiêng và độc đáo này đã chứng kiến những đổi thay, thăng trầm của cuộc sống người dân phố Hội. Đôi mắt ấy như dõi theo, như nhắc nhở người Hội An, những chủ nhân của một di sản văn hóa đầy nhân văn: Hãy sống, yêu quý, lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa lâu đời của những ngôi nhà cổ đã làm nên một Hội An di sản, một Hội An cổ kính ngàn năm, sống mãi với thời gian...

Hoài Thu

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trong cả nước liên tục ghi nhận các vụ việc đua xe trái phép do nhóm thanh, thiếu niên thực hiện. Không chỉ gây nguy hiểm cho chính người tham gia, hành vi này còn là mối đe dọa trực tiếp đến an toàn giao thông, trật tự xã hội và sự bình yên của cộng đồng. 

Khoảng chiều và đêm 17/11, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 18-20 độ C, vùng núi có nơi dưới 15 độ C.

Ngày 16/11, báo cáo với đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy làm trưởng đoàn, đại diện đơn vị thi công Dự án cao tốc Hòa Liên-Túy Loan (đoạn qua địa bàn Đà Nẵng) cho biết hiện đang bố trí khoảng 30 mũi thi công để đáp ứng tiến độ; nhưng còn một số vướng mắc về mặt bằng, một số điểm người dân cản trở thi công; mưa nhiều, bụi mù, ùn tắc...

Ngày 16/11, Cục CSGT cho biết, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 (Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục CSGT) đang củng cố hồ sơ xử lý một tài xế ô tô dừng xe ở làn khẩn cấp cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết để cả gia đình ngồi ăn tối.

Đại úy Lê Thị Hồng Lụa là cô giáo ở Trường Giáo dưỡng số 2, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an. Ngoài truyền đạt kiến thức văn hóa cho học sinh, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa còn uốn nắn, dạy dỗ, giáo dục những học sinh từ lầm lì, khép kín, ngỗ nghịch đi vào nền nếp, kỷ cương, trở thành người lương thiện để khi hết thời hạn, các em về với gia đình, trở thành người có ích cho xã hội. Nhiều năm miệt mài làm người “chở đò”, với biết bao tâm huyết, công sức, những kỷ niệm về sự hướng thiện của các em học sinh ở ngôi trường “đặc biệt” vẫn luôn là động lực để Đại úy Lê Thị Hồng Lụa thêm say mê, yêu quý nghề. 

Lúc 8h ngày 16/11, tại khu vực biên giới gần cột mốc 172, thuộc ấp Bình Quới, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh), Đồn Biên phòng Phước Chỉ phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh và Công an thị xã Trảng Bàng bắt quả tang Xu Xin (SN 1997, quốc tịch Trung Quốc) nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam.

Trận lũ quét xảy ra hôm 29/10 vừa qua đã để lại những hậu quả nặng nề về người và của, nằm ngoài tiên lượng của giới chức chính trị Tây Ban Nha và nghiêm trọng hơn, nó còn khiến cho giới chức chính trị Tây Ban Nha chỉ trích và đỗ lỗi cho nhau trong cách ứng phó thiên tai.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文