Khẳng định sức sống của giải đua xe đạp Cúp Truyền hình TP Hồ Chí Minh 2020
Còn 17 chặng đua nữa nhưng ngay từ lúc này, chỉ riêng việc giải đấu được tổ chức đã mang đến uy tín nhất định không chỉ cho xe đạp Việt Nam và góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam an toàn.
Tưởng như ngắt đoạn
Theo thông lệ, cuộc đua được tổ chức vào tháng 4 hằng năm nhằm kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày kết thúc cuộc đua, cũng là gày 30/4 lịch sử sẽ diễn ra lễ trao giải hoành tráng ngay tại thành phố mang tên Bác. Nhưng cũng như nhiều giải thể thao khác tại Việt Nam và trên thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, cuộc đua đã không thể diễn ra như dự kiến.
Trước đó, nhiều đội đua đã chuẩn bị cả tháng trời cho giải đấu, bất chấp những tín hiệu kém vui về diễn biến xấu của của đại dịch COVID-19 trên khắp thế giới cũng như Việt Nam. Tuy nhiên, cuối cùng Ban tổ chức giải đành công bố lùi thời gian thi đấu của giải và không thể hẹn ngày tổ chức bởi hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến dịch tại Việt Nam.
Tay đua Nguyễn Tấn Hoài (Dược Domesco) về Nhất ở chặng 1 của giải. |
HLV Đỗ Thành Đạt của đội đua TP Hồ Chí Minh cho hay, từ khi tham dự giải đấu lần đầu cho đến nay chưa bao giờ rơi vào tình cảnh không biết giải đấu hoãn tới ngày nào. Nhưng đấy cũng là tình cảnh chung của nhiều bộ môn, đội tuyển, câu lạc bộ trước một đại dịch chưa từng có tiền lệ, làm đảo lộn mọi sinh hoạt thường nhật.
Các tay đua cũng đành ngậm ngùi và có lúc đành lấy việc đua xe đạp ảo để bù đắp cho sự hẫng hụt vì không được tham dự giải ngoài địa hình thật. Và thực tế, họ đã tính tới việc giải đấu sẽ không được tổ chức.
Tuy nhiên, những diễn biến thuận lợi trong công cuộc phòng, chống với “giặc” COVID-19 tại Việt Nam đã mang đến những tín hiệu tích cực. Việc nới lỏng giãn cách xã hội, đưa đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội… dần trở lại trạng thái bình thường đã mang đến cơ hội cho cả nhà tổ chức – Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh cũng như các đội đua. Rõ nhất là các tay đua, vì đối với họ, việc tập luyện phải song hành với thi đấu.
Thi đấu giải cũng như chuyện “cơm ăn, áo mặc” và đương nhiên có thể mang lại thu nhập cao cho các tay đua. Thế nên, không đợi thông báo chính thức từ Ban tổ chức giải, ngay khi biết rằng các giải đấu thể thao tại Việt Nam được tổ chức trở lại từ tháng 5, các đội đua đã rục rịch tập luyện trở lại ở các địa điểm quen thuộc trong đó có Đà Lạt.
Vì vậy, khi Ban tổ chức cuộc đua thông báo sẽ tổ chức giải vào tháng 5, đúng dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đội đua đều sẵn sàng. Để rồi tất cả tề tựu về thành phố Vinh (Nghệ An) từ giữa tháng 5 và đến ngày 19-5, đúng ngày sinh nhật Bác, chính thức bước vào chặng đua đầu tiên của giải.
Khó khăn cũng phải vượt qua
Rõ ràng, đại dịch COVID-19 đã mang lại những hậu quả rõ rệt với các đội đua. Đội TP Hồ Chí Minh tại giải năm nay thường gắn tên với Anh văn Hội Việt Mỹ trong những mùa giải gần đây. Nhưng đến mùa giải này, đội đành chấp nhận không có nhà tài trợ.
Đơn giản vì nhà tài trợ quen thuộc Anh văn Hội Việt Mỹ gặp những khó khăn kinh tế nên không thể đồng hành cùng đội. HLV Đỗ Thành Đạt của đội TP Hồ Chí Minh cho rằng, đó là lý do bất khả kháng và cần chia sẻ với doanh nghiệp. Cũng vì vậy mà năm nay chỉ có 1 đội đua của TP Hồ Chí Minh gắn tên với nhà tài trợ Mega Market. Đội đua còn lại mang luôn tên TP Hồ Chí Minh.
Ngay việc thuê tay đua nước ngoài để tăng sức cạnh tranh cho các đội đua cũng không thể diễn ra như dự kiến. Việc các đường bay quốc tế từ Việt Nam đến các nước khác và ngược lại chưa mở cửa cùng yêu cầu cách ly tại nước sở tại khiến các đội không thể thuê tay đua nước ngoài. Năm nay, trong 12 đội, chỉ có 2 đội thuê được VĐV nước ngoài, đều là các tay đua đang sinh sống ở Việt Nam.
Việc tổ chức trở lại giải đua trong thời gian này đã gây chú ý với cộng đồng truyền thông quốc tế. Đây là sự kiện đua xe đạp đầu tiên trở lại sau dịch COVID-19 tại châu Á, thậm chí là trên thế giới. Nhờ đó, giải đấu càng được biết đến rộng rãi hơn. Nếu trước đây, khi hằng tuần đều có các giải xe đạp quốc tế được tổ chức ở nhiều nước, thì thông tin về Cúp xe đạp Truyền hình TP Hồ Chí Minh cũng hạn chế trên các phương tiện truyền thông thế giới.
Nhưng nay thì khác, theo đại diện Ban tổ chức giải, nhiều trang thể thao uy tín thế giới về xe đạp thể thao như: Cyclingnews.com, Eurosport, Cyclingweekly.com..., và cả tờ báo thể thao nổi tiếng Marca của Tây Ban Nha cũng đã đưa tin về giải đấu.
Rõ ràng, giải đấu được tổ chức trong dịp này cũng đóng góp tích cực vào quảng bá hình ảnh của một Việt Nam đã biết cách khống chế dịch COVID-19, như một điểm đến an toàn trong tương lai. Dù vậy, chính các nhà tổ chức cũng không chủ quan khi áp dụng tối đa các biện pháp phòng dịch để cuộc đua diễn ra an toàn. Bởi chỉ có an toàn về phòng dịch đến khi về đích chặng cuối vào ngày 7/6 thì khi đó giải đấu mới có thể hoàn thành vai trò quảng bá về một “Việt Nam an toàn”, cũng như sứ mệnh của giải đấu uy tín bậc nhất Việt Nam.
200 triệu đồng cho Áo Vàng chung cuộc Tại giải năm nay, tay đua giành chiếc Áo Vàng chung cuộc - có tổng thời gian thi đấu ít nhất, sẽ nhận 200 triệu đồng. Trong khi đó, đội đua vô địch đồng đội chung cuộc sẽ được nhận 100 triệu đồng. Giải thu hút 12 đội đua, thi đấu 18 chặng với tổng lộ trình hơn 2.100km. Trong ngày thi đấu đầu tiên của giải, ngày 19/5, các tay đua thi đấu 20 vòng quanh Quảng trường Hồ Chí Minh tại thành phố Vinh với tổng chiều dài 52 km. Kết quả, tay đua Nguyễn Tấn Hoài (Dược Domesco Đồng Tháp) đã về Nhất. Ngày 205, các tay đua thi đấu chặng 2 từ Vinh (Nghệ An) đi Đồng Hới (Quảng Bình). (Minh Khuê) |