Để huyền thoại núi rừng Tây Nguyên sống mãi

14:22 28/08/2014
Những năm qua, đàn voi nhà và voi rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang ngày càng sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, Dự án bảo tồn voi mặc dù đã được phê duyệt nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức khi đi vào triển khai thực hiện. Nguy cơ voi ở Đắk Lắk sẽ bị “xóa sổ” trong tương lai gần là điều khó tránh khỏi nếu như chính quyền các cấp không vào cuộc kịp thời và quyết liệt hơn…

Báo động đỏ về số lượng voi sụt giảm

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, những năm qua, số lượng đàn voi hoang dã và cá thể voi nhà trên địa bàn tỉnh đang sụt giảm một cách nhanh chóng. Nếu như những năm 1980 có khoảng trên 550 con voi hoang dã thường xuyên xuất hiện tại khu vực rừng giáp ranh biên giới với Campuchia thuộc các huyện Buôn Đôn, Ea Súp và Ea H’leo thì hiện nay chỉ còn xuất hiện khoảng 5 đàn với số lượng 60-70 cá thể. Chỉ từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, lực lượng kiểm lâm và người dân cũng phát hiện 17 cá thể voi rừng bị chết. Nguyên nhân chủ yếu là do môi trường sống của voi hoang dã đang bị thu hẹp dần, chia cắt, voi thiếu thức ăn, bị dịch bệnh, cộng với nạn săn bắn của con người để lấy ngà, lông đuôi, da…

Đối với đàn voi nhà cũng không tránh khỏi thực trạng đáng buồn: Năm 1980, trên địa bàn tỉnh có 502 con, năm 2000 chỉ còn 96 con và đến nay còn lại 49 con. Riêng từ đầu năm 2014 đến nay đã có 3 cá thể voi nhà bị chết là voi Y Chum (62 tuổi) của ông Đàng Năng Long (ở Khu du lịch Hồ Lắk, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk), voi Y Dor (42 tuổi) của gia đình ông Y Lanh Niê và voi H’Ya Li (62 tuổi) của gia đình Y Bich Byă (cùng ở buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn). Như vậy, chỉ trong vòng 34 năm qua, số lượng voi nhà đã sụt giảm trên 90%. Nguyên nhân được xác định là do tuổi voi cao, bị khai thác sức phục vụ du lịch quá mức, thiếu thức ăn, kỹ thuật chăm sóc và trình độ nuôi dưỡng lạc hậu (voi chỉ được chăm sóc theo kinh nghiệm truyền thống của các chủ voi). Theo dự báo, với tốc độ voi chết nhiều như những năm qua mà công tác bảo tồn còn chưa phát huy hiệu quả thì khoảng 15-20 năm nữa, đàn voi trên địa bàn tỉnh sẽ không tránh khỏi nguy cơ bị “xóa sổ”.

Có dịp đến tham quan Khu du lịch Buôn Đôn và Khu du lịch Hồ Lắk, chứng kiến hình ảnh những chú voi ở đây phải làm việc từ 4-6 tiếng/ngày mà không khỏi xót xa. Mỗi tour vượt sông Sêrêpôk hay dạo Vườn Quốc gia Yok Đôn, voi thường phải “cõng” trên mình từ 2 đến 3 du khách. Vào dịp lễ, Tết, voi còn phải lao động vất vả hơn, chở hết lượt khách này đến lượt khác mà không được nghỉ ngơi. Chưa kể chỗ ăn ở, chăm sóc voi lại quá tồi tệ, hôi hám, sức khỏe của voi bị giảm sút nghiêm trọng…

Voi nhà đang bị khai thác làm du lịch quá sức.

Phần lớn thời gian sinh sống của voi đều được chủ thả trong rừng cùng với quần thể voi nhà khác để tự kiếm ăn, khi nào có việc cần đến voi giúp sức như chở lúa, bắp, hay kéo một vài khúc gỗ về dựng nhà… thì chủ mới gọi voi về. Hiện nay, những chủ voi trên địa bàn xã Krông Na đều liên kết tham gia làm du lịch tại Khu du lịch sinh thái Buôn Đôn. Giá mỗi tour cưỡi voi, khách phải trả 400.000- 600.000 đồng/1 tiếng đồng hồ, khoản tiền này sẽ chia đều 50-50 cho đơn vị thuê và chủ voi. Do lợi nhuận trước mắt khá cao nên các chủ voi và đơn vị thuê voi vẫn cứ mặc sức khai thác sức voi vô tội vạ để làm du lịch mỗi khi du khách có nhu cầu mà xem nhẹ sức khỏe và sự tồn vong của voi”.

Khó khăn trong công tác bảo tồn

Ngày 12/11/2013, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra Quyết định số 2362/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án khẩn cấp Bảo tồn voi đến năm 2020. Mục tiêu của Dự án nhằm quản lý bền vững quần thể voi hoang dã, phát triển đàn voi nhà, giảm thiểu khả năng xung đột giữa voi và người; đồng thời bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa, tuyên truyền giáo dục về bảo vệ môi trường sinh thái. Theo dự án, đàn voi hoang dã và voi nhà sẽ được theo dõi, chăm sóc sinh sản tại 2 trạm Bảo tồn voi đặt ở 2 huyện Ea Súp và Lắk. Không gian bảo tồn voi nhà sẽ được quy hoạch trên diện tích rộng khoảng gần 350 ha đất rừng (150 ha ở huyện Lắk và 200 ha ở Buôn Đôn) để tạo sinh cảnh sống tự nhiên, làm nơi chăn thả voi, ươm trồng các loại cây voi thích ăn và xây dựng bệnh viện chăm sóc voi. Tổng kinh phí dự án gần 84,7 tỷ đồng, trong đó có trên 66,7 tỷ đồng vốn từ Trung ương, số còn lại được trích từ ngân sách tỉnh và vốn hợp tác quốc tế.

Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết, công tác bảo tồn voi hiện đang đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức. Trong khi thực trạng số lượng đàn voi nhà và voi rừng đang suy giảm một cách chóng mặt, môi trường sinh sản cho voi khó khăn, không gian sinh tồn đang ngày càng bị thu hẹp… thì Dự án khẩn cấp bảo tồn voi Đắk Lắk lại đang vướng nhiều bất cập, chưa thể áp dụng vào thực tiễn.  Cụ thể, đến nay UBND tỉnh vẫn chưa phê duyệt diện tích đất rừng làm vùng sinh cảnh tự nhiên phục vụ cho công tác bảo tồn voi; nguồn vốn của Trung ương chưa cấp về theo đúng kế hoạch, còn kinh phí của tỉnh cũng mới chỉ đủ trả lương cho cán bộ... Điều này đồng nghĩa với việc khu chăn thả voi, vườn thức ăn, cũng như bệnh viện chăm sóc voi vẫn còn… nằm trên giấy!

Cũng theo ông Luân, việc bảo tồn và phát triển đàn voi nhà hiện nay không còn cách nào khác là thông qua con đường sinh sản. Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã có Quyết định số 13/2014/QĐ-UBND ngày 28/5/2014 Ban hành Quy định về trình tự, thủ tục thực hiện chính sách về bảo tồn voi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, khi voi cái tham gia quá trình sinh sản thì sẽ được hỗ trợ khoảng 650 triệu đồng/con/chu kỳ sinh sản (từ 20-22 tháng). Ngoài ra, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, môi trường sinh sống của voi sinh sản luôn được tạo điều kiện thích hợp… Qua khảo sát cho thấy, trong số 49 voi nhà còn lại thì có 43 voi đang còn trong độ tuổi và có khả năng sinh sản (19 con đực và 24 con cái).

Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì trong vòng 20 năm trở lại đây tỷ lệ sinh sản của voi nhà rất thấp, gần như bằng 0. Nguyên nhân là do môi trường cho việc giao phối giữa voi đực và voi cái bị hạn chế bởi các chủ voi quản lý voi độc lập, ít thả voi cùng nhau mà chỉ tập trung chủ yếu cho khai thác du lịch. Theo ông Luân, muốn voi nhà sinh sản được thì cần có không gian để voi động dục, nhưng hiện nay Trung tâm vẫn chưa có quỹ đất để tạo môi trường sinh cảnh cho voi sinh sống tập trung.

Đã bao đời nay, voi trở thành một huyền thoại của núi rừng Tây Nguyên nói chung và là “đặc sản” của du lịch Đắk Lắk nói riêng. Vì vậy việc bảo tồn voi không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn một loài động vật quý hiếm, mà còn lưu giữ một phần bản sắc văn hóa độc đáo của người Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, góp phần duy trì sự phát triển ổn định của ngành du lịch địa phương mà trong đó một phần quan trọng dựa vào voi. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa để bảo vệ voi, đừng để mai này voi chỉ còn là những câu chuyện… truyền thuyết ở Tây Nguyên

Văn Thành - Lê Thành

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Nam Định triệt xóa thành công nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân, dữ liệu người dùng trên địa bàn toàn quốc và các quốc gia trên thế giới, bắt giữ 22 đối tượng.

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 6/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan này đang phối hợp UBND, Công an huyện Ninh Hải và Đồn biên phòng Vĩnh Hải tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc nữ du khách đến từ Hà Nội bị hành hung tại bãi Kinh ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文