Đề tài lịch sử trong điện ảnh - phim truyền hình

21:37 15/11/2012
"Để nâng cao chất lượng phim lịch sử, quan trọng nhất là nhà biên kịch, đạo diễn thể hiện được tinh thần lịch sử, hồn cốt của dân tộc, chứ không ghi chép lại lịch sử."
>> Sự thật lịch sử và quyền được hư cấu

TS. Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh: Phải thể hiện được tinh thần lịch sử 

Để nâng cao chất lượng phim lịch sử, quan trọng nhất là nhà biên kịch, đạo diễn thể hiện được tinh thần lịch sử, hồn cốt của dân tộc, chứ không ghi chép lại lịch sử. Vì nghệ thuật là nơi sáng tạo, hư cấu, thông qua lịch sử để gửi một thông điệp hữu ích tới người xem hôm nay. Tuy nhiên, không thể vay mượn hình hài lịch sử của dân tộc khác để chuyển tải câu chuyện lịch sử của dân tộc mình. Đặc biệt là tư duy của người phán xét: các nhà sử học, báo chí không nên bắt bẻ từng chi tiết, câu nệ từng diễn biến lịch sử, vì tác phẩm nghệ thuật không phải là nơi ghi chép sử. Cần có sự nghiên cứu nghiêm túc chất liệu lịch sử, để chất liệu lịch sử là nền móng cho các nhà làm phim sáng tạo.

Nhưng tài năng của nhà làm phim vẫn là yếu tố quyết định, vì nếu đã có tất cả các điều kiện làm phim mà vẫn thiếu tài năng của nhà làm phim, chắc chắn sẽ chỉ có những bộ phim lịch sử gọi là có, chứ không có phim hay. Nếu chưa làm được những bộ phim lịch sử hoành tráng, thì có thể khắc họa nét đặc sắc, hoặc đi sâu một góc độ nào đó về những danh nhân lớn cho phù hợp với bàn tay của đạo diễn thì vẫn có thể có một tác phẩm hay, có tính khái quát những giá trị nhân văn, có sức thuyết phục và lay động người xem.

Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn: Hư cấu phải dựa trên sự thật lịch sử

Xin ông chia sẻ “bí quyết” thành công của bộ phim “Long thành cầm giả ca” được khán giả yêu mến?

“Long thành cầm giả ca” là bài thơ chữ Hán của đại thi hào Nguyễn Du. Để tỏ thái độ tôn trọng thi hào và trung thực với lịch sử, chúng tôi để nguyên tên “Long thành cầm giả ca” và dịch nghĩa phía dưới. Nhân vật là trung tâm của phim truyện, là chất liệu cơ bản để xây dựng hình tượng nghệ thuật. Đặc biệt là trong phim lịch sử, phải tìm hiểu, nắm bắt nhân vật một cách cụ thể, chi tiết, tỉ mỉ. Phải nắm được cốt cách nhân vật, hành động và cuộc sống thực của họ và những biến cố xảy ra. Từ những khát vọng cho đến bi kịch của họ.

Những nhân vật lịch sử luôn được sinh ra trong những bối cảnh lịch sử cụ thể. Một tác phẩm lịch sử bằng ngôn ngữ văn tự chuyển sang ngôn ngữ hình ảnh, buộc phải tuân thủ những đặc điểm cơ bản của một tác phẩm điện ảnh về thời gian, cấu trúc, phải có mâu thuẫn, va chạm. Phải tìm hiểu, cảm được suy nghĩ của ông.

Nhưng không có nghĩa là chân thực như lịch sử?

Phải có xung đột và hàng loạt yêu cầu khác, nên không thể không hư cấu. Vấn đề là hư cấu cái gì? Chúng tôi cho rằng, không được phép hư cấu các sự kiện lịch sử, các chi tiết thật, tình tiết thật hoặc ngày, tháng, năm của lịch sử. Không được vo tròn hay bóp méo mà phải tôn trọng sự thật của nhân vật. Phần hư cấu được chính là các tình tiết nhỏ, và hư cấu để lý giải cho các sự kiện thật và nhân vật thật, nhưng đòi hỏi phải luôn cẩn trọng, có bản lĩnh để trả lại những giá trị thật của lịch sử. Vì thế, chúng tôi phải tìm kiếm, tìm tòi các tư liệu, chứng cứ lịch sử, các chi tiết, sự kiện có thật của nhân vật hoặc xung quanh các nhân vật. 

Theo ông, cần làm gì để phát triển phim lịch sử?

Cần có sự nhìn nhận và đánh giá khách quan hơn giữa lịch sử và điện ảnh. Điện ảnh phim truyện là phải hư cấu. Có điều, hư cấu phải dựa trên sự thật lịch sử, phông nền của lịch sử. Cách phản biện, đánh giá phim lịch sử thường khe khắt, săm soi. Các hãng phim không mặn mà với phim lịch sử vì tiền đầu tư nhiều, khó bán phim, khó hòa vốn. Hơn nữa, họ chịu quá nhiều sức ép của dư luận xã hội. Đặc biệt là khả năng làm phim lịch sử của chính đội ngũ làm phim.

Xin cảm ơn ông!

Nhà văn Hà Phạm Phú, nguyên Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn: Nhà văn cần “giải mã” để tiếp cận lịch sử

Làm thế nào để có thể có những bộ phim truyện lịch sử tốt? Câu hỏi này đã mở đầu cuộc trò chuyện của chúng tôi với nhà văn Hà Phạm Phú (NV HPP), nguyên Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn-nơi đã sản xuất thành công 2 bộ phim về Bác Hồ: “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” và “Vượt qua bến Thượng Hải”:

NV HPP: Tôi ủng hộ quan niệm lịch sử hóa điện ảnh, với việc lịch sử được tái hiện trên bề mặt các sự kiện và soi rọi ở nhiều góc nhìn. Những vùng sự thật bị các sử quan hữu ý, hay vô tình che khuất, những “vùng cấm kị”, những bí ẩn và xung đột của lịch sử được phân tích, để rồi được ngưng tụ ở chiều sâu số phận con người, cho người xem nhiều thông tin mới, cách nhìn nhận và bài học mới. Bằng cách khám phá và lý giải, nhà văn và đạo diễn vượt qua các sử quan, giải mã lịch sử, cố gắng tiếp cận sự thật lịch sử.

Bên cạnh đó còn khuynh hướng mượn đề tài lịch sử để chuyển tải một thông điệp: Chỉ với một vài “điểm tựa” mong manh vào lịch sử, nhà văn và đạo diễn tưởng tượng, sáng tạo một thế giới nghệ thuật riêng, làm sống lại lịch sử, qua đó truyền bá một tư tưởng, gửi gắm một nỗi niềm, tôn vinh một quan niệm… Lịch sử có rất nhiều sự thật bị che giấu, nhào nặn. Chỉ những nhà văn, những nghệ sĩ chân chính, mới cảm thông được, nên tác phẩm của họ sử hơn sách sử của những nhà viết sử.

Theo ông, điều gì quyết định thành công cho những bộ phim truyện lịch sử?

NV HPP: Phim truyện lịch sử trước hết phải tạo được nhân vật để người xem nhớ. Muốn vậy, nhân vật phải có chiều sâu, có số phận, có cá tính. Dù sáng tác phim truyện lịch sử theo khuynh hướng nào, muốn thành công, trước hết phải bảo đảm sao cho phim đạt được các yếu tố sau: Truyện phim phải phù hợp với sự kiện lịch sử. Chẳng hạn nơi ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hồng Kông không thể đưa về Thượng Hải và nội dung phim phải phản ánh đúng tinh thần lịch sử; nhân vật lịch sử phải là những nhân vật trung tâm của sự kiện lịch sử. Ngoài nhân vật lịch sử, cũng có thể có nhân vật hoàn toàn hư cấu, hoặc kết hợp cả hai; phải có cách khám phá, lí giải lịch sử một cách mới mẻ, sắc sảo.

Muốn thế, đòi hỏi nhà văn phải có hiểu biết về lịch sử, về văn hóa xã hội, về tư tưởng, về triết học… như những chuyên gia, để chắp đôi cánh sáng tạo nghệ thuật. Lịch sử trong tác phẩm điện ảnh là lịch sử đã được nhào nặn, thiết kế, tổ chức lại. Một lịch sử khác những chính sử, dã sử mà người đọc, người xem đã từng biết. Người xem sẽ khám phá lịch sử theo cách của riêng họ. Như vậy, với một nhà biên kịch, nhà đạo diễn điện ảnh, bằng quyền năng của mình, có thể phán xét lịch sử, phản biện sử học, giúp nhận thức thêm, nhận thức lại lịch sử. Nhưng chỉ những nghệ sĩ chân chính, tài năng mới có thể có được quyền năng ấy.

Cảm ơn ông!

Thanh Hằng (thực hiện)

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Sáng ngày 8/5, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự phát biểu chỉ đạo. Tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có bài phát biểu tham luận với chủ đề "Ứng dụng dữ liệu dân cư hỗ trợ phát triển dịch vụ và đảm bảo an ninh an toàn trong chuyển đổi số ngân hàng"...

Thanh tra Bộ Giáo dục- Đào tạo vừa có kết luận thanh tra việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam đối với Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam (gọi tắt Công ty IDP) có trụ sở đặt tại số 161-161A, đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Tàu cá mang số hiệu QB 92198 TS của ngư dân Quảng Bình đang đánh bắt trên vùng biển gần đảo Cồn Cỏ thì bất ngờ bốc cháy dữ dội. Trên tàu có 7 ngư dân may mắn đã được cứu nạn an toàn.

Không chỉ sử dụng chữ ký “khô” (dấu chữ ký) của GS Trần Phương – Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng nhà trường để điều hành các hoạt động, HUBT hiện cũng chưa hoàn thành việc chuyển đổi mô hình từ trường đại học dân lập sang mô hình đại học tư thục theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cũng chưa thành lập được Hội đồng trường (HĐT) theo quy định. Điều đó dẫn tới việc HUBT nhiều năm nay rơi vào tình trạng khủng hoảng công tác quản trị, nội bộ mất đoàn kết; các vụ tố cáo, khiếu nại kéo dài.

70 năm về trước, phát huy truyền thống của quê hương Xôviết anh hùng, bằng ý chí, quyết tâm, quân và dân xứ Nghệ đã cùng dốc sức đồng lòng, góp máu xương làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Những người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều đã cao tuổi, song ký ức về năm tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, về chiến tranh khốc liệt mà hào hùng và cảm xúc hân hoan trong ngày vui chiến thắng vẫn còn nhớ như in...

Tờ Telegraph (Anh) dẫn thông báo của AstraZeneca ngày 8/5 cho biết, hãng sẽ thu hồi toàn bộ vaccine COVID-19 trên toàn thế giới. Telegraph cũng cho hay, đơn xin rút giấy phép kinh doanh vaccine COVID-19 tại khu vực Liên minh châu Âu (EU) đã được AstraZeneca nộp hôm 5/3.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文